Thái độ Của TBT Lê Duẩn Với Lãnh đạo Trung Quốc Trước, Trong Và ...

Chia sẻ img Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 1.

Trong cuốn sổ tay của TBT Lê Duẩn năm 1978 mà gia đình ông còn giữ, có đoạn viết: “Đất nước Việt Nam phải giàu mạnh và hùng cường. Đó là vị trí lịch sử và địa dư của Việt Nam, không thể khác được. Vì chúng ta ở bên cạnh một đất nước mà lịch sử của nước đó chưa bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược đất nước ta”.

Nhưng không phải đến năm 1978, thời điểm quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên xấu đi tính từ sau khi hai miền Nam – Bắc Việt Nam thống nhất, ông Lê Duẩn mới nhận ra điều đó…

Năm 1954, việc Hiệp định Geneve được ký kết đã bẻ ngoặt nhận thức của ông Lê Duẩn về mối quan hệ đồng chí đó. Dù trước đó, như bao nhà lãnh đạo khác của Việt Nam, ông Lê Duẩn thực sự tin rằng, Trung Quốc là người bạn lâu dài của cách mạng Việt Nam.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 3.

Ông Việt Phương - người từng làm Thư ký cho cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng và TBT Lê Duẩn khi còn sống, đã nói về Hiệp định Geneva như sau: “Tại Geneva - Thụy Sĩ, Trung Quốc - với sự ảnh hưởng của mình, đã khăng khăng chọn vĩ tuyến 17 là giới tuyến chia hai miền Nam - Bắc. Khi chúng ta bàn bạc vấn đề này với Trung Quốc, họ đã nói: “Các đồng chí hãy để cho chúng tôi tùy cơ ứng biến”. Khi nói như thế, người Trung Quốc đã tự cho mình cái quyền định đoạt số phận của người Việt Nam trên bàn đàm phán”.

Khi Hiệp định Geneva được ký kết chính là lúc ông Lê Duẩn đang trên đường từ Nam Bộ ra miền Bắc để báo cáo với Bác Hồ và Trung ương tình hình cách mạng toàn miền Nam. Ông Lê Duẩn còn chuẩn bị một bản dự thảo đưa ra những vấn đề quan trọng phục vụ cho cuộc đàm phán ở Geneva. Nhưng ra đến Liên khu 5, ông bất ngờ nghe tin Hiệp định Geneva đã được ký kết ngày 21.7.1954. Suốt đêm đó, ông thức trắng.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 4.

Ông Lê Duẩn kiên quyết phản đối việc chia cắt đất nước. Nếu buộc phải làm thế, thì việc chia cắt phải ở vĩ tuyến 13 chứ không phải ở vĩ tuyến 17. Nhưng mọi thứ đã diễn ra rất khác ở Geneva.

Ngày hôm sau, Lê Duẩn nhận được điện thoại của Bác Hồ, yêu cầu ông quay lại miền Nam để nói chuyện với đồng bào trong đó. Trên đường đi, nhìn những quân dân miền Nam giơ hai ngón tay chào nhau – vừa là biểu tượng của chiến thắng (victory) - vừa là lời hẹn 2 năm sau sẽ đoàn tụ, ông đã khóc, vì ông biết sẽ không bao giờ có tổng tuyển cử, sẽ không bao giờ chỉ là 2 năm. Rồi đây đất nước ông sẽ còn bị chia cắt, dân tộc ông sẽ còn bị đổ máu.

Quay trở lại miền Nam, việc đầu tiên ông làm là gọi điện xin Bác Hồ cho phép ông ở lại, lãnh đạo cách mạng miền Nam chứ không ra Bắc tập kết như bao người khác. Bác Hồ đồng ý, nhưng yêu cầu ông phải giữ bí mật về sự ở lại của mình.

Một đêm mùa đông năm 1954, Lê Duẩn đưa vợ và con lên con tàu Kereinski của Ba Lan chở 2000 cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết. Đúng 12 giờ đêm, khi chỉ còn vài tiếng nữa thì tàu nhổ neo, ông lặng lẽ lên một con thuyền nhỏ chờ sẵn, bí mật vào bờ.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 5.

