Tập Trung Hóa Và Nền Kinh Tế Thị Trường Tư Bản Chủ Nghĩa (Phần 3 - Hết)

Quyền lực và sự tập trung hóa

Việc đánh giá các lý lẽ ủng hộ và chống đối dựa trên tám tiêu chuẩn kể trên thuộc lĩnh vực phân tích chuẩn tắc. Chúng ta cân nhắc, dựa trên các quan điểm khác nhau, xem sự tập trung hóa là “tốt” hay “xấu”. Chúng ta hãy quay lại với cách tiếp cận thực chứng xem xét các hiện tượng có thể quan sát được trên thực tế và các nguyên nhân và hậu quả của chúng.

Nỗ lực chính của chính phủ do Orbán Viktor (OV) lãnh đạo đã là, nắm lấy qyền lực càng trọn vẹn càng tốt, và một khi đã làm được việc ấy, thì giữ nó càng lâu càng tốt. Quyền lực là mục đích và tất cả các công cụ, phương tiện lệ thuộc vào mục đích này. Nếu chúng ta hiểu đúng quan hệ Machiavellian này của mục đích và các phương tiện, đấy là sự giải thích nhân quả quan trọng nhất của xu hướng tập trung hóa. Động cơ quyền lực là lý do đủ cho việc xây dựng hình chóp OV càng bao trùm và càng hữu hiệu càng tốt. Động cơ thật sự của những thay đổ là để cho các đòi hỏi sau được thực hiện càng nhiều càng tốt:

● Chuỗi mệnh lệnh từ đỉnh xuống dưới càng ngắn càng tốt.

● Hãy để mỗi Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và Phó-Phó Thủ trưởng là người tin cậy của riêng chúng ta. Một lý do đáng để tổ chức lại tất cả các cơ quan, bởi vì đây là cơ hội để bổ nhiệm người của riêng chúng ta làm lãnh đạo của Trung tâm hay Trung tâm phụ mới được hình thành. Không cần phải dừng lại ở các vị trí, mà tập quán của các nền dân chủ gọi là “những người được bổ nhiệm chính trị – political appointees”. Chúng ta đưa những người tin cẩn của mình vào các vị trí càng thấp càng tốt bên trong hình chóp.

● Tiêu chuẩn bổ nhiệm chính là sự trung thành đối với đỉnh của hình chóp. Tất nhiên tài chuyên môn cũng hữu ích, nhưng tiêu chuẩn chính là sự trung thành vô điều kiện và sự vâng lời với “cấp trên”.

● Bất luận hai mức trên/dưới có quan hệ với nhau là các mức nào, sự phụ thuộc hãy là các lệnh phải được thực hiện không chần chừ! Thậm chí, mức dưới đừng có đợi cho đến khi nhận được chỉ thị; cần biết các thượng cấp mong đợi gì ở mình và làm điều đó theo sự đề xuất riêng của mình.

● Thủ trưởng không cần thảo luận nhiều với thuộc cấp. Như trong quân đội, trong hình mẫu của điều phối dọc: bản chất là thông tin, các mệnh lệnh, đi từ trên xuống dưới, chứ không phải kiến nghị, lời khuyên từ dưới lên trên, nói chi đến sự phê phán.

● Điều kiện của sự hoạt động của cơ chế điều phối dọc tập trung là kỷ luật. Kỷ luật phải được áp đặt bằng các công cụ hành chính. Những kẻ không vâng lời phải bị loại khỏi chức vụ. Cũng chẳng có hại gì, nếu những người chẳng hề là những người không vâng lời vẫn bị đuổi khỏi nơi làm việc trong các làn sóng thanh trừng. (Hãy nhìn những sự sa thải hàng loạt liên quan đến việc tổ chức lại truyền thông công cộng hay các văn phòng ombudsman.) Tôi còn nghe về các trường hợp, khi chính quyền đã bám theo các công chức bị sa thải và ngăn cản họ tìm việc mới. Nỗi sợ bị sa thải khiến nhiều người trở nên khúm núm, thà nén sự phản đối vào trong lòng còn hơn là mạo hiểm việc làm của mình.

● Tất nhiên, điều phối dọc không chỉ trừng trị hay đe dọa, mà cũng thưởng nữa. Vì sự phục vụ trung thành người ta được thưởng lương cao được quy định một cách hào phóng, các khoản thưởng cuối năm, các khoản ưu đãi đặc biệt không bằng tiền.

Động cơ quyền lực không chỉ xuất hiện ở đỉnh của hình chóp. Nomenclatura (đội ngũ cán bộ cấp cao) mới gồm “những người của chúng ta” ngấm sâu vào xã hội từ trên xuống dưới ở các tầng ngày càng sâu hơn. Các thành viên của nó, các Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Phó-Phó Thủ trưởng, bản thân họ cũng đạt tới quyền lực. Họ phải ngoan ngoãn với cấp trên, nhưng có thể sai khiến cấp dưới. Và sau khi đạt tới quyền lực đó, họ bám lấy quyền lực ấy. Thủ trưởng Tối cao ngự trên đỉnh chóp không đơn độc: các lợi ích của ông ta là chung với “những kẻ có quyền lực” lớn, trung bình và nhỏ phụ thuộc vào ông ta – duy trì và giữ quyền lực.

