Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Tưng Bừng Khí Thế Mở Máy Khai Xuân ...

Tập đoàn Dệt May Việt Nam chăm lo chu đáo Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho người lao động Dành 50% kinh phí và nhân lực để thanh tra đột xuất các vụ liên quan tài nguyên, môi trường Nhiều hoạt động có ý nghĩa

Đại diện cho ngành Sợi “khai máy” đầu năm, lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) cho biết, sáng 4/2, toàn bộ 2 Nhà máy Sợi của đơn vị tại Khu Công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) đã hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Tưng bừng không khí của mừng Đảng, mừng Xuân, 100% cán bộ, nhân viên và người lao động trong hệ thống của Hanosimex cũng đã quay trở lại làm việc tại các chi nhánh Hà Nam và Nghệ An.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Tưng bừng khí thế mở máy khai xuân Nhâm Dần
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam khảo sát Nhà máy Dệt kim và Nhà máy Nhuộm hoàn tất tại Dệt kim Đông Xuân ngày đầu ra quân sản xuất kinh doanh.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex Lê Tiến Trường đã gửi những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới cán bộ nhân viên và người lao động của Hanosimex. Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn đặt ra những kỳ vọng mới trong năm 2022 cho ngành Sợi của Hanosimex trong mục tiêu chung của Vinatex hướng tới 2025. Theo đó, để trở thành một trong những đơn vị cung cấp Sợi mạnh đưa vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn, Hanosimex cần đẩy mạnh hơn nữa về năng suất, cải tiến các thiết bị cũ, đồng thời xây dựng chất lượng sợi tốt có khả năng cạnh tranh.

Đáp từ những ý kiến chỉ đạo đầu Xuân mới của Chủ tịch Lê Tiến Trường, ông Hồ Lê Hùng - Tổng Giám đốc Hanosimex cho biết, Hanosimex đặt mục tiêu “nắm bắt” tốt nhất thời cơ của 4 tháng đầu năm 2022 để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh của ngành Sợi năm 2022. Với những dự báo năm 2022 ngành Sợi sẽ có những biến động, nhất là trong nửa cuối năm 2022, thì việc nắm bắt tốt cơ hội là điều mà Hanosimex cần nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu Tập đoàn giao. Đồng thời, Hanosimex cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện ngành May để tăng hiệu suất lao động, tiến tới mở rộng quy mô ngành May tại khu vực Nghệ An.

Là một trong những đơn vị có ngành Dệt - Nhuộm hoàn tất đầy đủ trong hệ thống của Vinatex, Dệt kim Đông Xuân cũng đón một năm mới với khí thế mới. Tin vui với Dệt kim Đông Xuân sau nhiều năm sản xuất và hợp tác cùng với đối tác Nhật Bản, đơn vị đã được đánh giá và nhận được các hợp đồng sản xuất vải cho đối tác lớn.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Tưng bừng khí thế mở máy khai xuân Nhâm Dần
Người lao động Tập đoàn Dệt May Việt Nam hăng hái sản xuất kinh doanh từ những ngày đầu năm mới

Chủ tịch Lê Tiến Trường đánh giá cao những nỗ lực của Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên của Dệt kim Đông Xuân ngay trong những ngày giáp Tết đã kịp hoàn thành hệ thống nhà máy Dệt kim mới tại Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối. Tuy nhiên, với những đòi hỏi mới khi các đơn hàng lên tới hàng nghìn tấn vải mỗi tháng thì Dệt kim Đông Xuân cần phải chuẩn bị tốt về nhân sự, bố trí công nhân đầy đủ khi hệ thống máy nhuộm và xử lý hoàn tất mới sắp được lắp đặt. Đồng thời, đối với hệ thống máy nhuộm sấy vải cũ không còn đáp ứng được với các mặt hàng hiện tại, cần tiến hành cải tiến, nâng cấp để phù hợp với mục tiêu hoạt động của công ty.

Thay mặt cán bộ nhân viên và người lao động của công ty, ông Nguyễn Đăng Lợi - Tổng Giám đốc Dệt Kim Đông Xuân cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn đối với đơn vị, đồng thời cam kết với lãnh đạo Tập đoàn sẽ đưa Dệt kim Đông Xuân là một trong những đơn vị sản xuất vải dệt kim mạnh của Tập đoàn tại khu vực miền Bắc, từng bước đưa vải của Vinatex nói chung và Dệt kim Đông Xuân nói riêng sang ngành May, phục vụ các đơn hàng FOB trong năm 2022, hướng tới mục tiêu năm 2025.

Công ty Cổ phần Tiên Hưng là một trong những đơn vị có ngành May hàng đầu của Tổng Công ty May Hưng Yên. Báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của công ty, ông Phạm Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Tiên Hưng cho biết, năm 2021 được coi là một năm thành công của đơn vị, với doanh thu đạt hơn 30 triệu USD. Với đặc thù nằm tại tỉnh Hưng Yên, một trong những tỉnh có có sản xuất công nghiệp lớn của khu vực miền Bắc, nhiều đơn vị khó khăn trong việc tuyển lao động, nhưng năm 2021 Tiên Hưng vẫn tuyển được hơn 1.000 lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 12,5 triệu đồng/người/tháng.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Tưng bừng khí thế mở máy khai xuân Nhâm Dần
Sự quan tâm động viên kịp thời của lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam là nguồn động viên người lao động thêm phấn khởi, ấm lòng.

Đánh giá cao những thành quả của Tiên Hưng, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho biết, Tiên Hưng là một trong những đơn vị đầu tiên ngành May của Tập đoàn qua trở lại sản xuất vào ngày mùng 4 Tết. Chia sẻ về những lợi thế khi liên kết giữa các đơn vị để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, ông Lê Tiến Trường cho biết, nếu như Sợi đưa được sang sản xuất vải, vải được may thành phẩm thì giá trị gia tăng sẽ tăng lên được 90%, do đó với những đơn vị như May Hưng Yên, Tiên Hưng sẽ là một trong những “mắt xích” cuối cùng của chuỗi. Năm 2022 và những năm tiếp theo, Tiên Hưng cần nỗ lực nhiều hơn để thu nhập người lao động gấp đôi bình quân GDP của địa phương, đảm bảo cho người lao động có thu nhập tốt, tiếp tục là doanh nghiệp hàng đầu vì người lao động.

Phấn khởi, vui mừng trong ngày đầu quay trở lại sản xuất, chị Nguyễn Thị Thúy - công nhân Tổ kiểm tra, Nhà máy Nhuộm hoàn tất, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dệt kim Đông Xuân cho biết được gặp lại đồng nghiệp, được trở lại sản xuất là điều chị mong muốn nhất trong thời gian nghỉ Tết. “Người lao động chúng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát để hoạt động sản xuất của công ty không bị gián đoạn. Với tình hình đơn hàng nhiều hơn, sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, mong rằng Ban lãnh đạo đơn vị sẽ quan tâm nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động trong năm 2022. Sự quan tâm thăm hỏi, chúc Tết ngay tại thời điểm chúng tôi bắt nhịp lại với công việc của lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị là nguồn khích lệ to lớn để chúng tôi không ngừng thi đua lao động giỏi, sản xuất tốt” - chị Thúy bộc bạch.

Từ khóa » Hệ Thống Dệt Kim đông Xuân