Tăng Trưởng Doanh Thu Bảo Hiểm Nhân Thọ Có Thể đạt 15% Trong 5 ...

Theo báo cáo về triển vọng của ngành bảo hiểm vừa công bố, Công ty Chứng khoán ACBS hạ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh số bảo hiểm nhân thọ trong 5 năm tới từ mức 20%/năm xuống 15%/năm.

Trong khi đó, Fitch Solutions dự báo tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trung bình 12%/năm trong giai đoạn 2022-2025.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước bất chấp tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 49.549 tỷ đồng, tăng trưởng 18,5 %.

Việc đẩy mạnh số hóa và tăng cường liên kết với các ngân hàng giúp doanh số bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 4 tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 51.782 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Phí bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng năm 2022 giảm 8,2%, đạt 15.026 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Bảo hiểm nhân thọ chiếm tỷ trọng lớn trong ngành bảo hiểm Việt Nam, chiếm 73% tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021.

Chỉ có 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ trong năm 2021, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Malaysia (~50%), Singapore (~80%), và Mỹ (~90%). Mức độ thâm nhập của mảng bảo hiểm nhân thọ khá thấp - chỉ chiếm khoảng 2% tổng GDP năm 2020 - so với Thái Lan (3,1%), Singapore (9,8%), Đài Loan (13,7%), và Hong Kong (19,7%). Mặc dù thị trường Việt Nam chưa thể so sánh với Singapore và các thị trường Đông Bắc Á, nhưng những con số này hàm ý rằng vẫn có cơ hội tăng trưởng đầy tiềm năng cho ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, tổng doanh thu phí năm 2021 ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng trưởng 3,98% so với năm trước, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,63% của năm 2020. 4 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.254 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này dự kiến sẽ còn tiếp tục duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những ưu đãi về chính sách.

ACBS kỳ vọng doanh số bảo hiểm phu nhân thọ sẽ có tốc độ tăng trưởng ở mức 1 chữ số mỗi năm trong 5 năm tới.

Theo IAV, có 4 công ty nội địa thống lĩnh thị phần mảng bảo hiểm phi nhân thọ. Bảo hiểm Bảo Việt là công ty có thị phần doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất với 16%, theo sau đó là Bảo hiểm PVI (14%), Bảo hiểm PTI (10%), Bảo hiểm Bảo Minh (8%), và MIC (7%).

Xét về tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt và Manulife đồng hạng nhất với 19% thị phần. Theo sau đó là Prudential (18%), Dai-ichi Life (12%) và AIA (10%).

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi như tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, thu nhập người dân ngày càng tăng cao khiến nhu cầu bảo hiểm tăng, ngành bảo hiểm cũng sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của chính phủ giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đầu tiên, chính phủ đặt mục tiêu 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2021 chỉ đạt 11%). Thứ hai, tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025 (so với năm 2020 chỉ đạt 2,7% và năm 2021 đạt khoảng 3,3%).

Từ khóa » Mức Tăng Trưởng Doanh Thu