Cuộc sống của nomenclatura mới ở các mức trên của hình chóp OV dễ dàng bởi vì họ không phải “triết lý” nhiều, không phải nghĩ đi nghĩ lại các thế lưỡng nan phức tạp. Họ phải hoàn thành cái mà chính phủ sai bảo hay kỳ vọng. Nếu rắc rối xảy ra, đã có sẵn sự miễn thứ cho các thủ trưởng vừa và nhỏ cấp dưới: “tôi không thể làm khác được, quyết định của cơ quan cấp trên đã sai.” (Lời lẽ thật quen: “tôi đã làm theo lệnh…”) Hơn nữa, có trong tay hệ tư tưởng kỹ trị làm yên lòng (xem tiêu chuẩn 1 của đoạn trước): “chúng tôi xây dựng và tăng cường tập trung hóa không phải vì quyền lực mà vì sự hiệu quả.” Điều phối dọc, hệ thống mệnh lệnh thứ bậc, chẳng ở đâu và chẳng bao giờ đã hoạt động một cách trơn tru. Nó là một bộ máy cọt kẹt. Nếu rắc rối xảy ra, thì theo logic nội tại của cơ chế người ta tiếp tục tiến bước trên con đường tập trung hóa theo logic của hệ thống tập trung, các rắc rối càng dày đặc, thì càng phải dùng các biện pháp hành chính hơn.

Tất cả cái tôi vừa trình bày ở trên về các tính chất và logic bên trong của điều phối dọc, thực ra là quen biết đối với những người nghiên cứu hệ thống xã hội chủ nghĩa. Vấn đề là, chế độ Fidesz đã nhầm thời đại. Sự tập trung hóa mạnh đã có thể hoạt động, tốt hay tồi, và tồn tại ở Liên Xô trong bảy mươi năm và ở Đông Âu trong bốn mươi năm – nhưng chỉ bởi vì trong khắp khu vực hệ thống xã hội chủ nghĩa đã thống trị. Hầu như đã không tồn tại sở hữu tư nhân, hầu như toàn bộ cơ chế thị trường đã bị loại bỏ, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã hầu như cách ly khỏi thế giới tư bản chủ nghĩa. Còn bây giờ tình hình là khác. Làm sao chế độ Fidesz có thể cùng tồn tại với sự thực hiển nhiên rằng xu hướng tập trung hóa đã được tăng cường – nhưng không có hệ thống xã hội chủ nghĩa ở xung quanh? Làm sao hệ thống mệnh lệnh nhà nước có thể cùng sống với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa? “Sự chung sống” làm xói mòn lòng tin

Không có nước tư bản chủ nghĩa nào trên thế giới lại không sống chung theo cách nào đấy với thị trường phi tập trung. Thị trường cũng chẳng họat động một cách vô độ, như những người được gọi là tân-tự do được cho là đòi hỏi như vậy (thực ra, không nhà kinh tế học minh mẫn nào lại đi mô tả cái như vậy). Nhà nước ở mọi nơi đều giám sát nền kinh tế ở mức độ nào đó, can thiệp vào nền kinh tế ở mức độ nào đó, đều cung cấp một số dịch vụ miễn phí, đều thực hiện sự tái phân phối nào đó, và đều tác động đến cầu thông qua các đơn hàng nhà nước. Và ở tất cả mọi nơi có sự ma sát, thậm chí xung đột trong sự cùng tồn tại của nhà nước và thị trường, xung quanh các điểm tiếp xúc giữa nhà nước và thị trường. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã phơi bày trên bề mặt vài hiện tượng nguy hiểm. Thí dụ, một số nước phát triển đã đi quá xa trong phi điều tiết khu vực tài chính của họ; việc áp đặt lại sự điều tiết và làm cho nó hiệu quả hơn được đưa vào chương trình nghị sự.

Sự cùng tồn tại giữa nhà nước và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chí ít ở trong điều kiện có thể chịu đựng được ở hầu hết các nước. Thậm chí, cũng có các nước, trong đó – giữa những ma sát nhỏ – mối quan hệ là có kết quả một cách dứt khoát. Một mặt, sự can thiệp của nhà nước làm nhẹ đi những khuyết tật của thị trường và khiến cho sự phân phối thu nhập công bằng hơn. Mặt khác, thị trường sửa một cách linh hoạt, mềm dẻo và hiệu quả các sai lầm của chính phủ. Nhưng các trường hợp may mắn này không phủ nhận sự quan sát chung rằng nhà nước và thị trường là hai cơ thể thuộc loại khác nhau, xa lạ với nhau; và sự chung sống của chúng là không dễ.

