Tập Làm Văn Lớp 3: Kể Về Một Ngày Hội ở Quê Em (Dàn ý + 64 Mẫu ...

Download.vn muốn giới thiệu Tập làm văn lớp 3: Kể về một ngày hội ở quê em, hướng dẫn cách kể về một ngày hội.

Tài liệu sẽ bao gồm 2 dàn ý và 77 bài văn mẫu mà chúng tôi sẽ giới thiệu đến các em học sinh lớp 3. Hãy cùng theo dõi nội dung chi tiết ngay sau đây.

Kể về một ngày hội ở quê em

  • Dàn ý kể về một ngày hội ở quê em
  • Kể về lễ hội ở quê em - Ok Om Bok
  • Kể về lễ hội ở quê em - Trung thu (5 mẫu)
  • Kể về lễ hội ở quê em - Đua thuyền (5 mẫu)
  • Kể về lễ hội ở quê em - Đấu vật (4 mẫu)
  • Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội Cổ Loa (4 mẫu)
  • Kể về lễ hội ở quê em - Hội Lim (3 mẫu)
  • Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội thổi cơm (3 mẫu)
  • Kể về lễ hội ở quê em - Hội Gò Đống Đa
  • Kể về lễ hội ở quê em - Chọi trâu
  • Kể về lễ hội ở quê em - Đánh đu
  • Kể về lễ hội ở quê em - Chọi gà
  • Kể về lễ hội ở quê em - Đu quay
  • Kể về lễ hội ở quê em - Hội làng
  • Kể về lễ hội ở quê em - Mừng lúa mới
  • Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội đền Hùng
  • Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội chùa Hương
  • Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội thả diều
  • Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội đền Gióng
  • Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội đền Bia
  • Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội đền Voi Phục

Dàn ý kể về một ngày hội ở quê em

Dàn ý kể về một ngày hội ở quê em

Kể về lễ hội ở quê em - Ok Om Bok

Lễ hội Ok Om Bok là một lễ hội độc đáo của người Khmer ở Nam Bộ. Họ coi Mặt Trăng là vị thần điều tiết mùa màng, vì vậy đã cứ vào giữa tháng 10 âm lịch hằng năm sẽ tổ chức lễ cúng Mặt Trăng. Khi Mặt Trăng lên cao, mọi người sẽ tập trung lại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Sau đó, họ quây quần cùng thụ lộc, các em nhỏ thì múa hát, vui chơi cho đến đêm…

Kể về lễ hội ở quê em - Trung thu

Kể về lễ hội trung thu - Mẫu 1

Kể về lễ hội ở quê em

Kể về lễ hội trung thu - Mẫu 2

Tối qua khu phố của em đã tổ chức chương trình đón Tết Trung thu. Khoảng bảy giờ tối, rất nhiều người đã tập trung ở nhà văn hóa. Đến tám giờ, chương trình mới bắt đầu. Đầu tiên, một màn múa lân sôi động được biểu diễn. Sau đó, một số tiết mục văn nghệ được trình bày. Em thích nhất là bài hát “Rước đèn tháng Tám”. Sau đó, chị Hằng và chú Quậy xuất hiện. Hai anh chị đặt ra nhiều câu hỏi. Ai trả lời đúng sẽ nhận được quà. Kết thúc chương trình, chúng em được thưởng thức hoa quả, bánh kẹo. Em cảm thấy thật là vui vẻ và hạnh phúc.

Kể về lễ hội trung thu - Mẫu 3

Hôm nay là ngày 15 tháng 8, Tết Trung Thu. Khi vừa nghe tiếng trống dồn dập, em vội xách đèn lồng ra nhập vào đoàn quân tí hon tiến về bãi cỏ rộng đầu xóm rồi quây thành vòng tròn quanh bãi. Sau lời tuyên bố của chị phụ trách, chúng em xếp thành hàng dài đi vòng quanh xóm, đi đầu là hai con rồng. Đàn rước đèn đèn đi đến đâu, tiếng trống vang lên đến đó, làm cả xóm náo nhiệt lên như ngày hội lớn. Đi được một vòng, chúng em quay lại bãi cỏ để chuẩn bị phá cỗ. Tiết mục phá cỗ cũng không kém phần vui vẻ như khi rước đèn. Chúng em vừa ăn bánh kẹo, hoa quả, vừa tiến hành văn nghệ. Khi ông trăng đã lên cao, chúng em mới ra về. Ngày hội đó đã để lại cho em nhiều kỉ niệm khó quên.

Kể về lễ hội trung thu - Mẫu 4

Trong những ngày Tết cổ truyền của đất nước mình, em thích nhất là Tết Trung thu. Dịp Tết này diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Tối hôm đó, em cố gắng ăn cơm thật nhanh. Khoảng tám giờ, trẻ em trong làng bắt đầu với lễ hội Trung Thu của mình. Tất cả tụ họp lại khoảng sân rộng rãi ở nhà văn hóa xem tiết mục múa lân do các anh chị thanh thiếu niên biểu diễn. Tôi cùng các bạn trong xóm cũng rủ nhau đến tham gia. Dưới ánh trăng sáng, những con lân với màu sắc rực rỡ múa lượn từng vòng theo nhịp trống đánh dồn dập. Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân… lấp lánh trong ánh trăng vàng. Sau đó là sự xuất hiện của chị Hằng và chú Cuội với những màn đối đáp hài hước. Tôi bất giác nhìn lên ánh trăng, nhớ đến câu chuyện cổ tích kể về chú cuội trên cung trăng. Và tự hỏi rằng, liệu trên cung trăng có chị Hằng và chú Cuội thật không? Cuối cùng là tiết mục phá cỗ được trẻ em chúng tôi chờ đợi nhất. Nào là bánh trung thu, mâm ngũ quả… trông thật hấp dẫn. Kết thúc buổi tiệc phá cỗ cũng là lúc phải ra về. Chúng tôi vừa đi trên con đường làng, vừa trò chuyện vui vẻ. Ánh trăng dường như cũng đang đi theo. Cả nhóm nhìn lên và cảm thấy đầy ngạc nhiên thích thú. Trung Thu là Tết của thiếu nhi. Vào những ngày nay, trẻ em đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Kể về lễ hội trung thu - Mẫu 5

