Tất Cả Mọi Người ở Khắp Mọi Nơi - Church Of Jesus Christ
Có thể bạn quan tâm
Tháng Năm năm 2006
Mục Lục
Tự Hành Động: Ân Tứ và Các Phước Lành của Quyền Tự Quyết
Tấm Lòng Nhân Hậu và Bàn Tay Giúp Đỡ
Sự Trút Xuống Dư Dật Các Phước Lành
Như Trẻ Nhỏ
Trung Thành cùng Đức Tin
Phần Tán Trợ Các Chức Sắc của Giáo Hội
Bản Báo Cáo của Sở Kiểm Toán Giáo Hội, Năm 2005
Bản Báo Cáo Thống Kê, Năm 2005
“Ta Sẽ Không Còn Nhớ Tới Những Tội Lỗi Đó Nữa”
Để Chúng Ta Có Thể Luôn Được Thánh Linh của Ngài Ở cùng Chúng Ta
Công Việc Truyền Giáo của Các Anh Chị Em Sẽ Thay Đổi Mọi Việc
Ân Tứ về Quyền Tự Quyết
Vun Đắp Hôn Nhân
Giờ Đây Chúng Ta Dự Phần Tiệc Thánh
Biết Sự Cuối Cùng từ Lúc Ban Đầu
Thế Hệ Đang Vươn Lên của Chúng Ta
Sự Hối Cải, Phước Lành của Vai Trò Tín Hữu
Chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua
Sự Tin Cậy vào Chức Tư Tế Thiêng Liêng của Chúng Ta
Cần Có Sự Tử Tế Hơn
Sự Phục Hồi Tất Cả Mọi Điều
Những Đồ Hư Hại để Được Sửa Chữa Lại
Kế Hoạch Hạnh Phúc Vĩ Đại
Lớn Lên Trong Chúa
Tất Cả Mọi Người ở Khắp Mọi Nơi
Các Ngươi Hãy Tìm Kiếm Nước Đức Chúa Trời
Tạo Ra một Ngôi Nhà Chia Sẻ Phúc Âm
Giờ Đây Là Lúc Để Phục Vụ Truyền Giáo!
Si Ôn ở Giữa Ba Bi Lôn
Công Cụ Hòa Bình của Chúa
Sự Cầu Nguyện, Đức Tin và Gia Đình: Những Bước Dẫn đến Hạnh Phúc Vĩnh Cửu
Cuộc Sống Dư Dật
Cho Đến Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau
“Ta Là Sự Sáng Mà Các Ngươi Sẽ Đưa Cao”
Các Em Có Được Quyền Thừa Kế Cao Quý
Điều Đó Hiện Trên Gương Mặt của Các Em
Ánh Sáng của Các Em —Một Cờ Lệnh cho Tất Cả Các Quốc Gia
Năm ngoái, với lời mời của vị tiên tri, hằng triệu người đã đọc Sách Mặc Môn. Hằng triệu người đã hưởng được lợi ích. Đối với mỗi chúng ta đó là những phước lành của sự vâng lời, và đa số chúng ta cũng tăng trưởng về kiến thức và chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô, mà quyển sách này là một chứng thư về Ngài.
Có nhiều điều khác đã được học hỏi, nhưng điều nào học được thì tùy thuộc vào người đọc. Điều chúng ta học được từ một quyển sách—nhất là một bản văn thiêng liêng—thì phần lớn tùy thuộc vào cách thức chúng ta chuẩn bị trước khi đọc—trong ước muốn và sự sẵn sàng để học hỏi, và hòa hợp với ánh sáng được truyền đạt bởi Thánh Linh của Chúa.
Một trong những điều tôi học được trong lần đọc Sách Mặc Môn gần đây nhất là Thượng Đế yêu thương biết bao tất cả con cái của Ngài trong mỗi quốc gia. Trong chương đầu tiên Tổ Phụ Lê Hi ca ngợi Chúa là Đấng mà “quyền năng, sự nhân từ, cùng lòng thương xót của Ngài trên tất cả dân cư trên thế gian này” (1 Nê Phi 1:14). Sách Mặc Môn dạy đi dạy lại rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô rất bao quát trong lời hứa và hiệu quả của sách—đến với tất cả những ai từng sống trên thế gian. Đây là một vài ví dụ, được trích thẳng từ sách đó:
• “Sự chuộc tội đã được chuẩn bị từ lúc thế gian mới được tạo dựng cho tất cả loài người, là những người sống trên cõi đời này, kể từ lúc sự sa ngã của A Đam …” (Mô Si A 4:7).
