Tết Đắp Nọi Của Người Tày ở Tuyên Quang - Báo Thanh Tra
Có thể bạn quan tâm
Dân tộc Tày ở Tuyên Quang chiếm trên 25% dân số toàn tỉnh (số dân đông sau dân tộc Kinh) và chiếm hơn 50% số dân các dân tộc thiểu số. Người Tày cổ cư trú ở vùng núi phía Bắc tỉnh Tuyên Quang đã góp phần sáng tạo nên nền văn hóa bản địa ở vùng này rất phong phú và đa dạng.
Tại Tuyên Quang, người Tày ở các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên đều tổ chức ăn Tết Đắp nọi.
Tết Đắp nọi có thể hiểu là cái Tết nhỏ để kết thúc tháng Giêng. Phong tục ăn Tết Đắp nọi cũng không biết có từ bao giờ, chỉ biết theo quan niệm của người xưa “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên từ Tết Nguyên đán các chàng trai, cô gái dân tộc Tày bằng những câu hát sli, hát lượn đã theo chân bạn mình đi hết nhà nay đến nhà khác, vượt qua hết ngọn núi này đến con khe khác để được lượn, được hát cùng nhau.
Nghi lễ này được tổ chức là dịp gặp gỡ giao lưu của các gia đình, dòng họ. Đồng thời để đánh dấu hết tháng giêng, cầu cho một năm lao động thuận lợi, mùa màng bội thu.
Do đó để nhắc nhở họ vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ sản xuất nên các cụ ngày xưa đã tổ chức ăn tết Đắp nọi để gia đình, họ hàng xum vầy bên nhau, kết thúc tháng “ăn chơi”, chuẩn bị bước vào mùa vụ mới.
Ngày nay, kinh tế, xã hội phát triển, đời sống của bà con được cải thiện. Tuy đã xuống đồng, khai Xuân làm việc từ những mùng 4, mùng 5 Tết Nguyên đán, nhưng họ vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống là tổ chức Tết Đắp nọi vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm.
Đa số người Tày ở huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên đều tổ chức ăn Tết Đắp nọi. Cách ăn Tết Đắp nọi cũng giống như Tết Nguyên đán nhưng với quy mô nhỏ hơn. Trong dịp này, người Tày chuẩn bị đầy đủ mâm cỗ cúng tổ tiên. Đặc biệt, không thể thiếu các loại bánh ngon như: Bánh chưng gù, bánh dày ngải cứu, bánh khảo… Đối với người Tày, đây là dịp các chị em trổ tài nội trợ thực hiện các loại bánh. Bởi người Tày rất coi trọng chuyện nấu nướng, bếp núc nên ngay từ khi còn nhỏ các cô con gái đã được bà và mẹ dạy cách làm bánh.
Đối với gia đình anh Vương Quốc Long (huyện Hàm Yên), Tết Đắp nọi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Anh lý giải, đây là cái Tết đón những người thân không kịp về đoàn tụ với gia đình đón Tết Nguyên đán. Bởi nhiều người đi làm ăn xa, không phải ai cũng về nhà đúng dịp Tết Nguyên đán để hội ngộ với gia đình, dòng họ.
Để chuẩn bị, ngoài bánh chưng gù, bánh dày ngải cứu, bánh khảo thì nhiều gia đình thường làm món bỏng từ gạo nếp. Đây được coi là thứ quà vặt người lớn dành cho trẻ nhỏ trong dịp này bởi bỏng có vị ngọt, rất dễ ăn.Vì thế trẻ con nơi đây rất háo hức mỗi dịp nhà mình ăn Tết Đắp nọi.
Những lễ vật sau khi chế biến được gia chủ dâng lên các vị tổ tiên, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con cháu mạnh khỏe, may mắn.
Rộn ràng với không khí Tết là vậy nhưng bà con dân tộc Tày ở các địa phương trong tỉnh vẫn không quên nhiệm vụ sản xuất vụ Xuân. Trên các cánh đồng, nương đồi bà con vẫn đang hăng say làm cỏ, chăm sóc cây... Tết Đắp nọi là nét văn hóa độc đáo của người Tày, đánh dấu kết thúc tháng Giêng, cầu cho mùa màng bội thu.
Cũng có giả thuyết về Tết Đắp nọi vẫn được người già ở đây lưu truyền như sau: Khi quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã làm lễ đăng quang Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung và nhanh chóng khởi binh thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc dẹp giặc ngoại xâm. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, cả đại quân đã tới vùng Tam Điệp, Ninh Bình hội quân và úy lạo cho quân sĩ ăn Tết trước.
Ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan tác 20 vạn quân Thanh, khiến quân xâm lược vào tháo chạy. Chiến thắng lẫy lừng đã được trăm họ nghênh đón, mọi con dân đều hoan hỷ. Trước hào khí thắng trận, vua Quang Trung cho quân sĩ ăn Tết Nguyên đán với nhân dân vào mùa Xuân Kỷ Dậu.
Từ đó trở đi, khi giặc dã hoành hành, quấy phá vùng biên cương và các miền đất nước, quan quân lại lên đường đi đánh giặc, giữ yên bờ cõi thiêng liêng của đất nước vào cả những dịp lễ, Tết. Các chiến binh vội vàng từ giã bản làng quê hương lên đường xông ra trận mạc không kịp ăn Tết cùng gia đình. Sau chiến thắng trở về, bà con dòng tộc thân thích mừng vui đón họ và tổ chức ăn Tết lại cho các chiến binh vào ngày 29 hoặc 30 tháng Giêng Âm lịch.
Câu chuyện về nguồn gốc của tục ăn Tết muộn của người Tày nơi đây vẫn có nhiều lý giải khác nhau nhưng dù có thế nào thì những ngày Tết Đắp nọi đều là những ngày để sum họp, đoàn tụ gia đình. Đây cũng là dịp để anh em, hàng xóm láng giềng gặp gỡ, nhắc nhở nhau hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Tết Đắp nọi cũng là dịp để nhắc nhở bà con cùng hăng say, phấn đấu lao động sản xuất, rút kinh nghiệm, bài học từ những mặt đạt, chưa đạt trong năm vừa qua để hoàn thiện bản thân mình hơn, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tiến tới một xã hội văn minh hơn nhưng cũng không lãng quên những nét đẹp văn hóa của truyền thống dân tộc.
Từ khóa » Hình ảnh Về Dân Tộc Tày
-
Dân Tộc Tày
-
Người Tày | 54 Dân Tộc Việt Nam
-
Người Tày – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sắc Màu Dân Tộc Tày Hà Giang
-
Những Hình ảnh đẹp Và đặc Sắc Về Các Dân Tộc Tây Nguyên
-
Dân Tộc Tày | Tiểu Học Nguyễn Thị Định
-
Dân Tộc Tày - UBND Tỉnh Yên Bái
-
Dân Tộc Tày | Topas Ecolodge
-
NGƯỜI TÀY - Ủy Ban Dân Tộc
-
Tranh Thờ Của Các Dân Tộc Thiểu Số Trước Nguy Cơ Mai Một
-
Nét đẹp Trang Phục áo Dài Dân Tộc Tày
-
HÌNH ẢNH CỘNG ĐỒNG 54 DÂN TỘC VIỆT NAM
-
Nét đẹp Trong Trang Phục Truyền Thống Của Các Dân Tộc ở Bắc Kạn