Em rất thích ngày Tết trung thu. Đây là dịp Tết diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Khung cảnh làng quê của em lúc này thật đẹp. Bầu trời đêm đen thẫm lại như được khoác lên mình một tấm vải nhung. Những ngôi sao nhỏ bé, tỏa sáng lấp lánh giống như đang tô điểm cho chiếc áo khổng lồ. Ngoài đường, trong nhà đều đã sáng đèn. Chỉ một lúc sau là trăng đã lên cao. Trăng tròn như cái đĩa, đang treo lơ lửng trên bầu trời. Ánh trăng vào đêm rằm có màu vàng ấm áp và cũng sáng hơn. Hơn bảy giờ tối, đường phố đã rộn ràng tiếng cười nói của trẻ con trong làng. Bạn nào cũng có những món đồ chơi của ngày tết trung thu như đèn ông sao, mặt nạ… Chương trình đón Tết trung thu được tổ chức ở nhà văn hóa của thôn. Sau các tiết mục văn nghệ là phần chia bánh kẹo. Chúng em đứa nào cũng háo hức nhận quà từ chị Hằng và chú Quậy. Cuối cùng là phần múa lân vô cùng hấp dẫn. Tối hôm đó trở về, em cùng với bố mẹ ngồi ngoài sân vừa ngắm trăng, vừa phá cỗ. Ngày Tết Trung thu thật là tuyệt vời biết bao.

Kể về lễ hội ở quê em - Đua thuyền

Kể về lễ hội đua thuyền - Mẫu 1

Hằng năm, lễ hội đua thuyền lại được tổ chức ở quê của em. Từ sáng sớm, rất nhiều người đã đến cổ vũ cho đội đua thuyền của mình. Khi trọng tài thổi còi, những chiếc thuyền bắt đầu chạy về phía trước. Các thuyền viên đều mặc trang phục truyền thống có màu sắc riêng của từng đội. Gần về đến đích, đội màu xanh dương tăng tốc và vươn lên xếp nhất. Về nhì là đội màu hồng, còn thứ ba là đội màu trắng. Lễ hội đua thuyền rất có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân quê hương.

Kể về lễ hội đua thuyền - Mẫu 2

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 16 tháng Giêng là quê em lại tổ chức hội đua thuyền. Dòng sông uốn lượn như một dải lụa đào. Hai bên sông những chùm bóng bay, băng rôn, khẩu hiệu được trang hoàng rực rỡ. Mở đầu là phần tế lễ ở đình làng. Các bô lão dâng hương và lễ vật để tế Thành Hoàng làng. Nghi lễ diễn ra trang trọng trong khói hương nghi ngút. Tiếp theo là hội đua thuyền. Trên sông là hàng chục chiếc thuyền đua nhau nằm chờ ở điểm xuất phát. Mỗi thuyền có mười chàng trai khỏe mạnh sẵn sàng trong tư thế chèo thuyền. Họ mặc những bộ đồng phục thật đẹp với màu sắc của mỗi đội khác nhau. Những cánh tay lực lưỡng, vững chãi cầm chắc mái chèo. Khi tiếng còi báo hiệu cuộc đua bắt đầu, những con thuyền lao nhanh vun vút về phía đích. Hai bên bờ sông người đứng chen nhau cổ vũ cho hội đua. Tiếng hò reo xen lẫn tiếng trống, tiếng chiêng tiếng vỗ tay vang động cả một khúc sông. Những chiếc thuyền về đích trước tiên đều được khán giả tặng hoa chúc mừng. Em mong năm nào cũng được về quê chơi để lại được chứng kiến lễ hội đua thuyền truyền thống ở quê hương em.

Kể về lễ hội đua thuyền - Mẫu 3

Mỗi năm cứ đến ngày rằm tháng giêng, quê em đều có tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Hương. Trên sông, là hàng loạt chiếc thuyền đang thi nhau lao đi vun vút. Mọi người trên thuyền đang nỗ lực tay chèo tay chống đưa thuyền về đích. Xa xa, hai chiếc thuyền nhỏ đang vượt lên dẫn đầu. Tiếng trống, tiếng reo hò vang lên của các cổ động viên bên bờ sông thật là nhộn nhịp. Chùm bong bóng đầy đủ sắc màu rực rỡ vang lên như tiếng reo vui, mừng chiến thắng …. Em rất thích và hy vọng có dịp được xem lại buổi lễ hội đua thuyền tưng bừng và náo nhiệt ấy.

Kể về lễ hội đua thuyền - Mẫu 4

Lễ hội đua thuyền là một lễ hội đặc trưng mang hồn cốt dân tộc Việt Nam. Em đã có lần được xem lễ hội đua thuyền vô cùng đặc sắc. Lễ hội được tổ chức trong khuôn viên có một chiếc hồ lớn phù hợp để diễn ra. Những chiếc thuyền rồng bằng gỗ được điêu khắc tinh xảo và sơn màu rực rỡ. Có chiếc màu vàng, có chiếc màu đỏ, có chiếc lại màu xanh, tùy vào sở thích của mỗi đội. Những người điều khiển thuyền cũng mặc những bộ quần áo đặc trưng và vô cùng rực rỡ. Khi người phất cờ báo tín hiệu các đội bắt đầu cuộc đua. Thì những cánh tay khỏe mạnh bắt đầu gồng lên để chèo lái chiếc thuyền về phía trước. Thoăn thoắt, những chiếc thuyền lao lên phía trước. Cuộc đua diễn ra vô cùng gay cấn vì các đội vô cùng ngang sức ngang tài. Nhưng cuối cùng cũng có đội nhỉnh hơn và dành chiến thắng. Sau đó, tất cả đều nở nụ cười vì đây chỉ là cuộc chơi và họ đã cố gắng hết mình. Đua thuyền là cần tinh thần đồng đội cao, nỗ lực của tất cả mọi người. Lễ hội đua thuyền không chỉ mang tính giải trí mà nó còn mang giá trị nhân văn và dạy dỗ sâu sắc cho mỗi chúng ta.

