Taylorswiftvietnamfc – Taylor Swift Vietnam FC

Taylor Swift – thường được biết đến là một ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng khắp thế giới, bà nội của Republic Record, đỉnh lưu hàng thật giá thật, chưa bao giờ hạ nhiệt trong suốt 15 năm, hay gọi tắt Taylor Swift là “the music industry”.

Để đạt được thành công như ngày hôm nay, ngoài tài năng văn thơ, âm nhạc chảy sẵn trong máu từ nhà ngoại thì Taylor còn có một bộ não marketing đỉnh cao từ nhà nội.

👩🏼‍🎓 Đi làm ca sĩ nhưng lại có thiên phú về marketing

Một số đại diện tiêu biểu cho dòng máu tài chính, marketing chảy trong người Taylor có thể kể đến như sau:

1. Bài hát Look What You Made Me Do từng làm rúng động thế giới vào năm 2017. Trong đó có một câu “Honey, I rose up from the dead, I do it all the time” (xin mượn câu thơ của cụ Nguyễn Đình Thi để giải nghĩa cho câu hát này: “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”) để nói về drama với Kanye West trong mùa hè lạnh năm 2016 xưa đã không hề đánh gục được Taylor mà còn là một bệ phóng cho Taylor trở lại mạnh mẽ bằng chiến lược marketing thông minh khi lợi dụng hiệu quả “Hội chứng sợ bị bỏ lỡ” – Fear of Missing out (FOMO). Người mắc phải hội chứng này thường bị ám ảnh bởi cảm giác sợ bỏ lỡ một điều gì, đánh mất điều mà mọi người xung quanh sẽ đạt được.

Taylor đã tận dụng nỗi sợ này vô cùng hiệu quả khi xóa toàn bộ bài viết cũ và trở nên im lặng thay vì thường xuyên đăng tải, tương tác trên mạng xã hội như trước. Chính hành động này khiến người hâm mộ không ngừng ngóng chờ, theo dõi sự trở lại của Taylor hơn bao giờ hết – một chiến lược quảng cáo cho lần come back vừa rẻ vừa hút truyền thông huyền thoại mà nhiều nghệ sĩ khác đã đi theo sau đó – từ đó Taylor đã thành công mở đường cho thời kì huy hoàng của 𝖗𝖊𝖕𝖚𝖙𝖆𝖙𝖎𝖔𝖓.

Ngoài ra, khi bắt đầu chiến dịch quảng bá cho 𝖗𝖊𝖕𝖚𝖙𝖆𝖙𝖎𝖔𝖓, Taylor Swift còn chơi trò phá vỡ quy tắc influencer marketing khi kết hợp với các thương hiệu không liên quan gì đến hình ảnh của mình như dán ảnh album lên các xe tải giao hàng của UPS, hay kết hợp ghi hình với mạng di động AT&T để lan truyền và biến hình ảnh mình tiếp cận gần hơn, trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của mọi người.

2. Sau khi phát hành album 𝖗𝖊𝖕𝖚𝖙𝖆𝖙𝖎𝖔𝖓, việc tiếp theo Taylor làm là chuẩn bị đi tour. Theo tiêu chí càng ngày càng vip, Taylor nâng mức độ đầu tư cho tour diễn lên thành chỉ diễn ở các sân vận động. Năm xưa, anti khịa chị “thà cháy nhà chứ không cháy vé” khi thấy vé concert mất khá lâu mới sold out mà không chịu chấp nhận sự thật rằng Taylor đã kết hợp với Ticketmaster để thực hiện chương trình bán vé chậm (slow ticketing).

Để mua được vé concert, người mua vé cần phải mua nhiều album, merch và tham gia cả đống các hoạt động khác để được xác minh là fan. Khi được xác minh thì tiếp tục cày để lên hạng, hạng càng cao thì sẽ được mua vé ở vị trí càng tốt chứ có tiền mà không có tâm thì chỉ có thể ở nhà coi fancam. Đây là một cách để Taylor Swift đảm bảo quyền lợi cho fan, tránh bị các bên phe vé, sử dụng phần mềm để mua một lúc nhiều vé rồi tuồn ra chợ đen với giá đội lên trên trời.Nói chậm thì chậm vậy thôi chứ sau khi mở bán vé chính thức, Taylor Swift đã bán được 180 triệu USD tiền vé chỉ trong 7 ngày đầu. 𝕽𝖊𝖕𝖚𝖙𝖆𝖙𝖎𝖔𝖓 𝕾𝖙𝖆𝖉𝖎𝖚𝖒 𝕿𝖔𝖚𝖗 có thể không nằm trong những top các tour diễn cháy vé nhanh nhất, nhưng lại là tour diễn có doanh thu cao nhất lịch sử Bắc Mỹ, từng là tour diễn có doanh thu cao nhất thập kỷ của nữ nghệ sĩ, và tour diễn của nữ nghệ sĩ có doanh thu cao thứ hai mọi thời đại khi sold out 100% vé với 2,882,897 khán giả và thu về 345.5 triệu đô la Mỹ chỉ với 53 show.