• “Và cũng nhờ Chúa Giê Su Ky Tô đem lại sự cứu chuộc cho loài người,… tất cả loài người mới được cứu chuộc” (Mặc Môn 9:13).
• “Ngài sẽ hứng lấy những sự đau đớn của mọi người, … cả đàn ông lẫn đàn bà và trẻ con… . Và Ngài chịu đựng như vậy là để cho sự phục sinh có thể đến được với tất cả mọi người” (2 Nê Phi 9:21–22).
• “Ngài có bao giờ truyền lệnh cho một ai không được hưởng sự cứu rỗi của Ngài không? … Không; nhưng trái lại Ngài ban không cho mọi người; và … mọi người đều hưởng một đặc quyền như nhau, và không một ai bị cấm đoán cả” (2 Nê Phi 26:27–28).
Chúng ta cũng đọc rằng “máu của Ngài cũng chuộc tội lỗi của những người đã chết mà không được biết ý định của Thượng Đế đối với họ, hay là những người phạm tội vì không hiểu biết” (Mô Si A 3:11). Cũng như vậy, “máu của Đấng Ky Tô cũng chuộc tội lỗi cho [những trẻ nhỏ]” (Mô Si A 3:16). Những điều giảng dạy rằng quyền năng phục sinh và tẩy sạch của Sự Chuộc Tội là cho tất cả những ai phủ nhận lời tuyên bố rằng ân điển của Thượng Đế chỉ cứu rỗi một số người được chọn lựa mà thôi. Ân điển của Ngài là cho tất cả mọi người. Những điều giảng dạy này của Sách Mặc Môn mở rộng tầm nhìn và gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về tình yêu thương của Thượng Đế bao gồm tất cả mọi người và ảnh hưởng toàn diện của sự chuộc tội của Ngài dành cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi.
Sách Mặc Môn dạy rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta “kêu gọi [mọi con cái loài người] hãy đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ. Ngài cũng không quên kẻ tà giáo; tất cả mọi người, người Do Thái lẫn người Dân Ngoại, đều như nhau trước mặt Thượng Đế” (2 Nê Phi 26:33; xin xem thêm An Ma 5:49).
“Ngài đã kêu gọi mọi người.” Chúng ta hiểu rằng “nam cũng như nữ”. Chúng ta cũng hiểu rằng “da đen hay da trắng,” có nghĩa là tất cả mọi chủng tộc. Vậy còn “nô lệ hay tự do” thì sao? Nô lệ—ngược với tự do—có ý nghĩa nhiều hơn là lệ thuộc. Nó có nghĩa là bị ràng buộc (giam hãm) bởi bất cứ điều gì mà khó thoát ra được. Sự nô lệ gồm có những người mà sự tự do của họ bị hạn chế bởi sự khổ sở về thể chất hay tình cảm. Sự nô lệ gồm có những người nghiện một chất liệu hoặc thói quen nào đó. Sự nô lệ chắc chắn ám chỉ những người bị giam cầm bởi tội lỗi—“bị vây quanh” bởi điều mà sự giảng dạy khác của Sách Mặc Môn gọi là “những xiềng xích của ngục giới” (An Ma 5:7). Sự nô lệ gồm có những người bị bắt phải lệ thuộc bởi những truyền thống hay tục lệ trái ngược với các lệnh truyền của Thượng Đế (xin xem Ma Thi Ơ 15:3–6; Mác 7:7–9; GLGƯ 74:4–7; 93:39). Cuối cùng, sự nô lệ gồm có những người bị giam hãm trong vòng những ý tưởng sai lầm khác. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng chúng ta rao truyền để “giải thoát cho kẻ bị giam cầm”1 Đấng Cứu Rỗi của chúng ta “kêu gọi mọi người hãy đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài … ; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài … và tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”
Con cái của Thượng Đế trong tất cả các quốc gia có được lời hứa của Ngài rằng Ngài sẽ tự biểu hiện cho họ thấy. Sách Mặc Môn cho chúng ta biết:
“Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, Ngài sẽ tự biểu hiện cho tất cả những ai biết tin nơi Ngài; phải, cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc, cùng thực hiện những phép lạ lớn lao, những điềm triệu và những điều kỳ diệu giữa con cái loài người, tùy theo đức tin của họ” (2 Nê Phi 26:13).
