Tết Độc Lập, Nghĩ Về Lòng Yêu Nước Của Giới Trẻ - Thành Phố Hà Tĩnh

68 mùa thu đã trôi qua kể từ ngày vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Đối với mỗi người dân đất Việt, ngày Tết độc lập bao giờ cũng thiêng liêng. Thiêng liêng bởi lẽ, để giữ được nền độc lập non trẻ ấy, biết bao mồ hồi, xương máu đã đổ xuống trong 30 năm đằng đẵng chiến tranh. Nhưng cũng chính trong khó khăn, gian khổ đó, thế giới đã thấy được sự gan góc của một dân tộc anh hùng, thấy được lòng nồng nàn yêu nước của những con người nhỏ bé mà khí phách hiên ngang.

Chiến tranh qua đi, đất nước được yên bình để xây dựng và phát triển, đổi mới và hội nhập sâu rộng. Trong bối cảnh mới, nhiều người thường tự hỏi, vậy lòng yêu nước của người Việt Nam được thể hiện ra sao, nhất là những người trẻ? Họ được sinh ra sau chiến tranh, nhiều người chưa một ngày phải nhịn đói hoặc ăn bo bo…

“ Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc- Nam

Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha.

Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem

Không biết Bobo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ”  

Những người trẻ hôm nay có yêu nước không? Câu trả lời chắc chắn là Có. Nhưng như thế nào là yêu nước, và làm gì để thể hiện lòng yêu nước? Đôi khi câu trả lời lại không rõ ràng. Thực tế, có không ít bạn trẻ nghĩ rằng, phải làm một việc gì thật to lớn cho Tổ quốc mới là yêu nước. Họ đâu hiểu rằng, lòng yêu nước của những người trẻ đang được thể hiện vô cùng giản dị, tự nhiên trong cuộc sống. Đó là những chàng trai, cô gái sẵn sàng đặt chân đến những nơi khó khăn nhất của đất nước để phát triển kinh tế và giữ gìn tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, là những doanh nhân năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong cơ chế thị trường, là những bạn trẻ hòa mình vào các hoạt động xã hội, từ thiện…  Xung phong về xây dựng những vùng quê khó khăn

Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên- Nông Huệ Phương là một trong 2 đội viên trẻ nhất của tỉnh Bắc Giang tham gia Dự án 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Khi bắt tay vào công việc mới ở xã nghèo Lệ Viễn thuộc huyện vùng cao Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, cô sinh viên Huệ Phương hiểu rằng, chỉ khi nào cùng ăn, cùng ở với người dân địa phương thì khi đó, mình mới đưa ra quyết định đúng đắn. Điều khó khăn nhất đối với cô là phải hiểu được những tập quán sinh hoạt của bà con trong xã, nơi có 70% là người dân tộc thiểu số. Hơn 1 năm hòa mình vào thực tiễn, Nông Huệ Phương biết rằng, sự lựa chọn của mình là đúng đắn: "Khi mới tốt nghiệp đại học, tôi biết được chương trình đưa trí thức trẻ về huyện nghèo làm việc. Tôi tham gia, lúc đó nhiều bạn nói là ai cũng muốn về thành phố tại sao tôi lại về xã. Nhưng tôi nghĩ, tôi sinh ra ở huyện nghèo, những người trẻ như tôi không đứng lên xây dựng quê hương thì ai mới xây dựng quê hương? Đó là động lực để tôi tham dự chương trình".

Là 1 trong 150 điển hình tiên tiến toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa được Bộ Quốc phòng tuyên dương, trung úy Rơ Lah Nhin, Trung đội trưởng, Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ. Từ cậu bé mồ côi cha mẹ, nuôi hoài bão cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc, Rơ Lah Nhin đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trở thành sĩ quan giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Không chỉ có vậy, Rơ Lah Nhin còn giúp bà con ở xã Gào, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai trồng cà phê thoát nghèo.

Trung úy Rơ Lah Nhin tâm sự: “Ngoài nhiệm vụ tại đơn vị, khi được về phép, tôi thường tuyên truyền bà con cố gắng làm ăn thật tốt, chấp hành pháp luật nhà nước, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, xây dựng buôn làng tốt đẹp hơn”.