3. Sau khi trở thành bà nội của Republic Record, cách đây vừa tròn 1 năm không lẻ ngày nào, Taylor Swift thẳng thừng gọi điện thoại cho hãng đĩa kêu đi in đĩa ngay đi vì tuần sau phát hành rồi 🙂 còn fan thì chỉ được thông báo trước 16 tiếng rồi ngồi ôm 17 bài IELTS 13.0 tra từ điển lòi con mắt mà có khi không hiểu nữa– Người ta có câu không idol nào hiểu bản thân mình hơn fan được thì ở đây ngược lại, “những chú hề” của Taylor không hiểu gì về idol nhà mình hết, nói cái làm liền, trở tay không kịp.

Album tên folklore nhưng Taylor Swift lại quảng bá nó theo một cách đi ngược lại với những điều xưa cũ. Thông thường, chu kỳ ra album của Taylor sẽ là 2 năm/lần nhưng lần này, trước khi album Lover tròn 2 tuổi, folklore đã dội xuống như một trái bom khiến tất cả mọi người đều giật mình, kinh ngạc vì quá nhanh, quá nguy hiểm. Hiệu ứng từ đó đã khiến folklore trong ngày đầu tiên ra mắt đã đạt được hơn 80,6 triệu lượt nghe trên Spotify và 34,75 triệu lượt trên Apple Music, phá vỡ kỷ lục Guinness Thế giới về ngày đầu ra mắt hoành tráng nhất đối với một album của một nghệ sĩ nữ trên Spotify. 16 ca khúc (lúc đó chưa phát hành ca khúc thứ 17) bay lên ngồi trên ngay ngắn trên BXH Billboard Hot100, 3 trong số đó lọt vào Top 10 và single đầu tiên + duy nhất Cardigan nằm Top 1, đưa Taylor Swift trở thành nghệ sĩ đầu tiên trong lịch sử debut No.1 Billboard Hot100 và Hot200 cùng 1 lúc.

Sau đó, Taylor liên tục tung ra các sản phẩm theo chủ đề của folklore, gửi áo cardigan đến bạn bè, những người nổi tiếng khác và được họ PR hộ cho album trên các mạng xã hội. Taylor Swift còn khéo léo vừa tăng doanh thu bán đĩa thuần của mình, vừa giúp các cửa hàng đĩa có thu nhập trong lúc kinh tế khó khăn khi gửi những đĩa CD đã được ký tên và đôi khi là những hình vẽ bậy của mình để thúc đẩy lượng mua từ fan của một nữ nghệ sĩ vừa có tâm mà cũng vừa có tầm.👩🏼‍🎓 Thành tích thời đi học của Taylor Swift

Tiếp theo, nói sơ lược qua về ngày còn đi học ở trường, Taylor chính là học bá của khối Khoa học Xã hội với thành tích khủng như sau:– Đạt full A trong gần hết các môn học dù hay đúp tiết vì bận lịch trình.– Viết một bài hát về hình bình hành cho trường khi còn đi học.– Viết bài essay dài 8 trang khi học lớp 1 trong khi bài tập chỉ yêu cầu viết 2 trang.– Viết bài essay 3 trang trong khi giáo viên chỉ yêu cầu viết 2 câu khi học môn Ngữ văn năm lớp 2.– Đạt giải 1 cuộc thi viết thơ cấp quốc gia với bài thơ “Monster In My Closet” khi học lớp 4 (FYI: Taylor là họ hàng xa của nhà thơ lớn nhất nước Mỹ Emily Dickinson).– Tham gia gần hết các lớp cấp tốc khi học lớp 7.– Nhận giải “Người giải phẫu giỏi nhất” cho môn Sinh Học năm lớp 8.– Đi diễn và hoàn thành hai năm cuối cấp 3 trong vòng 12 tháng với số điểm GPA 4.0/4.0 tuyệt đối theo chương trình giáo dục tại nhà.– …

Sau khi học xong chương trình của 3 cấp, Taylor tập trung phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình. Điều Taylor Swift luôn muốn được thực hiện đó chính là đi học đại học. Khi còn học tiểu học, bạn cùng lứa mơ ước làm siêu nhân, công chúa thì Taylor đã muốn được làm một nhà môi giới chứng khoán như ba mình. Khi thành công với thân phận ca sĩ, nhạc sĩ và được tờ Business Insider hỏi rằng nếu không làm người nổi tiếng thì sẽ làm gì, Taylor đã trả lời rằng: “Tôi sẽ đi học đại học, tôi chắc chắn sẽ ghi nguyện vọng vào một ngành kinh doanh mà ngôn từ và ý tưởng sẽ được đặt lên hàng đầu, như marketing chẳng hạn.”

👩🏼‍🎓 Nếu là sinh viên, Taylor Swift sẽ học ở trường đại học nào?

