Tăng Trưởng, Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Và Chất Lượng Tăng Trưởng ...
Có thể bạn quan tâm
1. Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
a) Về tăng trưởng kinh tế
Giai đoạn 2001-2005: GRDP Đà Nẵng tăng bình quân 11,18%/năm, riêng năm 2005 đạt 12,62%. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn của nền kinh tế năm 2005 theo giá hiện hành đạt gần 740 triệu USD, tăng gần 4 lần so với năm 1995. GRDP bình quân đầu người khoảng 15 triệu đồng (tương đương 950 USD), cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước (640 USD).
Thành phố Đà Nẵng sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành một thành phố trực thuộc trung ương (năm 1997), thành phố đã đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, phát triển kinh tế ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực. Những thành công trong việc đô thị hóa là cơ sở để Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 1 (Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg ngày 15/7/2003). Đồng thời đây cũng là cơ sở để Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với mục tiêu: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”.
Giai đoạn 2006 - 2010: kinh tế Đà Nẵng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Tăng trưởng GRDP bình quân cả giai đoạn đạt 11,14%/năm. Mặc dù bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (từ cuối năm 2008), nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng vẫn duy trì và ổn định. Tổng vốn FDI thực hiện đạt hơn 2.282 triệu USD. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt gần 700 triệu USD, gấp gần 5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. GRDP năm 2010 tính theo giá hiện hành đạt hơn 1.375 triệu USD gấp hơn 4 lần so với năm 2000. Trong mối tương quan khu vực và chung trong cả nước, năm 2006, thành phố Đà Nẵng xếp vị thứ 51 trên cả nước về dân số, xếp vị thứ 26 về tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010), xếp vị thứ 7 về thu nhập bình quân đầu người.
Giai đoạn 2011-2015: Năm 2011, mặc dù sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu còn rất chậm, song mức tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng vẫn đạt 11,74%/năm, tuy thấp hơn kế hoạch Nghị quyết HĐND (13,5%-14,5%), nhưng vẫn được đánh giá cao hơn bình quân các tỉnh trong khu vực cũng như trong nhóm các thành phố lớn. Qua đó Đà Nẵng xếp vị thứ 42 trên cả nước về dân số, xếp thứ 4 về GRDP bình quân đầu người và xếp thứ 5 về thu nhập bình quân đầu người, sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và Quảng Ninh.
Giai đoạn 2011-2015, GRDP tăng bình quân 8,23%/năm. Mức tăng trưởng tuy thấp hơn mức tăng 11,14%/năm của giai đoạn 2006-2010, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn thì đây là mức tăng trưởng hợp lý. Nền kinh tế thành phố đã được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố tích cực nhờ các chính sách kinh tế vĩ mô: Chính phủ tiếp tục những cam kết đổi mới với chủ trương đẩy mạnh xây dựng “nhà nước kiến tạo, liêm chính và hành động”; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Nhờ các yếu tố này, mặc dù còn những hạn chế và rủi ro tiềm ẩn, nhưng kinh tế thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng sau giai đoạn 2011-2015.