Là sai lầm đi tin rằng các yếu tố khác nhau của hoạt động nhà nước và các yếu tố khác nhau của hoạt động thị trường có thể kết hợp với nhau theo tỷ lệ tùy thích. Các biện pháp của chính phủ trong hai mươi tháng vừa qua đã luân phiên thay đổi một cách thất thường giữa các yếu tố của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, của tập trung hóa và phi tập trung hóa, và của hoạt động nhà nước và hoạt động thị trường. Quốc hội đã vội vã chấp nhận hơn một đề xuất mà trong đó một điều khoản có dư vị “xã hội chủ nghĩa”, còn điều khoản khác lại có dư vị “tư bản chủ nghĩa”. Hệ thống được hình thành chẳng phải là “mô hình Hungary” có một không hai mà chúng ta có thể tự hào, và với nó chúng ta có thể nêu tấm gương cho thế giới đang mò mẫm trong bóng tối. Cấu trúc xã hội-kinh tế, mà trong đó chúng ta đang sống, là không mạch lạc, rõ ràng và đầy mâu thuẫn nội tại. Nó không thử dung hòa các nét có lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, mà chủ yếu nó lấy các đặc tính ít hấp dẫn nhất từ cả hai.

Từ quan điểm này, chúng ta hãy xem xét lần lượt từng đặc tính của các quá trình xảy ra trong hai mươi tháng vừa qua.

Những lời lẽ gay gắt đã được dùng để chống lại các chủ ngân hàng, các nhà đầu cơ và những kẻ phiêu lưu mạo hiểm, vay mượn các công thức chống chủ nghĩa tư bản phổ biến trên khắp thế giới, chủ yếu trước công chúng đông người trong nước. Ngày tàn của Phương Tây đang đến gần. Thế nhưng cũng xảy ra, khi người đứng đầu chính phủ hay bộ trưởng của ông ta gặp gỡ với các nhà kinh doanh Hungary và nước ngoài, các nhà đầu tư hay các chủ ngân hàng cho vay, thì lại nói với họ với dọng khách quan. Nếu phải kết luận chỉ dựa trên lời nói, thì sẽ khó để biết liệu chính phủ này là bạn hay là thù của chủ nghĩa tư bản.

Lời nói thì còn có thể dung thứ, nhưng cũng đã có những hành động không thể chấp nhận được đối với những người chân thành ủng hộ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đã được nhắc đến hàng trăm lần, nhưng từ quan điểm này thì hành động của chính phủ tịch thu các khoản tiết kiệm tư nhân được tích tụ trong các quỹ hưu bổng tư nhân vẫn là hành động bất công nghiêm trọng nhất. Các công dân không được bảo vệ đã mong đợi sự bảo vệ, sự chữa trị các tổn thương của họ, từ Tòa án Hiến pháp, nhưng họ đã bị bỏ rơi. Sự đối xử bất công nghiêm trọng này không thể được hòa giải; và trước hết việc này đã làm xói mòn lòng tin của công dân vào lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà từ các nhánh quyền lực này người dân mong đợi sự bảo vệ tài sản của họ chứ không phải sự tấn công.

Đúng, đã không xảy ra quốc hữu hóa hàng loạt, còn may cho chúng ta. Nhưng, sự bành trướng của khu vực nhà nước đang xảy ra một cách chầm chậm, gần như lén lút. Tình tiết đầu tiên, dẫu nhỏ nhưng gây hoảng sợ, đã xảy ra ở Pécs vẫn trong thời gian của chính phủ trước, khi thị trưởng mới thuộc đảng Fidesz đã sử dụng những người an ninh của mình để đuổi các quan chức của công ty vận hành hệ thống cung cấp nước do người Pháp sở hữu và đã nhúng tay vào cai quản công ty. Bằng các công cụ hợp pháp nhưng với các lý do không thể hiểu được từ quan điểm kinh tế, chính phủ đã mua lại phần lớn cổ phần của MOL, một công ty dầu khổng lồ, tức là chính phủ cũng bắt đầu “chơi chứng khoán”, mà ngay lập tức với khoản thua lỗ khá lớn. Muộn hơn, chính phủ chiếm được quyền sở hữu của công ty công nghiệp ô tô Rába ở thành phố Győr. Cho đến tận nay, các nhà kinh tế học cũng chẳng hiểu, cái gì đã khiến chính phủ tiến hành các bước đáng nghi này.

Ai cũng biết rằng đã xảy ra các giao dịch đáng ngờ về mặt pháp lý, kinh tế và đạo đức ở tất cả các nước hậu-xã hội chủ nghĩa trong quá trình tư nhân hóa có quy mô đồ sộ xảy ra sau sự thay đổi hệ thống. Nếu giả như chỉ bây giờ mới có thể phát hiện ra vụ này hay vụ kia đã không hợp pháp, thì có lẽ cần khởi động điều tra. Nhưng lòng tin vào tài sản tư nhân bị lung lay một cách nghiêm trọng nếu bây giờ, hai thập kỷ sau sự thay đổi chế độ, lại bắt đầu làn sóng tình nghi tổng quát, và việc điều tra hình sự đầy đủ và có phương pháp đối với toàn bộ quá trình tư nhân hóa. Mục đích của việc khấy lên này về quyền tài sản là gì? “Run sợ đi, chúng tao bám theo tất cả chúng mày!” – có phải họ muốn gây ra cảm giác bất an này đối với tất cả những ai đã kiếm được tài sản trong hai mươi năm vừa qua?