Ông nói với ông Lê Đức Thọ trước lúc chia tay: "Anh ra nói với Bác, 20 năm nữa tôi mới được gặp Bác". Rất trùng hợp, 20 năm sau, đất nước thống nhất. Nhưng quan trọng hơn, đó là lần đầu tiên, ông Lê Duẩn thực sự ý thức được về nỗi khổ của một dân tộc như Việt Nam, khi ở cạnh một nước lớn như Trung Quốc.

Với Lê Duẩn, Hiệp định Geneva là lần thứ nhất ông chứng kiến những người đồng chí Trung Quốc quay lưng với đất nước ông. Lần thứ hai là vào năm 1972, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc, khi ấy ông Lê Duẩn đã trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 6.

Ông Lê Kiên Thành xác nhận những chi tiết trong tài liệu mà ĐH Chính trị Paris đã tìm được, trong đó có màn đối thoại của ông Lê Duẩn với ông Chu Ân Lai. Trước chuyến thăm của Nixon, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã có một cuộc gặp riêng với TBT Lê Duẩn, thông báo với Lê Duẩn rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về vấn đề Việt Nam trong cuộc gặp sẽ diễn ra tại Bắc Kinh.

TBT Lê Duẩn lập tức đáp lại:

- Ông Chu Ân Lai, ông là người Trung Quốc, tôi là người Việt Nam, Việt Nam là đất nước của tôi, hoàn toàn không phải của các ông. Các ông không có quyền nói về vấn đề Việt Nam và các ông không có quyền thảo luận về các vấn đề của Việt Nam với Mỹ.

Nhưng không gì ngăn cản được Mỹ và Trung Quốc gặp nhau ở Bắc Kinh năm 1972.

Khi Nixon rời Trung Quốc, một lần nữa Thủ tướng Chu Ân Lai sang Việt Nam. Cuộc trò chuyện giữa TBT Lê Duẩn và Thủ tướng Chu Ân Lai đã diễn ra rất căng thẳng, khi nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã không giấu giếm sự gay gắt trong lời nói của mình:

- Nixon đã gặp các ông rồi. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ tấn công chúng tôi thậm chí còn mạnh hơn bây giờ. Nhưng tôi hoàn toàn không sợ. Dù thế nào chúng tôi vẫn sẽ thắng Mỹ.

Chu Ân Lai im lặng!

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 7.Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 8.

Bữa tiệc chiêu đãi Thủ tướng Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam (3/1971)

Không lâu sau đó, Mỹ tiến hành “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, đưa máy bay B52 ném bom miền Bắc, với quyết tâm đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Cùng với đó, Đài Loan rời khỏi Liên Hợp Quốc. Thay thế Đài Loan ở Liên Hợp Quốc khi đó chính là Trung Quốc.

Sau này, TBT Lê Duẩn từng có lần nói với Lê Kiên Thành - con trai ông: “Dù là năm 1954 hay năm 1972 hay sau này, ba chưa bao giờ quên đi những bài học đắt giá đó.”

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 9.Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 10.

Chính vì những nhận thức đó, nên trong các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Lê Duẩn luôn là người có thái độ cứng rắn, quyết liệt theo hướng không chịu lệ thuộc giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Khi ông Lê Duẩn ra miền Bắc làm TBT Đảng Cộng sản Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một lần, trong cuộc họp Bộ Chính trị, ông Lê Duẩn đã nói với Bác Hồ:

- Thưa Bác, chúng ta muốn thắng Mỹ, thì nhất định không được sợ Mỹ, nhất định không được sợ Trung Quốc và Liên Xô.

Ông đã luôn nghĩ như thế và hành động như thế trong suốt những năm ông là TBT Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1963, Lê Duẩn sang gặp một nhà lãnh đạo Trung Quốc, thời điểm mà Trung Quốc đang viện trợ cho Việt Nam rất nhiều. Họ đã có một cuộc đối thoại vô cùng đặc biệt.

Ông ta hỏi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?

Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.

Ông ta: Dân số của họ bao nhiêu?

Tôi: Khoảng 3 triệu!

Ông ta: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật đấy!

Ông ta lại hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?

Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông. Nhà lãnh đạo Trung Quốc: Có bao nhiêu người?

Tôi: Khoảng 40 triệu!

Ông ta: Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!

Ông ta hỏi: Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?

Tôi trả lời: Đúng.

Ông ta hỏi tiếp: Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?

Tôi trả lời: Đúng.

Ông ta: Và quân Minh nữa, phải không?

Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta mà nói: Đúng, và cả các ông nữa, nếu các ông đem quân sang xâm lược đất nước tôi, các ông có biết điều đó không?

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 11.

Những nhận thức của ông Lê Duẩn trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến ông luôn giữ sự cảnh giác trước những lời đề nghị từ giới lãnh đạo Bắc Kinh, nếu ông cảm thấy điều đó đe dọa đến độc lập, chủ quyền của đất nước mình.

Theo tài liệu do ông Lê Kiên Thành cung cấp, thời chống Mỹ, Mao Trạch Đông từng đưa một đội quân vào Việt Nam, với lý do giúp Việt Nam xây đường xá ở miền Bắc. Thay vì chỉ đưa người vào như cam kết ban đầu, quân lính Trung Quốc đã đến Việt Nam cùng súng đạn.

Sau đó, khi Mao Trạch Đông yêu cầu Việt Nam nhận 20.000 quân Trung Quốc để xây một con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ, thì TBT Lê Duẩn kiên quyết không nhượng bộ. Và đó không phải lần từ chối duy nhất!

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 12.

Trong một bức thư gửi cho vợ - bà Bảy Vân, ông Lê Duẩn từng kể: “Lần này Trung Quốc lại đề nghị cho mình 500 chiếc xe vận tải để chở hàng trên dãy Trường Sơn. Điều kiện đi kèm của họ là 500 chiếc xe đó sẽ kèm với 500 lái xe Trung Quốc. Có người trong Bộ Chính trị đề nghị anh cứ nhận vài xe cho họ vui. Nhưng anh không đồng ý. Chừng nào anh còn ngồi ở vị trí này, thì anh không để bất cứ thứ gì có thể trở thành nguy cơ đối với đất nước”.

Sự quyết liệt, không nhân nhượng trong các vấn đề liên quan đến độc lập, chủ quyền của ông Lê Duẩn chắc chắn là cái gai trong mắt giới lãnh đạo Bắc Kinh lúc đó, khi họ nhận ra ông Lê Duẩn không phải người dễ bị khuất phục.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 13.

Sau năm 1979, khi Việt Nam và Trung Quốc đã rơi vào tình trạng chiến tranh, ở Bắc Kinh, loa phát thanh khắp thành phố Bắc Kinh thường có những bài đọc lên án ông Lê Duẩn. Câu nói hay gặp nhất trên đài tiếng nói ở Bắc Kinh ngày đó là: “Đánh tan bè lũ Lê Duẩn - Nguyễn Cơ Thạch”.

Không còn nghi ngờ gì, TBT Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam khiến Trung Quốc không hài lòng nhất! Nhưng sự thực là trong quá khứ đã có những thời điểm, Bắc Kinh dành cho ông Lê Duẩn một tình cảm rất nồng ấm. Những nhà lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai từng là những người bạn thân của ông Lê Duẩn.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 14.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm hữu nghị Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1973)

Lê Kiên Thành - Con trai TBT Lê Duẩn hồi tưởng: “Năm 1975, khi Chu Ân Lai thất thế và nằm trên giường bệnh, ba tôi sang Bắc Kinh, vào tận bệnh viện thăm Chu Ân Lai. Ba tôi hỏi: “Ông có khỏe không”? Chu Ân Lai ghé sát tai ba tôi thì thầm:

“Ngoài kia hẳn có những kẻ không muốn tôi sống đâu”. Ba tôi và Chu Ân Lai - ở vị trí của mình, khi đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, họ hẳn có nhiều điều không vừa lòng với nhau, nhưng đến thời điểm đó, họ vẫn coi nhau là bạn. Nếu không phải là bạn, chắc một nhà chính trị như Chu Ân Lai sẽ không bao giờ chia sẻ với ba tôi một điều sâu kín như thế.

Tháng 11.1960, Hội nghị 81 Đảng Cộng sản họp tại Moscow, giữa thời điểm quan hệ Trung Quốc và Liên Xô đang vô cùng xấu. Đó là Hội nghị mà Liên Xô muốn tập hợp lực lượng để cô lập Trung Quốc. Ba tôi và Đặng Tiểu Bình đại diện cho Việt Nam và Trung Quốc tham dự hội nghị đó. Đêm trước khi Hội nghị diễn ra, họ đã gặp nhau ở sứ quán Trung Quốc và trò chuyện suốt đêm.

