Tàu Sân Bay đắt Nhất Thế Giới đã Sẵn Sàng Thực Hiện Nhiệm Vụ Chiến ...

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford - con tàu đắt nhất thế giới

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ được triển khai lần đầu tiên vào cuối năm nay, muộn hơn 4 năm so với kế hoạch.

Dẫn thông tin từ Tạp chí Popular Mechanics, Qdnd.vn cho biết, cuối năm 2021, Hải quân Mỹ đã phê duyệt chứng nhận sẵn sàng làm nhiệm vụ cho tàu sân bay USS Gerald R. Ford (đặt theo tên Tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ là Gerald R. Ford).

Ông Brian Metcalf, Giám đốc Chương trình tàu sân bay lớp Ford cho hay, USS Gerald R. Ford đã đạt được khả năng hoạt động ban đầu (IOC) vào tháng 12-2021. IOC là một thuật ngữ dùng để mô tả hệ thống vũ khí mới được chứng nhận đủ điều kiện cho các nhiệm vụ chiến đấu nhất định.

USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên trong số các tàu sân bay lớp Ford. Lớp tàu sân bay này sẽ thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz đang hoạt động hiện nay. Theo cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, với giá 13,3 tỷ USD, tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã trở thành con tàu đắt nhất thế giới.

Chi phí này chưa bao gồm ngân sách dành cho hơn 70 máy bay các loại mà tàu sân bay này sẽ mang theo, cũng như đội tàu hộ tống đi cùng.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford có thể mang theo khoảng 40-50 máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet và F-35 Joint Strike Fighters; 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 19 trực thăng MH-60 Seahawk, 4 máy bay cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye và 2 máy bay vận tải MV-22B Osprey.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, tàu sân bay USS Gerald R. Ford được hộ tống bởi các tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, tàu khu trục, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu hậu cần.

Siêu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu - Ảnh 1.

Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Nhiệm vụ đầu tiên của tàu sân bay USS Gerald R. Ford tương đối đặc biệt

Tờ Navy Times dẫn thông tin từ Hải quân Mỹ cho biết, tàu USS Gerald R. Ford gần đây đã hoàn tất đợt thử nghiệm chứng nhận vận hành máy bay trên boong. Các máy bay F/A-18E/F Super Hornet, E-2D Hawkeyes và trực thăng MH-60S đã hoàn thành hơn 400 chuyến cất cánh và hạ cánh cả ngày lẫn đêm trong quá trình này.

Đại úy Paul Lanzilotta, sĩ quan chỉ huy tàu sân bay USS Gerald R. Ford, nhấn mạnh: “Chứng nhận vận hành máy bay trên boong là một cột mốc quan trọng để chuẩn bị cho đợt triển khai đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi sẽ có nhiều bài kiểm tra và đánh giá hơn trong giai đoạn tiếp theo”.

Dự kiến, tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ tiếp tục ra biển thử nghiệm trong tháng 4 này nhằm chuẩn bị cho chuyến xuất phát làm nhiệm vụ đầu tiên vào cuối năm nay. Theo Chuẩn đô đốc John Meier, chỉ huy lực lượng Không quân Hải quân Đại Tây Dương của Mỹ, nhiệm vụ đầu tiên của USS Gerald R. Ford tương đối đặc biệt.

Tàu sân bay này sẽ được triển khai để kiểm tra tính năng trong thực tế và làm quen với hoạt động tác chiến do Hải quân Mỹ điều động, chứ không thuộc quyền quản lý của chỉ huy tác chiến khu vực như những đợt triển khai tàu sân bay thông thường.

Tàu sân bay lớp Ford được tích hợp hàng loạt công nghệ mới

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford được khởi đóng vào năm 2009. Do những khó khăn trong quá trình chế tạo, đến năm 2017, USS Gerald R. Ford mới được bàn giao cho Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ chưa thể đưa tàu sân bay này vào hoạt động ngay sau khi tiếp nhận do hàng loạt vấn đề liên quan tới độ tin cậy của nhiều công nghệ mới được trang bị trên tàu.

Là lớp tàu sân bay tiên tiến đầu tiên của Hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ, tàu sân bay lớp Ford được tích hợp hàng loạt công nghệ mới.

Cụ thể, tàu được trang bị hệ thống radar tiên tiến Dual Band radar, hệ thống phóng điện từ (EMALS), thang nâng vũ khí tiên tiến (AWE), hệ thống cáp hãm đà tiên tiến (AAG) và nhiều thiết bị khác.

Theo bản thuyết minh dự án, những công nghệ mới sẽ khiến tàu sân bay lớp Ford có thể triển khai nhiều máy bay và có hiệu quả tác chiến cao hơn so với tàu sân bay lớp Nimitz. Điều đó sẽ góp phần tăng cường năng lực chiến đấu của Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, công nghệ mới luôn đi kèm những rủi ro. Việc tích hợp quá nhiều thiết bị mới khiến tàu sân bay lớp Ford, mà cụ thể là USS Gerald R. Ford, đối mặt với hàng loạt vấn đề về kỹ thuật. Lỗi phổ biến nhất liên quan đến AWE vốn được sử dụng để chuyển tên lửa, bom từ bên trong khoang tàu lên trên boong tàu.

Đối với USS Gerald R. Ford, việc AWE gặp sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tác chiến của con tàu. Cuối năm ngoái, các vấn đề với AWE mới được giải quyết.

Giới quan sát nhận định, việc tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu được xem là tin vui đối với Hải quân Mỹ khi kế hoạch triển khai tàu sân bay này liên tục bị gián đoạn trong suốt hơn 4 năm qua./.

  • Tham khảo thêm

    Nhóm tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam

    Nhóm tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam
  • Tham khảo thêm

    Cận cảnh tàu sân bay Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng

    Cận cảnh tàu sân bay Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng
  • Tham khảo thêm

    Tàu sân bay Hoa Kỳ tới Việt Nam thực hiện chuyến thăm lịch sử

    Tàu sân bay Hoa Kỳ tới Việt Nam thực hiện chuyến thăm lịch sử
  • Tham khảo thêm

    Đoàn cán bộ Việt Nam thăm Tàu sân bay USS Carl Vinson

    Đoàn cán bộ Việt Nam thăm Tàu sân bay USS Carl Vinson
  • Tham khảo thêm

    Tàu sân bay thăm Việt Nam: Thúc đẩy quan hệ hai nước, duy trì hòa bình khu vực

    Tàu sân bay thăm Việt Nam: Thúc đẩy quan hệ hai nước, duy trì hòa bình khu vực

Từ khóa » Thuyền Chiến đấu