Hãy lưu ý rằng những sự biểu hiện được hứa này của Chúa là cho “mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc.” Ngày nay chúng ta trông thấy sự ứng nghiệm của lời hứa đó trong mỗi quốc gia nơi mà những người truyền giáo của chúng ta được cho phép để lao nhọc, ngay cả giữa những người dân mà trước đây chưa có quan hệ với Ky Tô giáo.
Chẳng hạn, chúng ta biết đến nhiều trường hợp Chúa đã tự biểu hiện cho những người nam và những người nữ ở nước Nga, mà mới vừa thoát khỏi sự kìm kẹp lâu dài của chế độ cộng sản vô thần. Trong khi đọc những bài báo chỉ trích hoặc chế nhạo về người Mặc Môn, hai người đàn ông Nga đã cảm thấy một ấn tượng mạnh mẽ để tìm kiếm những nơi thờ phượng của chúng ta. Cả hai đã gặp những người truyền giáo và gia nhập Giáo Hội.2
Một bác sĩ y khoa tại một ngôi làng ở Nigeria có một giấc mơ mà trong đó người ấy thấy người bạn tốt của mình nói chuyện với một giáo đoàn. Lòng đầy tò mò, người ấy đi đến ngôi làng của bạn mình vào một ngày Chúa Nhật và kinh ngạc khi thấy những điều y như người ấy đã thấy trong giấc mơ của mình—một giáo đoàn được gọi là một tiểu giáo khu đang được giảng dạy bởi bạn của người ấy, là vị giám trợ của họ. Có được ấn tượng tốt nơi những gì người ấy nghe được trong nhiều lần thăm viếng, người ấy và vợ của mình đã được giảng dạy và chịu phép báp têm. Hai tháng sau, hơn 30 người khác trong ngôi làng của họ cũng gia nhập Giáo Hội, và phòng khám bệnh của họ đã trở thành nơi hội họp.
Tôi đã gặp một người đàn ông từ miền bắc Ấn Độ chưa hề bao giờ nghe đến tên Chúa Giê Su Ky Tô cho đến khi người ấy nhìn thấy trên tấm lịch trong tiệm của một người thợ đóng giầy. Thánh Linh đã đưa anh đến việc cải đạo theo giáo phái Tin Lành. Sau đó, trong một lần thăm viếng tại một thành phố ở xa là nơi có trường đại học, người ấy trông thấy một tờ quảng cáo về một nhóm trình diễn Hoa Kỳ tên là “The BYU Young Ambassadors.” Trong buổi trình diễn của họ, một tiếng nói từ tâm hồn đã nói với người ấy hãy đi ra ngoài hành lang sau chương trình và một người đàn ông mặc áo đồng phục mầu xanh sẽ nói cho người ấy biết phải làm điều gì. Bằng cách này người ấy đã nhận được một quyển Sách Mặc Môn, đọc sách đó, và đã được cải đạo theo phúc âm phục hồi. Kể từ lúc đó người ấy đã phục vụ với tư cách là một người truyền giáo và giám trợ.
Một bé gái ở Thái Lan đã cảm thấy được ký ức về một Cha Thiên Thượng nhân từ. Khi em lớn lên, em thường xuyên cầu nguyện và bàn bạc với Ngài trong lòng mình. Khi mới vừa 20 tuổi, em đã gặp những người truyền giáo của chúng ta. Những lời giảng dạy của họ đã xác nhận những cảm giác cá nhân trìu mến đối với Thượng Đế mà em nhớ lại từ thời ấu thơ của mình. Em chịu phép báp têm và phục vụ truyền giáo toàn thời gian ở Thái Lan.