Giai đoạn 2016-2020: bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, với mục tiêu nhiệm vụ Đảng đã đề ra, với những thuận lợi như: triển khai Kết luận số 75-KL/TW (năm 2013) của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (năm 2003) của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng; thành phố được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đà Nẵng được chọn tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, góp phần quảng bá, khẳng định thương hiệu Đà Nẵng ở tầm cao mới v.v.. Kinh tế thành phố duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế của giai đoạn trước vẫn đang còn tồn tại thì không ít khó khăn thách thức mới lại phát sinh thêm. Tình hình thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; sản xuất công nghiệp có dấu hiệu trì trệ, một số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo buộc phải ngừng hoạt động do tác động đến môi trường; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn hiện hữu... Những khó khăn, thách thức này càng làm trầm trọng thêm những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế Đà Nẵng, gây ảnh hưởng lớn đến việc triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị; thành phố đã chủ động giải quyết những vấn đề có tính cơ bản, bền vững; tham mưu Trung ương ban hành cơ chế thuận lợi để tạo động lực tăng trưởng mới; cùng với sự đồng thuận, nhất trí của toàn dân nên trong khó khăn, kinh tế Đà Nẵng vẫn tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng liên tục trong cả giai đoạn; thu hút đầu tư nước ngoài và giải ngân vốn FDI đạt kết quả ấn tượng; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Năm 2016, khởi đầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tương đối thuận lợi, tốc độ tăng trưởng khá ở mức 8,56%, cao nhất trong các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa) và trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng chỉ xếp sau Hải Phòng (tăng 11,2%). Tuy nhiên những năm tiếp theo, xu hướng tăng trưởng của Đà Nẵng dần chậm lại và thiếu ổn định. Năm 2020, do tác động nặng nề của dịch COVID-19, GRDP của Đà Nẵng năm 2020 giảm 8,2% so với năm 2019. Kinh tế cả giai đoạn 2016-2020 đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, bởi tăng trưởng kinh tế của những năm 2016-2019 thấp nên không đủ mạnh để kéo cả giai đoạn hoàn thành mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ đạt 4,32%/năm, thấp nhất trong tất cả các giai đoạn 5 năm kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Quy mô nền kinh tế của thành phố năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt mốc 103,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 4.355,5 triệu USD, thu hẹp hơn 404 triệu USD so với năm 2019, và cao gấp 9,4 lần so với năm 2001 (tính theo USD). GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019 đạt 97,4 triệu đồng (4.171 USD), gấp 1,3 lần năm 2016 và đạt chỉ tiêu đề ra (NQ: 4.000-4.500 USD), sang năm 2020 giảm còn 88,3 triệu đồng (3.757 USD).
b) Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Cơ cấu khu vực kinh tế: Cơ cấu các khu vực kinh tế giữa các giai đoạn có sự chuyển dịch dần theo xu hướng tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm đa số trong GRDP.
Giai đoạn 2001-2005: tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP dao động từ 44,2% đến 48,5%; công nghiệp, xây dựng: 31,8% - 37,0%; nông, lâm nghiệp, thủy sản: 3,0% - 5,2% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 15% trong GRDP cả giai đoạn. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhẹ giữa các năm nhưng không đáng kể. Tỷ trọng đóng góp vào mức tăng trưởng GRDP chung của 3 khu vực kinh tế bình quân cả giai đoạn như sau: dịch vụ 64,0%; công nghiệp - xây dựng 34,6% và nông nghiệp 1,4%. Trong giai đoạn này, mặc dù tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp và xây dựng thấp hơn khu vực dịch vụ, nhưng đây được xem là bệ đỡ vững chắc, là nền tảng cho sự phát triển của toàn nền kinh tế thành phố, với mức tăng trưởng bình quân của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 15,41%/năm; khu vực dịch vụ đạt 8,98%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,06%/năm.
Giai đoạn 2006-2010: cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” phù hợp với mục tiêu Nghị quyết 33-NQ/TW[1], tỷ trọng dịch vụ tăng từ 48,8% năm 2006 lên 65,1% năm 2010; công nghiệp - xây dựng giảm từ 35,8% xuống 21,6%; nông, lâm nghiệp, thủy sản dao động ở mức 2,4% đến 2,8% và có sự thay đổi nhẹ về cơ cấu giữa các năm.
Trong giai đoạn này, khu vực dịch vụ tăng trưởng cao, với mức tăng bình quân của cả giai đoạn đạt 14,9%/năm, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng bứt phá. Tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung của khu vực dịch vụ lên đến 80,4%, trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8%/năm, đóng góp 20,0% vào mức tăng chung và khu vực nông nghiệp có mức tăng trưởng âm (-1,2%/năm) nên đã không thể đóng góp cho tăng trưởng chung toàn thành phố.