Giúp thanh niên tham gia tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, anh Lương Văn Tuấn, cán bộ huyện đoàn Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa  lại chọn cách tuyên truyền, mưa dầm thấm lâu. Anh luôn tìm cách làm hay, sáng tạo để thu hút, tập hợp thanh niên, giúp họ ý thức về trách nhiệm của mình trong xây dựng quê hương. “Đảng và Nhà nước ta đang vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nhưng vẫn còn nhiều thanh niên chưa hiểu rõ về chương trình này vì có quá nhiều tiêu chí. Để lôi kéo, tập hợp thanh niên giúp họ hiểu rõ vai trò của mình tham gia xây dựng quê hương đất nước, tôi tuyên truyền cho họ biết, chính những việc xây dựng quê hương đất nước, bảo vệ  môi trường, cưới xin theo nếp sống mới, giữ gìn an ninh trật tự... những việc nhỏ như thế cũng góp phần xây dựng nông thôn mới”- Anh Lương Văn Tuấn chia sẻ.

Tình nguyện về những nơi khó khăn, thiếu thốn, đồng cam, cộng khổ với nhân dân, nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của xã hội, các bạn trẻ đã chứng tỏ bản lĩnh, lòng nhiệt huyết của thanh niên thời đại mới.

Những người trẻ tiên phong làm rạng danh đất nước

Bàn về lòng yêu nước, chúng ta thấy ở mỗi thời đại mỗi khác. Nếu trong khói bom lửa đạn, việc ra trận cầm súng chiến đấu được coi là biểu hiện rõ ràng nhất cho lòng yêu nước thì hiện nay, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, đưa Việt Nam sánh kịp các nước trên thế giới - đó là nhiệm vụ của những người trẻ hôm nay. Và trên thực tế, nhiều ông chủ trẻ của Việt Nam đã được thế giới biết đến.

Đặng Lê Nguyên Vũ -ông chủ trẻ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên

“Ông vua càphê” (The café king), “Ra với toàn cầu” (go global) là những đánh giá của báo chí nước ngoài về Đặng Lê Nguyên Vũ- ông chủ trẻ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Đặng Lê Nguyên Vũ là người có công đưa cà phê Việt Nam lên tầm mới, người mang cà phê Việt Nam ra với thế giới, người mơ ước xuất khẩu được 20 tỷ USD/năm. Với sự có mặt của cà phê Trung Nguyên ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Ở Việt Nam, có lẽ không có doanh nhân nào ngoài Đặng Lê Nguyên Vũ dám “tuyên chiến” với những thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới. Anh đã thể hiện bản lĩnh, ý chí và khát vọng của mình với một “tuyên ngôn”: “Chúng ta phải thay đổi định mệnh”… Ông chủ trẻ 43 tuổi này cho biết, xây dựng thương hiệu mạnh của Việt Nam chính là cách tri ân các thế hệ đi trước: Trong quá khứ, thế hệ trước đã làm tròn sứ mệnh của mình là đem lại độc lập tự do cho dân tộc. Ngày nay, một lớp trẻ mới đã được hình thành và khát khao của họ là mong khẳng định được vai trò lịch sử của thế hệ mình thông qua những hoạt động kinh tế, làm sao thiết lập được những thương hiệu mạnh. Tôi nghĩ rằng khát vọng đó hiện nay càng ngày càng rõ nét và đặt lên vai của các bạn trẻ ngày hôm nay.

Không chỉ cà phê Trung Nguyên, nhiều thương hiệu mạnh khác của Việt Nam cũng được xây dựng từ những doanh nhân trẻ thành đạt. Mới đây, doanh nhân Phạm Nhật Vượng, sinh năm 1968, tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam đã được tạp chíForbes vinh danh ở vị trí 974 thế giới với 1,5 tỷ  đô la. Khởi đầu bằng dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Hòn Tre, TP Nha Trang, ông chủ của Vingroup hiện nay đã tạo ra được 4 thương hiệu và dòng sản phẩm chính như Vinpearl, Vincom, Vinmec và Vinschool liên quan đến những dự án nghỉ dưỡng, bất động sản phức hợp, y tế và giáo dục. Một điểm chung là các thương hiệu đều được bắt đầu bằng chữ "VIN" - chữ viết tắt của Việt Nam, thể hiện một khát vọng khác mà Phạm Nhật Vượng thường chia sẻ với những người thân cận, là góp phần để Việt Nam có thể "ngẩng mặt với thế giới".

