Thai Kỳ Nguy Cơ Cao Là Gì? - Suckhoe123

Thai kỳ nguy cơ cao nghĩa là gì?

Nếu thai kỳ nguy cơ cao, có nghĩa là bạn cần được chăm sóc hỗ trợ để giúp thai kỳ và thai nhi khỏe mạnh. Nếu bạn đang điều trị một bệnh lý mạn tính, có thể từ lâu bạn đã biết mang bầu sẽ có nhiều rủi ro (nguy cơ). Hoặc bạn có thể phát hiện thấy mình gặp những vấn đề sức khỏe lần đầu tiên phát triển trong thai kỳ.

Dù bằng cách nào, việc có một thai kỳ nguy cơ cao cũng có nghĩa là bạn hoặc con có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe khi mang bầu, khi sinh hoặc sau khi sinh. Đây có thể là những vấn đề rất nhỏ, nhưng trong một số trường hợp, thai kỳ nguy cơ cao có thể đe dọa tính mạng của thai phụ hoặc em bé. Đó là lý do tại sao trường hợp mang bầu nguy cơ cao cần phải được giám sát thêm bởi một bác sĩ, hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Nhận được tin mình mang bầu nguy cơ cao có thể sẽ là một cú sốc lớn với bạn, với đầy những cung bậc cảm xúc lẫn lộn. Bạn có thể cảm thấy khó chịu khi mang bầu vì rất lo lắng về sức khoẻ của mình hoặc sức khoẻ của em bé.

Hãy hỏi bác sĩ để biết thông tin về thai kỳ của mình cũng như cách ngăn ngừa hoặc kiểm soát các vấn đề. Xây dựng một mạng lưới hỗ trợ, nói chuyện với bạn tình, gia đình và bạn bè của bạn, hoặc những phụ nữ khác cũng trong tình trạng tương tự, có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn cũng như kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

Có thể bạn sẽ nghe và đọc được nhiều vấn đề và các biến chứng có thể ảnh hưởng đến việc mang thai của bạn. Nhưng việc có thai kỳ nguy cơ cao không có nghĩa là bạn sẽ không sinh được đứa con khỏe mạnh. Vì vậy, đừng từ bỏ hy vọng.

Điều gì gây ra tình trạng thai kỳ nguy cơ cao?

Nhiều yếu tố có thể dẫn đến một thai kỳ có nguy cơ cao.

Bạn có thể được coi là có nguy cơ cao nếu bạn có vấn đề trong lần mang thai trước đó - ví dụ như sinh non. Điều này không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ lặp lại cùng một vấn đề như lần trước, nhưng bác sĩ sẽ muốn theo dõi chặt chẽ hơn khi bạn mang bầu.

Một số bệnh có thể làm cho thai kỳ trở nên có nguy cơ cao. Hãy đi khám bác sĩ trước khi bắt đầu mang bầu nếu bạn có bệnh mạn tính. Như vậy bạn có thể ở trạng thái khỏe mạnh nhất có thể trước khi thụ thai. Có rất nhiều tình trạng sức khoẻ ảnh hưởng đến thai nghén bao gồm:

Rối loạn máu. Nếu bạn bị rối loạn máu, như bệnh hồng cầu liềm hoặc thalassemia, thì sự căng thẳng, nặng nề khi mang thai có thể khiến tình trạng bệnh của bạn tồi tệ hơn. Cũng có những nguy cơ tiềm ẩn đối với em bé (cả trong thời gian mang bầu và sau khi sinh) nếu em bé di truyền bệnh của mẹ.

Suy thận mạn tính. Tình trạng này làm tăng nguy cơ sẩy thai, phát triển huyết áp cao, tiền sản giật và sinh non. Mang thai cũng có thể khiến thận chịu sự căng thẳng.