Giai đoạn 2011-2015: cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhẹ giữa 3 khu vực, dao động về cơ cấu kinh tế giữa các năm không lớn và tiếp tục theo xu hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Bình quân cả giai đoạn, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ chiếm 62,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,4%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,4% và thuế sản phẩm trư trợ cấp sản phẩm chiếm 10,4%.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này tốc độ tăng bình quân của khu vực dịch vụ bắt đầu chậm lại ở mức 7,5%/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định ở mức 10,7%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức 2,0%/năm. Tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung của 3 khu vực lần lượt: dịch vụ 66,9%; công nghiệp và xây dựng 32,4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,7%.
Giai đoạn 2016-2020: cơ cấu các khu vực kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch nhẹ và luôn theo xu hướng tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm đa số (gần 2/3 GRDP). Năm 2016, tỷ trọng các khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong GRDP tương ứng 2,1%; 23,0%; 64,1% và 10,8%. Cơ cấu này đã có sự thay đổi giữa các năm nhưng không đáng kể. Đến năm 2020, tỷ trọng của các khu vực này lần lượt là: 2,2%; 21,1%; 66,5% và 10,2%.
Sự chuyển dịch cơ cấu giữa các khu vực theo đúng định hướng phát triển của thành phố. Tuy nhiên, xét về kết quả tăng trưởng cho thấy, tăng trưởng bình quân mỗi năm của giai đoạn 2016-2020 giảm 3,91 điểm phần trăm so với giai đoạn 2011-2015. Có thể nói, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn trong phát triển kinh tế của thành phố đối với cả hai lĩnh vực kinh tế được cho là trụ cột chính: công nghiệp và dịch vụ.
Trong giai đoạn này, tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân đạt 5,5%/năm, với tỷ trọng đóng góp 88,2% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ đạt mức tăng 1,8%/năm, tỷ trọng đóng góp 10,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,1%, tỷ trọng đóng góp 1,5%.
- Cơ cấu theo thành phần kinh tế: Cơ cấu các thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực kinh tế ngoài nhà nước và giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, các loại hình doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thành phố.
Giai đoạn 2001-2005: giá trị tăng thêm khu vực kinh tế nhà nước chiếm khoảng 49,7% trong cơ cấu GRDP, với tốc độ tăng bình quân 8,66%, tỷ trọng đóng góp vào mức tăng GRDP bình quân chung của giai đoạn đạt 45,8%, thấp hơn tỷ trọng đóng góp của giai đoạn 1997-2000, tuy nhiên kinh tế nhà nước đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm 27,3% trong cơ cấu GRDP, thấp hơn nhiều so với khu vực nhà nước nhưng với mức tăng bứt phá 14,36%/năm bình quân cả giai đoạn, tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung lên đến 48,6%. Giai đoạn này thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) còn hạn chế, giá trị tăng thêm chỉ chiếm khoảng 8,0% trong cơ cấu GRDP vì vậy mức đóng góp cho tăng trưởng chưa nhiều.
Giai đoạn 2006-2010: với sự phát triển mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân và kinh tế cá thể, tỷ trọng kinh tế nhà nước trong cơ cấu GRDP tiếp tục giảm còn khoảng 32,8%; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 48,8%; khu vực FDI chiếm 7,3% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 11,1%. Tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung của 3 thành phần kinh tế cũng có sự thay đổi đáng kể.
Tính đến 31/12/2010, số lượng doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trên địa bàn chỉ còn 76 doanh nghiệp với 38,2 nghìn lao động[2], giảm 34 doanh nghiệp và giảm gần 26 nghìn lao động so với năm 2005[3]. Tỷ trọng kinh tế nhà nước ngày càng thu hẹp nên tốc độ tăng bình quân giai đoạn này đạt thấp 2,55%/năm và tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung chỉ đạt 10,1%, thấp hơn rất nhiều so với mức đóng góp 45,8% của giai đoạn trước.
