Thai Nhi 21 Tuần Tuổi Phát Triển Như Thế Nào, Nặng Bao Nhiêu ...

Khi thai nhi bước vào tuần thứ 21, mẹ bầu đã đi qua hơn nửa chặng đường của thai kỳ. Thai 21 tuần là giai đoạn quan trọng với nhiều thay đổi đáng chú ý về cả thể chất và cảm xúc của mẹ và bé. 

Cơ thể bé tiếp tục hoàn thiện, từ khả năng phản xạ, cử động cho đến các cơ quan nội tạng. Đồng thời, mẹ bầu cũng cảm nhận rõ rệt hơn những chuyển động của thai nhi. Vậy cụ thể hơn thai 21 tuần phát triển như thế nào? Cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao? Bạn hãy đọc tiếp nội dung dưới đây để hiểu hơn về hành trình lớn lên của bé yêu trong bụng mẹ nhé!

Thai 21 tuần phát triển như thế nào?

1. Thai 21 tuần nặng bao nhiêu gram?

Theo các chuyên gia sản khoa, thai nhi 21 tuần có kích thước bằng một quả chuối già. 

  • Cân nặng khoảng: 345-458 gram
  • Chiều dài từ đầu đến gót chân khoảng 26,7cm.
Lưu ý
  • Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai nhi 21 tuần bằng quả chuối là đang hình dung em bé theo một khối co và ngắn lại.
  • Từ tuần thứ 14 trở đi, các thông số sinh trắc thai nhi khi khảo sát trong quá trình khám thai sẽ không còn chỉ số chiều dài đầu mông nữa vì thai nhi đã tương đối lớn, có các cử động gập duỗi, các chi cũng phát triển. Việc đo chiều dài đầu mông không có ý nghĩa và khó thực hiện.

2. Hình ảnh siêu âm thai 21 tuần trong bụng mẹ

Hình ảnh siêu âm thai 21 tuần

Các chỉ số sinh trắc của thai 21 tuần khỏe mạnh gồm:

  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 44-55mm
  • Chu vi vòng đầu (HC): 169-201mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): 143-180mm
  • Chiều dài xương đùi (FL): 31-39mm.

3. Thai 21 tuần phát triển như thế nào?

3.1.  Ruột đã phát triển và có thể hấp thụ một lượng nhỏ các loại đường trong nước ối. Tuy nhiên, hầu hết các chất dinh dưỡng cho thai 21 tuần vẫn được cung cấp thông qua nhau thai.

3.2. Gan và lá lách của bé đã hoạt động và có chức năng sản xuất tế bào máu. Lá lách sẽ ngừng sản xuất các tế bào máu ở tuần thai thứ 30 và gan sẽ ngừng một vài tuần trước khi sinh.

Thai 21 tuần phát triển thế nào

3.3. Tủy xương cũng đã phát triển đủ để hình thành tế bào máu. Đây sẽ là cơ quan chính sản xuất tế bào máu kể từ tháng thứ 9 và sau khi sinh.

3.4. Thai 21 tuần cũng là lúc em bé đã hình thành phản xạ thở và mút. Lúc này, bé có thể tự mút ngón tay cái của chính mình.

3.5. Em bé trong tuần thai thứ 21 cũng đạp nhiều và mạnh hơn trong bụng mẹ. Vì thế, mẹ mang thai 21 tuần có thể cảm nhận được tất cả các chuyển động của thai nhi khi em bé liên tục thay đổi vị trí trong bụng.

Sự phát triển nổi bật của thai nhi 21 tuần
  • Cân nặng: khoảng 345-458 gram
  • Chiều dài: khoảng 26,7cm
  • Ruột đã có thể hấp thụ một lượng nhỏ các loại đường trong nước ối
  • Tủy xương, gan và lá lách cũng đã hoạt động để hình thành tế bào máu
  • Bé có phản xạ thở và mút
  • Bé đạp nhiều và mạnh hơn trong bụng mẹ.

Cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai 21 tuần?

Thay đổi trên cơ thể mẹ mang thai 21 tuần

1. Về ngoại hình

  • Thai 21 tuần nghĩa là mẹ đã bước sang tháng thứ 6 của thai kỳ
  • Các triệu chứng khó chịu ở tam cá nguyệt thứ nhất gần như đã biến mất
  • Mẹ cũng bắt đầu cảm thấy hơi loạng choạng khi di chuyển vì bụng bầu đã to rõ và trọng tâm cơ thể đã thay đổi.