Khi ấy, nhiều Đảng Cộng sản trên thế giới đã ủng hộ Liên Xô cô lập Trung Quốc. Số còn lại im lặng. Chỉ có ba tôi đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất bảo vệ Trung Quốc.

Sau Hội nghị, TBT Đảng Cộng sản Pháp đã gọi ba tôi ra gặp riêng và trách móc: -Các đồng chí đã chống lại nhiệm vụ và tinh thần quốc tế vô sản. Nhưng ba tôi khẳng khái đáp lại:

- Thưa đồng chí, tinh thần quốc tế vô sản lớn nhất bây giờ là thắng Mỹ. Các đồng chí hãy để chúng tôi tập trung đánh Mỹ. Mà muốn thắng Mỹ, tôi phải đoàn kết với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc.

Vị TBT Đảng Cộng sản Pháp đã ôm lấy ba tôi sau câu nói đó”.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 15.

TBT Lê Duẩn bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị 81 Đảng Cộng sản

Sau khi tham dự Hội nghị 81 Đảng, ông Lê Duẩn về đến Bắc Kinh và được người Trung Quốc đón tiếp như một anh hùng. 1 triệu người Trung Quốc đón ông ở quảng trường Thiên An Môn. Trong bữa tiệc tiếp tân, Mao Trạch Đông lấy đũa của mình gắp thức ăn vào bát ông Lê Duẩn. Có một chính khách Trung Quốc đã nói riêng với ông Lê Duẩn: “Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Mao Trạch Đông gắp thức ăn cho người khác”.

Sự ủng hộ của ông Lê Duẩn nói riêng và Việt Nam nói chung dành cho Trung Quốc ở Đại hội 81 Đảng Cộng sản là vô cùng quan trọng, vì Việt Nam những năm đó có vị thế rất lớn trong Quốc tế Cộng sản. Lúc đó, uy tín của Việt Nam đang lên rất cao sau khi chiến thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ và là thành trì của CNXH trong cuộc chiến với các nước TBCN (mà đại diện là nước Mỹ). Những việc đó đã khiến Đặng Tiểu Bình và Lê Duẩn trở thành những người bạn. Kể cả những năm mà Đặng Tiểu Bình bị thất sủng, mất hết mọi quyền lực, mỗi lần sang Trung Quốc, ông Lê Duẩn đều tìm đến thăm Đặng Tiểu Bình.

Cuộc gặp cuối cùng giữa họ diễn ra vào năm 1977. Đó cũng là lần cuối cùng ông Lê Duẩn sang thăm Trung Quốc.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 16.

“Khi đó tôi đi Trung Quốc lần cuối. Tôi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam gặp phái đoàn Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình dẫn đầu. Chúng tôi đã nói về vấn đề lãnh thổ, gồm cả việc thảo luận về một số hòn đảo. Tôi nói: Hai nước chúng ta ở gần nhau. Có một số vùng lãnh thổ của chúng ta chưa được xác định rõ ràng. Hai bên cần thành lập các cơ quan để xem xét vấn đề này. Các đồng chí hãy đồng ý với chúng tôi”. Đặng Tiểu Bình đồng ý. Nhưng sau đó ông ta đã thay đổi vì áp lực từ nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Ông Lê Kiên Thành cho biết, đó là những lời kể của ông Lê Duẩn trong một tài liệu lưu trữ trong Thư viện Hà Nội được tìm thấy bởi nhóm nghiên cứu về Việt Nam của Đại học Chính trị Paris.

2 năm sau - tháng 2.1979, Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học. Tình bạn giữa họ đã tan vỡ kể từ thời điểm đó.

Dẫu vậy, khi thấy Báo Nhân Dân vẽ một bức tranh biếm họa về Đặng Tiểu Bình, ông Lê Duẩn vẫn nhăn mặt: “Chúng ta có thể đang chiến tranh với họ, nhưng không cần phải bôi nhọ cá nhân bất cứ ai”.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 17.Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 18.

Trước thời điểm chiến tranh Biên giới Việt - Trung nổ ra, vào dịp Tết Nguyên đán năm 1979, TBT Lê Duẩn tâm sự với con rể của mình - GS Hồ Ngọc Đại: “Trung Quốc sẽ đánh mình nhanh thôi”. Trước đó không lâu, Đặng Tiểu Bình đã có cuộc gặp với TT Mỹ Jimmy Carter, tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây đối với việc phát động chiến tranh. Hai tuần sau Tết Nguyên đán 1979, Đặng Tiểu Bình lệnh cho 600.000 quân Trung Quốc tấn công Việt Nam.

