Tất Tần Tật Thông Tin Về Bệnh Sởi ở Trẻ Sơ Sinh - Hapacol

Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh hay trẻ em có thể diễn biến nhanh và phức tạp hơn so với người lớn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh nắm được những thông tin hữu ích nhất nhằm phòng ngừa và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi ở trẻ sơ sinh. 

MỤC LỤC NỘI DUNG

  • 1. Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ sơ sinh
  • 2. Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
  • 3. Phòng ngừa và điều trị bệnh sởi ở trẻ sơ sinh như thế nào?
  • 4. Trẻ sơ sinh bị sởi có nên tắm và kiêng gió không?

1. Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi thường không điển hình. Các triệu chứng thường bắt đầu như một cơn cảm lạnh thông thường:

  • Sốt nhẹ
  • Ho
  • Sổ mũi
  • Mắt bị đau, đỏ và sưng

Một triệu chứng sớm khá rõ của bệnh sởi là xuất hiện những đốm nhỏ màu trắng xám trong miệng (hạt Koplik), trông giống như những hạt muối. Sau khoảng 2-4 ngày, ban sởi bắt đầu mọc dưới dạng dát hồng, hơi gờ lên mặt da. Ban mọc không tuần tự từ trên đầu (sau tai, mặt) và lan xuống thân mình (lưng, ngực) trong khoảng 3 ngày nhưng không dày. Ban sởi có thể hơi ngứa và sẽ kéo dài trong khoảng 5 ngày. Khi mờ dần, chúng sẽ chuyển sang màu nâu, khiến da bé khô và bong tróc. Thời điểm ban mọc, trẻ có thể sốt đến 40°C.

Cùng với phát ban, một số triệu chứng sau cũng xuất hiện ở trẻ sơ sinh mắc bệnh sởi:

  • Mệt mỏi, quấy khóc
  • Mất cảm giác ngon miệng khiến bé biếng ăn, bỏ bú
  • Có thể tiêu chảy, nôn ói
  • Ho nặng hơn khiến bé khó ngủ về đêm

Tuy vậy, các triệu chứng bệnh sởi ở trẻ sơ sinh thường không mạnh mẽ như ở trẻ lớn, do trẻ vẫn còn miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang.

2. Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Bệnh sởi ở trẻ em có thể để lại biến chứng rất nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Vì sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể trẻ giảm sút, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Mẹ nên đưa bé đến bệnh viện ngay nếu phát hiện trẻ sơ sinh có các dấu hiệu bất thường như:

  • Tiêu chảy, mất nước
  • Nôn
  • Khó thở, ho ra máu
  • Sốt co giật
  • Phát ban kéo dài, không lặn đi

Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan tới sởi là do biến chứng của bệnh. Biến chứng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi bao gồm: 

  • Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) dẫn đến mất thính lực
  • Cổ họng sưng (viêm thanh quản)
  • Nhiễm trùng ngực và đường thở (hệ hô hấp), chẳng hạn như viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản cấp (croup) hoặc viêm phổi

Trong những trường hợp hiếm hơn, virus bệnh sởi cũng có thể lây nhiễm vào hệ thống thần kinh, đặc biệt là:

  • Các dây thần kinh và cơ trong mắt – dẫn đến nhiễm trùng mắt, ảnh hưởng thị lực
  • Màng não và tủy sống – dẫn đến viêm màng não
  • Não –  dẫn đến viêm não, tổn thương não suốt đời

Trường hợp nặng nhất, biến chứng của bệnh sởi có thể khiến trẻ sơ sinh tử vong.

bênh sởi nặng ở trẻ sơ sinh

Sởi diễn biến nặng gây nguy hiểm cho trẻ

3. Phòng ngừa và điều trị bệnh sởi ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Hiện tại vẫn chưa có phương thức điều trị cụ thể cho bệnh sởi ở trẻ sơ sinh. Người mẹ cần chủ động tiêm phòng đầy đủ vắc-xin, giữ cơ thể khỏe mạnh từ khi có dự định mang thai lẫn trong suốt thai kỳ. Đây là biện pháp phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất cho trẻ sơ sinh.

