Tất Cả Những điều Bạn Cần Biết Về Dịch Cúm Mùa

Cúm mùa có xu hướng lan rộng thành dịch vào mùa đông, bệnh có khả năng lây nhiễm rất qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi. Dưới đây là những thông tin cơ bản và cách phòng tránh bệnh cúm mùa.

1. Bệnh cúm là gì?

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm virus cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh - mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng cúm.

2. Nguyên nhân cảm cúm

Nguyên nhân của bệnh cúm là do Vi rút cúm (Influenza virus), virus này liên tục biến thể với các chủng mới xuất hiện thường xuyên.

Những biến đổi nhỏ liên tục gọi là “trôi” kháng nguyên (antigenic drift) gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Khi những biến đổi nhỏ và dần dần tích tụ lại thành những biến đổi lớn, tạo nên type kháng nguyên mới, đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng vi rút cúm động vật và cúm người. Những phân type kháng nguyên mới này sẽ gây đại dịch cúm trên toàn cầu.

3. Dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm

Dấu hiệu cảm cúm diễn tiến từ nhẹ đến nặng và có thể dẫn đến tử vong. Khác với cảm lạnh, cúm thường xuất hiện đột ngột. Người bị cúm thường biểu hiện một số hoặc tất cả các triệu chứng như sốt, cảm thấy sốt, ớn lạnh, ho, đau họng chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ , đau đầu, mệt mỏi, ở trẻ em có thể bị nôn mửa và tiêu chảy.

4. Con đường lây truyền

Cảm cúm lây truyền chủ yếu qua các hạt nước bọt do người bệnh bắn vào không khí

Bệnh cảm cúm lây lan chủ yếu qua các hạt nước bọt do người bệnh bắn vào không khí. Khoảng thời gian virus cúm phát tán thường bắt đầu trước cả khi người bệnh cảm thấy không khỏe hoặc chỉ mới xuất hiện một vài triệu chứng đầu tiên.

5. Biến chứng bệnh cúm

Mặc dù có những biểu hiện nhẹ và phổ biến nhưng nếu chủ quan thì sẽ dễ dẫn đến những biến chứng bệnh cúm vô cùng nguy hiểm.

Khi bệnh cúm chuyển nặng sẽ dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, suy tim, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy giảm miễn dịch, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu...trẻ em và người già trên 65 tuổi là đối tượng dễ gặp biến chứng nhất.

Đối với phụ nữ mang thai, biến chứng bệnh cúm có thể gây sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi nếu thai phụ mắc cúm trong 3 tháng đầu.

Cảm cúm

Cảm cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu như sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi

6. Điều trị bệnh cúm như thế nào?

Cúm thông thường là bệnh lành tính và thường tự khỏi sau 5-7 ngày, không có thuốc điều trị bệnh cúm đặc hiệu nhưng người bệnh có thể điều trị triệu chứng của bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ:

  • Để giảm triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng có thể dùng thuốc Paracetamol (tên gọi khác là Acetaminophen).
  • Các nhóm thuốc co mạch như Naphazolin, oxymetazoline, xylometazoline được dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi giúp giảm tình trạng nghẹt mũi ở người bệnh cúm. Tuy nhiên, thuốc có nhiều nồng độ khác nhau, mỗi loại thuốc có một giới hạn về độ tuổi sử dụng, tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để lựa chọn loại thuốc thích hợp.
  • Nếu người bệnh có triệu chứng ho nhẹ, không đáng kể thì không cần dùng thuốc vì ho là một phản ứng tốt của cơ thể, giúp tống các dị vật ở đường thở ra ngoài. Nếu ho khan có thể dùng Dextromethophan, codein, nếu ho khan kèm ngạt mũi sổ mũi có thể dùng các thuốc phối hợp như Atussin, Decolsin, Rhumenol,...

