Thai Trứng: Những Câu Hỏi Thường Gặp - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Thai trứng là gì?
  • 2. Thai trứng được chẩn đoán như thế nào?
  • 3. Điều trị thai trứng?
  • 4. Theo dõi thai trứng như thế nào?
  • 5. Tránh thai trong quá trình theo dõi
  • 6. Khi nào mang thai trở lại?
  • 7. Thai trứng có tái phát không?

Thai trứng là bệnh lý bất thường nguyên bào nuôi thai kì. Thai trứng thường xảy ra ở phụ nữ trẻ hơn 20 tuổi hoặc tuổi lớn hơn 40. Khi được bác sĩ chẩn đoán , bệnh nhân và gia đình sẽ rất hoang mang và lo lắng. Thai trứng là bệnh gì? Chẩn đoán và điều trị ra sao? Theo dõi bệnh như thế nào và có tái phát không? Tìm câu trả lời cho những thắc mắc của bạn trong bài viết sau của bác sĩ Lê Mai Thùy Linh nhé!

1. Thai trứng là gì?

Bệnh lý nguyên bào nuôi thai kì là một nhóm các bất thường của tế bào nuôi thai. Trong đó, thai trứng – hay chửa trứng là bệnh thường gặp nhất. Ở một thai kì khỏe mạnh, phôi phát triển khi một trứng thụ tinh với một tinh trùng. Em bé ra đời với bộ nhiễm sắc thể có 1 nửa bộ gen của bố và 1 nửa bộ gen từ mẹ. Thai trứng diễn ra khi có mất cân bằng trong bộ nhiễm sắc thể này.

Có hai tuýp thai trứng thường gặp: thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần. Thai trứng thường xảy ra ở phụ nữ Đông Á trong đó có Việt Nam, ở bé gái tuổi vị thành niên hoặc những phụ nữ trên 40 tuổi. 

Thai trứng
Thai trứng

Có thể bạn quan tâm:

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc thai trứng cao trên thế giới. Thai trứng là một trong những bệnh lý bất thường nguyên bào nuôi thai kì. Vậy thai trứng là gì? Làm sao để biết các triệu chứng của bệnh? Bệnh lý này nguy hiểm đến mức nào? Cùng tìm hiểu các thông tin về thai trứng với bài viết: Thai trứng: Những điều bác sĩ muốn bạn biết

2. Thai trứng được chẩn đoán như thế nào?

Những triệu chứng thường gặp của thai trứng như xuất huyết âm đạo bất thường, nghén nặng, đau chằng bụng hay thấy bụng lớn nhanh hơn những thai kì bình thường. Thai trứng cũng có thể khiến bệnh nhân mắc tăng huyết áp, tiền sản giật hay cường giáp. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bạn sẽ được làm xét nghiệm máu và siêu âm để giúp chẩn đoán.

2.1 Xét nghiệm HCG

Xét nghiệm này để đo nồng độ hCG hoặc beta-hCG trong máu. Đây là một loại hóc-môn do tế bào nuôi thai tiết ra và tăng trong thai kì. Với thai trứng, nồng độ hCG trong máu sẽ cao gấp nhiều lần so với bình thường. Xét nghiệm này ngoài dùng để giúp ích cho chẩn đoán, hCG còn được lặp lại nhiều lần sau điều trị để theo dõi. Bệnh nhân phải được làm xét nghiệm hCG cho đến khi nồng độ chất này trong máu về bình thường trong nhiều tuần.

2.2 Siêu âm

Trong thai kì, tử cung và vòi trứng thì gần với âm đạo hơn so với ổ bụng. Do đó, để quan sát vùng chậu tốt hơn, bác sĩ sẽ dùng một đầu dò siêu âm đặt vào ngả âm đạo.

Thai trứng toàn phần có thể chẩn đoán sớm nhất từ tuần thứ 8 với các đặc điểm trên siêu âm:

  • Không có phôi hay phần thai.
  • Không có túi ối.
  • Gai nhau phù lên và gồm những nang chứa đầy dịch như chùm nho hay tổ ong.
  • Nang buồng trứng hai bên.

Trên siêu âm, thai trứng bán phần có thể có những hình ảnh sau:

  • Thai phát triển bất thường.
  • Túi ối giảm kích thước.
  • Nhau dạng nang.

Nếu qua siêu âm và xét nghiệm máu chẩn đoán thai trứng, bác sĩ sẽ làm thêm xét nghiệm kiểm tra lại các tình trạng sức khỏe khác như:

  • Tiền sản giật.
  • Cường giáp.
  • Thiếu máu.

Đôi khi, thai trứng cũng có thể được phát hiện sau khi sẩy thai. Nếu sản phụ bị sẩy thai có những đặc điểm nghi ngờ, bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm kiểm tra liệu cô ấy có bị không để có kế hoạch theo dõi phù hợp.

Hình ảnh nhau thai hình thành những nang chứa dịch trên siêu âm.
Hình ảnh nhau thai hình thành những nang chứa dịch trên siêu âm.

3. Điều trị thai trứng?

