Thái Nguyên: Ai đang Thu Lợi Từ đền Đá Thiên? - Dân Việt

Ban Quản lý bị cho “ra rìa”

Phản ánh tới Báo điện tử Dân Việt, người dân trên địa bàn tổ 16, 17, Thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết vụ việc tranh chấp tại đền Đá Thiên (nơi được người dân cho là chôn cất ông Hoàng Bảy – PV) xảy ra đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

img

Đền Đá Thiên, nơi đang xảy ra tranh chấp quyền sở hữu.

Cuối tháng 8/2019, PV có mặt tại khu đền đang xảy ra tranh chấp giữa “người nhà đền” và Ban Quản lý đền Đá Thiên. Một người dân cho biết, tháng 7 âm lịch là thời điểm nhiều du khách về đây đi lễ nhất.

Tin liên quan

img Vụ cháy Nhà máy Rạng Đông: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?

Ngoài các hoạt động công đức như một số cơ sở tín ngưỡng tôn giáo khác, tại đây “người nhà đền” còn thu khoản tiền gọi là “tiền cung”, tiền ghế hầu đồng. Mức giá mỗi người 1 triệu đồng để được xếp lịch tham gia hầu đồng tại đền Đá Thiên.

Khi nộp tiền công đức vào đền, du khách được cấp một Phiếu công đức ghi số tiền, ở phía dưới cùng có dòng chữ “Trụ trì đền” Hoàng Thị Lý. Tuy nhiên, Phiếu công đức này không có số vào sổ.

Bên cạnh đó, một số tiểu thương bán hàng mã, mâm lễ ở phía ngoài đền đã phản ánh tình trạng cạnh tranh không lạnh mạnh từ phía “người nhà đền”. Ông Nguyễn Phương Thanh (Tổ 9, TT Trại Cau) – người viết sớ phía ngoài đền cho biết, có lần vào trong đền đã bị “người nhà đền” đuổi ra, thậm chí còn thấy có người bị bóp cổ. “Già rồi mà còn bị hành hung” – ông Thanh nói.

Thậm chí, dù cộng đồng dân cư tổ 16, tổ 17 đã bầu ra Ban Quản lý đền Đá Thiên nhưng vẫn không thể thực hiện việc quản lý cơ sở tín ngưỡng cộng đồng này vì gặp sự cản trở, ngăn cản từ “người nhà đền”. Vì sao có tình trạng này?

Nguồn gốc đền Đá Thiên

Đại diện Ban Quản lý đền Đá Thiên cho biết cộng đồng dân cư đã nhiều lần họp để xác định nguồn gốc ngôi đền này.

Cụ thể nhất, biên bản cuộc họp giữa cử tri và Hội người cao tuổi tổ 16, 17 Thị trấn Trại Cau vào ngày 3/11/2010 đã nêu rõ, những người cao tuổi về đây sinh sống từ năm 1943 đã thấy có ngôi mộ và một miếu nhỏ ở khu vực này, sau gọi là đền Đá Thiên.

img

Cổng vào đền Đá Thiên.

Đến khoảng năm 1950 – 1951, ông Hoàng Văn Hòa được giao làm “thủ nhang” để trông nom, quét dọn đền.

Ông Hoàng Văn Hòa (91 tuổi, Tổ 17, Thị trấn Trại Cau) kể lại: “Từ những năm 50 tôi đã trông coi ngôi miếu này khi làm ruộng ở khu vực đó. Người già ở đây đều biết đền Đá Thiên có từ những năm 40”.

Tin liên quan

img Hà Nội: Băng nhóm côn đồ lộng hành ngay ở quận Ba Đình

Khoảng năm 1967, bà Hoàng Thị Lý về làm dâu ở tổ 16, Thị trấn Trại Cau. Đến khoảng năm 1968 – 1969, ông Hòa đã giao lại cho bà Lý làm “thủ nhang” đền Đá Thiên cho đến nay.

Biên bản Hội nghị ngày 3/11/2010 lấy ý kiến về hoạt động tại khu vực đền Đá Thiên cũng ghi nhận ý kiến nhiều người cao tuổi xác nhận đây là nơi thờ cúng của nhân dân xóm Thái Thông (trước đây). Hàng năm nhân dân có đóng góp công sức để tu sửa, quét dọn.

Phần ghi ý kiến bà Hoàng Thị Lý cũng nêu đây là nơi thờ cúng của nhân dân trong xóm, bản thân chỉ là người trông coi quét dọn mong cho được khỏe mạnh.

Tuy nhiên, mâu thuẫn bắt đầu phát sinh khi ngôi đền được nhiều du khách cho rằng "có mộ ông Hoàng Bảy”. Du khách ngày một đông, tiền công đức đổ vào đền Đá Thiên ngày một nhiều.

