TCVN 8267-3:2009 Xác định độ Cứng Shore A Của Silicon Xảm Khe ...
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8267-3:2009
SILICON XẢM KHE CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG - PHƯƠNG PHÁP THỬ - PHẦN 3: XÁC ĐỊNH ĐỘ CỨNG SHORE A
Structural silicone sealants - Test methods - Part 3: Determination of shore A hardness
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ cứng Shore A của silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng loại một và nhiều thành phần đóng rắn hóa học.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm các bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 8267-1 : 2009, Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng - Phần 1: Xác định độ chảy.
TCVN 1595-1 : 2007 (ISO 7619-1 : 2004), Cao su lưu hóa hoặc nhiệt dẻo. Xác định độ cứng ấn lõm - Phần 1: Phương pháp sử dụng thiết bị đo độ cứng (độ cứng Shore).
3. Nguyên tắc
Độ cứng Shore A được đo theo TCVN 1595-1 : 2007 (ISO 7619-1 : 2004) trên tấm phẳng tạo thành từ silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng đã được ổn định ở điều kiện quy định đối với mỗi loại.
4. Lấy mẫu
Theo Điều 5 của TCVN 8267-1 : 2009.
5. Thiết bị và dụng cụ
- Dụng cụ đo độ cứng Shore A có thang đo từ 0 đến 100.
- Khuôn hình chữ nhật làm bằng đồng, kích thước (dài x rộng x cao) = (130 x 40 x 6) mm.
- Hai tấm nhôm phẳng có chiều dày từ (0,6 ¸ 1,6) mm, kích thước (dài x rộng) = (80 x 150) mm.
- Dao lưỡi mỏng.
- Thước kim loại thẳng.
- Tủ dưỡng mẫu, điều chỉnh được nhiệt độ (38 ± 2) °C và độ ẩm ³ 95 %.
- Cân, độ chính xác 0,1 g.
6. Cách tiến hành
6.1. Độ cứng của silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng loại nhiều thành phần
- Mỗi mẫu thử cần hai tấm nhôm phẳng.
- Ổn định các thành phần của mẫu thử ở trạng thái riêng rẽ trong bao kín ở điều kiện chuẩn ít nhất 24 h.
- Cân khối lượng các thành phần theo tỉ lệ quy định của nhà sản xuất với độ chính xác 1 % để có được tối thiểu 250 g hỗn hợp mẫu thử, sau đó trộn đều các thành phần vào nhau trong 5 min thành một hỗn hợp đồng nhất.
- Đặt khuôn đồng lên bề mặt tấm nhôm phẳng căn chỉnh đồng tâm, sau đó đổ hỗn hợp mẫu thử vào đầy khuôn đồng rồi dùng thước kim loại tạo phẳng bề mặt ngang bằng với mép trên của cạnh khuôn. Dùng dao lưỡi mỏng xén dọc xung quanh bên trong khuôn đồng và ngay lập tức
nâng khuôn đồng ra khỏi tấm mẫu thử. Tiếp tục tiến hành tương tự để tạo tấm mẫu thử thứ hai.
- Sau khi tạo được hai tấm mẫu thử thì ổn định chúng thêm 14 ngày ở điều kiện chuẩn.
- Sau khi kết thúc giai đoạn ổn định, sử dụng thiết bị đo độ cứng loại D (thang A) theo TCVN 1595-1 : 2007 (ISO 7619-1 : 2004) để xác định độ cứng ở điều kiện chuẩn tại ba vị trí khác nhau, các vị trí đo cách nhau ít nhất 25 mm và cách mép cạnh ít nhất 13 mm. Nếu một trong số sáu giá trị đo nhận được sai lệch quá 15 % so với giá trị trung bình cộng của sáu lần đo thì phải tiến hành tạo hai tấm mẫu thử mới và đo lại.
6.2. Độ cứng của silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng loại một thành phần
- Mỗi mẫu thử cần hai tấm nhôm phẳng.
- Ổn định mẫu thử còn nguyên trong bao kín tối thiểu 24 h ở điều kiện chuẩn.
- Đặt khuôn đồng lên bề mặt tấm nhôm phẳng căn chỉnh đồng tâm, sau đó lấy tối thiểu 250 g mẫu thử đã ổn định ở trên đổ đầy vào khuôn đồng rồi dùng thước kim loại tạo phẳng bề mặt ngang bằng với mép trên của cạnh khuôn. Dùng dao lưỡi mỏng xén dọc xung quanh bên trong khuôn đồng và ngay lập tức nâng khuôn đồng ra khỏi tấm mẫu thử. Tiếp tục tiến hành tương tự để tạo tấm mẫu thử thứ hai.
- Sau khi tạo được hai tấm mẫu thử thì ổn định thêm 7 ngày ở điều kiện chuẩn; tiếp đó ổn định 7 ngày ở nhiệt độ (38 ± 2) °C và độ ẩm ³ 95 %; và cuối cùng ổn định 7 ngày ở điều kiện chuẩn.
CHÚ THÍCH: Nhà sản xuất có thể yêu cầu ổn định ở nhiệt độ và độ ẩm khác so với quy định trong tiêu chuẩn này, tuy nhiên thời gian ổn định không được quá 21 ngày và nhiệt độ không quá 50 °C.
- Sau khi kết thúc giai đoạn ổn định, sử dụng thiết bị đo độ cứng loại D (thang A) theo TCVN 1595-1 : 2007 (ISO 7619-1 : 2004) để xác định độ cứng ở điều kiện chuẩn tại ba vị trí khác nhau, các vị trí đo cách nhau ít nhất 25 mm và cách mép cạnh ít nhất 13 mm. Nếu một trong số sáu giá trị đo nhận được sai lệch quá 15 % so với giá trị trung bình cộng của sáu lần đo thì phải tiến hành tạo hai tấm mẫu thử mới và đo lại.
7. Tính kết quả
Độ cứng shore A của mẫu thử, tính theo đơn vị, chính xác đến 1, là giá trị trung bình cộng của sáu lần đo trên hai tấm mẫu thử.
8. Báo cáo thử nghiệm
Theo Điều 9 của TCVN 8267-1 : 2009.
Từ khóa » độ Cứng Silicon
-
Công Cụ đo độ Cứng Của Sản Phẩm Silicon
-
Sự Khác Biệt Giữa độ Cứng Của Các Sản Phẩm Silicone Là Gì?
-
Độ Cứng Bờ Là Gì? Độ Cứng Cao Su được đo Như Thế Nào? - J-Flex
-
Silicone đổ Khuôn Trong Dạng Lỏng độ Cứng 40A Craft Arrange
-
Máy đo độ Cứng Cao Su Nhựa Silicon Xốp Bông Kiểu Shore A/C/D
-
Silicon đỏ Cứng Chịu Nhiệt độ Cao Dày 5ly - Tây Phú Thuận
-
Độ Bền Nhiệt độ Độ Cứng Cao Su Silicon Cứng 10-85 Shore A
-
Cao Su Silicone độ Cứng Y Tế 30 Shore A, Cao Su Silicon Trong Suốt
-
Tiêu Chuẩn Quốc Gia TCVN8267-3:2009 Về Silicon Xảm Khe Cho Kết ...
-
Máy Đo Độ Cứng Cao Su Mềm, Silicon
-
Phương Pháp đo độ Cứng Shore A Và Shore D Của Nhựa Và Cao Su
-
Silicone Đổ Khuôn Độ Cứng Thấp Rtv426 Rtv7888 Rtv421 Momentive
-
độ Cứng Cao Su Shore A - Websosanh