Thai kì với bất thường nguyên bào nuôi thì không thể tiếp tục phát triển như bình thường. Để đề phòng các biến chứng, những tế bào nhau này cần phải được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ.

Phương pháp điều trị thường được dùng cho thai trứng toàn phần là nạo hút thai trứng. Tuy nhiên, đôi khi thai trứng bán phần quá lớn và cần phải dùng thuốc gây sẩy thai. Đối với những nguy cơ cao có thể phát triển thành u nguyên bào nuôi, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị thêm với thuốc Methotrexate. Điều quan trọng là theo dõi nồng độ hCG sau điều trị để chắc chắn là khỏi bệnh hoàn toàn.

Điều trị thường bao gồm một hay nhiều các thủ thuật sau:

3.1 Nong và nạo

Đây là phương pháp thường được dùng nhất. Thủ thuật được làm ở phòng mổ và bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê. Bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ gọi là van để quan sát được cổ tử cung. Cổ tử cung được nong và hút lấy nhau thai. Cuối cùng, lòng tử cung sẽ được nạo nhẹ để lấy hết những mô còn sót. Những mô nhau hút ra được này sẽ được gởi đi làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán chính xác bản chất là gì.

3.2 Cắt tử cung

Rất hiếm, nhưng khi có nguy cơ cao hay kết quả là ung thư nguyên bào nuôi, và khi người phụ nữ không muốn sinh con nữa, có thể trao đổi với bác sĩ về phẫu thuật cắt tử cung. Phẫu thuật này không cắt buồng trứng nên không gây mãn kinh sớm.

3.3 Dùng thuốc Methotrexate

Có nhiều trường hợp thai trứng nguy cơ cao, hay hCG còn cao sau nạo hoặc sót nhau thai, bệnh nhân có thể cần phải điều trị thêm với thuốc Methotrexate.

4. Theo dõi thai trứng như thế nào?

Vì thai trứng có khả năng diễn tiến thành u nguyên bào nuôi, theo dõi sau điều trị thì rất cần thiết. Sau khi nạo hút thai, bác sĩ sẽ lập lại xét nghiệm hCG cho đến khi trở về bình thường. Quá trình theo dõi này có thể kéo dài đến 6 tháng hay 1 năm để chắc chắn rằng không sót bất kì mô nhau nào. Do đó, thời gian này, để không làm nhiễu sự theo dõi, bệnh nhân cũng sẽ được khuyến cáo không mang thai cho đến khi theo dõi kết thúc.

5. Tránh thai trong quá trình theo dõi

Để tranh thai trong quá trình, phương pháp thường được khuyên dùng là dùng bao cao su. Nhiều chuyên gia cho rằng không nên đặt vòng tránh thai trong khoảng thời gian này vì có thể gây thủng hay vỡ tử cung.

Sau đó, khi nồng độ hCG trở về bình thường, có thể sử dụng các phương pháp tránh thai khác như thuốc vỉ tránh thai, que cấy nội tiết hay tiêm thuốc tránh thai tác dụng chậm. Hãy trao đổi với bác sĩ để có thể chọn được phương pháp phù hợp nhất.

Xem thêm: Trước khi có thuốc tránh thai, con người đã từng sử dụng các biện pháp rất lạ này

6. Khi nào mang thai trở lại?

Thai trứng không ảnh hưởng đến cơ hội mang thai và có em bé trong tương lai. Nhưng cần chú ý là không nên có thai cho đến khi nồng độ hCG trở về bình thường theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, quá trình này mất khoảng 6 tháng. Nếu chẳng may diễn tiến thành u nguyên bào nuôi, bạn sẽ cần phải điều trị với hóa trị. Và để đảm bảo cho sự phát triển của em bé, nên mang thai sau ít nhất 12 tháng khi kết thúc hóa trị.

7. Thai trứng có tái phát không?

Nguy cơ để tái phát là khoảng 1:80. Có nghĩa là 98% phụ nữ đã từng mắc không tái phát ở thai kì kế tiếp. Đôi khi, bệnh lý nguyên bào nuôi có thể xảy ra sau một thai kì khỏe mạnh, do đó với mỗi thai kì, mẹ bầu nên khám thai ở khoảng tuần thứ 6 – tuần thứ 8. Hãy cung cấp cho bác sĩ sản khoa về tiền căn hay sẩy thai trước đó để được theo dõi.

Thai trứng là một bệnh lý lành tính, nhưng vẫn có thể diễn tiến đến các bệnh lý ác tính như ung thư nguyên bào nuôi. Để chẩn đoán sớm thai trứng, hãy đi khám thai ngay từ tuần thứ 6 – thứ 8 của thai kì. Vì không thể phát triển bình thường, mọi thai trứng cần được điều trị và theo dõi cho đến khi nồng độ hCG về bình thường. Sau theo dõi, hầu hết chị em có thể mang thai trở lại và sanh em bé bình thường. Đừng quên trao đổi với bác sĩ về những lo lắng của bạn để được tư vấn phù hợp nhất.

Từ khóa » Cách Nạo Hút Thai Trứng