Thai Nhi 20 Tuần Nặng Bao Nhiêu Và Phát Triển Như Thế Nào? • Hello ...
Có thể bạn quan tâm
Mẹ mang thai 20 tuần cũng đồng nghĩa thai nhi đã trải qua nửa chặng đường phát triển trong bụng mẹ và đạt nhiều mốc quan trọng. Điều thú vị là lúc này, những chiếc răng nhỏ của bé đang bắt đầu hình thành.
Cụ thể thai nhi 20 tuần tuổi phát triển như thế nào? Cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể ngay dưới đây nhé!
Thai nhi 20 tuần phát triển như thế nào?
1. Thai 20 tuần nặng bao nhiêu?
Nhìn chung, thai nhi 20 tuần có kích thước của một quả xoài. Các chỉ số chiều dài, cân nặng của thai nhi cụ thể như sau:
- Cân nặng: khoảng 0,286 – 0,380kg (286-380g)
- Chiều dài từ đầu đến chân: khoảng 16cm.
Lưu ý:
- Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai nhi 20 tuần bằng quả xoài là đang hình dung em bé theo một khối co và ngắn lại.
- Từ tuần thứ 14 trở đi, các thông số sinh trắc thai nhi khi khảo sát trong quá trình khám thai sẽ không còn chỉ số chiều dài đầu mông nữa vì thai nhi đã tương đối lớn, có các cử động gập duỗi, các chi cũng phát triển. Việc đo chiều dài đầu mông không có ý nghĩa và khó thực hiện.
2. Hình ảnh siêu âm thai 20 tuần trong bụng mẹ
Các chỉ số sinh trắc của thai 20 tuần khỏe mạnh gồm:
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 41-52mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 157-188mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 132-167mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 28-36mm.
3. Thai 20 tuần phát triển thế nào?
3.1. Nhịp tim của thai nhi 20 tuần
- Trung bình khoảng 120-160 nhịp/ phút
- Thai nhi khỏe mạnh có nhịp tim đều đặn, thường duy trì trong khoảng 110-180 nhịp/ phút (bpm); dao động theo từng nhịp từ 5-15 bpm.
3.2. Hệ sinh sản của bé đã có sự phát triển vượt bậc
- Bé gái: Số lượng trứng trong buồng trứng đạt cực đại khi thai nhi 20 tuần, với khoảng 6 – 7 triệu trứng. Con số này giảm dần kể từ thời điểm này và tiếp tục giảm trong suốt cuộc đời.
- Bé trai: Tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng, chuẩn bị di chuyển đến vùng bẹn. Tuy nhiên, tinh hoàn thường không xuống bìu cho đến khi mẹ bước qua tam cá nguyệt thứ ba.
3.3. Những sự phát triển nổi bật khác của em bé khi mẹ mang thai 20 tuần bao gồm:
- Những chiếc răng đầu tiên đang hình thành, nằm sâu dưới nướu.
- Bé đã thải ra phân su (màu xanh đậm hoặc đen).
- Tóc và móng tay tiếp tục mọc nhiều hơn.
- Các tuyến mồ hôi bắt đầu hình thành.
- Thai nhi đã có thể nghe thấy âm thanh từ tiếng nói của bạn và môi trường xung quanh.
- Cơ bắp của bé cũng đang phát triển. Bé chuyển động nhiều hơn trong bụng mẹ.
Những điểm nổi bật trong sự phát triển của thai nhi 20 tuần tuổi:
- Nặng khoảng 286-380g; Dài khoảng 16cm
- Những chiếc răng đầu tiên đã hình thành
- Các tuyến mồ hôi phát triển
- Bé thải phân su
- Cơ bắp phát triển. Bé chuyển động nhiều hơn trong bụng mẹ
- Nhịp tim trung bình 120-160 lần/ phút.
Cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai 20 tuần?
Mang thai 20 tuần nghĩa là bạn đang ở tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ. Đây được xem là “giai đoạn dễ chịu nhất” về mặt thể chất đối với hầu hết phụ nữ mang thai. Những thay đổi trên cơ thể mẹ bầu 20 tuần thường bao gồm:
- Cảm giác buồn nôn và nôn do ốm nghén bắt đầu thuyên giảm
- Giảm tình trạng mệt mỏi, đau tức ngực do cơ thể đã điều chỉnh nồng độ hormone estrogen và progesterone để thích nghi với việc mang thai.