Nếu các triệu chứng của cảm cúm kéo dài hơn một tuần, bệnh nhân sốt cao kéo dài, sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường không đỡ, ho nhiều, tức ngực, khó thở, đau nhức, mệt mỏi tăng thì nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời

7. Phòng ngừa bệnh cúm

Virus cúm có khả năng lây lan trực tiếp từ người này sang người khác nên mỗi người cần chủ động phòng ngừa bệnh cúm này:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước
  • Lau chùi thường xuyên các bề mặt hay các vật dụng có thể bị lây nhiễm bệnh cúm
  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng chất dinh dưỡng, ăn uống đúng giờ
  • Tập thể dục hàng ngày, rửa tay trước và sau khi ăn cũng như mỗi khi ở ngoài về nhà, bàn tay sạch là một trong các biện pháp quan trọng để ngừa cúm.
  • Bệnh cúm mùa được dự phòng bằng cách tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh cúm.

8. Tiêm vắc-xin phòng cúm mùa

Tiêm

Tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cách an toàn, hiệu quả để phòng ngừa cúm

Tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cách an toàn, hiệu quả để phòng ngừa cúm. Theo khuyến cáo của CDC - Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, những đối tượng dưới đây nên đi tiêm ngừa vắc-xin cúm mùa hàng năm:

  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Người lớn trên 65 tuổi
  • Người bị mắc các bệnh lý mãn tính: viêm phổi mãn tính, hen, bệnh tim mạch, suy thận, đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch do điều trị bệnh hoặc mắc HIV/AIDS.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin phòng cúm với các loại vắc-xin gồm:

  • Vắc-xin phòng cúm Vaxigrip 0,25ml của công ty Sanofi - Pháp, được sản xuất tại Pháp.
  • Vắc-xin Vaxigrip 0,5ml của công ty Sanofi - Pháp, được sản xuất tại Pháp.
  • Vắc-xin phòng cúm Influvac 0.5ml của công ty Abbott, được sản xuất tại Hà Lan.

9. Bị cúm khi mang thai

Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch kém hơn người bình thường, vì vậy họ rất dễ bị nhiễm virus đặc biệt là bệnh cảm cúm. Trong và sau thời gian bị cúm thai phụ nên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách khám thai và siêu âm mỗi 2 tuần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ sau đó. Thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

10. Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh thông thường

Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó hay gặp nhất là các chủng Rhinovirus. Với bệnh cảm lạnh thông thường, chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng), và các xoang (viêm xoang). Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7 đến 10 ngày.

Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm. Thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra. Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm. Có nhiều chủng virus cúm có thể gây bệnh từ nhẹ, hoặc thành đại dịch, một số chủng có độc tính cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

11. Chăm sóc sức khỏe khi bị cúm

Đeo khẩu trang khi bị cúm A /H1N1

Người bệnh nên đeo khẩu trang để hạn chế lây nhiễm cho người khác

Bệnh cảm cúm thông thường không có thuốc điều trị đặc hiệu, để nhanh khỏi bệnh, nên cho người bệnh nên áp dụng các biện pháp sau:

  • Áp dụng các biện pháp cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác, hạn chế ra khỏi phòng bệnh, khi ra khỏi phòng cần đeo khẩu trang;
  • Phối hợp dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho (nếu có) và/hoặc thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%;
  • Cho người bệnh ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C;

12. Phân loại cúm, có mấy loại virus cúm?

Có 3 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C. Trong đó chủng cúm A và B hay gặp ở người và là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh trong thực tế.

  • Cúm A có khả năng gây bệnh trên người và một số động vật khác như các loài chim, heo, ngựa...Virus cúm A là một trong hai tác nhân gây bệnh cúm mùa hàng năm và là nguyên nhân của nhiều đại dịch lớn trên thế giới.
  • Cúm B gây bệnh nhẹ hơn và chỉ gây bệnh trên người. Virus cúm B cũng là nguyên nhân của bệnh cúm mùa và có xu hướng lưu hành cùng với cúm A trong các đợt bùng phát hàng năm.
  • Cúm C gây bệnh nhẹ và chỉ gây bệnh lẻ tẻ trên người, không gây dịch.

(Sưu tầm)

Khoa KSBT- Bùi Nguyễn Anh Thư

Khoa KSBT - Tiêm chủng mở rộngNguồn tin : https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/nhung-dieu-ban-can-biet-ve-dich-cum-mua/?link_type=related_posts Tìm kiếm theo từ khóa :cúm

Từ khóa » Các Biểu Hiện Của Bệnh Cúm Mùa