Kể về lễ hội đua thuyền - Mẫu 5

Mỗi năm khi mùa xuân đến, quê em lại tổ chức lễ hội đua thuyền. Cả một khúc sông Cà Ty như vào mùa hội.

Không khí của buổi lễ thật náo nức bởi mọi người đã trông chờ từ lâu. Mới sáng tinh mơ, người dân địa phương cùng du khách đã đổ ra hai bên bờ sông. Tiếng trống ếch vang dội khắp nơi. Từng đoàn thuyền đua nhau vào vạch xuất phát. Giữa lòng sông là một chùm bong bóng bay phất phới kèm theo dải lụa đỏ mang dòng chữ “Chúc mừng chiến thắng”. Trên thuyền, các tay đua đã sẵn sàng nắm chặt tay chèo.

Hiệu lệnh vừa nổi lên, các tay đua khom mình gò lưng đẩy mái chèo theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Mỗi thuyền mười tay đua, ai nấy đều to khỏe, cánh tay rắn chắc. Trên gương mặt mỗi người mồ hôi ướt đẫm nhễ nhại nhưng ai cũng phấn khởi và thể hiện quyết tâm cao độ của mình.

Những con thuyền băng băng rẽ nước trên sông. Hai bên bờ sông, tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt cùng tiếng chiêng trống rền vang cả một khoảng trời. Không khí của lễ hội đua thuyền khiến cảnh ngày xuân thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Kể về lễ hội ở quê em - Đấu vật

Kể về lễ hội đấu vật - Mẫu 1

Đấu vật vốn là một trò vui rất phổ biến trong các lễ hội đầu xuân ở quê tôi. Sân đấu vật thường là những bãi đất rộng, bằng phẳng, có thể là sân đình làng. Trên đó người ta trải một tấm bạt lớn có vẽ hai vòng tròn đồng tâm, một to một nhỏ để làm ranh giới thi đấu. Người tham gia đấu vật thường là những người đàn ông trai tráng to lớn, có sức vóc đến từ các làng xã, khác nhau. Vào ngày diễn ra hội thi cả làng đông vui lắm, già trẻ lớn bé, ai cũng gác lại hết công việc dắt nhau ra đình làng xem vật, quây kín cả sân đấu. Các đô vật cởi trần, chỉ mặc mỗi một chiếc quần đùi ngắn, có màu sắc khác nhau để phân biệt. Khi trọng tài ra hiệu bắt đầu trận vật, hai đô vật cơ bắp lực lưỡng lập tức lao vào, ra sức vật ngã đối phương trong tiếng hò hét cổ vũ của người xem. Trên sân lúc này, hai đô vật không ai nhường ai. Người nào người nấy, mắt long sòng sọc, hàm nghiến chặt, mồ hôi đổ như suối, tay nắm lấy thắt lưng đối phương giằng co trên sân. Sau mười lăm phút thi đấu, cuối cùng cũng nghe thấy tiếng còi của trọng tài, một đô vật đã xuất sắc quật ngã đối phương để tiến vào vòng tiếp theo. Người đi xem hét vang trời, không khí rộn ràng với tiếng trống, tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo, ôi, vui thật là vui. Buổi đấu vật còn diễn ra cho tới hết buổi chiều mới kết thúc, trận nào cũng vô cùng gay cấn và hấp dẫn. Em hy vọng rằng, vào những mùa xuân sau nữa hội thi đấu vật vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức, vì đã thể hiện được tinh thần thượng võ của dân tộc ta.

Kể về lễ hội đấu vật - Mẫu 2

Vào dịp Tết năm ngoái, làng em có tổ chức hội làng. Ở đó diễn ra rất nhiều cuộc thi, trò chơi thú vị... Nhưng em cảm thấy ấn tượng nhất với cuộc thi đấu vật . Một trận đấu vật gồm có hai vận động viên. Trông họ người nào người nấy đều rất khỏe mạnh, lực lưỡng. Em có may mắn được xem trận chung kết của cuộc thi. Khi ban tổ chức thông báo bắt đầu cuộc thi, cả hai bước vào sân cúi chào khán giả. Trọng tài thổi còi và phất cờ ra hiệu trận đấu bắt đầu. Hai đô vật dùng đôi tay chắc khỏe của mình ra múa khởi động. Đôi chân không ngừng giậm nhảy, lùi trước lùi sau để thăm dò đối thủ. Tiếng trống cùng với tiếng hò reo của khán giả vang lên khiến cho không khí trở nên thật sôi động. Hai đô vật đã tiến sát lại gần nhau, hai tay giữ vào vai đối thủ. Thân hình của họ trông thật dũng mãnh. Còn gương mặt thì đã nhễ nhại mồ hôi. Thoắt cái, đô vật khăn xanh đã vật ngã được đối thủ xuống đất bằng một thế đòn hiểm. Trọng tài ra hiệu thời gian để chờ đô vật khăn đỏ đứng dậy. “Ba… hai… một… Hết giờ!” - đô vật khăn đỏ vẫn nằm dưới sàn nhà. Khán giả vỗ tay, hò hét để chúc mừng chiến thắng của đô vật khăn xanh. Trọng tài bước đến cạnh đô vật chiến thắng, rồi cầm tay họ anh giơ lên. Sau đó, cả hai đô vật đưa cánh tay vạm vỡ lau vội mồ hôi trên khuôn mặt rồi giơ tay chào kết thúc trận vật. Hội thi đấu vật thật là thú vị và hấp dẫn.