Chỉ có 5 phần trăm dân số ở Cam Pu Chia là Ky Tô hữu. Một gia đình trong quốc gia đó đang tìm kiếm lẽ thật. Trong khi đứa con trai 11 tuổi của họ đang đạp xe đạp thì nó thấy một số thanh niên mặc áo sơ mi trắng và đeo cà vạt đang chỉ cho một người nào đó xem một bức hình và hỏi người trong hình là ai. Nó cảm thấy rằng nó nên dừng chân lại. Trong khi quan sát, nó được thúc giục để nói: “Đó là Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, và Ngài đến để cứu rỗi nhân loại.” Sau đó nó đạp xe đi. Những người truyền giáo phải mất một tháng mới có thể tìm ra nó và gia đình của nó. Ngày nay, cha của nó là cố vấn trong chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo.
Tháng Sáu năm ngoái, một gia đình năm người thăm viếng lễ khánh thành một giáo đường mới ở Mông Cổ. Khi người cha bước qua ngưỡng cửa thì một lực mạnh mẽ xuyên khắp châu thân người ấy, một cảm giác bình an mà người ấy chưa từng cảm nhận trước đây. Nước mắt chảy dài. Người ấy hỏi những người truyền giáo cảm giác kỳ diệu đó là gì và làm thế nào người ấy có thể cảm nhận được cảm giác đó lần nữa. Chẳng mấy chốc, cả gia đình đã chịu phép báp têm.3
Đây chỉ là một số ít ví dụ. Còn có hằng ngàn ví dụ khác nữa.
Sách Mặc Môn cũng dạy rằng Đấng Sáng Tạo vĩ đại đã chết “vì tất cả loài người, để sau đó tất cả loài người phải lệ thuộc dưới quyền của Ngài” (2 Nê Phi 9:5). Việc lệ thuộc dưới quyền của Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là nếu muốn các tội lỗi của chúng ta được tha thứ nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài thì chúng ta phải tuân theo những điều kiện mà Ngài đã quy định, kể cả đức tin, sự hối cải, và phép báp têm. Việc làm tròn những điều kiện này tùy thuộc vào ước muốn, sự lựa chọn và hành động của chúng ta. “Ngài sẽ xuống thế gian để cứu vớt tất cả loài người nếu họ biết nghe theo lời của Ngài” (2 Nê Phi 9:21).
Chúa cung ứng một đường lối cho tất cả con cái của Ngài, và Ngài muốn rằng mỗi chúng ta đều đến cùng Ngài. Trong chương cuối cùng của Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni khẩn nài:
“Hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người, để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 10:32).
Kinh Thánh cho chúng ta biết cách thức Thượng Đế lập giao ước với Áp Ra Ham và hứa với ông rằng nhờ ông mà tất cả “các gia đình” hay “các dân tộc” trên thế gian đều sẽ được phước (xin xem Sáng Thế Ký 12:3; 22:18). Điều mà chúng ta gọi là giao ước của Áp Ra Ham mở rộng cánh cửa cho các phước lành chọn lọc nhất của Thượng Đế đến với tất cả các con cái của Ngài ở khắp mọi nơi. Kinh Thánh dạy rằng “lại nếu anh em thuộc về Đấng Ky Tô, thì anh em là dòng dõi của Áp Ra Ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa” (Ga La Ti 3:29; xin xem thêm Áp Ra Ham 2:10). Sách Mặc Môn hứa rằng tất cả những ai tiếp nhận và hành động theo lời mời gọi của Chúa để “hối cải và tin nơi Vị Nam Tử của Ngài” thì trở thành “dân giao ước của Chúa” (2 Nê Phi 30:2). Đây là một lời nhắc nhở đầy sức thuyết phục rằng không phải sự giầu sang hay dòng dõi hoặc bất cứ đặc ân về dòng dõi nào mà lại khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta “tốt hơn kẻ khác” (An Ma 5:54; xin xem thêm Gia Cốp 3:9). Quả thực, Sách Mặc Môn đã nói: “Các ngươi không được xem trọng người này hơn người kia, và chớ tự cho mình là cao quý hơn kẻ khác” (Mô Si A 23:7).