Trường hợp bé sơ sinh nhiễm virus sởi, biện pháp cơ bản vẫn là khắc phục các triệu chứng bệnh, cụ thể là:

  • Khi virus sởi xâm nhập vào cơ thể, trẻ sẽ sốt cao liên tục khiến khả năng miễn dịch của cơ thể giảm sút. Bác sĩ có thể cho trẻ hạ sốt nhanh chóng với paracetamol (Hapacol). Người nhà cần đảm bảo theo đúng liều lượng khuyến cáo (10-15mg/kg cân nặng/lần, khoảng cách giữa 2 lần uống từ 4-6 giờ). 
  • Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc vitamin mà không có sự chỉ định của bác sĩ. 
  • Nếu trong gia đình có trẻ nghi ngờ bệnh sởi, phải cách ly ngay để virus sởi không lây lan.
  • Giữ vệ sinh cho trẻ hằng ngày, vệ sinh môi trường xung quanh thông thoáng, sạch sẽ.
  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ bình thường và nhiều hơn nếu được.
  • Nhỏ dung dịch nước muối sinh lý 0,9% vào mắt, mũi và tai cho trẻ để ngừa bội nhiễm

Theo Bộ Y tế Việt Nam, khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, cha mẹ cần cho trẻ tiêm vắc-xin ngừa sởi mũi đầu và tiếp tục tiêm mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng.

Xem thêm: Bệnh sởi nên kiêng gì? Nên ăn gì để nhanh khỏi

4. Trẻ sơ sinh bị sởi có nên tắm và kiêng gió không?

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị sởi, mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước ấm ở nơi kín gió, không tắm lâu, chà xát mạnh hay tắm vào ban đêm. Mẹ cũng có thể sử dụng lá kinh giới hay lá trà xanh tươi rửa sạch qua nước muối, có thể vò giập hoặc cắt nhỏ và cho vào nồi nước đun sôi. Sau đó lọc bỏ xác bã và đợi nước bớt nóng thì tiến hành tắm cho trẻ. Khi tắm xong, cần thấm khô người ngay và cho mặc quần áo sạch, rộng rãi, thoải mái. 

Tuy nhiên, không nên lạm dụng tắm lá quá nhiều, chỉ nên tắm 1 lần mỗi ngày. Việc tắm lá giúp sát khuẩn cơ thể, giữ cho da trẻ sạch sẽ khỏi mồ hôi và các chất bài tiết, giúp trẻ thoải mái, dễ chịu hơn. 

Một quan niệm dân gian khác là trẻ sơ sinh mắc bệnh sởi cần kiêng gió. Thực tế quan niệm này vẫn cần áp dụng nhưng không nên quá máy móc. Trẻ nên tránh nơi có gió tự nhiên lùa nhưng không nên cho trẻ mặc quần áo quá dày. 

Ngoài ra, mẹ cũng có thể bật quạt trong phòng trẻ ở tốc độ thấp để không khí lưu thông thoáng mát. Vì nếu quá nóng, trẻ ra mồ hôi nhiều sẽ gây khó chịu và có thể làm tình trạng bệnh sởi lâu khỏi, nặng hơn. Cơ thể trẻ khi bị nhiễm sởi cần được giữ khô ráo, thoáng khí nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ để tránh bội nhiễm.

Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh là bệnh truyền nhiễm thường gặp nhưng chỉ cần phát hiện sớm, trẻ có cơ hội cứu sống rất cao mà ít để lại biến chứng. Người nhà của trẻ cần giữ vệ sinh khi tiếp xúc với bé. Ngoài ra cũng cần chú ý những dấu hiệu ban đầu của bệnh để kịp thời xử trí và tuyệt đối tuân theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhi.

Xem thêm: Cùng chuyên gia giải đáp 9 thắc mắc thường gặp về bệnh sởi

Từ khóa » Hiện Tượng Bé Lên Sởi