Teen THPT Ngô Quyền Cùng Nhau Sáng Tạo Những Bảng Tuần Hoàn ...

Hoá học là một trong những bộ môn khiến các bạn học sinh “vò đầu bứt tai” vì không thể ghi nhớ được hết đặc điểm, tính chất của nguyên tố hay kết quả phản ứng của các phương trình. Thế nhưng, các bạn học sinh lớp 10C7 trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) đã có một phương pháp học tập dễ chịu và thú vị thông qua bài tập Tết: “Thiết kế bảng tuần hoàn sắp xếp các nguyên tố theo cách hợp lý nhất đảm bảo thể hiện được quy luật biến thiên tính chất”.

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học hiện hành

Chia sẻ với Vietnamnet, cô giáo Khiếu Thị Hương Chi – Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên môn Hoá học của lớp 10C7 cho biết, sau khi các bạn học sinh đã có đủ hiểu biết về quy lập biến thiên khi lập ra bảng tuần hoàn hiện dùng thì cô Hương Chi đã ra đề bài như vậy để học sinh biết cách phân tích và thông qua thiết kế sẽ hiểu bản chất, ghi nhớ lâu hơn.

Các bạn lớp 10C7 đã rất hào hứng đón nhận “thử thách” ngày Tết này. Kết quả thật tuyệt vời, 48 bạn đã cho ra lò 48 bản tuần hoàn có 1-0-2 và cực kỳ sáng tạo.

“Mỗi nguyên tố được thể hiện với 1 ứng dụng tiêu biểu nhất, cách gấp bảng gọn đẹp, khi học theo từng nhóm theo chu trình chỉ cần mở đúng nhóm đó ra, ưu điểm là chính xác và chỉn chu, gọn đẹp”.

“Bảng tuần hoàn này được thể hiện như 1 biểu tượng của Hoá học hữu cơ là vòng benzen, tô màu nước tuyệt đẹp, màu đậm/nhạt thể hiện tính chất nguyên tố mạnh/yếu, ghi nhớ theo cách hình ảnh có thể mang lại hiệu quả cao".

“Em học sinh này thích học đàn nên thể hiện bảng tuần hoàn theo hướng đó. Ký hiệu mỗi nguyên tố là 1 nốt nhạc, các nguyên tố cùng 1 nhóm có tính chất giống nhau thì ký hiệu giống nhau, tính kim loại tăng dần trong cùng 1 chu kỳ thì ứng với cao độ tăng dần. Đây là 1 bảng tuần hoàn tương đối thú vị”.

“Mỗi nguyên tố nằm trên 1 vòng tròn hiển thị số lớp electron của nguyên tố đó, toàn bộ học kỳ 1 lớp 10 thể hiện trên bảng này. Màu sắc mỗi nguyên tố thể hiện mối quan hệ của chúng, cùng màu nghĩa là tính chất tương tự nhau”.

“Bản này chắc đổ màu chưa kịp, một số màu trên đó là thể hiện màu đặc trưng của nguyên tố đó khi tham gia vào hợp chất, việc này cần kiến thức sâu mới tô màu hết được. Học sinh này mới chỉ biết một số như vậy, cũng thể hiện sự học đúng tiến độ đối với học sinh lớp 10”.

“Với tư duy hội hoạ kiến trúc, học sinh này làm 2 dạng, dạng tháp trên đổ màu giống nhau là các nguyên tố cùng tính chất. Những biểu đồ tròn ở dưới thể hiện bất cứ chu kỳ nguyên tố nào cũng có quy luật nhất định theo lát màu”.

“Một cách thể hiện khác là ý tưởng bảng tuần hoàn dạng khối, đó là cách nhìn khác, gợi liên tưởng đến bản đồ và quả địa cầu”.

Bảng tuần hoàn hình trái tim.

Bảng tuần hoàn hình “đồng hồ quả lắc”.

Hương Chi cũng cho biết thêm: “Bảng tuần hoàn trong Hoá học là 1 định luật vĩ đại, khác với ở môn Toán hay Vật lý thì định nghĩa, định lý đều diễn đạt bằng lời thì bảng tuần hoàn thể hiện quá nhiều quy luật trong đó. Vì vậy học sinh cũng háo hức sẽ sáng tạo ra bảng tốt hơn là bảng toàn ô vuông vắn xếp với nhau. Điều cô vui nhất là các em hứng khởi với việc này và đặc biệt bất ngờ với sự xoay xở và khả năng sáng tạo của các học trò”.

Hiện tại hình ảnh về những bảng tuần hoàn này đang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là các bạn học sinh đang “nghèo cảm hứng” với môn học này.

Từ khóa » Thiết Kế Bảng Tuần Hoàn Hóa Học Sáng Tạo