Thạch Lam Và Truyện Ngắn Hai đứa Trẻ. | Văn Mẫu 11

   Thạch Lam sinh ngày 7 tháng 7 năm 1910. Trong cuộc sống Thạch Lam là một con người khiêm nhường bình dị. Ông cũng không thích cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ở đô thị mà sống ở một ngôi nhà tranh vách gỗ bên Hồ Tây. Cuộc đời sáng tác của Thạch Lam thật ngắn ngủi ông mắc bệnh lao và qua đời ngày 28 tháng 6 năm 1942, khi tài năng đang ở độ chín.

   Là một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, Thạch Lam yêu cái đẹp, hướng tới cái đẹp. Thạch Lam là người chắt chiu cái đẹp và sáng tác của Thạch Lam chính là sự tìm kiếm cái đẹp đã bị đánh mất. Thạch Lam cho rằng một nhà văn thực sự có tài phải là người có thể cảm nhận được mọi vẻ đẹp man mác khắp vũ trụ. Ông viết: Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.

   Thạch Lam yêu cái đẹp nhưng với ông, văn chương không phải lấy cái đẹp làm cứu cánh, không phải ngợi ca cái đẹp mà xa rời hiện thực. Người nghệ sĩ không tìm đến văn chương như một thứ thoát li hiện thực. Trong bài tựa Gió đầu mùa, ông viết: Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên. Trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.

   Hai đứa trẻ là một truyện ngắn không có chuyện. Toàn bộ truyện là một mảnh đời nơi phố huyện nhỏ chầm chậm diễn ra xung quanh chị em Liên vào một buổi cuối mùa hè. Làm gì có phát triển và đỉnh điểm, thắt nút và mở nút như các bài học giáo khoa về lí luận văn học vẫn dạy. Nhưng lạ thay, người đọc không vì thế mà dễ dàng quên đi thiên truyện sau khi đọc. Họ luôn nhớ về nó như một kỉ niệm êm đềm mà mỗi chi tiết đều gây xúc động, gợi lại một thời đã qua.

   Cảm xúc sâu đậm trước tiên đến với người đọc là tình người giữa những dân nghèo của phố huyện vào một thời khắc bình lặng của cuộc sống. Có người, khi nói tới Hai đứa trẻ, đã nhấn mạnh cuộc sống nghèo khổ, bế tắc được miêu tả trong truyện như một khía cạnh làm nên giá trị của truyện. Đúng là từ những chi tiết của câu chuyện bất cứ ai cũng có thể nhận ra không khó khăn gì cảnh nghèo khổ, nhếch nhác của phố huyện, cũng như của từng gia đình. Chỉ cần thấy cảnh Liên xếp hàng họ vào hòm, cách tính tiền bán hàng của hai chị em, cái ý nghĩa gánh phớ bác Siêu là món quà xa xỉ không bao giờ chị em Liên có thể mua được, chúng ta cũng đủ hiểu gia cảnh và mức sống của gia đình Liên. Nhưng nếu coi đây là một khía cạnh làm nên giá trị của truyện thì chắc chắn sẽ phải đưa vào cảnh đó một vài định ngữ như cách nói xưa nay: Truyện tố cáo chưa mạnh mẽ, chưa gay gắt... Đặt cạnh Tắt đèn, Bước đường cùng, Chí Phèo, Vỡ đê, thì việc thêm các định ngữ kia khi đánh giá truyện là hợp lẽ. Song điều ấy lại không trúng với dụng ý của tác giả và không là giá trị thực của truyện. Cuộc sống nghèo nơi phố huyện chỉ là cái nền để tác giả nói tới quan hệ giữa những người dân mộc mạc trong cảnh sống bình thường.

