Tàu Sân Bay Phúc Kiến Của Trung Quốc Thiếu Radar, Vũ Khí - PLO

Ngày 20-7, tờ South China Morning Post đăng lại những hình ảnh mới nhất được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc chưa lắp hệ thống radar và vũ khí.

Hình ảnh cho thấy hai bệ lắp radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) Type-346 trên tháp chỉ huy vẫn còn trống. Vị trí này đã bị che lại khi con tàu được hạ thủy vào ngày 17-6.

Theo ông Lã Lễ Thi - cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan, hệ thống radar này đáng lẽ nên được lắp đặt trong quá trình hoàn thiện con tàu. Theo ông, tàu Phúc Kiến chỉ mới hoàn thiện phần kết cấu chính và hệ thống động lực khi được hạ thủy.

Một trong số các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy tàu sân bay Phúc Kiến thiếu radar, vũ khí. Ảnh: WEIBO

Một trong số các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy tàu sân bay Phúc Kiến thiếu radar, vũ khí. Ảnh: WEIBO

Theo ông Lã, việc nhiều lần bị trì hoãn hạ thủy cho thấy dự án tàu sân bay này đang bị chậm tiến độ trong các đợt thử nghiệm dưới nước. Ban đầu, tàu chiến dự kiến ​​sẽ được hạ thủy vào ngày 23-4 để đánh dấu kỷ niệm 73 năm thành lập của hải quân Trung Quốc, nhưng sau đó đã bị lùi đến ngày 3-6 do Thượng Hải áp lệnh phong tỏa vì COVID-19. Tuy nhiên, đến ngày 3-6, lễ hạ thủy tiếp tục bị hoãn lại.

Những bức ảnh trên còn cho thấy một số cửa sổ trên đài chỉ huy đã bị bịt kín, trong khi khẩu pháo Type-1130 từng xuất hiện ở phần mũi tàu trong lễ hạ thủy dường như đã bị tháo dỡ. Nhiều dây cáp cũng được nối từ cầu cảng lên tàu.

Về vấn đề này, ông Lý Kiệt - chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh - giải thích rằng: “Hiện tại, tàu sân bay không có điện vì động cơ của nó chưa hoạt động, nên tàu cần các dây cáp đó để kết nối với nguồn điện từ cầu cảng cho các thiết bị trên tàu”.

Theo ông Lý, hệ thống vũ khí và các thiết bị quan trọng khác được lắp đặt sau khi hạ thủy vì cấu trúc tàu sẽ bị thay đổi do áp lực nước. Ông cho rằng quá trình này có thể mất 6 tháng, trước khi chuyển qua giai đoạn thử nghiệm hệ thống đẩy.

Ông Châu Thần Minh - chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh - nhận định Trung Quốc có thể sẽ mất thêm vài năm trước khi biên chế tàu Phúc Kiến cho hải quân. “Việc thử nghiệm tàu ​​sân bay với hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) sẽ phức tạp và khó khăn hơn so với máy phóng hơi nước truyền thống” - ông nói.

Tàu Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên được sản xuất trong nước của Trung Quốc và là tàu sân bay thứ 3 của nước này (2 chiếc còn lại tên là Liêu Ninh và Sơn Đông). Tàu này có lượng choán nước hơn 80.000 tấn.

Cảnh đổ nát ở TP Toretsk (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine) sau khi bị Nga không kích ngày 17-7. Ảnh: AFP

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến Ukraine?

DƯƠNG KHANG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » đặc Công Việt Nam Phá Radar Trung Quốc