Kể về lễ hội đấu vật - Mẫu 3

Lễ hội đấu vật của quê em thường được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Các vòng loại lần lượt được diễn ra, cuối cùng hai đô vật mạnh nhất đã bước vào trận chung kết. Trận đấu diễn ra vô cùng gay cấn và hấp dẫn. Sau khi hai đô vật chào hỏi khán giả, trọng tài thổi còi ra hiệu trận đấu bắt đầu. Hai đô vật cởi trần, mặc một chiếc quần đùi có màu sắc khác nhau để phân biệt. Cả hai đô vật cúi người, nắm vào bắp tay của nhau tạo thành thế đấu vật. Họ di chuyển trên sàn để thăm dò đối phương. Đô vật nào cũng ra sức vật ngã đối phương trong tiếng hò hét cổ vũ của người xem. Phía trên sân khấu, có một người đang đánh trống. Nhịp trống dồn dập khiến không khí càng thêm sôi động. Còn khán giả thì cũng hò reo cổ vũ nhiệt tình. Mười phút thi đấu diễn ra thật căng thẳng. Bỗng nhiên, một đô vật đã xuất sắc quật ngã đối phương, để giành chiến thắng. Sau đó là phần trao giải thưởng. Những tiếng vỗ tay chúc mừng vang lên. Buổi thi đấu đã kết thúc nhưng khiến cho người em cảm thấy vô cùng thích thú.

Kể về lễ hội đấu vật - Mẫu 4

Hằng năm, lễ hội đấu vật của quê em được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch. Em đã có dịp xem trận đấu chung kết. Đầu tiên, hai đô vật bước lên chào hỏi khán giả. Mỗi đô vật đeo một sợi dây có màu sắc khác nhau ở tay để phân biệt. Khi trọng tài thổi còi ra hiệu trận đấu bắt đầu. Cả hai đô vật cúi người, nắm vào bắp tay của nhau tạo thành thế đấu vật. Tiếng trống vang lên rộn ràng. Hai đô vật liên tục di chuyển để thăm dò đối phương. Khán giả xung quanh hò reo cổ vũ rất nhiệt tình. Bỗng nhiên, đô vật khăn đỏ nắm lấy chân và tìm cách quật ngã đô vật khăn xanh. Đô vật khăn xanh ngã xuống đất. Trọng tài bắt đầu đếm ngược. Cuối cùng, đô vật khăn xanh không đứng lên được. Những tiếng vỗ tay chúc mừng vang lên. Trận đấu diễn ra thật hấp dẫn.

Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội Cổ Loa

Kể về lễ hội Cổ Loa - Mẫu 1

Bài văn kể về lễ hội lớp 3 ngắn

Kể về lễ hội Cổ Loa - Mẫu 2

Cứ vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch là quê em lại tổ chức lễ hội Cổ Loa. Hội Cổ Loa được tổ chức ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Đây là dịp để nhân dân tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương, người đã sáng lập ra nước Âu Lạc. Phần lễ diễn ra với nhiều nghi thức rất trạng trọng như rước thần, tế lễ. Nhiều người đến hội Cổ Loa còn để cầu xin một năm mới bình an, tốt đẹp. Nhưng phần được nhiều người chờ đợi nhất là phần hội được kéo dài tới rằm tháng giêng. Nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức như: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, chọi gà… Ngoài ra còn có các buổi biểu diễn văn nghệ như hát quan họ, múa rối nước rất hấp dẫn. Lễ hội Cổ Loa diễn ra đã lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống của quê hương, đất nước.

Kể về lễ hội Cổ Loa - Mẫu 3

Lễ hội Cổ Loa được tổ chức vào ngày mùng sáu tháng giêng âm lịch. Hội Cổ Loa được tổ chức ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương, người đã sáng lập ra nước Âu Lạc. Hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với nhiều nghi thức rất trang trọng. Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức như: đánh đu, đấu vật, kéo co… Cùng với các chương trình văn nghệ như hát quan họ, múa rối nước. Lễ hội thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham dự.

Kể về lễ hội Cổ Loa - Mẫu 4

Hội Cổ Loa được tổ chức vào ngày mùng sáu tháng giêng âm lịch. Hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức như: đánh đu, đấu vật, kéo co, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đập niêu… Rất nhiều người đến tham dự các trò chơi. Khán giả đến xem hò reo cổ vũ rất sôi động. Em cảm thấy vô cùng thích thú khi được tham gia lễ hội này.

Kể về lễ hội ở quê em - Hội Lim

Kể về hội Lim - Mẫu 1

Hội Lim là một hội lớn ở tỉnh Bắc Ninh. Hàng năm, cứ như vậy hội Lim lại được mở vào ngày mùng 10 tháng giêng. Mọi người đi xem hội rất đông, có tất cả các lứa tuổi: già, trẻ và đặc biệt là có khách nước ngoài. Mọi người ăn mặc rất đẹp, nét mặt ai cũng vui tươi. Ở Lim, hội bắt đầu, mọi người tản ra từng nhóm để chơi những trò họ yêu thích. Hội Lim có rất nhiều trò vui như: đấu vật, đấu cờ, thi kéo co, thi chọi gà… Trên bến sông, dòng người không ngớt đổ về xem hát quan họ. Trên những chiếc thuyền được trang trí lộng lẫy, các liền anh, liền chị đang say sưa trong những làn điệu quan họ. Còn giữa bãi đất trống, các anh chị thanh niên đang nhún du bay bổng. Em rất yêu thích hội Lim và đặc biệt là trò chơi của hội.