Không thể dung hòa với hoạt động bình yên của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nếu chính phủ, với tư cách người mua (lớn nhất, theo nhiều người chính phủ là người đặt hàng quá lớn!), phân biệt đối xử giữa những người bán tiềm năng, không trên cơ sở của các điều kiện cung ứng, mà trên cơ sở quan điểm chính trị và các quan hệ cá nhân. Ai cũng biết, có các “công ty thân Fidesz” (hệt như đã có các công ty “thân Đảng Xã hội Chủ nghĩa – MSZP” hay “thân Liên Đoàn Những người Dân chủ Tự do – SZDSZ”). Đôi khi có thể phát hiện quả tang sự phân biệt đối xử cả trong việc xây dựng luật nữa, thí dụ một số chuỗi cửa hàng nội địa được miễn “thuế khủng hoảng”. Khó nắm bắt hơn nhiều – tuy nhiên tồn tại – sự thiên vị trong đánh giá các hồ sơ đấu thầu cho các đơn hàng mua sắm của nhà nước. Hơn nữa, các nhà báo điều tra khẳng định một cách dứt khoát: “các vương quốc ngầm” sống phè phỡn, ẩn náu trong hậu trường kinh tế của Fidesz, nhận sự giúp đỡ từ lĩnh vực chính trị và đổi lại giúp đỡ các chính trị gia.

Một trong những nền tảng của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa là sự tôn trọng hợp đồng tư. Chính phủ, Quốc hội và các tòa án phải có nghĩa vụ ép buộc việc thực hiện các thỏa thuận. Thế nhưng, làm sao có thể mong đợi sự tôn trọng các hợp đồng tư giữa các bên tư nhân, nếu bản thân chính phủ, với tư cách một bên đối tác trong nhiều thỏa thuận quan trọng, lại nêu tấm gương xấu nhất? Khi bắt đầu thu “các loại thuế khủng hoảng”, chính phủ đưa ra hết lời hứa này đến lời hứa khác giữa các cuộc thương lượng – để đến bước muộn hơn người ta lại tuyên bố các lời hứa trước là vô hiệu. Họ bắt nạt các ngân hàng, chơi “trò chơi khăm” đối với họ.1 Khi tâm trạng (công chúng) dịu đi một chút, thì các đại diện của chính phủ tuyên bố: đây là nước đi cuối cùng – thế nhưng sau đó trò chơi vẫn tiếp diễn. Việc này đã xảy ra, trong nhiều giai đoạn, liên quan đến “thanh toán vĩnh viễn” của những người đã vay bằng ngoại tệ.

Vấn đề của các khoản vay bằng ngoại tệ là phức tạp khủng khiếp; tổng quan vấn đề đó không phải là nhiệm vụ của bài báo này. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh một khía cạnh của vấn đề, mà liên quan đến chủ đề vừa được thảo luận. Để làm rõ nội dung tôi muốn nói, phân tích hai trường hợp thuần khiết là đủ; trong thực tế tồn tại một dải rộng ở giữa, trong đó các đặc tính của các trường hợp thuần khiết cực đoan pha trộn với nhau.

Một trường hợp thuần khiết là câu chuyện của hộ gia đình, buộc phải nhờ đến khoản vay như vậy để có được tình trạng nhà ở tốt hơn; do không thông thạo về mớ bong bong của các điều kiện vay ngân hàng. Chủ hộ đã cố gắng để hoàn trả khoản vay, nhưng không thể, bởi vì giữa chừng tình hình tài chính đã xấu đi, thí dụ bởi vì người chủ gia đình mất việc làm. Trong trường hợp như vậy, trên cơ sở nguyên tắc đoàn kết, xã hội cần giúp hộ gia đình.

Trong trường hợp thuần khiết khác, người đi vay đã hy vọng rằng việc mua bất động sản là việc kinh doanh sẽ có lời. Người đi vay đã có thể biết rằng khoản vay bằng bất cứ loại tiền nào đều đi cùng với rủi ro. Không thể chấp nhận được việc lăng mạ người như vậy với cách gọi họ là “kẻ đầu cơ”. Những việc kinh doanh như vậy thuộc về trình tự bình thường của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa; không có chúng khu vực bất động sản chẳng có thể phát triển được. Nếu các nhà đầu tư kiếm được nhiều trong giao dịch, hãy để họ ta bỏ tiền lời vào túi. Nếu lỗ, đấy là rắc rối của họ. Vì thế người đó không đáng thương xót và về sau càng không thể đòi hỏi bất cứ sự giúp đỡ nào. Thế mà cách giải quyết “thanh toán vĩnh viễn” lại đã giúp cứu vớt chính các nhà đầu tư kinh doanh gặp vận đen như vậy khỏi tình trạng nguy khốn. Nhà nước đã buộc các ngân hàng sửa các hợp đồng tư nhân trước đây của họ một cách hồi tố, với sự tổn thất của chính ngân hàng, có lợi cho người đi vay. Thủ tục này và cùng với những sửa đổi bổ sung hợp đồng tương tự dưới sức ép của nhà nước đã gây ra những bất trắc pháp lý nguy hiểm. Đấy chính là một thí dụ cổ điển của cái tôi đã gọi trong công trình trước đây của mình là “ràng buộc ngân sách mềm”. Nếu bây giờ người ta cứu vớt hàng loạt những người gặp rắc rối tài chính, những người hy vọng được lời cao đã tự kéo mình vào tình thế nguy ngập, thì trong đầu óc của các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức chính quyền địa phương hay trong đầu óc công dân trung bình sẽ hình thành kỳ vọng: chẳng cần phải do dự nhiều, chẳng cần phải ngẫm nghĩ về rủi ro. Họ có thể bình tĩnh vay mượn, bất kể bao nhiêu – nếu gặp rắc rối, sẽ có sự cứu vớt. Ngay cả khi chữ ký của tôi ở đó trong một hợp đồng, chữ ký đó có đáng kể gì?

