Tập Trung đầu Tư Chiều Sâu Sản Phẩm Gạch Tuynel

(QBĐT) - Trong lộ trình phát triển công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng (VLXD), các lò gạch nung thủ công dường như đã hết “sứ mệnh” của mình. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã cho giảm dần sản xuất gạch xây đất sét nung từ năm2014 và tập trung duy trì hoạt động các cơ sở sản xuất gạch tuynel có nguồn nguyên liệu ổn định, đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đầu tư theo chiều sâu

Thực hiện Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quảng Bình hướng đến mục tiêu, phát triển ngành VLXD có công nghệ sản xuất hiện đại, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 14 cơ sở sản xuất gạch ngói nung, sử dụngkiểu lò nung tuynel với tổng công suất thiết kế khoảng 223 triệu viên/năm, tập trung nhiều nhất tại các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và TP.Đồng Hới. Đây là loại hình sản xuất gạch đất sét nung tiên tiến, có dây chuyền thiết bị chế biến tạo hình đồng bộ. Chất lượng sản phẩm tương đối đồng đều.

Đến thời điểm hiện nay, chỉ có 3 giấy phép khai thác đất sét có hiệu lực, tổng công suất khai thác khoảng 250.000m3/năm so với nhu cầu là 450.000m3/năm. Qua đó cho thấy, sản lượng sét khai thác đã cấp phép tại thời điểm hiện nay không bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy gạch ngói trên địa bàn tỉnh.

Nhà máy Gạch Tuynel Ba Đồn từng bị người dân tố cáo gây bệnh đường hô hấp, xả khói bụi phủ đầy nhà dân.
Nhà máy Gạch Tuynel Ba Đồn từng bị người dân tố cáo gây bệnh đường hô hấp, xả khói bụi phủ đầy nhà dân.

Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 5-1-2018, dự báo nhu cầu vật liệu xây trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2020-2025 sẽ từ 405-520 triệu viên/năm.

Hiện nay, năng lực sản xuất trên địa bàn tỉnh đã là 348 triệu viên, trong đó gạch đất sét nung lò tuynel là 223 triệu viên. Giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025, tỉnh duy trì hoạt động các cơ sở sản xuất tuynel có nguồn nguyên liệu ổn định, đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong xu thế phát triển bền vững, việc ngừng vận hành, xóa bỏ các lò gạch nung thủ công để tập trung duy trì hoạt động các cơ sở sản xuất tuynel có nguồn nguyên liệu ổn định, đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm là điều tất yếu.

Cùng với đó, việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng sử dụng gạch xây không nung đã được Sở Xây dựng quan tâm và tăng cường, nhiều công trình có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu về sử dụng.

Như vậy, về cơ bản tỉnh ta đã thực hiện đúng lộ trình theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Các lò gạch nung thủ công không còn phù hợp với xu thế tất yếu của sự phát triển, nhất là trong điều kiện có rất nhiều loại vật liệu xây dựng không nung thân thiện với môi trường, ưu việt hơn có thể lựa chọn.

UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ thị yêu cầu các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong tổng số vật liệu xây; công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây.

Cần gỡ bỏ triệt để các mâu thuẫn, hệ lụy

Không thể phủ nhận vai trò của gạch đất sét nung trong việc đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, như: các công trình dân dụng và công nghiệp, trang trí sân vườn, chuồng trại chăn nuôi…

Với lợi thế giá rẻ do tận dụng nguồn lao động tại chỗ, gạch đất sét nung đã trở thành thói quen của người dân khi lựa chọn vật liệu xây dựng. Nhưng cũng không thể phủ nhận những tác hại đến môi trường và sức khỏe con người gây bức xúc trong cộng đồng của loại gạch này.

Như trường hợp Nhà máy Gạch Tuynel Ba Đồn tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch của Công ty Cổ phần Cosevco I.5. Đây là nhà máy sản xuất gạch đất sét nung với công suất 40 triệu viên QTC/năm. Sản phẩm gạch đất sét nung có chất lượng ổn định được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, hơn 5 năm gần đây, nhà máy này bị nhiều hộ dân thôn Thanh Lương và Xuân Kiều, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch tố cáo gây bệnh đường hô hấp, xả thải khói bụi ra môi trường. Nguyên nhân là do sản xuất gạch sét nung truyền thống phải sử dụng hàm lượng đất sét, than củi lớn, khi vận hành, lò xả nhiều khói và phát tán bụi đất vào phía nhà dân.

Người dân đã kiến nghị lên UBND xã Quảng Xuân và phía doanh nghiệp nhiều lần, tuy nhiên, vẫn khó để tìm được tiếng nói chung. Đây là thực trạng chung của nhiều cơ sở sản xuất gạch ngói nung trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, theo các quy định của Chính phủ, thời gian tới, ngoài việc hạn chế đầu tư mới các cơ sở sản xuất gạch nung, về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo đẩy mạnh phát triển vật liệu xây không nung để thay thế và giải quyết triệt để những hạn chế của gạch nung, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, góp phần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Nhất Linh

Từ khóa » Gạch Tuynel Ba đồn