Kể về hội Lim - Mẫu 2

Hội Lim là một trong những lễ hội nổi tiếng ở Bắc Ninh. Hội được diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng (âm lịch). Lễ hội diễn ra với rất nhiều hoạt động khác nhau gồm phần lễ và phần hội. Với phần lễ, người dân ở đây sẽ tổ chức các nghi thức truyền thống như cúng, tế. Còn phần hội, sẽ có nhiều hoạt động vui chơi, nghệ thuật được tổ chức. Đặc biệt nhất là các liền anh, liền chị ở trên thuyền rồng hát quan họ. Những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh gửi gắm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: chọi gà, đánh đu, đấu vật… diễn ra vô cùng sôi nổi. Du khách đến đây cũng có thể mua hoặc thuê trang phục của các liền anh chị để chụp hình hoặc mua rất nhiều đồ lưu niệm xinh xắn. Hội Lim đã thể hiện một nét văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Kể về hội Lim - Mẫu 3

Quê em ở Bắc Ninh, nơi có di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đó chính là làn điệu dân ca quan họ. Hàng năm, vào ngày 13 tháng Giêng hội Lim được tổ chức tại Tiên Du, Bắc Ninh. Trong khi lễ hội được diễn ra, có rất nhiều hoạt động. Cũng như các lễ hội khác, hội Lim được chia thành phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức các nghi thức truyền thống như cúng, tế. Đến phần hội mới là phần du khách mong chờ. Trên hồ, sẽ có các liền anh, liền chị ở trên thuyền rồng hát quan họ. Những làn điệu trao duyên mượt mà, trong trẻo nghe sao mà da diết thế. Rất nhiều người đứng trên bờ cổ vũ và chụp hình. Trong khi phần hội diễn ra cũng có rất nhiều các trò chơi như chọi gà, đấu vật, ném còn… Du khách đến đây cũng có thể mua hoặc thuê trang phục của các liền anh chị để chụp hình hoặc mua rất nhiều đồ lưu niệm xinh xắn. Hội Lim không chỉ mang giá trị nhân văn mà còn mang giá trị kinh tế to lớn cho tỉnh Bắc Ninh.

Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội thổi cơm

Kể về lễ hội thổi cơm - Mẫu 1

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán là em lại được theo mẹ về quê ngoại để xem hội thi nấu cơm mừng lúa mới. Trên sân đình, người từ khắp nơi đổ về xem hội rất đông. Mọi người đều mặc đồ mới, lịch sự và sạch đẹp. Biểu ngữ “Chào Xuân mới - Vui mùa lúa mới” treo ở cổng đình màu đỏ thắm chào đón mọi người. Hội được khai mạc bằng lễ dâng hương và văn nghệ có chủ đề về nghề nông. Bà con nông dân diễn kịch, mặt mũi phấn son rất hài hước. Dân làng diễn vở kịch trồng cây lúa nước để tưởng nhớ Thần Nông. Ngày hôm sau, dân làng tổ chức hội thi nấu cơm. Mỗi đội nấu cơm có ba người, xúm xít nấu nồi cơm bé tẹo sao cho chín thơm ngon trong ba hồi trống thúc. Bà con xem hội hò reo cổ vũ. Không khí ngày hội thật náo nức. Ngày Tết, được đi chơi đã vui, được dự hội thi nấu cơm sôi động còn vui hơn. Em yêu biết bao nhiêu cánh đồng xuân đang bước vào mùa gặt hái.

Kể về lễ hội thổi cơm - Mẫu 2

Lễ hội thổi cơm diễn ra ở làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng. Hội thường được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng. Hội thi bắt đầu, trống chiêng điểm ba hồi, các đội dự thi xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng làng. Phần thi bắt đầu bằng việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Khi tiếng trống vang lên, bốn thanh niên của bốn đội sẽ leo lên thân cây chuối được bôi mỡ. Đội lất được nén hương mang xuống sẽ được ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương chảy thành ngọn lửa. Những người khác thì giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và thổi cơm. Sau một giờ, những nồi cơm lần lượt được đem trình bày. Tiêu chí chấm điểm theo ba tiêu chuẩn: gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy. Hội thi diễn ra mang nhiều giá trị văn hóa của dân tộc.

Kể về lễ hội thổi cơm - Mẫu 3

Hội thi thổi cơm được tổ chức ở làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng. Hội thường được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng. Khi trống chiêng điểm ba hồi, các đội dự thi xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng làng. Mở đầu là công việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Người dự thi các đội leo nhanh lên thân cây chuối rất trơn để lấy được nén hương mang xuống. Khi lấy được nén hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương chảy thành ngọn lửa. Những người khác thì giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. Tay cầm cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Sau một giờ, những nồi cơm lần lượt được đem trình bày. Ban giám khảo sẽ chấm điểm theo các tiêu chí gồm gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy. Hội thi thường diễn ra rất sôi nổi và hấp dẫn.