   Ấn tượng thứ hai là sự tinh tế của ngòi bút Thạch Lam khi tả tình và tả cảnh. Trong truyện ngắn này, Liên là một cô gái nghèo phố huyện. Liên có một tâm hồn thuần phác. Ngòi bút của tác giả đã hé mở những rung động nhỏ bé trong tâm hồn cô. Chỉ mới bắt gặp mùi âm ẩm, bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc Liên đã nghĩ đến mùi riêng của đất, của quê hương. Một chiếc xà ích, một chiếc khóa được mẹ giao cũng gợi lên trong lòng cô sự quý mến và hãnh diện vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang, ở nét tâm lí này Liên gắn với những con người con gái trong ca dao, người vợ chịu thương chịu khó trong thơ Tú Xương, người chị giàu đức tính hi sinh trong một số tiếu thuyết, truyện ngắn đương thời. Đây cũng là nét tâm lí được Thạch Lam miêu tả với thái độ nâng niu, trân trọng trong một số truyện ngắn của ông. Ngòi bút của tác giả còn ghi lại ước mơ chập chờn, chưa định hình hẳn trong tâm hồn Liên khi con tàu đêm lướt qua, ước mơ về Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên khác hẳn với các vầng sáng ngọn đèn của chị Ti và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc xung quanh, đêm của đất quê và ngoài kia, đồng ruộng mênh mông và yên tĩnh. Sự tương phản giữa ước mơ và thực tế không làm tan vỡ ước mơ, trái lại cái mênh mang và yên tĩnh của đêm tối và đồng ruộng như kéo dài các ước mơ chập chờn kia khiến cho nó khó quên cả đối với người trong truyện và người đọc truyện.

   Khi tả cảnh, ngòi bút Thạch Lam tả ít, gợi nhiều và ẩn ở chiều sâu của câu, chữ là thái độ tâm trạng của tác giả. Nét đặc trưng bao trùm cả cảnh vật trong Hai đứa trẻ là sự êm ả nhưng đượm buồn. Thời gian trôi đi từ chiều đến đêm được miêu tả trong những nhận xét giàu cảm xúc: Chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng theo gió nhẹ đưa vào. Trời đã bắt đầu đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng gió mát. Không gian phố huyện ngày càng chìm sâu vào đêm khuya tình mịch và đầy bóng tối. Màu sắc của cảnh vật nhòa đi trong ánh sáng chập chờn lúc chiều tà, hoặc sẫm lại trong bóng đêm nên không có màu nào sáng, màu nào chóe, màu nào rực rỡ. Cái màu đỏ của những đóm than bay tung trên đường sắt, cùng với màu sáng rực của ánh đèn trên những toa sang trọng, lấp lánh ánh kền xà của kính lướt qua sân ga, cùng không thay đổi được gam màu xám của cảnh vật. Trái lại sự xuất hiện thoáng qua của chúng lại làm tăng thêm độ sẫm, độ buồn của màu sắc xung quanh. Âm thanh hoạt động của con người trong khung cảnh thiên nhiên ấy cũng rời rạc, chậm rãi, khẽ khàng. Tóm lại sự miêu tả cảnh vật và con người thống nhất trong sự êm ả, đượm buồn đó tạo nên một vẻ riêng của truyện.

   Hai đứa trẻ là một truyện ngắn hay của Thạch Lam không hấp dẫn người đọc bằng những tính cách sắc nét, những tình huống li kì hoặc ướt át. Nó lại hấp dẫn người đọc bằng chính vẻ đẹp của cuộc sống bình thường đã được khám phá ra; bằng chính ngòi bút tinh tế và giọng văn nhỏ nhẹ của tác giả. Truyện ngắn Hai đứa trẻ không đi sâu vào những chuyện áp bức bóc lột, cũng không kể tỉ mỉ những cành ngộ thương tâm, mà chỉ lặng lẽ đưa ra những hình ảnh xoàng xĩnh quen thuộc ở một phố huyện nghèo qua con mắt một đứa trẻ. Nhưng bức tranh đời sống nghèo trong truyện một mặt rất mực chân thực, đồng thời chan chứa niềm cảm thương, chân thành của tác giả đối với những người lao động nghèo khổ sống quẩn quanh, bế tắc, bị chôn vùi trong kiếp tối tăm.

Loigiaihay.com

Từ khóa » Hai đứa Trẻ Thạch Lam