Với mức tăng bình quân 19,9%/năm, thành phần kinh tế ngoài nhà nước đóng góp đến 82,1% vào mức tăng bình quân chung của cả giai đoạn, tiềm lực phát triển của khu vực ngoài quốc doanh ngày càng được mở rộng. Tính đến thời điểm 31/12/2010, có 7.004 doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động, thu hút 213,7 nghìn lao động, nhiều hơn gấp 3 lần so với năm 2005 về số doanh nghiệp và tăng gần 91 nghìn lao động so với cùng thời điểm năm 2005[4]. Bên cạnh đó kinh tế cá thể cũng đóng góp một vai trò khá quan trọng, tính đến năm 2010, có gần 56,3 nghìn cơ sở kinh tế cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản đang hoạt động, với hơn 86 nghìn lao động làm việc.
Thành phần kinh tế FDI cũng đã có những khởi sắc trong giai đoạn này, thời điểm 31/12/2010, có 68 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn, thu hút hơn 35 nghìn lao động, tăng 37 doanh nghiệp và tăng gần 16 nghìn lao động so với năm 2005[5]. Với mức tăng bình quân 13,8%/năm, tỷ trọng đóng góp vào mức tăng GRDP bình quân chung của khu vực FDI trong giai đoạn này 7,8%, cao hơn mức đóng góp 5,6% của thời kỳ 2001-2005.
Giai đoạn 2011-2015: kinh tế tư nhân ngày càng được mở rộng. Cùng với đó chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế đã tiếp tục thu hẹp tỷ trọng kinh tế nhà nước trong GRDP từ 31,9% năm 2010 xuống còn 25,3% trong năm 2015. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước được nâng lên, quy mô sản xuất cũng được mở rộng hơn giai đoạn trước. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm nhưng số lao động làm việc trong khu vực này tăng gần 14,7 nghìn lao động. Tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung của khu vực kinh tế nhà nước là 18,1%, cao hơn tỷ trọng 10,1% của giai đoạn trước.
Trong giai đoạn này, thành phần kinh tế ngoài nhà nước có xu hướng phát triển theo chiều rộng, tỷ trọng kinh tế ngoài nhà nước trong cơ cấu GRDP tăng từ 51,5% năm 2010 lên gần 54,8% năm 2015. Mặc dù số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng mạnh nhưng hiệu quả kinh tế mạng lại đạt thấp hơn giai đoạn trước, thể hiện qua mức tăng VA bình quân gần 8,9%/năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 19,9%/năm của giai đoạn 2006-2010, tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung đạt 64,0%, thấp hơn mức đóng góp 82,0% của giai đoạn trước. Cuối năm 2015, có 11.259 doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động, thu hút 190,7 nghìn lao động, tăng 60,8% về số doanh nghiệp và tăng 35,9% về số lao động so với năm 2010; có hơn 71 nghìn cơ sở kinh tế cá thể với 101,2 nghìn lao động, tăng 26,2% về số cơ sở và tăng 17,7% về số lao động so với năm 2010.
Kinh tế FDI phát triển mạnh trong giai đoạn này cả về quy mô cũng như hiệu quả kinh tế, bình quân chiếm 8,4% trong cơ cấu GRDP cả giai đoạn. Với mức tăng VA bình quân 17,5%/năm, tỷ trọng đóng góp vào mức tăng quần quân chung của khu vực FDI đạt 17,9%. Có 233 dự án FDI được cấp phép trong giai đoạn này, cao hơn giai đoạn trước 119 dự án; 186 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2015, thu hút hơn 46 nghìn lao động, gấp 2,7 lần số doanh nghiệp và gấp 1,3 lần số lao động so với năm 2010.