Có nhiều người nói, Việt Nam đã bất ngờ về cuộc chiến tranh đó. Nhưng đó có thể là sự bất ngờ đối với ai khác, chứ không phải đối với TBT Lê Duẩn.

Sau năm 1975, khi giao nhiệm vụ cho Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đàm phán với Mỹ để thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, ông Lê Duẩn đã dặn dò ông Nguyễn Cơ Thạch: “Sau lưng một kẻ thù, đôi khi ta có thể tìm thấy một người bạn. Sau lưng một người bạn, đôi khi sẽ là kẻ thù”.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 19.

TBT Lê Duẩn làm việc với tỉnh Lạng Sơn và Quân khu 1 trong Chiến tranh Biên giới 1979

Mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc đã xuất hiện vấn đề ngay từ khi Việt Nam còn đang tập trung cho cuộc chiến tranh với Mỹ ở miền Nam, nhưng mối quan hệ đó đặc biệt xấu đi sau khi hai miền Nam - Bắc Việt Nam thống nhất.

Sau năm 1975, cả Liên Xô và Trung Quốc đều lo lắng về Việt Nam. Nếu như Liên Xô sợ Trung Quốc sẽ nghiêng hẳn về phía Việt Nam, thì Trung Quốc lại sợ Việt Nam sẽ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của mình, trở thành một thế lực mới ở Đông Nam Á. Trung Quốc bắt đầu lợi dụng quân Khmer Đỏ để gây khó cho Việt Nam để ngăn chặn bớt sức mạnh đó.

Những chuyến thăm của TBT Lê Duẩn sang Trung Quốc vào năm 1975 và 1977 đều không đưa ra được tuyên bố chung. Và hơn ai hết, ông Lê Duẩn đã có những dự cảm về các biến cố có thể xảy ra. Ngay từ thời điểm sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn có hơn 1 triệu quân chính quy. Một nhà lãnh đạo Liên Xô khi ấy hỏi TBT Lê Duẩn:

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 20.

- Các đồng chí định đánh nhau với ai mà giữ lại một đội quân thường trực lớn như vậy?

Ông Lê Duẩn đáp: - Rồi sau này đồng chí sẽ hiểu!

Rõ ràng đó không phải một sự cẩn thận thừa thãi, khi mà chỉ 4 năm sau, Việt Nam đã phải cùng lúc chống chọi với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước: Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 21.

Sáng ngày 17.2.1979, chiến tranh biên giới nổ ra ở Biên giới phía Bắc. Tin tức đó được báo về Hà Nội ngay lập tức cho các lãnh đạo đất nước, trong đó có TBT Lê Duẩn.

Ông Lê Kiên Thành kể: “17.2.1979 tình cờ lại là ngày tôi kết hôn. Tôi lúc đó vẫn còn trong quân ngũ, công tác ở một đơn vị không quân. Nhưng buổi sáng, đơn vị gọi tôi quay lại đơn vị gấp vì chiến tranh nổ ra. Sau khi nhận được tin báo, tôi xuống phòng ba tôi, hỏi ông:

- Có thật là Trung Quốc đã tấn công chúng ta không ba?

Ba tôi trả lời: - Ừ, họ đánh ta trên toàn tuyến biên giới.

Tôi lại hỏi: - Vậy có lẽ con nên hoãn đám cưới tối nay lại….

Ba tôi nói: - Con không cần làm việc đó. Chúng ta luôn cần phải sống bình thường hết mức chúng ta có thể bên cạnh những cái không bình thường. Nếu 20 năm chiến tranh chống Mỹ và 9 năm chiến tranh chống Pháp mà không ai lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, thì đất nước này sẽ đi về đâu?

Tối hôm đó, đám cưới của tôi vẫn diễn ra ở số 6 Hoàng Diệu. Có một chút bánh kẹo, có mấy ấm trà. Bác Trường Chinh, bác Lê Đức Thọ, bác Phạm Văn Đồng… là những người tham dự đám cưới. Tôi cũng mời thêm vài người bạn cùng đơn vị. Hôn lễ của tôi chỉ kéo dài trong 1 tiếng đồng hồ, ngay trong ngày đầu cuộc chiến nổ ra. Nhưng ba tôi và các Ủy viên Bộ Chính trị không hề có vẻ gì lo lắng.

