Tết Yêu Thương: Mai Quân Tử Của Người Bình Định

Trong cuộc đời đầy khí phách của mình, ông Cao Bá Quát để lại một câu thơ nổi tiếng: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa... (tạm dịch nghĩa là: Một đời chỉ biết cúi lạy hoa mai…). Hậu sinh cho rằng Thánh Quát cúi lạy đóa hoa mai can trường, hiên ngang, bất khuất trước cái khắc nghiệt của mùa đông giá rét, giống người quân tử dù gặp phong trần dâu bể trên đường đời vẫn một lòng hướng về phía trước.

Sau danh sĩ Cao Bá Quát hơn một trăm năm, người Bình Định cũng hướng cây mai của mình đến những phẩm chất của người quân tử. Hầu hết mai thương phẩm ở Bình Định đều có dáng thế khắc khổ nhưng gốc đế vững vàng, khi vươn lên thì thân rồng lực lưỡng, tứ chi đầy đặn, tượng trưng cho tinh thần hiên ngang, bất khuất của người quân tử.

Sinh ra phải được rèn luyện

Khoảng 40 năm trước, một lần vào Thủ Đức (TP.HCM) chơi, cụ Đặng Xuân Lang (1925 - 1997, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An, TX.An Nhơn, Bình Định) xin một nắm hạt mai về gieo trồng rồi ghép với các giống mai ở Bình Định để tạo ra giống mới. Cụ Lang và nhóm bạn bè của mình cùng chơi mai, từ đó các ý tưởng tạo dáng thế cho thân mai, lai ghép nhân giống mai ở Háo Đức bắt đầu. Những người con trai của cụ Lang như Ba Hoành, Sáu Sự và một số người khác nghĩ đến việc trồng mai để bán vào dịp tết. Từ đó, nghề trồng mai tết hình thành ở làng Háo Đức rồi lan rộng ra cả xã Nhơn An.

Tết yêu thương: Mai quân tử của người Bình Định - ảnh 1

Nhà văn Lê Hoài Lương chăm mai

Theo ông Đặng Xuân Ngữ (69 tuổi, người trồng mai ở làng Háo Đức), để tạo ra một cây mai quân tử đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, công sức và quy trình chăm mai nghiêm ngặt. Khi cây mới 2 lá mầm phải nhổ lên bấm rễ cọc để sau này phát triển chi, cành, không vươn lên cao như cây tự nhiên. Bấm rễ cọc xong đưa vào chậu để trồng rồi cắm chông, buộc lạt uốn nắn theo dáng trực. Sau một năm chăm sóc, nếu cây nào phát triển tốt thì lại được tuyển chọn để nâng gốc, tỉa cành, tạo dáng… Cây mai đạt tiêu chuẩn phải có thân uốn lượn, cành rải đều, dưới to trên nhỏ dần, hoa lá phủ kín từ gốc đến ngọn. Nếu người chạy theo kinh tế, cây mai khoảng 3 - 4 tuổi là bán được nhưng có người giữ đến 5 hay 6 năm, thậm chí đến hàng chục năm thì gốc mai to, chi cành đủ độ sần sùi, lộ rõ nét phong sương càng thêm giá trị.

“Trải qua những ngày đông giá rét, cây mai vẫn kiên cường sinh trưởng và trổ hoa rạng ngời khi xuân đến, tựa như người quân tử không vì khó khăn, gian khổ mà chùn bước. Thế hệ đi trước vì yêu người quân tử mà chọn mai dáng trực, còn chúng tôi bây giờ xem việc luyện mai cũng như rèn người quân tử vậy. Sinh ra phải được rèn luyện theo những quy tắc kham khổ, không ngừng tu dưỡng, để lớn lên làm người quân tử, tướng mạo ung dung, khí chất điềm nhiên khác thường”, ông Ngữ cho biết.

Hiện TX.An Nhơn có hơn 1.500 hộ dân tại các xã, phường như: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hưng, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Đập Đá… tham gia trồng khoảng 1,6 triệu chậu mai tết, được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng miền Trung”. Hằng năm, vào dịp tháng chạp, thương lái từ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Nam, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Gia Lai… tấp nập đến An Nhơn để mua mai. Doanh thu mỗi vụ mai tết của TX.An Nhơn những năm gần đây ước đạt 80 - 100 tỉ đồng.