2. Thay đổi ở làn da

  • Một số mẹ mang thai 21 tuần có thể bị nổi mụn trứng cá nhiều hơn do cơ thể tăng sản xuất dầu. Mẹ mang thai 21 tuần bị nổi nhiều mụn trứng cá tuyệt đối không được dùng thuốc trị mụn đường uống nếu không có hướng dẫn của bác sĩ. Một số loại thuốc có thể gây ra những tác động nguy hiểm nếu sử dụng trong thai kỳ.
  • Tình trạng rạn da cũng có thể diễn ra nghiêm trọng hơn. Theo ước tính, cứ 2 phụ nữ mang thai thì có 1 người sẽ bị rạn da. Không có cách nào có thể ngăn chặn các vết rạn này ngừng xuất hiện nhưng bạn có thể thoa kem dưỡng để giảm tình trạng ngứa, khô do bị căng da. 

3. Thay đổi ở tóc và móng tay, móng chân

Mẹ bầu 21 tuần nhận thấy mái tóc và móng tay, móng chân của mình đang phát triển với tốc độ rất nhanh do nội tiết tố thai kỳ cùng với sự tăng tuần hoàn máu trong cơ thể.

4. Thay đổi ở ngực

  • Ngực của mẹ có thể bắt đầu rỉ sữa non
  • Thông thường, sữa non sẽ xuất hiện khi mẹ bầu bước sang tháng thứ 7 (khoảng tuần 24–28 trở đi) nhưng cũng có trường hợp sữa non hình thành sớm ở tháng thứ 4, 5, 6 của thai kỳ.
Những thay đổi nổi bật trên cơ thể mẹ mang thai 21 tuần
  • Bụng lớn hơn khiến trọng tâm cơ thể thay đổi, bước đi loạng choạng
  • Da nổi nhiều mụn trứng cá hoặc bị rạn nhiều hơn
  • Móng tay, móng chân và tóc phát triển nhanh hơn
  • Ngực tiết sữa non.
* Những thay đổi cơ thể này là thường gặp khi mẹ mang thai 21 tuần. Tuy nhiên, nó không giống nhau ở tất cả mẹ bầu trong thời điểm này.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ mang thai 21 tuần

1. Nghỉ ngơi, thư giãn

Ở tam cá nguyệt thứ 2, cơ thể và sức khỏe của mẹ bầu đã “quen” với việc mang thai. Vì thế, đây là giai đoạn khá “thoải mái” về thể chất lẫn tâm lý.

Để cải thiện tâm trạng và sức khỏe thai kỳ cho phép, mẹ bầu có thể tham gia những chuyến picnic hoặc du lịch ngắn ngày cùng người thân.

2. Những xét nghiệm cần thực hiện khi mang thai 21 tuần

  • Chích ngừa uốn ván mũi đầu tiên (nếu bạn chưa được chích vào tuần thai thứ 20)
  • Đo cân nặng và huyết áp.
  • Xét nghiệm nước tiểu 10 thông số
  • Siêu âm hình thái học (3D, 4D).

Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ mang thai 21 tuần

3. Lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của mẹ mang thai 21 tuần

  • Mẹ mang thai 21 tuần cần đa dạng các nhóm dưỡng chất trong thực đơn mỗi ngày. Tuy nhiên, mẹ bầu cần hạn chế ăn gan động vật.
  • Gan là một trong những thực phẩm giàu protein và nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, gan lại chứa nhiều vitamin A chưa chuyển hóa (hay còn gọi là retinol). Việc tiêu thụ quá nhiều lượng vitamin A này trong chế độ ăn của mẹ bầu có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi đang phát triển.
  • Theo thống kê, một phần gan bò có thể chứa gấp ba lượng vitamin A chưa được chuyển hóa. Mẹ không nên ăn gan mỗi ngày, nhưng nếu ghiền các món từ gan, mẹ bầu có thể ăn 1 hoặc 2 lần/ tháng.
Tóm lược lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ mang thai 21 tuần
  • Nghỉ ngơi, thư giãn
  • Dinh dưỡng cân bằng, hạn chế ăn gan động vật
  • Thực hiện đầy đủ các chỉ định xét nghiệm của bác sĩ để theo dõi sát sự phát triển của thai nhi. 

Giải đáp những thắc mắc thường gặp khi mang thai 21 tuần

1. Chỉ số siêu âm 4d thai 21 tuần

Thai 21 tuần phát triển khỏe mạnh thường có những chỉ số siêu âm sau đây:

  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 44-55mm
  • Chu vi vòng đầu (HC): 169-201mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): 143-180mm
  • Chiều dài xương đùi (FL): 31-39mm.