- Tăng cảm giác thèm ăn
- Thai 20 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg? Mẹ bầu có thể đã tăng khoảng 4,5kg. Từ tuần này, mỗi tuần mẹ có thể tăng khoảng 0,45kg. Việc tăng cân khi mang thai không chỉ do mẹ tiêu thụ nhiều calo hơn mà còn đến từ trọng lượng của bé, nước ối, nhau thai, lượng máu và mô vú đang tăng lên.
- Thai nhi 20 tuần tuổi đã lớn hơn nên tử cung của mẹ bầu ở giai đoạn này cũng phát triển nhiều hơn đến gần rốn hoặc ngang bằng rốn; bụng bầu to ra rõ rệt. Lúc này rốn của bạn có thể phẳng lì hoặc lồi ra.
- Da bụng ngứa râm ran, có thể xuất hiện các vết rạn ở cả da bụng, da đùi.
- Bị đau hai bên háng do các dây chằng giãn ra để nâng đỡ tử cung.
- Dễ bị chảy máu chân răng vì lúc này nướu mềm, dễ tổn thương. Nguyên nhân là do sự gia tăng hormone (estrogen và progesterone) ảnh hưởng đến niêm mạc trong miệng.
- Có thể bị giãn tĩnh mạch
- Đau lưng nhiều hơn do bụng bầu lớn hơn
- Tình trạng ợ nóng, trào ngược dạ dày hoặc táo bón có thể diễn biến nghiêm trọng hơn.
Những thay đổi nổi bật trên cơ thể mẹ bầu 20 tuần
- Giảm ốm nghén, mệt mỏi
- Tăng cảm giác thèm ăn
- Mẹ tăng khoảng 4.5kg
- Tử cung phát triển đến gần rốn hoặc ngang rốn
- Bụng bầu to rõ rệt
- Có thể bị rạn da
- Đau hai bên háng
- Đau lưng nhiều hơn.
Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ trong tuần thai 20
1. Về chế độ sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe
- Mẹ bầu áp dụng thực đơn lành mạnh, phong phú và cân bằng dưỡng chất để an thai.
- Để cải thiện giấc ngủ và tìm tư thế nằm thoải mái, mẹ bầu 20 tuần hãy thử nằm nghiêng, hơi co đầu gối và đặt một chiếc gối giữa hai chân, sau lưng và một chiếc gối nhỏ dưới bụng.
- Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe, tránh đứng lâu 1 chỗ để không bị phù chân.
2. Những thủ thuật y tế cần thực hiện khi mang thai 20 tuần
- Tiêm vaccine ngừa uốn ván mũi đầu tiên (từ 20-24 tuần)
- Siêu âm 4D kiểm tra hình thái thai nhi và phát hiện những bất thường (nếu có).
- Đo chiều dài kênh cổ tử cung để tầm soát dấu hiệu sinh non.
- Mẹ bầu cần được xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra cân nặng và huyết áp trong mỗi lần khám thai cho đến cuối thai kỳ. Những xét nghiệm này có thể giúp kiểm tra các tình trạng như tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật.
- Trong suốt tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu có thể được chỉ định nhiều xét nghiệm hơn tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe, số lần mang thai, tiền sử bệnh tật của gia đình.
Giải đáp những thắc mắc thường gặp khi mang thai tuần 20
1. Dấu hiệu thai 20 tuần khỏe mạnh
Thai nhi 20 tuần phát triển khỏe mạnh thường có những dấu hiệu sau:
- Nặng khoảng 286-380g
- Nhịp tim duy trì trong khoảng 110-180 nhịp/ phút (bpm)
- Chuyển động nhiều hơn trong bụng mẹ.
2. Thai nhi 20 tuần tuổi đạp như thế nào là bình thường?
Những mẹ mang thai lần đầu thường cảm nhận thấy chuyển động của em bé khi thai được 18-20 tuần. Ban đầu, đó chỉ là những cử động rất nhẹ, tạo cảm giác trong bụng. Sau đó, những “cú đạp” của bé có thể mạnh hơn. Thậm chí mẹ bầu 20 tuần có thể nhìn thấy em bé đang đạp hoặc huých vào thành bụng của mình.
