Thả Gì để Bắt... CASA - Thời Báo Ngân Hàng

tha gi de bat casa Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có tỉ lệ CASA vượt 45%

Ngày đầu năm mới, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi các NHTM đang “chăng đèn, kết hoa” đón những vị khách mở hàng đầu năm thì Techcombank công bố “một bất ngờ thú vị với thị trường”: Tiền gửi khách hàng tại 31/12/2020 là 277,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm 31/12/2019. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 128,0 nghìn tỷ đồng, tăng 60,6% so với thời điểm cuối năm 2019. Nhờ đó, tỷ lệ CASA cuối năm 2020 của ngân hàng này đạt 46,1% (CASA tăng 65% ở phân khúc khách hàng cá nhân và tăng 54% ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp). Cũng phải nói thêm rằng, Techcombank liên tục công bố tỷ lệ CASA, khiến các nhà băng khác thêm phần… sốt ruột. Vậy CASA là gì, tại sao các NHTM ngày càng chú ý đến tỷ lệ này?

tha gi de bat casa
Ảnh minh họa

CASA là viết tắt của Current Account Savings Account, còn gọi là tiền gửi không kỳ hạn. Khi khách hàng đến ngân hàng mở tài khoản (tài khoản vãng lai) để nộp/rút tiền, chuyển khoản, nhận lương, mở thẻ ATM… thì chính là bạn đã góp phần làm tăng tỷ lệ CASA cho ngân hàng. Tỷ lệ CASA càng lớn có nghĩa ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường. Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích, tạo nền tảng khách hàng... của một NHTM.

Những năm gần đây, khi dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ thì nhu cầu mở “tài khoản CASA” càng nhiều. Khách hàng dùng tài khoản này để thanh toán không chỉ những dịch vụ thiết yếu (điện, nước, internet, truyền hình…) mà cả những hóa đơn mua sắm hàng hóa từ những món đồ nhỏ lẻ, đến sản phẩm xa xỉ… thì tất yếu số dư trong tài khoản CASA của mỗi khách hàng cũng tăng. Đặc biệt, khi Covid 19 xuất hiện khiến nhu cầu giao dịch phi tiếp xúc tăng; lãi suất tiết kiệm ở mức thấp kỷ lục cũng là điều kiện thuận lợi để các NHTM tăng tỷ lệ CASA.

Theo thống kê của NHNN, năm qua các hoạt động chuyển đổi số, sản phẩm dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh mẽ, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng: đến cuối 2020 đã tăng trưởng tới 344,2% về số lượng và 96,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; thanh toán trên điện thoại di động nhiều năm gần đây đạt mức trên 100%/năm.

Khảo sát của phóng viên cho thấy: Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm khá thấp (lãi suất không kỳ hạn phổ biến ở mức 0,03%/năm; có kỳ hạn dưới 6 tháng khoảng 4%/năm; từ 6 tháng đến 60 tháng cũng chỉ 6,5%/năm). Lãi suất thấp khiến nhiều khách hàng cá nhân chưa đầu tư gì sẽ để tiền nhàn rỗi trên tài khoản thanh toán mà không mấy bận tâm đến việc chuyển về tiết kiệm có kỳ hạn. Hơn nữa, thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng… đang khá sôi động, để chớp được thời cơ, khách hàng cũng luôn để khoản không nhỏ trong tài khoản thanh toán.

Không phải bây giờ cuộc đua thu hút CASA mới khốc liệt. Với xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, những năm gần đây các NHTM liên tục tung ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thu hút khách hàng cá nhân. Nhiều NHTM đã chọn cách miễn phí dịch vụ để có thêm nhiều khách hàng cá nhân. Song họ cũng phải tính toán để cân đối được hiệu quả từ việc đánh đổi giữa phí dịch vụ thanh toán và lợi ích mà CASA mang lại. Tuy nhiên, khách hàng tổ chức mới là “mỏ CASA”. Bởi, với khách hàng tổ chức, tiền gửi ký quỹ và tiền gửi thanh toán sẽ được hưởng mức lãi suất phổ biến là 0,20%/năm. Tuy nhiên, đối với tài khoản thấu chi và nhiều loại tài khoản khác, dù có số dư lên đến tỷ đồng thì mức lãi suất vẫn là 0%. Do đó, từ lâu giữa các NHTM vốn đã tồn tại cuộc chiến tranh giữ CASA.

Với vị thế của NHTM Nhà nước, những ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank luôn có lợi thế trong việc tiếp cận những nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi rất lớn từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, vốn tài trợ của các dự án quốc tế… Nếu tính về số tuyệt đối thì họ vẫn có nguồn CASA hơn hẳn các NHTMCP nhỏ. Tuy nhiên, khi các NHTMCP có đối tác, nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh thì lợi thế vốn CASA không hẳn chỉ dành cho NHTM Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một NHTM cho biết, nguồn lực CASA không phải là vô biên và liên tục biến động. Vì thế để tăng được tỷ lệ này các NHTM luôn có những chính sách chăm sóc khách hàng đặc biệt. Nhưng cuộc chiến đang ngày càng khốc liệt khi không chỉ NHTM mà cả các công ty chứng khoán, các trung gian thanh toán… cũng đang “chiếm giữ” một lượng tiền không nhỏ trong lưu thông.

Vậy “thả” gì để bắt được nhiều CASA? Câu trả lời tùy vào chiến lược của mỗi ngân hàng, nhưng có điểm chung các NHTM đang hướng đến: phát triển ngân hàng số, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng ở tất cả các sản phẩm, dịch vụ.

Từ khóa » Casa Ngân Hàng Là Gì