Ngay sau khi đám cưới, tôi quay trở lại đơn vị trực chiến, Thủ trưởng của tôi – người đã tham dự hôn lễ tối hôm trước nói với tôi: “Nhìn ông già cậu bình thản như vậy, thì tôi hiểu Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ làm gì được chúng ta”.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 22.

TBT Lê Duẩn tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (1979)

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 23.

Sự thực là năm 1979, khi Chiến tranh Biên giới nổ ra, nhiều người Việt Nam đã lo lắng. Trước đó, người Việt Nam đã chống lại những kẻ thù mạnh như Mỹ, như Pháp. Trước đó nhiều thế kỷ, chúng ta cũng nhiều lần chống lại những cuộc xâm lược của các triều đại phương Bắc. Nhưng chưa một lần nào, người Việt Nam phải chống lại những người anh em, đồng chí, những người cùng ý thức hệ và đã giúp đỡ mình trong chiến tranh như Trung Quốc. Năm 1979 khi hai nước giao tranh ở biên giới, bộ đội Việt Nam vẫn đang mặc áo do Trung Quốc viện trợ!

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 24.

Câu đầu tiên trong Hiến pháp Việt Nam năm 1980 có viết: “Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”

Năm 1984, khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đề nghị với TBT Lê Duẩn bỏ câu nói đầu trong Hiến pháp, ông Lê Duẩn đã từ chối.

Có nhiều người từng nói, ông Lê Duẩn là người ghét Trung Quốc một cách cực đoan. Nhưng khi còn sống, TBT Lê Duẩn đã nói rằng: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Nhưng hiện tại họ đang đánh ta. Vì vậy chúng ta phải kiểm soát tình hình chặt chẽ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và không bao giờ nới lỏng sự cảnh giác. Về mối quan hệ với Trung Quốc, tôi tin rằng sẽ có ngày thay đổi. Nhưng chưa phải lúc này. Và chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng trên mọi phương diện”.

Thái độ của TBT Lê Duẩn với lãnh đạo Trung Quốc trước, trong và sau Chiến tranh biên giới - Ảnh 25.

Ngày 5.3.1979, chính TBT Lê Duẩn là người đã ra lệnh cho quân đội ngừng kế hoạch phản công, khi Trung Quốc tuyên bố rút quân. Ông nói: “Nếu họ đã rút quân, thì sao chúng ta phải hy sinh xương máu của những người lính?”.

Năm 1986, TBT Lê Duẩn qua đời. Năm 1991, sau Hội nghị Thành Đô, hai nước Việt - Trung bình thường hóa quan hệ, câu nói trong Hiến pháp Việt Nam cũng được bỏ đi.

Khi chia sẻ trên báo Vietnamnet cách đây 10 năm, trong dịp kỷ niệm 30 năm Chiến tranh Biên giới 1979, Lê Kiên Thành - con trai TBT Lê Duẩn kể rằng: “Vài năm trước, tôi ghé thăm Ải Nam Quan (Hữu nghị Quan) - nơi được coi là biểu tượng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Trong phòng trưng bày chân dung các vị lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc qua các thời kỳ, chỉ thiếu duy nhất ảnh ba tôi. Trong sâu thẳm, tôi tự hào vì Ba tôi - cố TBT Lê Duẩn là người đã quyết bảo vệ đến cùng từng tất đất ở đây, không mua bán, không mặc cả với bất cứ giá nào”!

* Bài viết sử dụng tư liệu của ông Lê Kiên Thành (con trai TBT Lê Duẩn), Nhà thơ Việt Phương (Thư ký TBT Lê Duẩn).

Bài viết: Tô Lan Hương Thiết kế: 7pm Theo Trí Thức Trẻ16/2/2019

Theo Tô Lan Hương - 7PM

Trí Thức Trẻ

Theo Trí Thức Trẻ Copy link Link bài gốc Lấy link! http://soha.vn/thai-do-cua-tbt-le-duan-voi-lanh-dao-trung-quoc-truoc-trong-va-sau-chien-tranh-bien-gioi-20190216095400546.htm Trở lên trên

Từ khóa » Tổng Bí Thư Lê Duẩn Với Trung Quốc