Tết Nở Hoa Trên đôi Vai Gầy Của Mẹ - VnExpress Đời Sống
Những ngày trước Tết nhộn nhịp người mua kẻ bán, trong đó mẹ lủi thủi một mình giữa chợ trưa vắng ngắt. Cả năm, mẹ chẳng bao giờ diện quần áo mới, ăn món lạ hay đi đâu chơi, kể cả ngày Tết. Niềm vui của mẹ là bán được hàng, kiếm về những đồng tiền mồ hôi nước mắt để lo cho gia đình nhỏ, đàn con thơ. Cánh cò bao giờ cũng vậy, tảo tần vì hạnh phúc của người khác.
"Cô ơi! Cái ấm này bao nhiêu đây ạ? Cái bình này thì sao? Cái này nữa?". Mẹ giật mình tỉnh dậy trong giấc ngủ vội vàng trưa 29 Tết, lại vội vã với công việc mà gần 30 năm nay mẹ vẫn làm cho dù chỉ vài giờ nửa là đến thời khắc giao thừa thiêng liêng.
Mẹ thường nói cái nghề của mình là ngồi "đầu đường xó chợ" nhưng không thể hiểu bằng nghĩa bóng mà phải hiểu bằng nghĩa đen. Góc chợ là nơi mẹ mưu sinh hàng ngày, đem về những hạt gạo ngọc ngà bằng mồ hôi, nước mắt chân chính của mẹ. Mẹ đâu được đi học đầy đủ, được ưu ái ở đời, tự kiếm cho mình cái "nghiệp’ nhỏ nhoi.
Lấy bố khi tròn 18 tuổi, chỉ với hai bàn tay trắng và căn nhà đắp bùn nho nhỏ, làm đủ nghề cày thuê cuốc mướn, rồi bén duyên với việc buôn bán. Từ đó, con làm quen với cái Tết của những gia đình đi buôn bán nhỏ.
Cái rét bám riết Hà Nội ròng rã mấy tháng trời, rét làm cho cây cối không buồn cựa quậy, nhịp sống như chậm lại. 1h sáng, mẹ phá vỡ màn đêm yên tĩnh, bật dậy để lo cho con cái Tết đượm đầy như bạn bè. Mẹ mong ngày Tết đến và sợ ngày Tết qua. Đó là ngày mẹ có thể gồng gánh được nhiều, hàng bán chạy và được nhìn thấy nụ cười con rộn ràng hơn.
Dòng người nô nức đi sửa soạn đón Tết, nào đào, quất, bánh kẹo, đèn đóm..., cứ lần lượt lướt qua mắt mẹ vun vút. Với mẹ, chợ Tết là "trận địa" cần chiến thắng để gom góp những đồng bạc lẻ mang về tổ ấm cho con. Mẹ cũng ước được đèo con kẽo kẹt trên chiếc xe đạp, chọn cho con những bộ quần áo mới rực rỡ nhất, cùng gia đình dọn dẹp lại nhà cửa, bàn thờ. Nhưng đó mãi chỉ là ước mơ thứ hai sau ước mơ mưu sinh.
Khách đến mua hàng càng thêm đông, hình như ai hối hả chuẩn bị nốt những món đồ cuối cùng cúng giao thừa. Đèn nhà nào nhà ấy sáng loáng và lấp lánh, những ánh đèn của ngày đoàn viên. Chiều đã ngả bóng, bóng mẹ như dài thêm khi đếm mặt trời lặn, mặt trời ngày cuối năm thật lạ lùng, có nắng nhưng rất lạnh, nắng không đủ để làm hồng đôi bàn tay đang tím tái của mẹ.
Mẹ mời chào những người khách hàng khó tính nhất, kể cả những ngày cuối năm, đôi khi mẹ vẫn nhận lại những lời khó nghe và kiêu căng của họ. Trời lạnh khiến mẹ mất tiếng. Ban sáng, mẹ vẫn gọi con dậy nhẹ nhàng để phụ mẹ đẩy xe hàng ra chợ. Đến trưa, mẹ chỉ gọi con bằng tiếng khe khẽ, khó nghe. Buổi tối, mẹ không thể làm chủ cổ họng của mình nữa, có lẽ cái nghề 30 năm nên mẹ cũng đã quen, quen với việc mất tiếng trong những ngày Tết.
Trước cổng nghĩa trang xã, dòng người vào thắp nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ ngày càng đông. Những đứa trẻ nhôn nhao bám vào túi quần người lớn, tiếng cười hồn nhiên của trẻ nhỏ như làm mẹ vui lên. Mẹ ăn vội gói mì tôm ban sáng, món ngon nhất mẹ thường ăn vào mỗi sáng, kể cả là ngày Tết.
Rồi cơn mưa cuối đông chợt đến, mẹ vội vã trùm áo mưa cho đống hàng mà quên mặc cho chính mình, những hạt mưa lấm thấm bám đầy mái tóc mẹ. Bất chợt, một nhành hoa đào bay từ đâu tới vương trên tóc mẹ, mùa xuân đã điểm rồi đó mẹ ạ.
Cơn mưa nhỏ qua nhanh, mẹ lại trở về với chợ búa tất bật. Chỉ còn vài giờ nữa, mẹ cần bán hết hàng để còn về với gia đình nhưng mẹ cứ đinh ninh rằng "có bán được hết hàng không nhỉ?". Mẹ lo lắng, có những suy nghĩ làm mẹ sợ hãi.
Gia đình mình không thường dọn nhà, sắm Tết, quần áo mới, điều đó con cũng quen rồi, dường như nó chỉ mang tính hình thức. Người ta bảo "30 vẫn chưa phải là Tết" nhưng với nhà mình 26 đến 30 mới là Tết mẹ nhỉ? Cả nhà cứ vội vã với phiên chợ cuối năm vì Tết đơn giản là được ở gần nhau, tỏa cho nhau hơi ấm tình thân - điều mà những ngày con theo học trên thành phố con không thể có.
