Tật đi Nhón Chân ở Trẻ Nhỏ (Toe- Walking) | BvNTP

Trong một số hiếm trường hợp, sau 2 tuổi tình trạng này sẽ tiếp tục tiếp diễn, điều này gợi ý cho chúng ta biết có một bệnh lý nào đó kèm theo ở trẻ. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, đi nhón gót là một bệnh lý vô căn, nghĩa là nguyên nhân gây ra bệnh chưa được biết rõ. Ở những trẻ lớn tuổi, việc nhón gót không chỉ thể hiện ở lúc trẻ đi lại, mà còn xuất hiện trong nhưng sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Nguyên nhân do lúc này, các gân cơ ở bắp chân (cẳng chân) của trẻ đã bắt đầu bị co rút và ngắn hơn bình thường.

Cách điều trị bệnh đi nhón gót thường là nắn bó bột và thay đổi tư thế bột dần dần nhằm mục đích kéo giãn, phục hồi độ dài sinh lý của gân cơ để trẻ có dáng đi như bình thường.

Giải phẫu (cấu trúc của cẳng chân)

Bắp chân (cẳng chân) được hình thành bởi nhiều cơ, trong đó có hai cơ mà chúng ta quan tâm sau đây:

  • Cơ bụng chân (gastronemius muscle). Đây là một cơ lớn ở vùng bắp chân, cơ này có hai thành phần là bụng trong và bụng ngoài, có thể sờ ngay ở dưới da.
  • Cơ dép (soleus muscle). Cơ này phẳng hơn, nhỏ hơn, nằm ở dưới hai cơ bụng chân.

Cả hai cơ kể trên kéo dài từ trên xuống dưới gót chân, và hình thành nên gân gót (Achilles tendon) có thể sờ được dưới da. Gân gót sau khi đi xuống dưới sẽ đính vào xương gót. Khi chúng ta nhón gót, nghĩa là não bộ điều khiển cơ cẳng chân co lại, kéo theo gân gót và xương gót lên trên.

Ở những trẻ bị chứng đi nhón gót, gân gót và cơ ở cẳng chân nêu trên bị ngắn lại, khiến cho gót chân bị nhón lên mà không thể quay về vị trí cũ, nên trẻ không thể đặt gót chân xuống nền nhà được.

Nguyên nhân nào gây ra tật nhón chân?

Trong đa số bệnh nhi, chứng đi nhón gót được xếp vào loại “vô căn”, nghĩa là nguyên nhân thực chất chưa được biết rõ. Khi khám bác sĩ, các dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm kiểm tra như điện thần kinh cơ đều nằm trong giới hạn bình thường.

Nguyên nhân về mặt tâm thần kinh, trong số các bệnh nhi, chứng đi nhón gót có thể là dấu hiệu thể hiện cho một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, như là:

• Bại não • Loạn dưỡng cơ • Bất thường tủy sống

Mặc dù ở nhóm trẻ bị tâm thần sẽ có xu hướng thể hiện bệnh nhón gót nhiều hơn trẻ thường, tuy nhiên, chưa thấy có một sự liên kết nào giữa tình trạng tâm thần và bệnh lý này.

tật nhón chân ở trẻ

Triệu chứng

Đa số các trẻ bị chứng nhón gót vẫn có thể đi lại bình thường nếu chúng ta yêu cầu trẻ làm thế. Tuy nhiên, sau này khi trẻ lớn hơn (cụ thể là lớn hơn 5 tuổi) thì tỉ lệ để trẻ có thể đi lại bình thường sẽ giảm đi rõ rệt. Lúc này, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt như khó mang giày, chơi thể thao, v.v…

Một số trẻ bị chứng nhón gót chân không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, nhưng cha mẹ của trẻ sẽ lo lắng bệnh này sẽ ảnh hưởng đến chức năng của trẻ khi đến tuổi dậy thì và trưởng thành.

Khám lâm sàng

Khi khám bệnh, bác sĩ có thể hỏi một số câu hỏi sau:

  • Trước đây mẹ trong lúc sinh có bị sinh non trẻ hoặc có tai biến sản khoa nào không?
  • Ở tầm độ tuổi nào thì trẻ biết ngồi, biết lật, biết đi?
  • Trẻ bắt đầu đi nhón gót chân từ lúc nào (từ lúc mới tập đi hay khi trẻ đã lớn)?
  • Trẻ đi nhón gót một chân hay cả hai chân (nếu trường hợp chỉ nhón gót một chân thì sẽ nghĩ nhiều đến bệnh lý thần kinh cơ nhiều hơn)?
  • Gia đình trẻ có ai bị giống trẻ không?
  • Liệu trẻ có đi lại bình thường khi cha mẹ nhắc trẻ không? Nếu có thì trẻ thường nhón gót bao lâu trong một ngày?
  • Trẻ có cảm thấy đau khi đi lại, hoặc thấy khó hòa nhập với những đứa trẻ khác ở trong cùng độ tuổi?