Kể về lễ hội thổi cơm - Mẫu 4

Một số làng ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam có tổ chức hội thi thổi cơm. Mỗi nơi đều có những luật riêng. Thi nấu cơm ở hội Thị Cấm (Từ Liêm - Hà Nội) nhằm diễn lại tích của Phan Tây Nhạc. Mỗi nhóm mười người tự xay thóc giã gạo nấu cơm. Đội nào nấu được cơm chín ngon trước là thắng, cơm dùng để cúng thần. Thi nấu cơm ở hội làng Chuông (làng Chuông - Hà Nội) chia ra làm cuộc thi của nữ và nam với những quy định khác nhau. Thi nấu cơm ở hội Từ Trọng (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) sẽ thi nấu cơm trên thuyền thúng tại một đầm rộng, lộng gió. Thi nấu cơm ở hội Hành Thiện (Nam Định) chỉ dành cho nam. Một người buộc cành tre dẻo, dai vào lưng, ngọn tre cao hơn đầu. Trên ngọn tre đeo sẵn một niêu cơm, người kia có nhiệm vụ đun nấu. Cả hai người vừa nấu vừa bước quanh sân đình.

Kể về lễ hội ở quê em - Hội Gò Đống Đa

Vào mồng năm tháng giêng hàng năm, hội Gò Đống Đa bắt đầu diễn ra. Hội tổ chức tại Gò Đống Đa. Mọi người đi xem rất đông, ai cũng muốn xem tượng đài Quang Trung. Hội bắt đầu bằng hoạt động tưởng nhớ tới anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Hội có những trò chơi như: chơi cờ, đánh đu, chọi gà… Khi hội kết thúc, em vẫn thấy nuối tiếc và nhớ tới vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Em sẽ học thật giỏi để phục vụ đất nước. Hội Gò Đống Đa đã để lại ấn tượng thật sâu sắc cho em.

Kể về lễ hội ở quê em - Chọi trâu

Ở quê em có một hội lớn lắm. Đó là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải phòng, nổi tiếng trên khắp các vùng miền cả nước. Nhân dân ta có câu: “Dù ai buôn đâu bán đâu, mùng chín tháng tám thì về chọi trâu”. Vào ngày hội du khách khắp nơi đổ về xem hội rất đông. Trước khi bắt đầu chọi trâu có một màn múa cờ truyền thống rất đặc sắc. Sau đó các cụ già làng dắt trâu ra thế là bắt đầu một ngày hội chọi trâu. Con trâu thứ nhất là số 87. Con trâu thứ hai là số 89. Con trâu số 89 là con trâu của làng em. Hai con trâu hùng hổ đánh nhau. Sau bao nhiêu trận đấu quyết liệt là những tiếng reo hò của khán giả. Ông trâu số 89 của làng em đã chiến thắng. Ông trâu ấy sẽ mang vinh quang, tự hào và cả sự sung túc cho làng em. Em rất thích hội chọi trâu bởi hội chọi trâu chứng minh sự thịnh vượng của quê hương em.

Kể về lễ hội ở quê em - Đánh đu

Cứ mỗi mùa xuân đến, làng em lại tổ chức lễ hội mừng xuân. Trong hội có rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, nhưng em ấn tượng nhất là trò đánh đu. Trò chơi được tổ chức trong sân của đình làng, những người đi xem hội ai cũng ăn vận đẹp đẽ và lịch sự, trên khuôn mặt mỗi người ai nấy đều mang thần sắc vui tươi, hớn hở. Cột đu được dựng lên từ những cây tre to, chắc khỏe dẻo dai có thể chịu được sức nặng của 3 - 4 người mà không bị gãy. Có nhiều cách chơi đu, đánh đu đơn hoặc đôi, riêng làng em chọn cách đánh đu đôi nam nữ để thể hiện tinh thần đoàn kết giữa những người trong đội với nhau và tăng sự hứng thú, hấp dẫn. Lần lượt các đội chơi vào đánh đu theo thứ tự đã bốc thăm trước đó, hai người chơi bước lên bàn đu, đối mặt với nhau, sau đó dùng sức của đôi chân để nhún cho đu bay cao, bay thật đẹp mắt, điệu nghệ, trong tiếng trống gõ liên hồi cùng với sự hò reo cổ vũ rộn ràng của người xem. Đội nào làm cho đu bay càng cao, càng gần đỉnh đu, thậm chí nếu khéo léo có thể khiến bàn đu bay qua ngọn đu một vòng thì cơ hội thắng cuộc sẽ rất cao. Trò chơi này yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng của cả hai người chơi, kèm theo đó là yếu tố về sức khỏe và một chút dũng cảm bởi vì đây là một trò chơi khá mạo hiểm, mà không phải ai cũng có đủ can đảm để thử. Trò chơi vốn là một phần không thể thiếu của hội làng mừng xuân, góp phần làm cho không khí tết thêm tưng bừng, rộn rã, dân làng càng thêm yêu thương, gắn bó với quê hương.

Kể về lễ hội ở quê em - Chọi gà

Ngoài các trò chơi dân gian như nhảy dây, đô vật hay đánh đu… em còn biết thêm một trò chơi khá vui thường diễn ra trong các lễ hội mùa xuân đó là trò chọi gà. Thường thì gà chọi là những chú gà trống, to cao khỏe mạnh, có hai cặp giò chắc nịch, đầy cơ bắp, với hai cái cựa vừa dài vừa nhọn. Cả người con gà mang một màu đỏ tía, chúng có khá ít lông, những chú gà chiến này được chủ nhân chăm sóc rất kỹ càng để chuẩn bị cho những trận sống mái với gà chiến của đối thủ. Người ta chọn một khu đất trống, sạch sẽ làm sân chọi, người chơi mang gà của mình đến, rồi bốc thăm quyết định lượt thi và đối thủ. Người đến xem đông đúc, quây thành một vòng tròn nhỏ như lớp rào chắn cho sân thi đấu. Bắt đầu trận chọi gà hai bên đem gà chọi của mình ra giữa sân và thả chúng ra. Những người xem ra sức cổ vũ, hò hét cho hai “vận động viên”. Không phụ lòng khán giả, hai chú gà bắt đầu lao vào chọi nhau, lúc thì dùng mỏ để mổ đối phương, lúc thì dùng chân đá, đòn nào đòn đấy dứt khoát, mạnh mẽ. Cho đến khi một con gà có dấu hiệu yếu thế, bị bên kia hạ gục thì trọng tài sẽ cho dừng trận đấu và quyết định thắng thua, sau đó cho hai bên mang gà của mình về chăm sóc. Đây là một trò vui khá hấp dẫn và trở thành nét văn hóa đặc sắc trong nhiều lễ hội, tuy nhiên hiện nay cũng có một số tiêu cực từ việc chơi chọi gà, cần phải tích cực khắc phục, tránh làm xấu đi hình ảnh của các lễ hội.