Nhìn chung, không có số lần cố định cho biết thai 20 tuần đạp thế nào là bình thường. Điều quan trọng là mẹ phải biết được những kiểu chuyển động thông thường của bé cho đến lúc chào đời. Nếu bạn cảm thấy con chuyển động ít/ yếu hay mạnh hơn bình thường, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra.
3. Thai 20 tuần bị tụt bụng có nguy hiểm không?
Đối với hầu hết các mẹ mang thai lần đầu, bụng bầu có thể “tụt xuống” từ 2-4 tuần trước khi chuyển dạ. Còn đối với những mẹ đã từng sinh con trước đó, em bé trong bụng có thể không di chuyển xuống cho đến khi cơn chuyển dạ bắt đầu.
Mẹ mang thai 20 tuần bị tụt bụng có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó bao gồm nguy cơ sinh non, sẩy thai. Theo các chuyên gia sản khoa, nếu mẹ bầu cảm thấy áp lực vùng chậu tăng lên hoặc bụng tụt xuống thấp trước 37 tuần, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, đảm bảo bạn không bị chuyển dạ sớm.
4. Chiều dài xương mũi thai nhi 20 tuần
Số đo chiều dài xương mũi thai nhi là yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình phát triển và sự ổn định của em bé trong bụng mẹ. Đây là cũng là dữ liệu quan trọng để bác sĩ cân nhắc chẩn đoán thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down hay không.
Chiều dài xương mũi thai nhi tăng lên cùng với tuổi thai. Đây là một trong các chỉ số cho thấy sự phát triển bình thường về hình thái thai nhi. Theo đó, chiều dài xương mũi thai nhi 20 tuần đạt từ 4.5mm trở lên là bình thường.
5. Thai 20 tuần độ trưởng thành 1 nghĩa là gì?
Độ trưởng thành nhau thai là thuật ngữ chỉ sự thay đổi của nhau thai qua mỗi tuần phát triển. Thai 20 tuần độ trưởng thành 1 là độ trưởng thành của nhau thai dựa trên quá trình canxi hóa. Màng ối của thai phụ không bị rạn nứt, có sự rung động và được xác định rõ ràng.
Theo Ths.BS Hà Tố Nguyên – Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Từ Dũ, thai 20 tuần trưởng thành 1 là bình thường.
Kết luận
Thai nhi 20 tuần tuổi đã có những phát triển mạnh mẽ với nhiều cột mốc quan trọng. Mẹ bầu chăm sóc sức khỏe bản thân khi mang thai 20 tuần, theo dõi sát sao sự phát triển của bé và thăm khám định kỳ, thực hiện theo lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Mẹ cũng có thể tìm hiểu thông tin về các tuần thai tiếp theo ở series bài viết 40 tuần thai của HelloBacsi để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chăm sóc thai kỳ và sự phát triển của bé nhé!
[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]
Từ khóa » Trọng Lượng Thai Nhi 20 Tuần Tuổi
-
Sự Phát Triển Của Thai Nhi Tuần 20 | Vinmec
-
Thai 20 Tuần Nặng Bao Nhiêu? Sự Phát Triển Khá ổn định
-
Bảng Cân Nặng Và Chiều Dài Thai Nhi Theo Tiêu Chuẩn Của WHO
-
Bảng Cân Nặng Thai Nhi Theo Tuần Và Những Lưu ý Dành Cho Mẹ Bầu
-
Bật Mí Bảng Cân Nặng Thai Nhi Theo Tuần để Các Mẹ Bầu Theo Dõi
-
Sự Phát Triển Của Thai 20 Tuần Tuổi Và Thay đổi Trong Cơ Thể Mẹ
-
Bảng Cân Nặng Thai Nhi Theo Từng Tuần Tuổi Chuẩn Cho Các Mẹ
-
Mang Thai Tuần 20 - Sự Phát Triển Của Thai Nhi & Cơ Thể Mẹ - Similac
-
Thai Nhi 20 Tuần Tuổi: Phát Triển Và Cân Nặng Như Thế Nào? | Huggies
-
Bảng Cân Nặng Thai Nhi Theo Tuần Tuổi Chuẩn Quốc Tế 2022 WHO
-
[CHI TIẾT] Kích Thước Thai Nhi Bình Thường Mà Mẹ Bầu Cần Biết
-
Cân Nặng Thai Nhi Chuẩn Theo Tuần Tuổi | Avisure Mama
-
Thai 20 Tuần Nặng Bao Nhiêu Kg?