Sự tôn trọng hợp đồng tư và sự an toàn của luật cũng bị xói mòn bởi quy định pháp lý không thể chấp nhận được, mà theo đó bằng luật có hiệu lực hồi tố người ta cướp phần đáng kể của trợ cấp thôi việc của những người làm công ăn lương.

Người chủ cai quản công việc của doanh nghiệp mình. Phải tuân theo các luật có hiệu lực chung của nhà nước, nhưng nếu thỏa mãn các luật này, thì người chủ là người ra quyết định toàn quyền. Thế mà, chính phủ này vi phạm lặp đi lặp lại quy tắc chơi cơ bản này của chủ nghĩa tư bản. Những người được ủy quyền của Fidesz đã tuyên bố rằng các doanh nghiệp tư nhân phải đền bù cho người lao động bị thiệt hại do việc chính phủ đưa ra thuế thu nhập một thuế suất. Họ gửi các “biệt kích thuế” đến các công ty để kiểm tra xem việc này đã được tiến hành chưa. Thậm chí có cả sự đe dọa công khai: các công ty không thỏa mãn yêu cầu này sẽ không đủ tư cách thực hiện các đơn hàng nhà nước. Chính phủ can thiệp cả vào việc, cái gì được phép và không được phép bán ở trạm xăng, hay có bao nhiêu hiệu tân dược và quầy bán thuốc lá trong thành phố. Nhà nước can thiệp, với sức mạnh của luật, vào chuyện liệu có thể xây dựng trung tâm thương mại hay không.

Từ “lợi nhận” có dư âm miệt thị nặng nề trong tuyên truyền Marxist. Thế nhưng, ai học kinh tế học một cách tử tế, người đó biết rằng lợi nhuận và đầu tư liên quan mật thiết với nhau ở mức vĩ mô. Ở mức vi mô, hầu hết các doanh nghiệp (kể cả các ngân hàng) đảm bảo phần lớn các khoản đầu tư cơ bản của mình bằng lợi nhuận riêng. Chỉ một phần lợi nhuận được chia cho các chủ sở hữu, những người có thể tiêu số tiền này một cách tự do. Nếu họ muốn họ có thể sử dụng cho tiêu dùng hay cho đầu tư cơ bản của cá nhân. Thế mà bây giờ nếu nhà nước vồ lấy lợi nhuận của các doanh nghiệp theo kiểu chim kền kền, nó giáng một đòn nặng lên quá trình đầu tư. Các doanh nghiệp bị lỗ sẽ cố thử sống sót qua các thời kỳ sóng gió, thường bằng cắt giảm hoạt động, và nhiều trong số đó sớm muộn sẽ phá sản. Các “khoản thuế khủng hoảng” cao tàn nhẫn không thể được coi là các phương pháp “không chính thống” để khoan sức dân, như các công cụ mới sáng tạo đáng khen của chính quyền. Khi động cơ lợi nhận của các doanh nghiệp và các ngân hàng bị thương tổn nghiêm trọng, xét từ kết quả cuối cùng, thì các nguồn lực của sự tăng trưởng bền vững bị vơi đi. Các lời tuyên truyền của chính phủ, rằng nỗ lực chính của chính phủ là thúc đẩy tăng trưởng, là vô ích, nếu các hành động của nó làm giảm trầm trọng khả năng đầu tư từ lợi nhuận.

Tại điểm này, sự cùng tồn tại hòa bình giữa nhà nước và thị trường hầu như là không thể. Chính phủ tìm cách đưa nền kinh tế tư nhân, và hệ thống huyết mạch của nó, khu vực tài chính, vào dưới sự thống trị của mình. Nhà nước hình chóp tập trung tưởng tượng mình là có toàn quyền, và cố thử sai khiến bằng các công cụ riêng của nó – trong khi thị trường phân tán bao quanh nhà nước, không có khả năng hành động tập thể có tổ chức, không biết cách tự bảo vệ mình bằng các công cụ tương tự. Thế nhưng, dù sao thị trường vẫn phản ứng lại các cuộc tấn công. Bằng cách nào? Đoạn tiếp theo của bài báo thử trả lời câu hỏi này. Hành động tùy tiện của nhà nước – và phản ứng của thị trường