2. Thai 21 tuần ra máu nhưng không đau bụng có sao không?

Trong thai kỳ, thông thường thì âm đạo sẽ không ra huyết ngoại trừ những tuần thai cuối có dấu hiệu chuyển dạ. 

Các nguyên nhân khiến mẹ mang thai 21 tuần bị ra máu có thể bao gồm: 

  • Nguyên nhân bên ngoài: Trầy xước âm hộ, âm đạo, viêm nhiễm vùng âm đạo, cổ tử cung, u nhú vùng âm đạo, cổ tử cung xuất huyết,…
  • Nguyên nhân bên trong: Hở cổ tử cung (tương đối nguy hiểm), nhau tiền đạo, nhau bong non, thai lưu. 
  • Những nguyên nhân khác. 

Mẹ mang thai 21 tuần bị ra máu là một dấu hiệu bất thường. Dù biểu hiện ra máu âm đạo có kèm đau bụng hay không, mẹ cần nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân để có những can thiệp y tế kịp thời.

3. Thai 21 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg là an toàn?

thai nhi 21 tuần

  • Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: mức tăng cân của bà bầu trong thời gian 9 tháng lý tưởng nhất là từ 10-12kg.
  • Sự tăng cân này nên theo các mức: trong 3 tháng đầu tăng 1-2kg; 3 tháng giữa tăng từ 4-5kg và 3 tháng cuối tăng từ 5-6kg.
  • Theo đó, mức tăng cân lý tưởng ở mẹ mang thai 21 tuần (tháng thứ 6) là 1.6-2.2kg so với tháng thai kỳ trước đó. 

4. Chiều dài xương mũi thai nhi 21 tuần bao nhiêu là chuẩn?

  • Chiều dài trung bình của xương mũi thai nhi tăng theo tuổi thai từ 3.3-4.2 mm từ 16 tới 18 tuần; 4.6-5.7 mm từ 19 tới 22 tuần; 6.0-6.65 mm từ 23 tới 26 tuần. 
  • Theo đó, chiều dài xương mũi thai nhi 21 tuần đạt khoảng 5.3mm được xem là bình thường.
  • Chỉ số về chiều dài xương mũi thai nhi ở trên chỉ có tính chất tham khảo, có sự khác nhau tùy theo gen của bố mẹ, chủng tộc, tuổi thai,… Đây là căn cứ để bác sĩ so sánh và đưa ra kết luận mũi của thai nhi có phát triển bình thường hay không.

5. Thai 21 tuần đạp bụng dưới có sao không?

Khi mang thai 21 tuần, nếu mẹ chợt thấy bé đạp nhiều ở vùng bụng dưới thì cũng không cần quá lo lắng. Những nguyên nhân thường là:

  • Do mẹ ăn no: thai nhi sẽ đạp nhiều hơn khi cơ thể mẹ được nạp nhiều thức ăn hơn. Khi đó, bé sẽ nhận được nhiều dinh dưỡng hơn nên tần suất hoạt động cũng mạnh mẽ và nhiều hơn.
  • Do môi trường bên ngoài ồn ào.
  • Do tư thế nằm của mẹ: như đã chia sẻ, khi mẹ nằm nghiêng sẽ thấy bé thai máy nhiều hơn bởi tư thế này cung cấp nhiều máu và dinh dưỡng cho bé.

Tuy nhiên, nếu đã loại trừ những nguyên nhân trên, nhưng mẹ vẫn cảm thấy không yên tâm với cử động thai khác thường, mẹ hãy tin vào trực giác của mình và nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra nhé!

Kết luận 

Thai 21 tuần là giai đoạn phát triển quan trọng trong hành trình mang thai, khi bé yêu bắt đầu thể hiện nhiều cử động mạnh mẽ hơn và các giác quan tiếp tục hoàn thiện.

Đây cũng là thời điểm mà mẹ bầu nên chú trọng hơn đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, vận động nhẹ nhàng, và giữ tinh thần thoải mái là những yếu tố quan trọng giúp mẹ và bé trải qua giai đoạn này một cách khỏe mạnh và an toàn.

Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bạn và bé yêu trong những tuần thai tiếp theo, đừng quên khám thai định kỳ và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ cũng có thể tìm hiểu thông tin về các tuần thai tiếp theo ở series bài viết 40 tuần thai của HelloBacsi để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chăm sóc thai kỳ và sự phát triển của bé nhé!

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Cân Nặng Thai Nhi 21 Tuần