Giai đoạn 2016-2020: cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng kinh tế nhà nước ngày càng thu hẹp, kinh tế ngoài nhà nước và FDI tiếp tục mở rộng. Cơ cấu kinh tế chung cả giai đoạn phân theo thành phần kinh tế và thuế như sau: nhà nước 23,9%; ngoài nhà nước 55,4%; kinh tế FDI 9,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản xuất 11,0%. Tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của cả giai đoạn cũng có những thay đổi đáng kể so với các giai đoạn trước.
Với mức tăng 1,99%/năm bình quân giai đoạn 2016-2020, kinh tế nhà nước đóng góp 12,7% trong mức tăng GRDP bình quân cùng giai đoạn; kinh tế FDI tăng 5,72%/năm, đóng góp 13,7% vào mức tăng chung; kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo với mức đóng góp lên đến 73,6%. Sự chuyển chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế một lần nữa khẳng định kinh tế tư nhân và kinh tế FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố.
2. Về chất lượng tăng trưởng kinh tế
- Giai đoạn 2011-2015: bình quân tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng GRDP của Đà Nẵng là 16,33%, kém xa mức đóng góp 32,84% bình quân chung của cả nước, trong khi đó đóng góp của tăng tài sản cố định là 62,24% và mức đóng góp của tăng lao động là 21,43%.
Đối với thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn 2011-2015, yếu tố đáng nhắc hơn cả TFP chính là cơ cấu kinh tế bất hợp lý, một nền kinh tế có tỷ lệ vốn đầu tư quá cao, bình quân 2011-2015, tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP (VĐT/GRDP) là 45,31%; chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) bình quân ở mức 6,97, cao hơn hệ số 6,25 bình quân cả nước trong cùng giai đoạn. Nguyên nhân là trong giai đoạn này vốn đầu tư đã tập trung cho một số lĩnh vực ít mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả mang lại chậm (tập trung nhiều vào các ngành mang tính đầu cơ như kinh doanh bất động sản, hay đầu tư xây dựng nhà ở của các hộ dân cư…).
- Giai đoạn 2016-2020: Bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020, tăng TFP đóng góp vào tăng GRDP là 44,18%, cao hơn tỷ phần đóng góp của giai đoạn 2011-2015 (16,33%) nhưng vẫn thấp hơn mức đóng góp 45,72% bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, nếu so sánh với các thành phố lớn trực thuộc Trung ương như TP. HCM, tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng cao hơn. Cụ thể là trong giai đoạn 2016-2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng đạt 44,18%/năm trong khi đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế TPHCM chỉ đạt bình quân 38,42%/năm[6]. Tỷ phần đóng góp vào tốc độ tăng GRDP bình quân năm giai đoạn 2016-2020 của tăng TSCĐ là 63,48% và tăng lao động là -7,66%.
Giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn lại dẫn đầu trong 3 yếu tố. Tuy nhiên, tỷ lệ VĐT/GRDP đã giảm đáng kể, từ 45,31% của giai đoạn 2011-2015 xuống còn 37,96% trong giai đoạn 2016-2020; hệ số ICOR đạt 6,07, thấp hơn so với hệ số 6,97 bình quân giai đoạn 2011-2015 và thấp hơn hệ số 6,13 bình quân cả nước trong cùng giai đoạn.
+ Nếu loại trừ đi sự biến động bất thường của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính bình quân 4 năm giai đoạn 2016-2019 tăng TFP đóng góp vào tăng GRDP là 48,1%. So với mức đóng góp của tăng tài sản cố định và tăng lao động thì giai đoạn này tăng TFP đóng góp vào tăng GRDP đứng vị trí cao nhất, tiếp đến là mức đóng góp của tăng TSCĐ (38,76%) và cuối cùng là mức đóng góp của tăng lao động (13,15%).