Có thể là một sự so sánh khập khiễng, nếu hình ảnh của một trận đấu bóng bầu dục Mỹ hiện lên trước mắt chúng ta: hai đội lao vào nhau. Các cầu thủ của một đội cố xô ngã các cầu thủ của đội kia một cách không thương xót để cướp và giữ lấy bóng. Trong cuộc chiến đấu giữa chính phủ Orbán và nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, một đội, các nhà lãnh đạo chủ chốt của nhóm chính trị cầm quyền, thực sự đã sắp thành hàng, sẵn sàng chiến đấu, ở một bên. Nhưng bên kia thì sao? Chủ nghĩa tư bản Hungary không có đảng thống nhất, không có Bộ Chính trị, không có bộ chỉ huy của nó. Thậm chí tôi còn đi tiếp, các nhà tư bản thế giới không liên hiệp lại. Không có đảng chính trị tư bản thống nhất trên quy mô toàn cầu. Không có chính phủ thế giới, chủ nghĩa tư bản không có Gosplan, Ủy Ban Kế Hoạch Trung ương, của mình. Như thế, không có “đội” khác để mà có thể xô ngã các thành viên của nó và cướp lấy bóng.

Đã đến lúc dừng sự so sánh lấy từ thế giới thể thao. Tai họa là, chính phủ tin rằng nó ở trên sân bóng hay trong trận đấu box. Chúng ta hãy nói bằng ngôn ngữ của kinh tế học và lý thuyết xã hội. Một trong những đặc tính quan trọng nhất của chủ nghĩa tư bản chính là, nó bao gồm hàng triệu và hàng chục triệu người tham gia được nguyên tử hóa, những người cũng ganh đua với nhau, cũng đối mặt với nhau trong các xung đột, mâu thuẫn to nhỏ khác nhau. Vì thế, với sự nhấn mạnh khinh bỉ Marx đã coi thị trường là “vô chính phủ”. Vô chính phủ là sự cai trị không có người cầm quyền – và đúng là như thế.

Thị trường có ngôn ngữ riêng, hệ thống tín hiệu riêng của nó, mà khoa học đã nghiên cứu kỹ nhiều mặt. Một phần thông tin là tín hiệu giá cả, phần khác là các tín hiệu “số lượng”, các chỉ số về sản xuất, đầu tư, dòng vốn. Hãy ngó tới vài tín hiệu thị trường.

Một phần lớn nợ nhà nước của Hungary là trái phiếu nhà nước. Khi một gói trái phiếu đến hạn, nhà nước phải hoàn trả với lãi (suất thu nhập –yield–, theo ngôn ngữ kinh doanh). Khi đó nhà nước bán các trái phiếu mới, để lấy nguồn thu trả cho các trái phiếu đến hạn. Nếu nhà nước không thể trả nợ, thì xảy ra sự vỡ nợ nhà nước và các nhà đầu tư mất tiền của mình. Vì thế mua các trái phiếu nhà nước Hungary đi cùng với rủi ro. Những người mua trái phiếu nhà nước Hungary nghĩ gì về rủi ro đó? Là thừa đi hỏi họ và đòi câu trả lời được diễn đạt bằng ngôn từ. Câu trả lời thể hiện trong các chỉ số khác nhau, mà trong số đó tôi lựa ra hai để minh họa.

Một là phí bù rủi ro (risk premium). Nhà đầu tư có thể mua bảo hiểm, hãng bảo hiểm sẽ đền bù thiệt hại, nếu tai họa xảy ra và không đòi được nợ. Khả năng tai họa càng lớn, thì phí bù rủi ro càng cao. Phí bù rủi ro quốc gia (thí dụ, được đo bằng CDS – Credit Default Swap – Hoán đổi Vỡ Nợ) đối với trái phiếu nhà nước Hungary đã leo ngày càng cao. Trước khi chính phủ Fidesz nắm quyền, tháng 5-2010, nó vào khoảng 250 điểm cơ bản. Đến tháng Mười tăng lên trên 550 điểm cơ bản. Vào Tháng 1-2012 nó vượt quá 700 điểm cơ bản.

Một chỉ số quan trọng khác liên quan đến suất thu nhập trên trái phiếu nhà nước có thời hạn mười năm. Trước các cuộc bầu cử 2010 kỳ vọng đã là 6–7 phần trăm một năm. Những ngày này các nhà đầu tư chỉ sẵn sàng mua các trái phiếu như vậy nếu nhà nước Hungary trả suất thu nhập 9–10 phần trăm một năm. Đấy là chi phí cao chưa từng có! Một nền kinh tế hiện thời trì trệ, có lẽ có thể co lại, một lúc nào đó có thể lại tăng lên, nhưng chỉ có khả năng tăng chậm trong thời gian dài, không thể có khả năng tạo ra ngần ấy. Nếu các nhà hoạch định chính sách tài chính Hungary chấp nhận nó bằng cách thả nổi nhiều trái phiếu hơn, thì họ đẩy đất nước vào vòng xoắn ốc nợ nần, trong trường hợp xấu vào vòng xoáy nợ nần ngày càng gia tăng.

