Tây Nam Bộ Sau Thắng Lợi Của Cách Mạng Tháng Tám 1945

Chỉ 4 ngày sau Hà Nội (Bắc Bộ) và cùng một lúc với Huế (Trung Bộ) và Tân An (Đông Nam Bộ (Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên của Tây Nam Bộ khởi nghĩa thành công vào ngày 23-8-1945. Trong chưa đầy một tuần lễ sau đó, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ và các Đảng bộ địa phương, nhân dân các tỉnh khác của Tây Nam Bộ lần lượt vùng lên giành chính quyền (Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Long Xuyên: Ngày 25-8-1945, Cần Thơ và Châu Đốc: 26-8-1945, Rạch Giá: 27-8-1945, Hà Tiên: 28-8-1945).

Khu bộ trưởng Võ Đức

Sau gần một thế kỉ bị thực dân Pháp rồi phát xít Nhật áp bức bóc lột và bị tách thành một “xứ” chia cắt với phần còn lại của lãnh thổ Việt Nam, người dân Nam Bộ nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng, từ nay thoát khỏi thân phận “vong quốc nô” (người nô lệ mất nước) và trở thành người làm chủ thật sự của đất nước mình. Không sao tả xiết niềm hân hoan phấn khởi dạt dào của mọi người từ thành thị đến thôn quê.

1. Củng cố và phát triển lực lượng cách mạng

Để bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám, nhiều nhiệm vụ cấp bách được đặt ra, mà nhiệm vụ trước tiên là phải củng cố và phát triển lực lượng cách mạng (bao gồm quân, dân, chính, đảng).

Thống nhất tổ chức Đảng

Sau thất bại của cuộc Khởi nghĩa Nam Kì (tháng 11-1940), thực dân Pháp tiến hành đàn áp và khủng bố một cách khốc liệt, khiến tổ chức Đảng Cộng sản ở Nam Bộ bị tổn thất nặng nề và đứt liên lạc với Ban Chấp hành Trung ương (đóng ở Bắc Bộ). Sau nhiều lần khôi phục rồi lại bị đánh tan, cuối cùng, có hai xứ ủy hoạt động riêng lẻ: Đó là Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng (gọi theo tên hai tờ báo của hai Xứ ủy ấy). Ở Nam Bộ, cũng có lai Liên Tỉnh ủy, các tỉnh cũng có nơi có hai Tỉnh ủy.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương cử Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương (sau này gọi là Bộ chính trị) vào Nam Bộ để tiến hành việc thống nhất tổ chức Đảng ở đây, nhằm tạo ra sức mạnh của Đảng trong việc lãnh đạo cách mạng ở thời kì lịch sử mới.

Tối ngày 7-9-1945, tại trụ sở Tổng công đoàn Nam Bộ, số 72 đường De La Gradière (nay là đường Lí Tự Trọng), Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh, thay mặt Trung ương chủ trì một hội nghị có đại biểu Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng cùng các đoàn thể thuộc hai Xứ ủy tham dự. Sau nhiều tiếng đồng hồ thảo luận, các đại biểu nhất trí dẹp bỏ một số hiểu lầm và nghi kị, cam kết thống nhất lực lượng cách mạng ở Nam Bộ.

Ông Cao Hồng Lãnh kể lại sự kiện đó: Tôi và anh Hoàng Quốc Việt lúc đầu thấy vấn đề nan giải quá. Một số nơi mâu thuẫn đã đạt tới mức đối địch, dùng đến vũ lực. Nhưng chúng tôi đều nhất trí nhận định rằng về bản chất thì anh em mình không có gì mâu thuẫn; đều là một lòng yêu nước, một lòng xả thân cho cách mạng. Chẳng quả chỉ vì nóng nảy, chủ quan, bên nào cũng cho mình mới là cách mạng, khác mình là không cách mạng nên mới xung đột, mà nghĩ như thế thì xung đột “hết mình”. Vấn đề là làm cho mỗi bên đều thấy rõ tấm lòng của nhau thì mọi việc đều ổn. Cuối cùng thì chính bằng cách đó chúng tôi đã giải quyết xong vụ việc một cách tốt đẹp. Tính tình anh em trong này là như thế. Cẳng thẳng thì “hết mình”. Thương yêu nhau thì cũng “hết mình).