“Người nhà đền” là họ hàng bà Hoàng Thị Lý cho rằng đền Đá Thiên là cơ sở thờ tự của gia đình. Theo gia đình bà Hoàng Thị Lý, địa phương “công nhận” ngôi đền là của bà Lý bởi Biên bản kiểm tra hiện trạng khuôn viên Đền Đá Thiên ngày 16/8/2008, bà Lý ký ở phần “người sử dụng đất”. Còn Biên bản xác định mốc giới thửa đất ngày 3/11/2010 có chữ ký của người đại diện tổ quản lý đền.

Năm 2014 bà Hoàng Thị Lý có đơn đề nghị công nhận đền Đá Thiên là cơ sở thờ tự của gia đình, tuy nhiên UBND TT Trại Cau đã có văn bản trả lời “đề nghị này không có cơ sở”. Các văn bản kể trên không phải căn cứ pháp lý để xác định quyền sử dụng đất.

Ông Hoàng Văn Hòa – người được nhân dân tổ 16, 17 công nhận là “thủ nhang” đầu tiên của đền Đá Thiên cũng đặt câu hỏi khi biết đề xuất này của gia đình bà Lý: “Cơ sở thờ tự gia đình tại sao lại mang ra đặt ở đền Đá Thiên, cơ sở của cộng đồng?”.

Tuy nhiên, cho đến nay “người nhà đền” vẫn tự đứng ra quản lý hoạt động đền, tự đặt ra các khoản thu hầu đồng, thu chi tiền công đức.

Đất công, cơ sở tín ngưỡng cộng đồng

Ông Vũ Đăng Khoa – Chủ tịch UBND Thị trấn Trại Cau xác nhận có nhận được phản ánh của người dân về việc phải nộp tiền mới được tham gia hầu đồng tại đền. Trong khi đó, nội quy đã nêu không được thu bất kỳ khoản phí nào của du khách.

Còn cơ sở để xác định “không phải nơi thờ tự gia đình”, theo ông Khoa các tài liệu còn lưu giữ đều chứng minh đất khu vực đền Đá Thiên là đất công, do UBND Thị trấn Trại Cau quản lý.

Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên) đã có công văn xác định Đền Đá Thiên là cơ sở tín ngưỡng. Các hội nghị lấy ý kiến ở cộng đồng dân cư đều kết luận ngôi đền này là cơ sở tín ngưỡng chung của tổ 16, 17 và nhân dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Yến – Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cũng xác nhận: “Theo bản đồ địa chính quản lý tại cấp xã, huyện, tỉnh, diện tích đất này là thửa 46 bản đồ số 5 vẫn ghi là đất tín ngưỡng do UBND Thị trấn Trại Cau quản lý và đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Sau khi “nhà đền” xây dựng một số công trình xây dựng tại khu vực này, UBND Thị trấn Trại Cau cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND Thị trấn Trại Cau, việc xử lý đến nay chưa được thực hiện dứt điểm vì bà Lý cho rằng việc xây dựng đền từ tiền công đức của du khách.

img

Hoạt động hầu đồng tại đền Đá Thiên, theo phản ánh của người dân, phải bỏ tiền mới được xếp "ghế" hầu đồng

Trả lời Dân Việt, lãnh đạo huyện Đồng Hỷ xác nhận huyện này đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, giải quyết dứt điểm sự việc tại đền Đá Thiên.

Cụ thể, ông Ngô Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ đã yêu cầu UBND huyện Đồng Hỷ thành lập tổ công tác kiểm tra xác minh làm rõ nguồn gốc sử dụng đất tại khu vực đền Đá Thiên, việc xây dựng công trình trên đất công không có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, Công an huyện phối hợp với UBND Thị trấn Trại Cau kiểm tra, xác minh, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân tại đền Đá Thiên, xử lý các vi phạm (nếu có). Các đơn vị này sẽ giữ gìn an ninh trật tự khu vực, tạo điều kiện để Ban Quản lý đền Đá Thiên thực hiện các nhiệm vụ quản lý đền theo quy định.

Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Đăng Khoa – Chủ tịch UBND Thị trấn Trại Cau cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với UBND huyện để làm rõ các nội dung được giao, Ban Quản lý cũng từng bước hoạt động theo đúng quy định. Đối với gia đình bà Hoàng Thị Lý, ngay từ đầu chúng tôi đã ghi nhận công lao làm thủ nhang nhiều năm qua tại đền Đá Thiên và sẽ có hỗ trợ. Tuy nhiên, sẽ không có đền bù bởi khu vực đất công, cơ sở tín ngưỡng cộng đồng chứ không phải của riêng gia đình bà Lý”.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao UBND huyện Đồng Hỷ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, tổ chức giải quyết theo đúng quy định.

Từ khóa » Mộ ông Hoàng Bẩy đồng Hỷ Thái Nguyên