Đoạn đường đang vắng dần. 10 người, rồi 5 người, một người, hình như mọi gia đình đang chuẩn bị cho bữa ăn tất niên. Lúc đó, nhà ta mới thu dọn lại hàng hóa còn thừa và cùng nhau về nhà. Bố hỏi mẹ: "May mà cũng bán gần hết hàng em nhỉ? Nhà mình về ăn Tết thôi".
Nhìn lại mấy món đồ mẹ mua vội lúc chập choạng tối chỉ có dăm ba gói kẹo, gói đỗ tương nhưng may sao mẹ cũng kịp mua được một con gà cúng giao thừa. Còn cây quất, bố xin khéo của chủ quất bán ế, thôi thì "nhà người ta có nhiều dung nhiều, nhà mình có ít cắm cây bé này thôi".
Ngôi nhà bắt đầu sáng đèn, mẹ đổ ra một số tiền lẻ chỉ toàn tờ 5, 10 nghìn. Cả nhà quây quần bên nhau đếm tiền, có những đồng tiền mới, tiền cũ, tiền khô, tiền ướt và cả những đồng ướt vì nước mắt của mẹ nhỏ xuống vì hạnh phúc.
Bố chuẩn bị bữa cơm tất niên, con lon ton dọn qua ngôi nhà cấp 4 xộc xệch, còn mẹ, mẹ đã quá mệt mỏi mà ngủ lúc nào không hay. Cái Tết nhà mình hình như qua rồi thì phải. Những ngày mùng 1, mùng 2, có lẽ bố mẹ sẽ phải nghỉ ngơi để lấy lại sức cho mùng 3 tiếp tục.
Ngày Tết không thể thiếu hoa được, con vội tân trang cho ngôi nhà bằng lọ hoa tươi thắm, chắc các cụ nhà mình cũng không trách sơ sài đâu mẹ nhỉ. Bươn chải mưu sinh đã cướp đi thời gian nghỉ ngơi, sắm sửa của bố mẹ.
Tiếng pháo giao thừa không thể gọi mẹ dậy, thời khắc chuyển giao đối với nhà mình chỉ như cơn mê hấp tấp. Bố vội vã làm được mâm cơm cúng giao thừa và thế là một ngày mới, tháng mới, năm mới bắt đầu.
Có lẽ trong con mắt trẻ thơ, ngày Tết thật thú vị, được chơi thỏa thích mà không bị mắng nhưng trong mắt mẹ và cả những bà mẹ "bần hàn thừ thuở hàn vi" thì ngày Tết là cơ hội, thách thức để các mẹ đem về cho gia đình mình cái Tết đong đầy nhất. Cái Tết không trọng hình thức mà là Tết của sự quây quần mưu sinh.
Đến một ngày con trưởng thành và xây dựng gia đình nhỏ, mẹ cũng không chịu nghỉ ngơi cho tuổi già an yên. Mẹ vẫn là người đón tiếng gà gáy sớm nhất và chào hoàng hôn muộn nhất. Mẹ chỉ mong xã hội bớt đi những người cơ cực, gánh hàng rong, bớt đi những trẻ em tật nguyền. Mẹ mong xã hội an toàn, bình đẳng và ấm áp hơn cho dù đó không phải là những ngày Tết xuân.
Nguyễn Duy Khánh
Từ ngày 3 đến 30/10, độc giả chia sẻ về người phụ nữ bạn luôn yêu thương và trân trọng nhất, hoặc tham gia bằng cách viết về chính mình nếu bạn có một câu chuyện truyền cảm hứng muốn lan tỏa đến những người xung quanh, để có cơ hội nhận bộ trang sức PNJ. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 500 - 1.000 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất 1-3 hình ảnh minh họa là nhân vật người phụ nữ được nói đến trong bài. Gửi bài dự thi tại đây.
- Thể lệ cuộc thi 'Gửi người phụ nữ tôi trân quý'
- Cuộc thi 'Gửi người phụ nữ tôi trân quý'
Từ khóa » Tóc Mẹ Nở Hoa
-
Tóc Mẹ Nở Hoa Như Vòng Tay Mẹ Đà Lạt ôm Tôi Vào Lòng Màu đất đỏ ...
-
Đọc Bài Thơ Sau Và Trả Lời Những Câu Hỏi Từ Câu 16 đến 20: Tóc Mẹ
-
Tóc Mẹ Nở Hoa - Báo Sài Gòn Giải Phóng
-
Tóc Mẹ Nở Hoa - BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
-
Đọc Bài Thơ Sau Và Trả Lời Câu Hỏi: Tóc Mẹ Nở Hoa Như Vòng Tay Mẹ ...
-
Tóc Mẹ Nở Hoa Như Vòng Tay Mẹ Đà Lạt ôm Tôi Vào Lòng ... - Khóa Học
-
Nhớ Mùi Tóc Mẹ - Hoa Đất Việt
-
Xác định Phương Thức Biểu đạt Chính Của đoạn Thời Gian Chạy Qua ...
-
Đọc Bài Thơ Sau đây Và Trả Lời Các Câu Hỏi “Mưa đổ Bụi êm êm Trên ...
-
Đất Mẹ Nở Hoa | Liên Hoan Truyền Hình Toàn Quốc
-
Đọc đoạn Thơ Sau Và Thực Hiện Các Yêu Hỏi: Thời Gian Chạy Qua Tóc ...
-
Mùa Xuân Của Mẹ - Mai Trần Lâm
-
Mẹ Hiền ơi - UBND Huyện Núi Thành