Thâm Hụt Ngân Sách Thách Thức 'quỹ đạo Tăng Trưởng' - Vnbusiness

GS, TS. Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định điều này tại Hội thảo quốc gia về Kinh tế Việt Nam năm 2018 và Triển vọng năm 2019, đồng thời công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018 của nhà trường với chủ đề: “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” tổ chức sáng 25/3.

Đồng thời, ông Đạt cho rằng, trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng.

20190325-084102-9903-1553483992.jpg

Toàn cảnh Hội thảo quốc gia về Kinh tế Việt Nam năm 2018 và Triển vọng năm 2019

“Thâm hụt ngân sách cao, nợ công tăng nhanh làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới", ông Đạt nói.

Để phản ứng lại với những bất ổn vĩ mô do hậu quả của thâm hụt tài khóa kéo dài, ông Đạt cho biết, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác thường áp dụng các biện pháp mang nặng tính hành chính như kiểm soát giá cả trong nước, áp trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công...

Những biện pháp ít tính thị trường này chỉ có tác động ngắn hạn nhưng có rủi ro tăng sự thiếu hụt tổng cung do chúng bóp méo thị trường các nhân tố sản xuất trong nước, nguồn lực sẽ được phân bổ một cách không hợp lý, vì vậy làm giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Điều này lại làm cho việc kiềm chế thâm hụt ngân sách càng khó khăn hơn và việc tăng hoặc áp thuế, phí mới là một trong những biện pháp cuối cùng mà Chính phủ có thể sử dụng.

Tuy nhiên, gánh nặng thuế, phí cao sẽ làm giảm động cơ sản xuất, giảm tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân, và đẩy tiếp nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn hơn.

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh đó, việc đánh giá một cách toàn diện thực trạng về chính sách tài khóa, từ đó đánh giá được tính bền vững tài khóa và không gian tài khóa trong giai đoạn mới của nền kinh tế, đồng thời phân tích tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế là một việc làm hết sức cần thiết hiện nay.

Theo đó, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ trong chính sách thu, cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo.

Cắt giảm nhanh chóng chi tiêu trong quản lý hành chính và cải thiện hiệu quả làm việc của bộ máy là giải pháp căn cơ hiện nay.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi cơ chế phân cấp theo hướng tạo quyền chủ động hơn cho địa phương trong phân bổ và quyết định ngân sách, nhưng đồng thời phải tăng cường tính kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở cấp địa phương.

Thanh Hoa

Từ khóa » Giải Pháp Bù đắp Thâm Hụt Ngân Sách Nhà Nước ít Thực Hiện Nhất