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Lê Văn Hiểu cho biết: “ Rất ít DN thuộc Hội phải rời thị trường trong hai năm qua. Đây là điều rất đáng ngạc nhiên trong bối cảnh khủng hoảng lớn. Đơn cử như Đà Nẵng có 443 DN thì không có đơn vị nào phải rời thị trường. Đoàn kết chính là sức mạnh quan trọng nhất để các DN trẻ có thể trụ vững.

Lòng yêu nước biểu hiện qua hành động giản dị của người trẻ

Những người trẻ hôm nay đang thể hiện lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc theo những cách rất riêng, rất giản dị, thân thương mà ý nghĩa. Trong những hành động nhỏ nhặt hàng ngày như giúp đỡ người già, đồng cảm với những người có số phận bất hạnh hay hiến máu tình nguyện… đó cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Thực tế những năm gần đây, phong trào “ Hiến máu tình nguyện” đã được các bạn trẻ hướng ứng rất nhiệt tình với mong muốn “ trao giọt máu hồng, nhân đôi sự sống”.

Cũng như bao bạn trẻ khác, Dương Thị Huế, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội thấy rất vui khi được tham gia những hoạt động ý nghĩa như thế này. Theo Huếđây là những ngày hội cho tất cả các bạn sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện. Em đã tuyên truyền đến nhiều người cùng tham gia hiến máu. Không những bản thân em tham gia hiến máu mà em còn huy động được nhiều người cùng tham gia hiến máu. Và em thấy rất tự hào về điều đó”.

Hiến máu một hành động thiết thực vì cộng đồng

Nói đến phong trào hiến máu của các bạn trẻ, không thể không  nhắc đến Câu lạc bộ C25 của sinh viên các trường đại học tại Hà Nội. Hoạt động chính của C25 là tuyên truyền vận động hiến máu, và tham gia ứng cứu, trợ giúp thiên tai, làm từ thiện.... nhằm tạo lập một lối sống lành mạnh trong giới trẻ.

Là thành viên của C25, Phạm Hồng Sơn, sinh viên năm thứ 3, trường đại học Bách Khoa Hà Nội chỉ nghĩ đơn giản, mình là người đất nước Việt Nam và trách nhiệm của mình là gắn với cộng đồng xã hội và đất nước. Trên đất nước này có nhiều người cần đến mình. Không những thế, ngoài đóng góp ra thì trong hoạt động xã hội thì mình cũng học hỏi được nhiều kỹ năng. Hoạt động tình nguyện một mình mình cũng có thể làm được nhưng nếu chỉ một mình thì hiệu quả đối với tổng thể chung của xã hội là ít”.

GS-TS  Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đánh giá rất cao tinh thần tình nguyện của giới trẻ trong phong trào hiến máu tình nguyện. Hàng năm, có tới 70% lượng máu tiếp nhận được từ thanh niên. Chính những giọt máu này đã cứu sống hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân. Những nghĩa cử cao đẹp đó của họ chính là biểu hiện rõ ràng nhất của tinh thần dám sống vì cộng đồng, vì đất nước.

Có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước. Dù chỉ là hành động nhỏ, nhưng qua đó có thể nhận thấy, tình yêu Tổ quốc chưa bao giờ tắt trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Người trẻ có vô cảm!?

Lòng yêu nước mỗi thời mỗi khác và không phải là độc quyền của thế hệ nào, dù trong chiến hay thời bình. Nhìn vào giới trẻ hiện nay, có người nói rằng, họ có phần vô cảm, hưởng thụ, thờ ơ với thế sự, ỷ lại, ít có ý chí tiến thủ. Tuy nhiên, đó không phải là nhận xét của số đông. Với những người đã từng kinh qua chiến tranh, họ nhìn về giới trẻ có phần bao dung hơn. Tuy nhiên, họ cũng có chút buồn với ý nghĩ “ lòng yêu nước chưa được định hướng đúng đắn”.

