Thạch Tử - Ông Tà | Wiki Tam Giới Toàn Thư | Fandom

Thach tu

Thạch Tử - Ông Tà

Thạch Thần - Thạch Tinh Tử

* Nguồn gốc

- Thạch Tử là các chơn hồn của sỏi đá, đá tảng sau một thời gian dài hấp thu tinh hoa, linh khí trời đất, tánh linh được thức tỉnh, có thể thị hiện thành thân ảnh sống động được gọi là Thạch Tử, Thạch Thần hay Thạch Tinh Tử.

- Các chơn hồn của người, động vật, thực vật khi chết đi, có sự nương tựa, ẩn thân nơi sỏi đá, đá tảng sau một thời gian dài có thể hòa hợp tâm tình của mình với tâm thức của chơn hồn sỏi đá ấy thành một chơn hồn thống nhất. Chơn hồn này có tâm tình quan tâm đến sự sinh tồn của muôn sinh quanh mình. Lúc bấy giờ, chơn hồn đã hòa hợp ấy trở thành một anh linh Thạch Tử.

- Những phiến sỏi đá, đá tảng bình thường, do niềm tin, ý nguyện của rất nhiều người, vật đặt vào ấy, sau một thời gian dài sẽ dần dần được đánh thức tánh linh. Từ một hòn đá bình thường có thể trở thành một hòn đá linh thiêng, có một số thần thông nhất định cũng được gọi là Thạch Tinh Tử.

*Hình dạng và các tính chất đặc trưng

- Thạch Tử có thể thị hiện thành nhân dạng với đầy đủ các hình thức như nam tử, nữ nhân, đồng tử, lão nhân, lực sĩ...

- Các thân ảnh nhân dạng ấy thường có màu sắc tương ứng với màu sắc của sỏi đá, đá tảng đã hóa hình Thạch Tử. Vậy nên đa số Thạch Tử có da màu xám, hơi nâu đen hoặc đen, có ít Thạch Tử thị hiện sắc da trắng xanh, trắng tươi.

- Thạch Tử có thể giúp những người, vật khi tiếp xúc, tiếp cận được cảm thấy thoải mái dễ chịu vì Thạch Tử sẽ hấp thu những năng lượng rối loạn của người, vật ấy rồi trung hòa các năng lượng đó. Từ đó những vướng mắc, rối loạn cả thể xác lẫn tinh thần của người, vật sẽ được giải tỏa, xả được các phiền não, bức bối trong thân tâm.

- Các chướng khí, vận khí tiêu cực cũng có thể được Thạch Tử trung hòa, làm cho những việc rắc rối, dễ gây khó chịu, mệt mỏi với người, vật đều được trở nên dễ chịu, dễ sống hơn.

- Thạch Tử khi đã thức tỉnh tánh linh của mình, tu tâm dưỡng tánh, độ duyên cho chúng sinh trong khu vực mình an trú. Thạch Tử ấy được tin thờ là một vị Chánh Thần trong vùng đó, sau một thời gian dài độ duyên, Thạch Tử ấy có thể trở thành Thạch Tiên Tử, là phẩm vị có sự tinh tấn về ngộ tính và thiện hành gần với Đạo hơn.

o Phong tục thờ Ông Tà trong dân gian Việt Nam

- Ở các tỉnh miền Nam, nhất là khu vực đồi núi người ta thường hay đặt một tảng đá trên bệ thấp, lập nên một cái miếu nhỏ che nắng mưa, thành kính thờ cúng như một vị Thổ Địa vậy. Người dân gọi đó là thờ cúng Ông Tà.

- Ông Tà này thường là phiến đá xanh, được quấn một chiếc khăn đỏ tượng trưng cho niềm vui, phúc lạc và cũng xem như là áo của vị ấy. Lễ vật cúng cho Ông Tà khá đơn giản và gần gũi như là một vài cành hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa sứ, một vài cái bánh, hay mấy trái chuối. Nhưng niềm tin của người dân với các Ông Tà ở miếu, chùa hay ven đường đều rất mãnh liệt và thân thiết. Người ta thường đến để chia sẻ những tâm tình của mình trong cuộc sống giống như nói chuyện với một người thân trong nhà vậy... hôm nay buôn bán làm ăn được không, sức khỏe người trong nhà ra sao, muốn cưới gả cho con cái họ thế nào. Chỉ đơn giản như vậy thôi, chẳng có tụng kinh chi cả, nhưng lại gần gũi thân thương đến lạ. Nhờ vậy, những phiền não, rối ren trong lòng người ta cũng được giải tỏa phần nào qua những buổi tâm sự như thế.