Đánh giá từ các tuyên bố chính thống, chính phủ không hiểu rõ: các chuyên gia trong và ngoài nước quyết định các khoản đầu tư thường không “đầu cơ” bằng tiền riêng của họ. Phần đông họ quản lý tiền của các tổ chức bảo hiểm, của các quỹ hưu bổng, của các ngân hàng đầu tư gom góp các khoản tiết kiệm tư nhân. Họ để ý đến lập trường và các lời khuyên của các nhà phân tích và các tổ chức đánh giá tín dụng. Một số nhà đầu tư – vì lợi ích của những người gửi tiền của họ, của các khách hàng bảo hiểm và những người về hưu – bắt buộc phải kiềm chế đầu tư vào các trái phiếu cấp thấp (junk bond). Phí hơi đi đi đấu khẩu với họ, với các nhà phân tích hay với các tổ chức đánh giá tín dụng. Ngay cả nếu đôi khi họ có sai, cái mà họ làm và quyết định là một thực tế kinh tế.

Có quan hệ kinh tế mật thiết giữa biến động của thị trường giấy tờ có giá của nhà nước và sự yếu đi của đồng forint. Những người nước ngoài bán trái phiếu đã mua bằng đồng forint để lấy đồng forint thì vội vã đổi các đồng forint đó sang euro hay dollar hay ngoại tệ khác. Giữa những biến động mãnh liệt, xu hướng là rõ: đồng forint đã yếu đi một cách dễ cảm nhận đối với tất cả các đồng tiền khác.

Albert Hirschman, trong cuốn sách tuyệt vời của mình, Exit, Voice and Loyalty, đã nhấn mạnh: cái tuyệt vời trong thị trường là, không cần đến việc nói thành lời. Không cần phải phản đối một cách đe dọa hay gào thét – bỏ đi một cách êm đẹp là đủ.

Khi trung tâm quản lý nợ nhà nước công bố đấu thầu bán các trái phiếu nhà nước mới và không xuất hiện những người mua (như đã xảy ra nhiều lần), thì việc này chứng tỏ: các nhà đầu tư trước kia đã vui lòng mua trái phiếu nhà nước Hungary nay đơn giản đã âm thầm bỏ đi.

Người phát ngôn chính phủ dọa nạt người dân rằng họ sẽ điều tra xem ai gây ra tiếng xấu cho đồng forint và sẽ trừng trị những kẻ phao tin đồn nhảm. Nhưng việc đó không làm ngừng dòng chảy của các khoản tiền gửi từ các ngân hàng Hungary sang các ngân hàng ngoại quốc. Việc này cũng làm giảm các nguồn tài chính cho đầu tư thực ở Hungary.

Các tín hiệu còn rõ ràng hơn về sự bỏ đi, là các con số phản ánh sự sụt giảm cho vay và sự giảm bớt hứng thú đầu tư. Mối nguy hiểm ở đây không chỉ là việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách Hungary – cân đối tài chính ngắn hạn – mà là triển vọng tăng trưởng dài hạn của đất nước.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến cung tín dụng. Chắc chắn gánh nặng thuế giáng xuống khu vực ngân hàng ngày càng trầm trọng cũng góp phần làm cho cung tín dụng giảm liên tục. Mức giảm tín dụng cho các doanh nghiệp là đáng chú ý.

Trong thời gian dài, một động lực thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế Hungary đã là dòng chảy vào của vốn hoạt động (đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI). Suốt nhiều năm con số này dao động trong khoảng 3–10 phần trăm của GDP. Vẫn chưa có số liệu của cả năm 2011, nhưng số liệu của ba quý đầu năm là dấu hiệu đáng buồn: lần đầu tiên chỉ số chuyển sang âm, nói cách khác nhiều vốn hơn được rút khỏi đất nước so với số vốn chảy vào. Đấy là tín hiệu gây sửng sốt về sự rút lui thầm lặng.

Một con số quan trọng khác: đầu tư trong lĩnh vực cạnh tranh trì trệ, khối lượng trong ba quý đầu của năm 2011 không thay đổi so với mức cùng kỳ năm trước.

Mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, giữa sự bốc đồng tùy tiện và phản ứng, là rõ. Lòng tin của giới kinh doanh đã bị làm xói mòn bởi tính đồng bóng và tính không thể lường trước của chính sách kinh tế Hungary, bởi sự không an toàn pháp luật, và bởi những sự vi phạm lặp đi lặp lại các quy tắc của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa – mà trong số đó không phải một sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý căn bản. Do sự hủy hoại lòng tin, nên các điều kiện tài chính cơ bản của sự hoạt động bình thường của nền kinh tế Hungary trở nên tồi đi, và cùng với việc đó triển vọng của sự tăng trưởng bền vững dài hạn cũng thế.

Ở đây tôi đi đến kết luận cuối cùng của bài báo. Chế độ Orbán đã đạt mục tiêu thật sự của nó: nó đã nắm lấy quyền lực một cách khắc nghiệt; với sự tăng cường tập trung hóa, với sự mở rộng quyền lực nhà nước nó đã nắm thêm các công cụ để làm cho sự cai trị hầu như vô hạn của nó có hiệu lực. Thế nhưng, sự thống trị chuyên quyền, sự tập trung hóa không kìm được và sự bành trướng quá đáng của hoạt động nhà nước là không thể dung hòa được với sự vận hành lành mạnh của một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Đi theo con đường này sẽ không thể đẩy nền kinh tế Hungary ra khỏi tình trạng mắc bẫy, khỏi sự trì trệ, và không thể chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng bền vững. Và vì thế tất cả chúng ta – các thế hệ hiện tại và tương lai – sẽ là những người bị hại.