Trầm cảm. Mang bầu và việc trở thành một bà mẹ có thể khiến bạn dễ gặp các vấn đề về sức khoẻ tim thần, bao gồm lo lắng và trầm cảm. Nếu trầm cảm không được điều trị và kể cả một số thuốc chống trầm cảm đều có liên quan đến nguy cơ cho thai nhi. (Tuy nhiên, bạn không được thay đổi thuốc nếu chưa trao đổi với bác sĩ. Việc dừng thuốc đột ngột cũng gây nhiều rủi ro)

Huyết áp cao. Bạn vẫn có thể có thai bình thường, ngay cả khi bị cao huyết áp. Tuy nhiên, huyết áp cao không được điều trị có thể khiến con bạn phát triển chậm hơn bình thường hoặc sinh non. Các biến chứng khác liên quan đến huyết áp cao bao gồm tiền sản giật và nhau bong non (nhau thai tách một phần hoặc toàn bộ khỏi tử cung trước khi sinh).

HIV hoặc AIDS. Nếu bạn bị HIV hoặc AIDS, con bạn có thể bị nhiễm bệnh trước khi sinh, trong khi sinh, hoặc khi bạn cho con bú sữa mẹ. May mắn thay, thuốc có thể làm giảm đáng kể nguy cơ này.

Lupus ban đỏ. Lupus và các bệnh tự miễn khác có thể làm tăng nguy cơ sinh non, tiền sản giật và sinh con nhẹ cân. Đang mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh bùng phát hoặc trở nên tồi tệ hơn.

Độ tuổi của mẹ. Tuổi của bạn có thể ảnh hưởng đến khả năng thai kỳ nguy cơ cao. Là một bà mẹ lớn tuổi (từ 35 tuổi trở lên trong lần mang thai đầu tiên) hoặc trẻ hơn (ở tuổi vị thành niên) sẽ dễ có nguy cơ cao hơn mắc phải một số biến chứng và các vấn đề về sức khoẻ.

Béo phì. Có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên trước khi mang bầu làm bạn có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ, tiểu đường túyp 2 và huyết áp cao trong thời kỳ mang thai. Khi đẻ, bạn có nhiều khả năng cần đến kích đẻ chủ động hoặc mổ đẻ.

Bệnh lý tuyến giáp. Cả 2 tình trạng suy giáp (hypothyroidism) và cường giáp (hyperthyroidism) khi mang thai đều có thể gây ra vấn đề cho bạn và con nếu tình trạng này không được kiểm soát. Những vấn đề này có thể bao gồm sảy thai, tiền sản giật, bé nhẹ cân, và sinh non.

Tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2. Nếu bệnh tiểu đường của bạn không được kiểm soát tốt, bạn có thể có nguy cơ gặp biến chứng bao gồm các dị tật bẩm sinh, huyết áp cao, sinh non và thai nhi quá to trước sinh. Em bé của bạn có thể gặp vấn đề về hô hấp, mức đường huyết thấp và vàng da.

Nghiện thuốc lá, rượu hoặc ma túy sẽ làm tăng nguy cơ có vấn đề khi mang bầu. Cố gắng chia sẻ cởi mở và trung thực với nhà cung cấp dịch vụ y tế của bạn để họ có thể hỗ trợ bạn khi cần:

Rượu. Uống quá nhiều trong thời gian mang thai sẽ làm tăng nguy cơ thai chết lưu và rối loạn thai nhi do uống rượu (FASD).

Hút thuốc. Nếu bạn hút thuốc trong thai kỳ, con bạn có nguy cơ mắc nhiều biến chứng như sinh ra nhẹ cân và sinh non

Lạm dụng chất gây nghiện. Nếu sử dụng ma túy bất hợp pháp hoặc sử dụng thuốc theo toa thường xuyên, con bạn có thể gặp phải các triệu chứng cai thuốc sau khi sinh. Bé có thể có dị tật bẩm sinh, nhẹ cân hoặc sinh non.