- Những Ông Tà như vậy, nếu người dân đến chia sẻ nói chuyện thường xuyên, đông đúc thì từ một tảng đá bình thường, chỉ chừng 5 – 10 năm thì tánh linh tảng đá ấy thức tỉnh, Ông Tà đó thực sự trở thành một Thạch Tử, có thể an ủi, tương tác cảm ứng với các tâm tư nguyện vọng của chúng sinh bá tánh.

o Tín ngưỡng thờ Thạch Thần ở Nhật

Người Nhật tin tưởng trong mọi vật chất, mọi sự tồn tại đều có Thần linh. Chính vì vậy, có lẽ trên thế giới không một quốc gia nào có văn hóa đa thần một cách phong phú như ở Nhật.

Người Nhật tin rằng các vị Thần Đá có thể giúp cho đất đai nơi các vị ở đó được bình yên. Các vị ấy sẽ trấn giữ, ngăn ngừa thiên tai động đất, phòng chống lại các thế lực tà ác gây nên dịch bệnh.

Đối với người Nhật, việc tin tưởng và tôn trọng các vị Thần Đá này cũng giống người Việt ở chỗ gần gũi, chia sẻ tâm tình của mình. Nhưng họ chỉ cầu nguyện, đôi khi có thắp một ngọn nến ở chỗ Thạch Thần chứ không cúng lễ là nhang đèn, trái cây, hoa như ở Việt Nam.

o Thạch Cơ, một vị Chánh Thần trong Đẩu Bộ

- Thuở xa xưa, có một tảng đá xanh hấp thu tinh hoa nhật nguyệt trong một thời gian dài, đủ duyên thì tánh linh thức tỉnh, trở thành Thạch Tinh Tử, thị hiện nên hình dáng nữ nhân. Nữ nhân ấy được Đức Thông Thiên Giáo Chủ nhận làm môn đồ Triệt Giáo, đặt danh hiệu là Thạch Cơ. Ngài điểm hóa cho Thạch Cơ, truyền dạy các huyền cơ màu nhiệm, phép tắc của Thiên Địa.

- Thạch Cơ tu tâm dưỡng tánh, làm lành lánh dữ, gìn giữ thiện căn của mình suốt mấy ngàn năm. Đạo hạnh đủ đầy, Thạch Cơ trở thành một Thạch Tiên Tử, được chúng sinh gọi là Thạch Cơ Nương Nương. Nương Nương là từ được dùng để gọi cùng với tôn danh của những vị tôn kính, bậc thượng nhân giữa thiên hạ.

- Đến thời nhà Ân bên Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ XI trước Công Nguyên.

Thạch Cơ Nương Nương từng có ân tình giúp cho Lý Tịnh được làm quan. Về sau con của Lý Tịnh là Lý Na Tra lại vô tình dùng chiếc cung thần bắn vào không trung, rủi thay trúng phải đệ tử Thạch Cơ. Từ hiểu lầm đó, vì muốn đòi lại công bằng cho đệ tử của mình, lại gặp tính khí Na Tra còn trẻ nhỏ bồng bột nên gây ra tai họa, khiến hai bên xung đột. Cuối cùng Thạch Cơ bị nạn, thân ảnh hóa lại thành tảng đá xanh, hồn về Phong Thần Đài đợi ngày phong vị Chánh Thần.

- Sau đó, Thạch Cơ Nương Nương được Đức Thái Thượng Lão Quân, Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn sắc phong thành vị Chánh Thần Nguyệt Du Tinh, thuộc Đẩu Bộ.

* Phương thức cảm ứng

- Những ai tin tưởng vào Thạch Tử, hay Ông Tà, có thể để tâm tình giản đơn chân thật của mình chia sẻ môt cách nhẹ nàng, gần gũi.

- Người có niềm tin, có thể đặt ở nhà một phiến đá nhỏ, thường xuyên chia sẻ, tâm sự với phiến đá ấy, cũng là một cách để có thể giải tỏa những rối ren, phiền não của mình trong đời sống thường ngày. Về lâu về dài, ngoài tác dụng chữa bệnh về tinh thần, giúp điều hòa khí cho cơ thể người tiếp xúc thì phiến đá ấy có thể thức tỉnh thành Thạch Tử, sẽ có những tương tác kì diệu trong cuộc sống.

- Cần tránh việc mê tín và tự kỷ ám thị khi nói chuyện một mình với tảng đá, tránh bị lậm.

- Một số trường hợp anh linh Thạch Tử có giáng nhập vào thân xác người bình thường để giúp người trị bệnh, hoặc chỉ cho người ta biết cách làm lành lánh dữ, sửa đổi các việc vì thiếu hiểu biết mà vô tình sai phạm khiến cho người ta gặp rắc rối, chướng ngại trong cuộc sống.

Từ khóa » Cục đá ông Tà