Kể về lễ hội ở quê em - Đu quay

Trước sân đình rộng lớn ở làng quê, mọi người đứng đông và chật như nêm tạo thành một vòng tròn người. Giữa vòng tròn là hai anh thanh niên đang chơi trò đu quay. Mọi người tham dự lễ hội thật náo nhiệt. Quần áo đẹp đủ màu sắc, không khí tưng bừng hơn với tiếng hò reo cổ vũ và tán thưởng. Ngang tầm với lá cờ ngũ sắc, dáng đu đưa của hai anh thanh niên khiến người xem nín thở theo dõi. Họ nắm chắc tay đu để đánh những khoảng xa và cao. Họ phải rất dũng cảm và điệu nghệ. Mọi người ngước nhìn theo từng nhịp chao đảo của hai anh. Sau mỗi lần lộn vòng, tiếng hò reo vang lên như sấm dậy. Không khí vô cùng vui tươi và sôi nổi.

Kể về lễ hội ở quê em - Hội làng

Đầu tháng Giêng, hội làng của em được tổ chức ngay tại sân đình. Trước ngày diễn ra lễ hội, cổng đình được trang trí với cờ phướn treo đu màu sắc, rực rỡ và vui mắt. Biểu ngữ “Mừng Đảng, Mừng Xuân” treo cao ngay cổng chào đón mọi người đến đình xem hội. Mọi người ăn mặc lịch sự, quần áo mới trang trọng, các bà, các chị diện áo mới còn thơm phức mùi vải sợi. Hội làng được khai mạc bằng lễ dâng hương cúng tổ tiên, thành hoàng thật long trọng. Sau lễ dâng hương là hội thi kéo co của các đội trong làng. Trên quãng sân rộng, sau hồi trống dài nổi lên, các đội kéo co gò lưng kéo sợi dây về phía mình. Theo nhịp trống, người xem hội hò reo cổ vũ thật hào hứng, sôi nổi. Em thật vui và yêu thích xem hội kéo co. Hội làng gắn kết tình yêu quê hương. Em thấy yêu quê mình tha thiết.

Kể về lễ hội ở quê em - Mừng lúa mới

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán là em lại được theo mẹ về quê ngoại để xem hội thi nấu cơm mừng lúa mới. Trên sân đình, người từ khắp nơi đổ về xem hội rất đông. Mọi người đều mặc đồ mới, lịch sự và sạch đẹp. Biểu ngữ “Chào Xuân mới - Vui mùa lúa mới” treo ở cổng đình màu đỏ thắm chào đón mọi người. Hội được khai mạc bằng lễ dâng hương và văn nghệ có chủ đề về nghề nông. Bà con nông dân diễn kịch, mặt mũi phấn son rất hài hước. Dân làng diễn vở kịch trồng cây lúa nước để tưởng nhớ Thần Nông. Ngày hôm sau, dân làng tổ chức hội thi nấu cơm. Mỗi đội nấu cơm có ba người, xúm xít nấu nồi cơm bé tẹo sao cho chín thơm ngon trong ba hồi trống thúc. Bà con xem hội hò reo cổ vũ. Không khí ngày hội thật náo nức. Ngày Tết, được đi chơi đã vui, được dự hội thi nấu cơm sôi động còn vui hơn. Em yêu biết bao nhiêu cánh đồng xuân đang bước vào mùa gặt hái.

Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội đền Hùng

“Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

Mỗi năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, dòng người khắp cả nước lại cùng nhau đổ về Việt Trì, Phú Thọ để tham gia lễ hội Đền Hùng hay còn gọi là giỗ tổ Hùng Vương. Cả nhà em cũng hòa trong không khí đó. Hội Đền Hùng kéo dài trong bốn ngày từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm, gồm có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được cử hành rất long trọng, đồ cúng gồm có một đầu lợn, một đầu dê và một đầu bò, ngoài ra còn có bánh chưng xanh, xôi nhiều màu và bánh dày. Sau khi các chức sắc, bô lão vào tế lễ thì đến lượt người dân ở tứ phương vào tế lễ để tỏ lòng thành kính, biết ơn với vua Hùng và cầu mong cho mình những điều tốt đẹp. Tiếp theo, vui nhất phải kể đến hội rước kiệu. Những chiếc kiệu được sơn son thiếp vàng, người đi rước mang khăn đóng áo dài, hoặc kiểu trang phục của quan lại thời xưa trông thật đặc sắc. Nếu như đám rước kiệu nào chiến thắng trong buổi lễ năm nay thì năm sau sẽ được vinh dự rước kiệu lên đền Thượng tham gia vào phần quốc lễ. Nhìn từ xa xa, chỉ thấy đoàn người đông như kiến với đủ loại trang phục, màu sắc khác nhau chen chúc đi xem hội, ai nấy đều vui mừng, háo hức. Xung quanh khu vực đền Hùng cắm rất nhiều cờ hội với các màu xanh đỏ, tím, vàng làm cho không khí trở nên rộn ràng, náo nhiệt vô cùng. Vì lượng người đổ về đây dự hội rất đông nên có một lực lượng công an tiến hành giữ vững an ninh, trật tự để đảm bảo cho ngày hội diễn ra suôn sẻ. Lễ hội Đền Hùng là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, cần được giữ vững và phát huy đến muôn đời sau.

Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội chùa Hương

Quê gốc tôi vốn ở Hà Nội, nơi đây có rất nhiều lễ hội nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến lễ hội chùa Hương. Chùa Hương là một tập hợp các kiến trúc đền đài, hang động, rừng núi phối hợp với nhau tạo nên một cảnh sắc kết hợp giữa nhân tạo và tự nhiên đầy tinh tế. Cứ mỗi độ tết đến xuân về là hàng nghìn phật tử, du khách từ khắp mọi miền đất nước lại nô nức tìm về đây dự hội. Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội chùa Hương gồm có phần lễ và phần hội, phần lễ được thực hiện khá đơn giản, người đi hội lần lượt dâng những mâm hương đèn, hoa quả và đồ chay đầy ắp, rồi thành kính khấn vái, mọi người đều quan niệm rằng phần lễ có nhiều thì mới tỏ được hết tấm lòng thành kính của bản thân. Những ngày này, thỉnh thoảng các sư mới đến tụng kinh niệm phật khoảng nửa giờ. Không khí rất yên tĩnh, trang nghiêm, khắp nơi đều thoang thoảng mùi thơm của nhang khói, làm cho ngày hội thêm phần linh thiêng, thanh tịnh. Phần hội thì vui hơn nhiều, mọi người chèo thuyền vãn cảnh chùa, cảnh động, tiếp đến là hành trình leo núi, ngắm cảnh sắc thiên nhiên nơi đất Phật, tâm hồn mỗi người như được hưởng làn gió mới, thoải mái, tịnh tâm, lại càng tin yêu cuộc sống. Trong những ngày diễn ra lễ, chùa Hương lúc nào cũng đông vui, tấp nập, khắp các đền miếu, nhang khói tỏa ra nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm lên cảnh vật. Đây là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc – tín ngưỡng Phật giáo, hướng con người đến chữ thiện, chữ nhẫn, mang đậm tính nhân văn, cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa.

Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội thả diều

Cứ tới rằm tháng ba hàng năm, người dân làng Bá Dương Nội quê em lại nô nức tham gia hội thi thả diều. Theo lời bà kể, lễ hội này tổ chức để tưởng nhớ công ơn của tướng Nguyễn Cả, người con của làng đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Vì vậy, ngay từ sáng sớm, những người dự thi và khán giả đã đứng chật sân đình. Nhìn lên bầu trời, hàng trăm chiếc diều với nhiều hình dáng và màu sắc đang đua nhau bay lượn. Tiếng sáo diều trầm bổng, hòa quyện tạo thành một bản nhạc vi vút suốt cả ngày. Diều nào bay cao nhất, âm thanh ngân vang nhất sẽ giành chiến thắng. Em rất yêu thích và tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội đền Gióng

Hội Đền Gióng là một trong những lễ hội em đã được tham dự. Lễ hội được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hàng năm. Sáng mùng 6 Tết, hàng ngàn người dân cùng du khách thập phương trẩy hội đền Sóc (hội Gióng) tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hội Gióng kéo dài đến hết mùng 8 âm lịch, là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội. Ngay từ sáng sớm, người dân Phù Linh rước tám lễ vật truyền thống của các thôn làng gồm giò hoa tre, ngựa sắt, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng, cầu húc về khu di tích thờ Thánh Gióng. Cuối cùng, mọi người sẽ đến cửa cung đền Thượng để xin tán lộc. Lễ hội diễn ra hết sức sôi động và nghiêm trang. Nhiều người từ khắp mọi nơi đã đến đây để tham dự lễ hội.

Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội đền Bia

Lễ hội mà may mắn em đã được tham dự, đó chính là lễ hội Đền Bia, đây là lễ hội thường được tổ chức vào mỗi dịp hai mươi tháng giêng hàng năm. Đền Bia là một ngôi đền nằm ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ngôi đền thờ danh y Tuệ Tĩnh, một vị lương y nổi tiếng của Việt Nam. Lễ hội diễn ra với không khí thành kính, trang nghiêm. Đoàn rước tượng gồm mười lăm người. Trong đó có đoàn năm người rước kiệu của đại danh y Tuệ Tĩnh - một bức tượng màu đỏ ngồi uy nghi, trang nghiêm. Xung quanh chiếc kiệu là một tấm màn màu đỏ trông thật huyền bí. Những người đi bên cạnh, người thì cầm cờ, người thì đánh trống, đánh chiêng. Sau lễ rước, mọi người đều thắp hương rồi thành kính cầu xin những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình. Đây là lần đầu tiên em được tham dự một buổi lễ hội như vậy. Chính vì vậy, em cảm thấy đây là một chuyến đi vô cùng bổ ích.

Kể về lễ hội ở quê em - Lễ hội đền Voi Phục

Lễ hội đền Voi Phục diễn ra vào khoảng mùng 9 và mùng 10 tháng 2 âm lịch. Hội được tổ chức ở sân đền Voi Phục (Ba Đình, Hà Nội). Những người trong đội nghi thức mặc trang phục truyền thống trang trọng. Không khí vô cùng trang nghiêm. Mở đầu là lễ dâng hương đọc văn tế, sau đó là lễ rước Thánh đi du xuân. Mọi người thường đến đây để cầu lễ cầu bình an, tiền tài… Hình ảnh lễ rước kiệu còn mang ý nghĩa kiệu thánh đi vi hành ban lộc ban phúc cho nhân dân. Lễ hội đã thể hiện truyền thống văn hóa đặc sắc của quê hương em.

......... Mời tham khảo chi tiết tại file tả dưới đây ..........

Từ khóa » Bài Văn Nói Về Lễ Hội Mà Em Biết