Ngoài ra bạn cũng có thể phát triển các vấn đề về sức khỏe lần đầu tiên trong thời kỳ mang thai, ngay cả khi bạn khỏe mạnh bình thường. Những vấn đề này bao gồm:

Dị tật bẩm sinh. Khoảng 3 trong số 100 trẻ sinh ra sẽ bị khuyết tật bẩm sinh. Một số khuyết tật bẩm sinh có thể được phát hiện bằng siêu âm hoặc bằng xét nghiệm di truyền trước sinh. Nếu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán dị tật khi sinh, bạn và bé sẽ được theo dõi sát sao hơn trong thai kỳ. Tùy thuộc vào tình trạng, bạn cũng có thể cần sinh tại bệnh viện với các chuyên gia nhi khoa sẵn sàng túc trực để chăm sóc em bé của bạn ngay lập tức.

Tiểu đường thai kỳ. Đây là bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ. Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát bằng cách thực hiện kế hoạch ăn kiêng và điều trị bằng thuốc như tiêm insulin. Đái tháo đường thai kỳ không được kiểm soát có thể khiến bạn có nguy cơ sinh non, huyết áp cao và tiền sản giật.

Các vấn đề về phát triển. Bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách đo bụng của bạn tại mỗi lần khám. Trong một số trường hợp, một đứa trẻ sẽ không phát triển bình thường. Nếu sự phát triển của con quá chậm, bạn có thể cần theo dõi thêm, và có thể cần sinh sớm.

Đa thai. Nếu đang mang thai đôi hoặc đa thai, bạn sẽ được chăm sóc thêm trong thời gian mang bầu vì mang nhiều hơn 1 bé trong cơ thể sẽ gây áp lực lên cơ thể của bạn. Những đứa trẻ của bạn có thể có nguy cơ bị biến chứng, đặc biệt là sinh sớm.

Tiền sản giật. Đây là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra trong nửa sau của thai kỳ, trong đó bạn phát triển huyết áp cao và rò rỉ protein vào nước tiểu. Tiền sản giật có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của bé và ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn. Sinh con là cách duy nhất để phòng ngừa tiền sản giật, vì vậy nếu bạn mắc phải tình trạng này, bạn có thể cần sinh con sớm.

Cách chăm sóc thai kỳ nguy cơ cao

Nếu bạn ở tình trạng mang thai nguy cơ cao thì có thể sẽ cần thăm khám bác sĩ thường xuyên hơn để được theo dõi chặt chẽ. Bạn cũng có thể được giới thiệu đến bác sĩ y khoa chuyên chăm sóc mẹ và thai nhi (MFM). Đây là bác sĩ được đào tạo đặc biệt để chăm sóc những phụ nữ có thai kỳ nguy cơ cao.

Cách chăm sóc bạn và bé như thế nào phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn và nguyên nhân gây thai kỳ nguy cơ cao. Bạn có thể chỉ cần gặp bác sĩ MFM một lần hoặc thường xuyên trong suốt thai kỳ. Bác sĩ MFM sẽ làm việc với bác sĩ sản phụ khoa và các nhà cung cấp khác để giữ cho bạn và con luôn khỏe mạnh trong quá trình thai nhi phát triển.

Mang thai nguy cơ cao ảnh hưởng đến quá trình sinh nở như nào?

Bạn nên xác định tư tưởng rằng lần sinh đẻ này sẽ không phải là quy trình bạn có thể lựa chọn. Nếu bạn ở tình trạng thai kỳ nguy cơ cao, bạn sẽ cần sinh con tại một bệnh viện nơi bạn và con bạn có thể được theo dõi chặt chẽ và có sẵn các dịch vụ chăm sóc chuyên khoa trong khi sinh và sau đó.

Nếu mang đa thai bạn có nhiều khả năng sẽ sinh sớm. Ngoài ra cũng có nhiều nguy cơ sinh non hơn nếu bạn có thai kỳ nguy cơ cao vì nhiều lý do khác như đa ối hoặc có một số bệnh trạng nhất định.

