Tăng Trưởng GDP Năm 2021 ước đạt 2,58%

Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2021. Theo đó, GDP năm 2021 dù thấp nhưng vẫn tăng trưởng dương bất chấp dịch bệnh hoành hành.

Quang cảnh họp báo tại điểm cầu Tổng cục Thống kê (Hà Nội ).(Ảnh: HNV)

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,8%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương (giữa) cùng lãnh đạo các đơn vị trả lời báo chí (Ảnh: HNV)

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020.

Ngoài ra, có tới 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 trên phạm vi toàn quốc đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Hoạt động xuất nhập khẩu từng dấy lên nhiều nỗi lo khi hàng loạt địa phương giãn cách nghiêm ngặt, doanh nghiệp đình đốn sản xuất, đơn hàng giảm, tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực có sự khởi sắc.

Các điểm cầu trực tuyến từ các chi cục thống kê các tỉnh, thành. (Ảnh: HNV)

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.

Đáng chú ý, sau khi rơi vào trạng thái nhập siêu trong suốt nhiều tháng của năm 2021 thì đến cuối năm con số này đã đảo chiều. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD).

Phân tích thêm về khó khăn của ngành dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ Nguyễn Việt Phong thông tin, giai đoạn 2016-2019 là giai đoạn trước khi chịu tác động bởi dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn đạt mức tăng trưởng trên 10%. Tuy nhiên năm 2020 chỉ đạt 0,73%; năm 2021 đạt tăng trưởng âm là 3,76%. Chịu tác động nặng nề nhất trong năm 2021 là du lịch lữ hành với mức tăng trưởng âm 59,9% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 157,3 nghìn lượt khách, bằng 4,1% so với cùng kỳ; thứ hai là dịch vụ lưu trú ăn uống đạt tăng trưởng âm với mức 19,3%; thứ ba là doanh thu dịch vụ khác với mức giảm 16,8%; thứ tư là doanh thu bán lẻ hàng hóa với mức tăng chỉ là 0,15%. Cũng cần lưu ý rằng đây là năm thứ hai liên tiếp các nhóm ngành dịch vụ có mức tăng trưởng thấp.

Đánh giá triển vọng của ngành dịch vụ trong năm 2022, ông Nguyễn Việt Phong cho rằng, dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, các địa phương đều thực hiện khoanh vùng nhỏ nhất, xử lý triệt để các ổ dịch, đồng thời tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam cũng đã đạt ở mức cao, do vậy hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ chắc chắn sẽ có mức tăng trưởng khá so với năm 2021. Thêm vào đó, từ 01/01/2022, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại và mở thêm, khách quốc tế có cơ hội đến Việt Nam và người Việt Nam có thể đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như lưu trú, ăn uống, bán buôn, bán lẻ... Đồng thời với việc mở rộng các hình thức vận chuyển (đường bộ và đường sắt), kết nối với thương mại quốc tế sẽ linh động hơn đối với cả hàng hóa và hành khách, ngành vận tải của Việt Nam cũng sẽ có kỳ vọng tăng trưởng cao trở lại. Dự kiến, trong năm 2022 sẽ có thuốc điều trị COVID-19, đây chính là động lực lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam để phục hồi trở lại sau đại dịch./.

Từ khóa » Chỉ Số Gdp Năm 2021