Cũng như nhiều thanh niên khác trưởng thành vào thời điểm giặc Mỹ leo thang miền Bắc, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã gác bút nghiên, lên đường vào mặt trận. Không chút do dự, không mảy may nghĩ đến tương lai cho riêng mình, ông bảo: đó là sự thôi thúc hết sức tự nhiên của thế hệ trẻ ngày ấy. Sứ mệnh lịch sử đã đặt lên vai họ và họ sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Ngày nay, khi đất nước hòa bình, thanh niên cũng có sứ mệnh lịch sử của mình là làm sao để Việt Nam không thể cứ nghèo nàn mãi, phải khẳng định Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Thanh niên có điều kiện học hành, phấn đấu nhưng họ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trung tướng Phùng Khắc Đăng nhìn nhận: “Phải nói ngày nay, lớp thế hệ trẻ cũng có nhiều khó khăn và họ đang phải từng ngày, từng giờ đấu tranh để vượt qua khó khăn đó. Sự cạnh tranh trong học tập cũng là một khó khăn. Trong điều kiện xây dựng cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, tính cạnh tranh của thị trường rất quyết liệt, đôi lúc tính định hướng có phần mờ nhạt. Miếng cơm manh áo, cuộc sống đời thường cũng đặt ra cho họ phải phấn đấu. Ngoài ra, hội nhập cũng có cám dỗ dữ dội, cái gì cũng được tính giá trị đồng tiền nên họ cũng phải trăn trở lắm”.

Không mang nặng tư duy chủ quan, áp đặt, Trung tướng Phùng Khắc Đăng cho rằng, thế hệ trước kia và thế hệ ngày nay đều có chung ý chí và nghị lực, đều có khát vọng và ham muốn vươn lên để làm chủ bản thân và cống hiến cho đất nước. Đó chính là lòng yêu nước. Nhìn vào thực tế cuộc sống với những hiện tượng thanh niên sống nhanh, sống gấp, làm những việc trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, thể hiện lòng yêu nước không đúng lúc, đúng chỗ, thậm chí bị lợi dụng, kích động… vị tướng quân đội này cho rằng, vai trò của các tổ chức, đoàn thể chưa được thể hiện rõ. Vì vậy, ông mong muốn: “Quan trọng là vai trò của Đảng, vai trò của Đoàn thanh niên Cộng sản định hướng cho lớp thanh niên này như thế nào. Định hướng đúng và trang bị kiến thức cho họ để họ loại trừ độc tố. Trong hàng triệu triệu thanh niên Việt Nam như thế cũng có người vì ham cái mới, chưa nhận thức được thì có thể có hành động bột phát. Tôi nghĩ rằng, số đó ít chứ không nhiều. Có định hướng tốt và có phương pháp tác động tốt thì nhất định sẽ giúp thanh niên vượt qua những cám dỗ”.

Trăn trở của người lính già cũng là nỗi trăn trở của những thủ lĩnh thanh niên. Anh Phan Văn Mãi – Bí thư Ban chấp hành TW đoàn cho biết, tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên trong giai đoạn mới, đó là cách mà Đoàn thanh niên đang làm để định hướng lòng yêu nước cho giới trẻ: “Tôi nghĩ rằng, yêu nước phải bắt đầu từ những công việc rất cụ thể. Anh phải sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, tham gia các hoạt động chung, vì cộng đồng, vì đất nước. Những người trẻ có ý chí vươn lên trong cuộc sống, khẳng định mình và thành công. Đó chính là lòng yêu nước”.   

Lòng yêu nước ở thời nào cũng cần, nhất là với người trẻ - những người tràn đầy nhựa sống, tràn đầy sức sáng tạo và khả năng cống hiến. Trong bối cảnh hiện nay, khi sự hội nhập ngày càng sâu rộng, lòng yêu nước của người trẻ càng phải được phát huy một cách cao độ. Chính lòng yêu nước sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến kịp với các quốc gia trên thế giới, hòa nhập mà không hòa tan./.

Từ khóa » Chẳng Biết Bobo Là Gì