Khám

Ban đầu, bác sĩ sẽ quan sát cách trẻ đi lại. Để tránh trường hợp bị đánh lừa do trẻ sẽ cố đi bình thường trong khi bác sĩ quan sát chúng, thì bác sĩ sẽ quan sát cách trẻ đi lại từ trước khi chúng biết là chúng đang bị quan sát.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thử yêu cầu trẻ đi lại bình thường để đánh giá cả hai tư thế của trẻ, đây cũng là cách để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh lý thần kinh cơ.

Trong quá trình khám, bác sĩ cũng sẽ đánh giá:

  • Kiểm tra độ dai của cả hai chân, so sánh để tìm ra những bất thường.
  • Kiểm tra kích thước của khối cơ bắp chân hai bên.
  • Kiểm tra độ chắc của khối cơ này ở cả hai bên chân.
  • Kiểm tra biên độ vận động khớp gối và háng.
  • Đánh giá các bất thường ở da vùng chi dưới và thắt lưng của trẻ.

Các nghiệm pháp khám

Các nghiệm pháp kiểm tra thần kinh cơ. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ làm các nghiệm pháp:

  • Đánh giá độ co rút hoặc độ căng chắc quá đà của một số nhóm cơ ở cánh tay lẫn cẳng chân.
  • Kiểm tra sức cơ.
  • Kiểm tra các dấu hiệu phản xạ cơ ở gót chân, đầu gối và các vùng khác của cơ thể.
  • Kiểm tra cảm giác, thụ cảm của cả chân lẫn tay.

Các nghiệm pháp khác. Chứng đi nhón gót vô căn là một chẩn đoán loại từ, nghĩa là được chẩn đóa khi không tìm thấy bất kì tiền sử bệnh lý nào và không tìm thấy manh mối nào lúc khám. Cũng vì lí do này mà nhiều khi các cận lâm sàng kiểm tra khác như Xquang, CT hoặc MRI, hoặc thậm chí là điện thần kinh cơ là không cần thiết.

Điều trị

Phương pháp điều trị tùy thuộc vào các yếu tố sau:

  • Độ tuổi của bệnh nhi.
  • Liệu rằng trẻ có lúc nào đi lại như bình thường được không?

Điều trị không phẫu thuật

Đối với trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi, có khả năng đi lại như bình thường, thì điều trị đầu tay là điều trị không phẫu thuật. Điều trị không phẫu thuật bao gồm:

  • Quan sát: Bác sĩ sẽ lựa chọn phương án là hẹn trẻ tái khám định kì, tập cho trẻ bỏ thói quen đi nhón gót.
  • Bó bột. Bác sĩ sẽ cho đặt nẹp bột cẳng bàn chân và thay đổi tư thế bột định kì để kéo giãn gân cơ dần dần và loại bỏ thói quen đi nhón gót. Phương pháp này có thể được thực hiện trong vài tuần.
  • Nẹp. Việc mang giày chỉnh hình cổ chân-bàn chân cũng có thể kéo dài dần dần gân cơ. Loại giày này sẽ ôm lấy chân và giữ cho bàn chân ở tư thế 90 độ. Yếu điểm của phương pháp này là thời gian điều trị sẽ kéo dài lâu hơn bó bột (có thể kéo dài đến vài tháng).
  • Liệu pháp Botox. Ở một số bệnh nhi – đa phần là các bệnh nhi có kèm rối loạn thần kinh cơ, khiến cơ bị co rút bởi thần kinh nhiều hơn bình thường – có thể tiêm Botulinum Atoxin (Botox). Liệu pháp này sẽ tạm thời làm yếu cơ ở vùng bắp chân, khiến cho việc nắn bó bột trở nên dễ dàng hơn.

điều trị tật nhón chân ở trẻ

Điều trị phẫu thuật

Ở những trẻ bị chứng đi nhón gót chân lớn hơn 5 tuổi, gân gót và cơ ở bắp chân lúc này đã quá chắc, hoạc bị co rút quá mức, khiến cho việc đi lại bình thường gần như không thể. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để kéo dài gân Achilles (gân gót). Việc kéo dài gân có thể giúp cho cổ chân có biên độ vận động tốt hơn, và chức năng cũng vì thế mà cải thiện.

Việc kéo dài gân sẽ được thực hiện ở một số vị trí của gân tùy theo việc trẻ nhỏ có thể đặt chân trên mặt phẳng ngang khi gối đang gấp 90 độ hay không. Có một số phương pháp để kéo dài gân, và bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp nào là tốt nhất cho bệnh nhi.

Sau phẫu thuật kéo dài gân, bệnh nhi có thể được nắn bó bột hoặc mang nẹp chỉnh hình trong vòng 4 đến 6 tuần đầu.

Phục hồi

Bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhi tập vật lí trị liệu đối với cả hai phương pháp điều trị phẫu thuật hay không. Thời điểm bắt đầu tập vật lý trị liệu là khi bột bó đã được tháo bỏ.

Có thể bạn quan tâm: Cắt bao quy đầu ở trẻ nhỏ

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » đi Nhón Gót Là Gì