Tạo Chiều Sâu Cho Bố Cục Hồ Cubic 30

Với hồ có bề rộng hạn chế sẽ rất khó để tạo được chiều sâu cho bố cục, tuy nhiên có những chi tiết nhỏ mà nếu khéo sắp đặt bạn vẫn có thể đạt được những gì mình mong muốn. Trong bài viết này bouaqua giới thiệu tới các bạn một hồ cubic 30 (30x30x30cm) với bố cục có chiều sâu rất ấn tượng, hãy xem tác giả đã làm những gì?

Đây là một tác phẩm của thành viên có nick AHJAK, diễn đàn UKAPS.org. Lựa chọn bố cục núi và con đường (hoặc con suối, tùy bạn), bằng những chi tiết đắt giá, tác giả đã thể hiện được chiều sâu của bố cục, khiến hồ nhìn như lớn hơn chỉ với vỏn vẹn 27L nước.

xếp đá hồ cubic 30
Xếp đá sơ bộ

Ở bước xếp đá sơ bộ ban đầu, các bạn hơi khó hình dung được bố cục sẽ ra sao nhưng điểm đáng chú ý ở đây là viên đá nhọn phía bên phải bố cục, đó là một đỉnh núi ở phía xa – điểm nhấn cao độ của hồ. Tại sao không phải là viên đá cao nhất bên phải? Đơn giản vì nó không được ấn tượng, đỉnh núi bị chia làm 2 không phải là đối tượng tìm kiếm của mắt người xem khi soi sét một dãy núi. Khi nhìn sự vật từ gần tới xa, mắt người có xu hướng tìm kiếm những chi tiết nhỏ và có dáng dấp của núi, những chi tiết gần, rõ nét hơn lại thường bị bỏ qua. Bên cạnh đó thì viên đá nhỏ ở chính giữa, phía sau bố cục lại là điểm nhấn về khoảng cách – điểm xa xôi nhất của bố cục.

trồng cây hồ cubic 30
Hồ 67 ngày tuổi

Sau khi hồ được 67 ngày tuổi, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của con đường đã được tác giả bồi đắp bằng những nét đầu tiên. Phần đá nhỏ ở mép đường, phía trước bố cục dường như đang đóng vai trò ngăn đất nền xâm nhập vào cát mà thôi, vậy nên nó đã nhanh chóng được chỉnh sửa sau đó. Sự lựa chọn cây trồng với các sắc độ xanh khác nhau cũng cho thấy sự phong phú của thiên nhiên, nếu chỉ có màu xanh của một hoặc hai loại cây trồng trải dài, bức tranh thiên nhiên của chúng ta sẽ mất đi sự hấp dẫn vốn có.

hồ cubic 30 chơi rêu
Hồ đã sẵn sàng cho một đợt cắt tỉa

Hồ đang trong giai đoạn cây trồng phát triển sung mãn, rêu lửa rất phù hợp để thể hiện những rặng cây ở hậu cảnh. Màu trắng của đá ban đầu cũng đã được phủ lên một lớp đen thời gian giúp đá đạt được nét “rêu phong” cần thiết. Rêu x-mas mini ở trung cảnh bên trái thể hiện cây bụi, thảm trân châu Cu Ba thể hiện đồng cỏ thấp với sự điểm xuyết của vài thân cây bằng US Fiss giúp chia địa hình thành những “bậc thang” thể hiện cao độ tăng dần, đi kèm với đó là các chi tiết cũng xa dần, mờ nhạt dần – một quy tắc vàng của việc tạo chiều sâu bố cục.

hồ cubic 30 bố cục đá có chiều sâu
Tác phẩm đã hoàn thiện

Với tấm hình cuối tác giả sẽ tham gia nhiều cuộc thi bố cục thủy sinh. Ở giai đoạn này, con đường đã được hình thành rất rõ. Để tạo được một con đường có chiều sâu thì điểm kết thúc của con đường phía xa phải được giấu đi, có thể là khuất sau rặng cây hay dãy núi, chi tiết này tạo được hiệu ứng “mất hút” nơi người xem. Toàn bộ con đường cũng không được phơi bày rõ ràng trước mắt người xem, cần có những chi tiết bị che phủ một phần bởi cây trồng (ở đây là một cụm rêu lửa). Ngoài ra thì con đường cần có những đoạn gấp khúc cần thiết, nó sẽ tạo ra sự khúc khuỷu, ngoằn ngoèo. Hiệu ứng gương ở hai vách kính giúp hồ có cảm giác rộng hơn thực tế, tuy nhiên vách trái sẽ ấn tượng hơn nếu rêu phát triển đủ mạnh ở sát kính. Đỉnh núi ở phía xa nhất vẫn được duy trì một cách đúng đắn, chiều sâu của bố cục sẽ bị giảm bớt đi rất nhiều nếu thiếu chi tiết đắt giá này.

Với những chi tiết tham khảo này, chắc chắn việc tạo chiều sâu cho bố cục sẽ không còn quá khó khăn nữa, hãy tin vào cảm nhận của mắt mình, áp dụng thêm những quy tắc và bạn sẽ thành công.

Nguồn: http://www.ukaps.org/…

4.3/5 - (3 bình chọn)

Từ khóa » Hồ Cubic 30 đẹp