Sau ngày Nam Bộ kháng chiến bùng nổ, công cuộc thống nhất tổ chức Đảng được tiếp tục với hội nghị ngày 15-10-1945 tại Cầu Vĩ (Mĩ Tho). Dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Quốc Việt, các Xứ ủy viên của hai Xứ ủy, đại diện các Tỉnh ủy cùng một số cán bộ vừa từ nhà tù Côn Đảo về đã bầu ra Xứ ủy lâm thời thống nhất gồm 11 ủy viên, do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. 10 ngày sau, 25-10-1945, trong hội nghị tổ chức ở Thiên Hội (Mĩ Tho, Tôn Đức Thắng đề nghị xứ ủy lâm thời cử Lê Duẩn thay mình trong chức vụ Bí thư. Xứ ủy lâm thời chấp nhận đề nghị đó.

Xứ ủy lâm thời cử Nguyễn Văn Cúc và Nguyễn Văn Tây là Bí thư và Phó Bí thư Đặc ủy Hậu Giang.

Các Tỉnh ủy cũng được thống nhất và được tăng cường cán bộ mới từ Côn Đảo về.

Thống nhất tổ chức mặt trận Cùng với sự thống nhất tổ chức Đảng, hai hệ thống Việt Minh “Việt Minh cũ” của Xứ ủy Giải Phóng và “Việt Minh mới” của Xứ ủy Tiền Phong cũng được hợp nhất và mở rộng trong một Mặt trận Việt Minh (Kì bộ Nam Bộ) duy nhất. Các tổ chức cứu quốc (Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc…) thu hút đông đảo đồng bào thuộc các tầng lớp xã hội, tôn giáo, dân tộc khác nhau. Đặc biệt nhiều nhân sĩ, trí thức, điền chủ cũng tham gia Việt Minh. Tổ chức Thanh niên Tiền Phong hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình trong khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó có vài tỉnh đổi tên là Thanh niên Giải Phóng (Cần Thơ). Khi mở đầu kháng chiến tất cả được hợp nhất vào tổ chức Thanh niên Cứu quốc.

Chủ nhiệm chính trị bộ Phan Trọng Tuệ

Thành lập chính quyền cách mạng

Sau ngày khởi nghĩa thành công, chính quyền cách mạng các cấp ở miền Tây mang nhiều danh xưng khác nhau (Ủy ban Hành chính lâm thời, Ủy ban Cách mạng lâm thời…), về sau được thống nhất, gọi là Ủy ban nhân dân.

Thành lập lực lượng vũ trang cách mạng

Để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám chống lại những âm mưu đen tối của thù trong giặc ngoài, lực lượng vũ trang cách mạng ra đời. Bộ đội của các tỉnh, quận gọi là Cộng hòa vệ binh, gồm thanh niên lao động, nông dân, giáo viên, học sinh… đã qua các lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày, có cả binh lính người Việt của Pháp, Nhật trước kia đã giác ngộ cách mạng. Đến đầu tháng 9-1945, mỗi tỉnh (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá…) lập được 1 đại đội, riêng Cần Thơ tổ chức được 4 đại đội.

Ở xã, ấp, có các đội dân quân tham gia bảo vệ địa phương.

Trong Quốc gia tự vệ Cuộc, ngoài các chiến sĩ công an chuyên lo bảo vệ an ninh trật tự, còn tổ chức những đơn vị vũ trang gọi là Quốc vệ đội. Ngày 10-12-1945, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ triệu tập hội nghị mở rộng ở Bình Hòa Nam (thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An ngày nay) để triển khai quyết định của Chính phủ Trung ương về việc chia Nam Bộ thành 3 chiến khu (Chiến khu 7, Chiến khu 8 và Chiến khu 9) và về việc cử bộ chỉ huy Chiến khu (gọi tắt là Khu bộ).

Khu bộ 9 gồm: Vũ Đức giữ chức Khu bộ trưởng, Nguyễn Ngọc Bích, Khu bộ phó và Phan Trọng Tuệ, Chủ nhiệm Chính trị bộ.

Từ khóa » Thù Trong Giặc Ngoài Nghĩa Là Gì