Kinh Thánh dạy rằng một số con cháu của Áp Ra Ham sẽ bị phân tán “trong khắp các nước của thế gian,” “trong các dân tộc,” và “từ cuối đầu này của đất đến cuối đầu kia” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:25, 37, 64). Sách Mặc Môn khẳng định sự giảng dạy này, khi tuyên bố rằng các con cháu của Áp Ra Ham sẽ “bị phân tán trên khắp mặt đất, và ở giữa tất cả các quốc gia” (1 Nê Phi 22:3).
Sách Mặc Môn tăng thêm kiến thức của chúng ta về cách thức giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta tìm đến tất cả các chiên bị phân tán của Ngài. Ngoài giáo vụ của Ngài ở nơi mà ngày nay chúng ta gọi là vùng Trung Đông, thì Sách Mặc Môn còn ghi lại sự hiện đến và sự giảng dạy của Ngài cho dân Nê Phi trên lục địa Mỹ Châu (xin xem 3 Nê Phi 11–28). Nơi đó Ngài lặp lại rằng Đức Chúa Cha đã truyền lệnh cho Ngài đến thăm viếng các chiên khác mà không thuộc vùng đất Giê Ru Sa Lem (xin xem 3 Nê Phi 16:1; Giăng 10:16). Ngài cũng phán rằng Ngài sẽ thăm viếng các dân khác là “những ai chưa được nghe tiếng nói [của Ngài]” (xin xem 3 Nê Phi 16:2–3). Như đã được tiên tri ở nhiều thế kỷ trước đó (xin xem 2 Nê Phi 29:12), Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo với các tín đồ của Ngài ở Mỹ Châu rằng Ngài sẽ “[tự] hiện” đến cùng “các chi tộc thất lạc của Y Sơ Ra Ên nữa, vì đối với Đức Chúa Cha, họ không thất lạc, vì Ngài biết Ngài đã đưa họ đi đâu” (3 Nê Phi 17:4).
Sách Mặc Môn là một chứng thư tuyệt luân về việc Chúa yêu thương tất cả mọi người ở khắp nơi. Sách tuyên bố rằng: “Ngài sẽ tự biểu hiện cho mọi quốc gia biết” (1 Nê Phi 13:42). Chúa phán qua tiên tri Nê Phi: “Các ngươi há không biết rằng ngoài dân này còn nhiều dân khác nữa hay sao?”
“Các ngươi há không biết rằng ta, Chúa, Thượng Đế của các ngươi, đã sáng tạo ra tất cả loài người, và ta cũng không quên những người sống trên các hải đảo; và ta cai trị trên các tầng trời lẫn dưới đất; và ta ban trải những lời của ta cho con cái loài người, phải, cho tất cả các dân trên thế gian này hay sao?” (2 Nê Phi 29:7).
Tương tự như vậy, Tiên Tri An Ma đã dạy rằng “Chúa đã ban cho tất cả mọi quốc gia, với những người cùng chung một nước và chung một ngôn ngữ, được giảng dạy lời của Ngài, phải, trong sự thông sáng, cho tất cả những ai mà Ngài thấy thích hợp cần phải nhận được” (An Ma 29:8).
Chúa không những đã tự biểu hiện cho tất cả các quốc gia biết mà Ngài còn truyền lệnh cho họ ghi chép những lời phán của Ngài:
“Phải chăng các ngươi không biết rằng, lời chứng của hai dân tộc là một bằng chứng cho các ngươi thấy rằng, ta là Thượng Đế, và ta nhớ tới dân này như dân khác vậy? Vì thế, ta đã nói lên cùng một tiếng nói với dân này cũng như đối với dân kia… .
“Vì ta truyền lệnh cho tất cả mọi người … rằng họ phải viết lên những lời mà ta đã nói với họ… .
