Tất Tần Tật Về Xét Nghiệm Ung Thư Buồng Trứng | TCI Hospital

Ung thư buồng trứng là một căn bệnh nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản mà còn đe dọa tính mạng của chị em phụ nữ. Bệnh thường tiến triển âm thầm và chỉ được phát hiện khi ở giai đoạn muộn. Tầm soát ung thư chính là biện pháp tối ưu để phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả. Trong đó, xét nghiệm ung thư buồng trứng là một thủ thuật khá đơn giản, không gây nhiều khó chịu cho người bệnh.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Tìm hiểu các phương pháp xét nghiệm ung thư buồng trứng
    • 1.1. Xét nghiệm ung thư buồng trứng thông qua xét nghiệm máu
    • 1.2. Xét nghiệm ung thư buồng trứng thông qua sinh thiết
    • 1.3. Một số phương pháp sàng lọc ung thư buồng trứng khác
  • 2. Đối tượng nên thực hiện tầm soát sớm ung thư buồng trứng
  • 3. Lưu ý khi tầm soát ung thư buồng trứng

1. Tìm hiểu các phương pháp xét nghiệm ung thư buồng trứng

Hiện tại, chúng ta đã có rất nhiều phương pháp tầm soát ung thư hiệu quả. Với ung thư buồng trứng, dưới đây là những phương pháp sàng lọc đặc hiệu và được áp dụng phổ biến nhất.

1.1. Xét nghiệm ung thư buồng trứng thông qua xét nghiệm máu

CA-125 là một hợp chất do khối u tiết ra, ở những người mắc ung thư buồng trứng, nồng độ protein CA-125 cao hơn bình thường. Vì vậy, xét nghiệm máu đo chỉ số CA-125 thường được dùng để tầm soát ung thư buồng trứng. Bên cạnh đó, xét nghiệm này còn sử dụng để đánh giá mức độ đáp ứng của người bệnh trong quá trình điều trị ung thư. 

Nhìn chung, xét nghiệm máu tầm soát ung thư có quy trình thực hiện khá đơn giản, ít để lại cảm giác đau đớn, khó chịu. Với cùng một mẫu máu bệnh phẩm, chúng ta có thể kết hợp sàng lọc nhiều dấu ấn ung thư khác như: CA 19-9, HE4, CEA… Đây là lý do mà phương pháp sàng lọc này được áp dụng khá phổ biến. 

Tuy vậy, mức độ chính xác của xét nghiệm này không thực sự cao. Bởi nồng độ CA-125 còn có thể tăng do nhiều nguyên nhân khác như u xơ tử cung, xơ gan, ung thư vú, ung thư phổi, tuyến tụy… Ngoài ra, khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ CA-125 cũng có thể cao hơn bình thường. Do đó, xét nghiệm CA-125 thường được thực hiện kèm theo các phương pháp khác do bác sĩ chỉ định để có kết quả chính xác hơn.

phương pháp xét nghiệm ung thư buồng trứng

Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp tầm soát ung thư được áp dụng phổ biến

1.2. Xét nghiệm ung thư buồng trứng thông qua sinh thiết

Trong các phương pháp tầm soát ung thư hiện nay, sinh thiết được đánh giá là một trong những phương pháp mang đến kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Với những cơ quan phía trong của cơ thể, sinh thiết thường được kết hợp cùng với nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng. 

Mẫu mô sau khi được lấy từ buồng trứng sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm chẩn đoán ung thư buồng trứng. Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết mẫu mô buồng trứng ngay trong quá trình mổ để chẩn đoán ung thư buồng trứng và quyết định các bước phẫu thuật tiếp theo.

1.3. Một số phương pháp sàng lọc ung thư buồng trứng khác

Bên cạnh các phương pháp xét nghiệm nói trên, các bác sĩ thường chỉ định thực hiện thêm một số thủ thuật khám sàng lọc khác để tăng độ chính xác cho kết luận chẩn đoán ung thư.

–  Siêu âm qua âm đạo: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này sử dụng sóng âm để phát hiện các khối u tại cơ quan sinh sản, tuy nhiên phương pháp này lại không thể khẳng định được chắc chắn tổn thương có phải là ung thư hay không. 

– Chụp CT vùng bụng và hố chậu: Trường hợp người bệnh dị ứng với thuốc nhuộm, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI thay thế. Phương pháp này có thể cho các hình ảnh chi tiết của vùng bụng và vùng chậu, có hiệu quả cao trong việc chẩn đoán ung thư buồng trứng, khảo sát tình trạng di căn hạch và xác định mức độ xâm lấn của ung thư.

xét nghiệm ung thư buồng trứng ở đâu

Chụp CT cho kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao

2. Đối tượng nên thực hiện tầm soát sớm ung thư buồng trứng

Việc thực hiện tầm soát ung thư là việc làm cần thiết và được khuyến khích với mọi người, Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư buồng trứng và cần thực tầm soát sớm và định kỳ.

Những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng nên thực hiện khám sàng lọc định kỳ. Cụ thể là:

– Có người trong gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, đặc biệt là quan hệ cận huyết.

– Người thừa cân: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lượng estrogen cao được tạo ra bởi mô mỡ có thể thúc đẩy quá trình phát triển của một số bệnh ung thư.

– Người trên 50 tuổi

– Phụ nữ chưa từng sinh con có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn phụ nữ đã từng mang thai và sinh con.

– Người có triệu chứng cảnh báo mắc bệnh: Đau bụng dưới, sụt cân không kiểm soát, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn,kinh nguyệt không đều, đau khi giao hợp…

xét nghiệm ung thư buồng trứng có đắt không

Phụ nữ trên 50 tuổi nên chú ý tầm soát ung thư định kỳ

3. Lưu ý khi tầm soát ung thư buồng trứng

Để tầm soát ung thư buồng trứng có cho kết quả chính xác, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau:

– Nên thực hiện tầm soát trong khoảng 14 ngày sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt gần nhất.

– Không thực hiện tầm soát khi đang đặt thuốc phụ khoa hoặc đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa. Đặc biệt, trước khi khám thì không dùng kem bôi trơn âm đạo vì chất bôi trơn có thể che khuất những tế bào bất thường.

– Không quan hệ tình dục ít nhất 1 ngày trước khi khám sàng lọc để tránh những tổn thương cho cổ tử cung, có thể làm sai lệch kết quả.

Ung thư buồng trứng rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu bởi biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do đó, chị em nên chú ý theo dõi sức khỏe qua thăm khám định kỳ, tầm soát ung thư sớm để phòng bệnh tốt nhất.

Từ khóa » Chẩn đoán Sớm Ung Thư Buồng Trứng