Với thành tích khủng bố đó của mình, nếu học đại học, Taylor có thể sẽ nhập học tại những trường nổi tiếng về marketing sau đây (danh sách tham khảo từ usnews.com):

1. Trường Kellogg thuộc Đại học Northwestern.– Được thành lập vào năm 1908, Kellogg là một trong những trường về thương mại lâu đời nhất trên thế giới và đã có những đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực như tiếp thị, khoa học quản lý và khoa học quyết định.– Học phí: $74,871/ năm (tương đương 1.722.931.452 VND)

2. Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. (FYI: Taylor được sinh ra và lớn lên tại West Reading, Pennsylvania trước khi chuyển đến Nashville, Tennessee để phát triển sự nghiệp)– Trường Wharton là được xem là một trong những trường dạy kinh doanh uy tín và lâu đời nhất thế giới, được thành lập vào năm 1881 thông qua sự tài trợ của Joseph Wharton.– Học phí: $80,432/ năm (tương đương 1.850.901.184 VND)

3. Đại học Stanford– Đại học Stanford được thành lập vào năm 1891 bởi Leland Stanford, trùm tư bản về đường xe lửa và Thống đốc California, và vợ ông, Jane Stanford. Viện đại học được đặt theo tên người con duy nhất của hai vợ chồng, Leland Stanford, Jr.– Học phí: $74,706/ năm (tương đương 1.719.134.472 VND)

4. Trường Ross thuộc Đại học Michigan.– Là ngôi trường lâu đời nhất bang, Đại học Michigan được thành lập năm 1817 ở thành phố Detroit với tên gọi ban đầu là University of Michigania, 20 năm trước khi lãnh thổ Michigan trở thành một bang chính thức. Tới năm 1821, trường mới đổi tên gọi như hiện tại. Năm 1837, trường chuyển địa điểm đến Ann Arbor trong một khuôn viên rộng khoảng 16 ha.– Học phí: $66,048/ năm (tương đương 1.519.869.576 VND)

5. Trường Fuqua thuộc Đại học Duke.– Được thành lập vào năm 1969, Trường Cao học Quản trị Kinh doanh đã tuyển sinh lớp đầu tiên gồm 20 sinh viên vào năm 1970. Năm 1974, Thomas F. Keller, cựu sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Duke vào năm 1953 trở thành trưởng khoa mới của trường. Trong 3 năm, chiến dịch gọi vốn của Keller đã huy động được 24 triệu đô la, 10 triệu đô la trong số đó đến từ doanh nhân và nhà từ thiện JB Fuqua. Tên của trường Cao học sau đó được đổi thành Trường Kinh doanh Fuqua.– Học phí: $70,000/ năm (tương đương 1.610.840.000 VND)

6. Trường Kinh doanh Harvard thuộc Đại học Harvard.– Trường Kinh doanh Harvard (HBS – Harvard Business School) là một trong những trường kinh doanh sau đại học tại Hoa Kỳ của Viện Đại học Harvard ở Boston, bang Massachusetts. Vào ngày 1 tháng 10 năm 1908, trường được thành lập, các khoa bắt đầu hoạt động dưới thời Dean Edwin F. Gay với 15 giảng viên và 80 sinh viên.– Học phí: $73,440/ năm (tương đương 1.690.001.280 VND)

7. Trường Kinh doanh Columbia thuộc Đại học Columbia.– Trường Kinh doanh Columbia (CBS) là trường kinh doanh của Đại học Columbia ở Manhattan, Thành phố New York. Được thành lập vào năm 1916, Trường Kinh doanh Columbia là một trong sáu trường kinh doanh của Ivy League và là một trong những trường kinh doanh lâu đời nhất trên thế giới.– Học phí: $77,376/ năm (tương đương 1.780.576.512 VND)

8. Trường Booth thuộc Đại học Chicago.– Được thành lập vào năm 1898, Trường Booth thuộc Đại học Chicago là trường kinh doanh lâu đời thứ hai ở Mỹ và gắn liền với 9 người đoạt giải Nobel về Khoa học Kinh tế, nhiều hơn bất kỳ trường kinh doanh nào khác trên thế giới.– Học phí: $73,440/ năm (tương đương 1.690.001.280 VND)

9. Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York.– Trường Stern được thành lập bởi Charles Waldo Haskins (một cựu sinh viên của Trường Kỹ thuật Tandon thuộc Đại học New York) vào năm 1900 với tên gọi Trường Đại học Thương mại, Tài khoản và Tài chính trong khuôn viên Quảng trường Washington.– Học phí: $76,780/ năm (tương đương 1.766.861.360 VND)

10. Trường Quản lý Anderson UCLA thuộc Đại học California.– Trường Quản lý tại UCLA được thành lập vào năm 1935, và bằng MBA được cấp phép bởi UC Regents 4 năm sau đó.– Học phí: $65,049/ năm (tương đương 1.496.907.588 VND)– Trường liên tục được xếp hạng trong số các chương trình đào tạo trường kinh doanh hàng đầu trong nước, dựa trên bảng xếp hạng do US News & World Report, Businessweek và các ấn phẩm hàng đầu khác công bố.

Nguồn: Bài phân tích của Thy Alison trong group Đại Học Đừng Học Đại

Từ khóa » Jb đâm Sau Lưng Taylor