“Vì này, ta sẽ nói với dân Do Thái, và họ sẽ ghi chép lại; và ta cũng nói với dân Nê Phi nữa, và họ sẽ chép lại; và ta cũng sẽ nói với những chi tộc khác của Gia Tộc Y Sơ Ra Ên, là những kẻ mà ta đã dẫn dắt đi khỏi, họ cũng sẽ ghi chép những lời ấy nữa; và ta còn nói với tất cả các dân khác trên thế gian, và họ sẽ ghi chép lại như vậy” (2 Nê Phi 29:8, 11–12; xin xem thêm 1 Nê Phi 13:38–39).
Hơn nữa, Sách Mặc Môn dạy rằng tất cả những nhóm dân này đều sẽ có những lời ghi chép của những nhóm dân khác (xin xem 2 Nê Phi 29:13).
Chúng ta kết luận từ điều này rằng cuối cùng Chúa sẽ làm cho những điều giảng dạy đầy soi dẫn mà Ngài đã ban cho con cái của Ngài trong nhiều quốc gia khác nhau được cho ra đời vì lợi ích của tất cả mọi người. Điều này sẽ gồm có những câu chuyện về sự viếng thăm của Chúa phục sinh đến những người mà chúng ta gọi là các chi tộc bị thất lạc của Y Sơ Ra Ên và những điều mặc khải của Ngài cho tất cả dòng dõi của Áp Ra Ham. Việc tìm ra Cuộn Giấy ở Biển Chết cho thấy một cách thức mà điều này có thể xảy ra.
Khi những lời ghi chép mới được ra đời—và theo như lời tiên tri thì chúng sẽ được ra đời—thì chúng ta hy vọng rằng những lời đó sẽ không bị bác bỏ mà một số người đã làm như thế đối với Sách Mặc Môn bởi vì họ đã có Kinh Thánh rồi (xin xem 2 Nê Phi 29:3–10). Khi Chúa phán qua một vị tiên tri trong sách đó: “Và chẳng phải vì ta đã nói ra một lời, mà các ngươi lại cho rằng ta sẽ không thể nói thêm lời nào khác nữa; vì việc làm của ta chưa chấm dứt và việc làm ấy sẽ không chấm dứt trước ngày tận thế của loài người” (2 Nê Phi 29:9).
Thật vậy, phúc âm được dành cho tất cả mọi người ở khắp nơi—mọi quốc gia, mọi dân tộc. Tất cả đều được mời đến.
Chúng ta sống trong thời kỳ đã được báo trước khi sự ngay chính được gửi từ trên trời xuống và lẽ thật được gửi đến thế gian để “quét qua thế gian như một trận lụt,” và để quy tụ dân chọn lọc “từ bốn phương trời của thế gian” (Môi Se 7:62). Sách Mặc Môn ra đời để nhắc nhở chúng ta về các giao ước của Chúa, để thuyết phục cho tất cả loài người “rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu, đã biểu hiện cho tất cả quốc gia biết” (Trang tựa Sách Mặc Môn). Tôi xin thêm vào điều này, chứng ngôn của tôi về Ngài và giáo vụ của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
Từ khóa » Chúa ở Khắp Mọi Nơi Thông Biết Mọi Sự
-
Kinh Lạy Ơn Đức Chúa Giêsu
-
Kinh Đọc Hàng Ngày - Giáo Xứ
-
Thiên Chúa ở Khắp Mọi Nơi
-
Lạy Chúa Xin Hãy Mở Miệng Lưỡi Con Ra. Đ - Facebook
-
CÁC MẪU KINH ĐỌC HẰNG NGÀY
-
Kinh Thuong Doc
-
Có Phải Đức Chúa Trời ở Khắp Mọi Nơi Không?
-
Kinh Thường Ngày - Giáo Xứ Anrê Phú Yên Boston
-
Cac Kinh Doc Hang Ngay
-
Chúa đang ở đâu? Chúa ở đâu Khi Bi Kịch Xảy Ra?
-
Chúa Là Ai? Chúa Là Gì? Chúa Là Người Như Thế Nào? Làm Thế Nào ...
-
Kinh Đọc Thường Ngày - Cộng Đoàn Đức Mẹ Lên Trời
-
Prayers - VEYM