Các kỳ vọng của tôi về bài báo này

Còn nhiều điều muốn nói mắc nghẽn trong tôi. Sẽ tốt hơn, nếu có thể nói nhiều hơn về sự chung sống tồi tệ của nhà nước và thị trường, mà đã hình thành ở Hungary, và vì sao nó đã không mang lại tất cả những điều tốt mà hệ thống tư bản chủ nghĩa có khả năng: khuynh hướng đổi mới sáng tạo, tính năng động, sáng kiến và tinh thần khởi nghiệp. Thế nhưng, đáng tiếc nó lại mang theo tất cả những cái xấu bẩm sinh, các tính chất xấu di truyền của chủ nghĩa tư bản. Chính phủ và thị trường cùng nhau, tăng cường lẫn nhau, làm cho sự phân phối thu nhập càng thêm bất công, cùng nhau tạo ra và chịu đựng sự thất nghiệp hàng loạt khủng khiếp. Đáng tiếc không đủ chỗ để triển khai các ý tưởng này ở đây – bài báo của tôi thế cũng đã quá dài.

Trước hết tôi viết cho các bạn đọc, những người bản thân họ cũng là các nhà phê phán chế độ Fidesz. Đã có rồi một giới khá rộng đồng ý về vấn đề cơ bản: trong đất nước chúng ta thay cho nền dân chủ là chế độ chuyên quyền; nhà nước pháp trị đã yếu đi; các quyền con người bị xâm phạm. Tôi muốn bổ sung nhận thức chung này bằng các khẳng định của bài báo. Tôi hy vọng giúp họ trong việc hiểu tình hình và hình thành lập trường riêng của họ.

Tôi không tin có thể thuyết phục những người cuồng tín bằng những phân tích hay bằng các lý lẽ kinh tế hoặc đạo đức. Tôi không tin rằng, người ham mê theo Orbán Viktor, sau khi đọc bài báo của tôi sẽ đập tay lên trán và nói: tác giả đúng, sau đó ý kiến của tôi về chủ nghĩa tư bản, về sự tập trung hóa và phi tập trung hóa sẽ khác đi.

Thế nhưng biết đâu trong hàng ngũ của Fidesz và của bộ máy hành chính lại không có những người không cuồng tín? Nếu họ không ở gần đỉnh hình chóp – biết đâu sự tự trị còn lại vẫn quan trọng đối với họ? Biết đâu họ có khả năng thoát khỏi cách nhìn kỹ trị thiển cận, mà theo đó chỉ có kỷ luật nhà nước và tính hiệu quả và có lẽ sự tăng trưởng nhanh là đáng trọng, và không quan tâm đủ đến các lợi ích dài hạn? Biết đâu họ cũng sẵn sàng trải qua những thế lưỡng nan đạo đức khó khăn được nhắc đến trong bài báo?

Và tôi nói thêm: nhiều người chưa dứt khoát; họ thích một số và không thích một số thứ mà chính phủ làm. Nhiều người vỡ mộng với chính trị, đoạn tuyệt với công việc chung và thu mình lại, giữa các bức tường bao quanh chính họ, gia đình họ và môi trường hẹp của họ. Có thể tưởng tượng được là, giữa những người chưa dứt khoát đó có thể có vài người sẵn sàng suy nghĩ lại kinh nghiệm riêng của họ dưới ánh sáng của dòng tư duy của bài báo.

Khi tôi viết hay thuyết trình, thường thường (tôi tưởng tượng ra) những người cụ thể lơ lửng trước mình: cứ như tôi nói với họ, tôi muốn thuyết phục họ. Bây giờ cũng có vài học trò trước đây của tôi, mà tôi nghĩ tới trong khi viết. Có lẽ cũng không ít người đã đọc (các cuốn sách của tôi) Sự tập trung quá mức hay Kinh tế học của sự Thiếu hụt hay Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa, hoặc đã nghiên cứu chúng trong các trường chuyên môn và đại học. Họ biết rằng tác giả đã nghiên cứu nhiều về các vấn đề của tập trung hóa và phi tập trung hóa, của nhà nước và thị trường, của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Nếu khi đó họ đã chú ý đến các thông điệp của tôi, thì có lẽ bây giờ chí ít cũng bõ suy ngẫm về các lời nói của tôi.

Chúng ta sẽ thấy. Có lẽ tôi còn sống để thấy sự thay đổi cơ bản nào đó có lợi cho đất nước.

Nguyễn Quang A dịch từ nguyên bản tiếng Hungary, có tham khảo bản dịch tiếng Anh

1. Nguyên văn là trò chơi “húzd meg-ereszd meg” (kéo-thả) một trò lừa vui dân gian: các thiếu nữ nắm bốn góc (hay xung quanh) tấm vài, chủ trò dùng ngón tay vẽ nhanh vòng tròn xung quanh và nói “kéo-thả” liên hồi, rồi bất chợt chỉ vào một người nào đó và nói “kéo” (thì người đó phải thả) hay ngược lại “thả” (thì người đó phải kéo). Người làm sai quy tắc bị thua điểm.

Từ khóa » Sự Tập Trung Hóa Là Gì