Tết yêu thương: Mai quân tử của người Bình Định - ảnh 2

Khách đến An Nhơn tham quan và mua mai vào tháng chạp

HOÀNG TRỌNG

Tạo dáng mai như Lệnh Hồ Xung luyện kiếm

Có một nhóm người chơi mai vào hạng “nhất lưu cao thủ” ở Bình Định thường ngồi lại với nhau bàn chuyện trồng mai, lai tạo giống, tạo dáng cho mai… rồi tếu táo gọi là “Hoa Sơn luận kiếm” và nói vui là người trong giới “nhân sĩ giang hồ”. Mỗi “nhân sĩ giang hồ” có quan niệm về cây mai khác nhau nhưng tất cả đều rất thành công với nghề trồng mai.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, chủ vườn mai Tuấn Ngọc (thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An), là một trong những người tiên phong chuyển từ mai quân tử sang sản xuất mai bonsai với số lượng hàng hóa ở Bình Định. Năm 2013, ông Tuấn gây bất ngờ khi rao bán gần hết 5.000 chậu mai dáng trực ngoài ruộng, chỉ giữ lại 700 cây đưa vào vườn làm mai bonsai. Ông tạo ra giống mai giảo lai cúc có nhiều ưu điểm như: mau lớn, ít sâu bệnh, ra nụ nhiều, hoa rất đẹp và lộc non có màu đỏ sung mãn… (giống mai Tuấn Ngọc) đang được nhiều nhà vườn ở Bình Định sử dụng. Trong số 700 chậu mai tại vườn mai Tuấn Ngọc, nhiều cây lâu năm có giá trên 100 triệu đồng, cá biệt có chậu đã được trả giá 500 triệu đồng.

Khí chất người Bình Định trong dáng mai

Nhà văn Lê Hoài Lương (TP.Quy Nhơn, Bình Định) cho rằng làm nên thương hiệu mai Bình Định là nhờ khí hậu, thổ nhưỡng và khí chất của người Bình Định. Điều kiện khí hậu các tỉnh phía bắc không thích hợp cho sự phát triển của cây mai. Còn các tỉnh phía nam có khí hậu thuận lợi nhưng tính người ít cầu kỳ, quan niệm về mai chỉ là chơi hoa nên thích cây mai lùm có nhiều bông, búp, sắc vàng rực rỡ.

Để tạo ra một cây mai dáng trực hay một tác phẩm mai bonsai, đòi hỏi người trồng mai phải có đôi mắt, tư duy tài hoa của người nghệ sĩ và bàn tay cần cù của người nông dân. Người Bình Định hội tụ đầy đủ những yếu tố này. Trong sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn ghi chép về người Bình Định: học trò chăm học, nông dân siêng cày, tính tình trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa, người học thức phần nhiều nho nhã trung hậu.

Người chơi mai bonsai có nhiều nhưng tung ra thị trường một lúc hàng trăm chậu mai bonsai thì trước ông Tuấn chưa ai làm. Theo ông Tuấn, trồng mai thương phẩm thì có thể chăm sóc số lượng nhiều đến cả vạn cây, nhưng làm mai bonsai thì 700 cây đã là một số lượng rất khủng. Thu nhập từ nghề trồng mai bonsai của ông Tuấn không giảm là nhờ giá trị của mai bonsai cao hơn mai bình thường.

Người nổi tiếng về tạo dáng mai bonsai ở Bình Định là ông Trần Hoàng, biệt danh là Hoàng “Lão tà”, chủ nhân của Mai Hoa Thung, ở TP.Quy Nhơn. Trong mắt “nhân sĩ giang hồ” ở Bình Định, ông Hoàng có nhiều tính cách giống nhân vật Hoàng Lão tà, chủ nhân Đào hoa đảo trong Thần điêu đại hiệp của nhà văn Kim Dung, như: thông minh, thích cô độc, làm việc quái dị, không theo các phép tắc người đi trước để lại… Tuy quái dị nhưng sự linh hoạt và linh cảm nghệ sĩ của Hoàng “Lão tà” được giới “nhân sĩ giang hồ” đánh giá là số 1. Chỉ cần nhìn vào cây mai, ông Hoàng biết ngay mình phải tạo ra dáng của nó như thế nào.

Hoàng “Lão tà” quan niệm rằng việc tạo dáng cho mai cũng cần phóng khoáng như gã lãng tử Lệnh Hồ Xung (nhân vật trong Tiếu Ngạo giang hồ của Kim Dung) luyện kiếm. Từ 9 chiêu thức trong Độc cô cửu kiếm học được của lão sư Phong Thanh Dương, tùy tình huống mà Lệnh Hồ Xung biến chiêu theo kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu” cho phù hợp. Tạo dáng cho cây mai cũng không nên rập khuôn theo các dáng thế người xưa để lại, nên căn cứ vào dáng thế có sẵn của nó để cải tạo, phóng tác theo sở thích của mình và của khách hàng. Ở Mai Hoa Thung, mỗi cây mai là một tác phẩm, không cây nào giống cây nào.

Từ khóa » Chăm Sóc Mai Vàng Bình định Sau Tết