Bạn cũng có thể cần sinh sớm để giảm bớt các vấn đề về sức khoẻ cho bạn và con. Hoặc có thể có những lý do dẫn đến việc không thể sinh thường mà phải sinh mổ.

Trao đổi bác sĩ về những mong muốn của mình thời gian chuyển dạ, như thế bạn có thể chuẩn bị một cách tốt nhất có thể.

Em bé có ổn không nếu bà bầu mang thai nguy cơ cao?

Nếu bạn có thai kỳ nguy cơ cao, một trong những lo lắng lớn nhất của bạn có thể là liệu có hại gì đến con hay không. Mối quan tâm này là điều hết sức tự nhiên.

Tuy nhiên, với việc chăm sóc trước khi sinh tốt, bạn hoàn toàn có thể sinh được một em bé khỏe mạnh. Những thai phụ khỏe mạnh sẽ sinh được những em bé khỏe mạnh: Đó là lý do tại sao việc nói chuyện với bác sĩ là rất quan trọng để tìm cách đảm bảo bạn và bé được an toàn.

Một số bệnh, cũng như các loại thuốc thường được chỉ định để kiểm soát bệnh có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé. Nhưng việc ngưng thuốc điều trị cho một vấn đề sức khỏe của bạn cũng có thể gây nguy hiểm. Có thể bạn sẽ được yêu cầu thay đổi các loại thuốc điều trị cho các bệnh như huyết áp cao, sang một loại thuốc an toàn hơn trong thai kỳ. Điều này giúp làm giảm nguy cơ phát triển các vấn đề mà các phản ứng phụ của thuốc có thể gây ra cho em bé đang phát triển ở tử cung. Lưu ý: Không được ngừng dùng bất cứ loại thuốc nào mà không tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ chăm sóc

Nếu con bạn chào đời sớm, bé có thể khó thở hoặc khó bú, hoặc phát triển nhiễm trùng cũng như các biến chứng khác. Nếu điều này xảy ra, bé cần được chăm sóc và hỗ trợ thêm, nghĩa là ở trong bệnh viện trong vài tuần, có thể ở khoa chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh (NICU).

Cách giảm nguy cơ biến chứng khi mang thai?

Có một vài điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ biến chứng khi thai kỳ nếu bạn mang thai nguy cơ cao.

  • Nếu chưa có bầu, hãy sắp xếp khám tiền sản với bác sĩ. Cần thực hiện ít nhất vài tháng (hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào tình trạng của bạn) trước khi bạn bắt đầu cố gắng thụ thai. Điều này giúp bạn có thời gian thực hiện bất kỳ thay đổi nào mà nhà cung cấp đề nghị trước khi bạn mang bầu.
  • Tìm hiểu mọi thứ có thể về tình trạng bệnh của mình và những gì có thể làm để giữ gìn sức khỏe. Hãy hỏi bác sĩ để biết thông tin.
  • Trong lần khám đầu tiên, hãy nói với bác sĩ về tất cả các vấn đề sức khoẻ hiện tại của mình, bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng và bất kỳ khó khăn nào bạn gặp phải trong lần mang thai trước.
  • Đến đầy đủ các cuộc hẹn khám trước sinh và làm theo lời khuyên của bác sĩ
  • Có một lối sống lành mạnh: Hãy làm theo hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ, tăng cân đúng mức và luôn hoạt động nếu có thể. Không hút thuốc hoặc uống rượu.
  • Yêu cầu bạn tình, gia đình và bạn bè để được hỗ trợ - đây có thể là một thời điểm khó khăn
  • Chăm sóc tinh thần của mình. Dành thời gian cho bản thân và giảm căng thẳng hết mức có thể

Từ khóa » Chẩn đoán Z35 Là Gì