Thái Lan Bùng Tranh Cãi Vì Hợp Pháp Hóa Cần Sa - VnExpress

Trong tuần cuối cùng của tháng 6, đoàn thanh tra gồm các nghị sĩ, quan chức, cảnh sát xuất hiện ở phố Khaosan, Bangkok để kiểm tra các quầy kinh doanh cần sa xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này. Phố Khaosan nổi tiếng là tụ điểm du lịch của thủ đô Thái Lan, với hàng chục quán bar, nhà hàng, khách sạn đang dần sôi động trở lại sau đại dịch Covid-19.

Kể từ khi Thái Lan hợp pháp hóa cần sa, nhiều quầy hàng nhỏ buôn bán sản phẩm này đã mọc lên, thậm chí có một quầy lưu động trên xe tải bán nhiều chủng loại cần sa khác nhau. Tình hình này khiến giới chức Bangkok phải siết chặt kiểm soát, cảnh báo các quầy hàng kinh doanh cần sa trên phố phải có giấy phép.

Sau đợt kiểm tra, không còn xe tải hay quầy cần sa nào xuất hiện trên phố Khaosan, song không thể xác nhận liệu sản phẩm này đã biến mất trong khu vực hay chưa, một quan chức quận cho biết.

Ngày 9/6, Thái Lan chính thức rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân sử dụng với mục đích y học, với điều kiện nồng độ tetrahydrocannabinol (THC - chất gây hưng phấn có trong cần sa) không vượt qua 0,2%. Chính phủ Thái Lan cũng phát một triệu cây cần sa cho người dân đủ điều kiện để trồng hợp pháp như một loại "cây trồng mùa vụ tại nhà".

Đây là động thái hợp pháp hóa cần sa đầu tiên tại châu Á, trong bối cảnh Thái Lan nỗ lực tìm chỗ đứng trong thị trường thực phẩm, dược phẩm cần sa đang phát triển. Giới chức và các chuyên gia Thái Lan tin rằng chính sách này sẽ giúp đất nước phục hồi kinh tế, du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19.

Chế phẩm từ cần sa chứa hơn 0,2% THC, cũng như cần sa sử dụng cho mục đích giải trí vẫn bị cấm. Bất kỳ ai bị phát hiện sử dụng cần sa để tiêu khiển sẽ phải chịu các bản án theo quy định của pháp luật Thái Lan.

Tuy nhiên, tranh cãi cũng bùng lên từ đó. Nhiều người Thái Lan cho rằng quyết định hợp pháp hóa cần sa lợi bất cập hại, mang lại nhiều phiền toái, trong khi số khác ủng hộ và đưa ra những đề xuất mới cho chính phủ.

"Miễn là chúng tôi giữ nồng độ THC trong tất cả các sản phẩm cần sa dưới 0,2%, người mua phải từ 20 tuổi trở lên và chỉ được hút ở những khu vực riêng thì Khaosan sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch này", Sa-nga Ruangwatthanaku, một người kinh doanh tại Khaosan, nói, bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của chính phủ.

Khách du lịch xếp hàng mua cần sa từ một xe tải lưu động ở Khaosan, Bangkok, thủ đô Thái Lan, ngày 13/6. Ảnh: Reuters.

Khách du lịch xếp hàng mua cần sa từ một quầy lưu động ở Khaosan, Bangkok, ngày 13/6. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quan điểm của ông. Yada Pornpetrampa, chủ một quầy đồ ăn tại Khaosan trong ba thập kỷ, cho biết khi luật thay đổi ngày 9/6, các sản phẩm cần sa tràn ngập khắp con phố. Bà lo ngại rằng điều này có thể phá hỏng hình ảnh của Khaosan nói riêng và Thái Lan nói chung.

"Không phải ai cũng đến Khaosan vì cần sa. Đây là điểm đến cho mọi đối tượng du khách, trong đó có những gia đình", bà nói. "Hành vi của người hút cần sa gây phiền toái cho người khác, mùi cần sa cũng vậy. Giống như hút thuốc nơi công cộng làm ảnh hưởng đến mọi người".

Bà Pornpetrampa nằm trong số ngày càng nhiều người Thái nhận thấy quyết định hợp pháp hóa cần sa gây ra nhiều rắc rối. Bà cho biết hàng trăm hộ kinh doanh ở Khaosan không được hỏi ý kiến, và không người quen nào của bà đồng tình với kế hoạch này.

Những người như Pornpetrampa lo ngại rằng những du khách không sử dụng cần sa sẽ ngần ngại đến Khaosan trong tương lai.

Một người đàn ông đứng cạnh một điếu cần sa giả khổng lồ tại tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan, ngày 11/6. Ảnh: AFP.

Một người đàn ông đứng cạnh một điếu cần sa giả khổng lồ tại tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan, ngày 11/6. Ảnh: AFP.

Akradej Chakjinda, người ủng hộ hợp pháp hóa cần sa, cho rằng những ý kiến trái chiều như vậy xuất phát từ một số kẽ hở trong chính sách của chính phủ. "Các báo báo về tác động vật lý tiêu cực của việc sử dụng cần sa khiến công chúng không chắc chắn về lợi ích của việc hợp pháp hóa, thậm chí gây ra nỗi sợ và thành kiến về loại cây này", Chakjinda cho biết.

Từ khóa » Cây Cần Sa Thái