- Giai đoạn 2011-2020: Bình quân chung cả thời kỳ 2011-2020, đóng góp của tăng TFP vào tăng GRDP của Đà Nẵng đạt 26,37%, thấp hơn mức đóng góp của tăng TSCĐ (61,87%) và cao hơn mức đóng góp của tăng lao động (11,77%). Nếu tính cho thời kỳ 2011-2019, bình quân năm chung cả thời kỳ đóng góp của tăng TFP vào tăng GRDP của Đà Nẵng là 30,43%, thấp hơn mức đóng góp của tăng TSCĐ (51,53%) và cao hơn mức đóng góp của tăng lao động (18,03%).
NSLĐ của Đà Nẵng có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng dần qua các năm và luôn cao hơn mức NSLĐ chung của cả nước, với tốc độ tăng NSLĐ luôn đạt giá trị dương. Mặc dù so với các thành phố lớn trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, NSLĐ của Đà Nẵng còn khá khiêm tốn; nhưng Đà Nẵng luôn dẫn đầu và vượt khá xa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời, kinh tế thành phố trong nhiều năm qua vận hành theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR dù được cải thiện nhưng vẫn còn cao.
Đánh giá về vai trò của TFP cũng như vốn TSCĐ và NSLĐ vào tăng trưởng GRDP Đà Nẵng trong thời gian qua cho thấy tỷ trọng đóng góp của TFP giai đoạn 2011-2020 đạt bình quân 26,37% (đặc biệt cao nhất vào năm 2018 với 62,65%), thấp hơn mức đóng góp của tăng TSCĐ (61,87%) và cao hơn mức đóng góp của tăng lao động (11,27%). Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đang dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn.
Phòng Tổng hợp và Hợp tác quốc tế
[1] Nghị quyết 33: “Có kế hoạch và bước đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nay đến năm 2010 theo hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, sau năm 2010 chuyển sang cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó chú trọng phát triển công nghiệp có công nghệ cao, dịch vụ có chất lượng cao, xây dựng trung tâm công nghệ cao; khai thác tiềm năng kinh tế biển; phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; quan tâm đến đổi mới công nghệ, tiếp cận với công nghệ hiện đại”.
[2] Trong đó có 60 doanh nghiệp Trung ương và 16 doanh nghiệp địa phương.
[3] Thời điểm 31/12/2015 có 110 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động với 64.192 lao động làm việc.
[4] Thời điểm 31/12/2005 có 2.327 doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động với 13.974 lao động làm việc.
[5] Thời điểm 31/12/2015 có 31 doanh nghiệp FDI đang hoạt động với 19.348 lao động làm việc.
[6] Nguồn: Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Từ khóa » Chỉ Số Grdp
-
GRDP Là Gì? Cách Tính Tổng Sản Phẩm Trên địa Bàn GRDP
-
Phân Biệt GRDP BQ đầu Người Với Thu Nhập BQ đầu Người
-
Chỉ Số GRDP Là Gì? Thông Tin Cơ Bản Về GRDP Các Nhà Kinh Tế Phải ...
-
Khái Niệm Và Phương Pháp Tính Các Chỉ Tiêu GRDP, GRDP Bình ...
-
Chỉ Số GRDP: Tổng Cục Thống Kê Hỗ Trợ Tỉnh Phú Yên Phân Tích, Tính ...
-
Tăng Trưởng Năm 2021 Của 5 Thành Phố Trực Thuộc Trung ương
-
[DOC] Bước 2: Tính Toán Các Chỉ Tiêu Phục Vụ Biên Soạn GDP, GRDP
-
Quy Trình Biên Soạn Số Liệu GDP, GRDP - Consosukien
-
Vì Sao Phải Bổ Sung Quy Trình Biên Soạn GDP, GRDP?
-
Một Số Chỉ Tiêu Chủ Yếu - UBND Tỉnh Cà Mau
-
[DOC] Hướng Dẫn Tính Toán Chỉ Tiêu Giá Trị Sản Xuất (go) Chi Phí Trung Gian ...
-
Kinh Tế Thành Phố đang Dần Khôi Phục Và Thoát Khỏi Mức Tăng ...