Thảm Kịch Nơi Hàm Cá Mập Của Chiến Hạm Mỹ Chở Bom Nguyên Tử
Có thể bạn quan tâm
Đó là một đêm tháng 7 nóng nực, lênh đênh giữa Thái Bình Dương, tuần dương hạm USS Indianapolis vừa hoàn thành sứ mạng tuyệt mật: Chuyển giao lõi của một quả bom nguyên tử tới Tinian, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Northern Mariana. Quả bom được gọi với mật danh “Cậu bé” sau đó đã được thả xuống thành phố Hiroshima như một đòn cuối cùng hạ gục phát xít Nhật.
Đêm đó, con tàu đang hướng về phía tây tới Vịnh Leyte, Philippines, để nhập đội với tàu USS Idaho tại đây chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm Nhật Bản. Tàu USS Indianapolis di chuyển với vận tốc 32 knot, sau đó giảm xuống còn 17 knot. Lúc đó là giữa đêm, vào cuối phiên gác của thủy thủ 20 tuổi Edgar Harrell. Harrel và các đồng đội trên tàu đều không biết rằng họ đang bị bám theo. Sâu dưới lòng biển, tàu ngầm I-58 của Nhật Bản đang âm thầm chuẩn bị phóng đi 6 quả ngư lôi.
Hai quả trong đó đã bắn trúng con tàu. Quả đầu tiên phóng trúng tàu chỉ vài phút sau khi Harrel thiếp đi. Quả thứ hai nã vào phần trung tâm của tàu, trúng khoang nhiên liệu và kho đạn, gây ra phản ứng nổ dây chuyền xé tàu làm hai.
Harrel có thể nghe và cảm thấy nước tràn vào bên dưới boong, trong lúc trời tối đen. Vụ nổ đã làm điện sập nguồn và nguồn ánh sáng duy nhất là lửa. Quả ngư lôi đã kích nổ thùng chứa 3.500 gallon nhiên liệu máy bay tạo thành cột lửa khổng lồ cao hàng chục mét.
Harrel không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chạy vội tới chỗ sĩ quan chỉ huy để nhận lệnh. Rồi anh nghe thấy giọng thuyền trưởng hô lớn: “Bỏ tàu! Bỏ tàu!”. Tuần dương hạm hạng nặng dài gần 200 mét bị tách thành nhiều phần, chìm xuống chỉ trong vòng 15 phút, để lại một lớp dầu đen loang đầy mặt biển. Khoảng 800 trong tổng số gần 1.200 thủy thủ đã kịp rời tàu khi USS Indianapolis chìm xuống trong đêm 29, rạng sáng 30/7/1945.
Nhưng tàu chìm mới chỉ là khoảnh khắc bắt đầu của cơn ác mộng mà các thủy thủ tàu Indianapolis trải qua: Cơn ác mộng cá mập tấn công ghê sợ nhất trong lịch sử.
Khi mặt trời ló rạng vào sáng 30/7, những người sống sót nổi bập bềnh trên vùng nước. Phao cứu sinh không đủ. Những người còn sống tìm kiếm những thi thể nổi trên biển để tháo áo phao cứu sinh dành cho những người sống sót đang thiếu. Họ bắt đầu tập hợp lại thành nhóm, có nhóm nhỏ, có nhóm lớn lên tới 300 người. Nhưng không lâu sau tất cả đều hiểu rằng tai họa mà họ đối mặt không phải là đói, khát, mà là cá mập!
Những con vật hung thần của biển cả bị thu hút bởi những tiếng nổ, tiếng tàu đắm và những mảnh vụn, bởi mùi máu trong nước. Mặc dù nhiều loài cá mập sống ở tầng nước mặt, không loài nào có thể sánh về độ hung dữ như cá mập vi trắng. Lời kể của những người sống sót trong thảm kịch tàu Indianapolis cho thấy, những con cá mập có xu hướng tấn công các nạn nhân còn sống ở gần mặt nước, khiến các nhà sử gia tin rằng, hầu hết thương vong do cá mập gây ra với thủy thủ Indianapolis đều do loài cá mập vi trắng đại dương (oceanic whitetip shark).
Đêm đầu tiên, lũ cá mập tập trung vào những xác chết nổi. Nhưng cuộc vật lộn của những người sống sót chỉ làm thu hút thêm cá mập, loài vật săn mồi có thể cảm nhận được chuyển động qua nhờ một đặc điểm sinh học gọi là "cơ quan đường bên". Cấu tạo của cơ quan này là một nhóm đầu dây thần kinh nằm ở dưới da bên hông của cá. Khi có bất kỳ chuyển động nào trong nước (luôn tạo ra sóng lan truyền theo mọi hướng), hệ thống đường bên sẽ nhận biết sóng này và cá sẽ biết được đó là kẻ thù hoặc thức ăn đang ở gần.
Khi lũ cá mập quay sang những người sống sót, đặc biệt là những người bị thương chảy máu, các thủy thủ đã cố gắng xua đuổi chúng khỏi những người đang có vết thương hở; hoặc khi có người nào đó qua đời, họ đẩy xác ra xa với hy vọng những tử thi có thể làm "vừa lòng" hàm cá mập.
Nhiều người sống sót thậm chí đã tê liệt vì hoảng sợ, không dám ăn hay uống những thứ thực phẩm họ kịp mang theo. Một nhóm người sống sót đã sai lầm khi mở lon thịt hộp hiệu Spam, nhưng trước khi họ có thể nếm, mùi thịt đã hút một đàn cá mập vây đến.
Những con cá mập đã hoành hành trong mấy ngày mà không có dấu hiệu của lực lượng cứu hộ. USS Indianapolis thực hiện sứ mạng tuyệt mật, vì thế không có tàu hộ tống và các tàu khác của hải quân Mỹ cũng không nắm được hải trình của tàu tuần dương này. Tình báo Hải quân Mỹ đánh chặn được một thông điệp từ chiếc tàu ngầm Nhật Bản đã phóng ngư lôi tấn công tàu Indianapolis mô tả họ đã đánh chìm một tàu chiến Mỹ trên khu vực thuộc hải trình của Indianapolis. Nhưng thông điệp này lại bị coi là trò lừa của quân Nhật nhằm dụ tàu cứu hộ của Mỹ đến để phục kích.
Trong khi đó, các thủy thủ sống sót của Indianapolis đã học được rằng, họ tốt nhất nên tập hợp thành một nhóm, và lý tưởng nhất là ở trung tâm của nhóm. Những người ở rìa ngoài và những người đơn độc là miếng mồi dễ dàng nhất với lũ cá khát máu.
Vài ngày trôi qua, nhiều người sống sót đã chết vì nắng nóng và khát, hoặc bị ảo giác khiến họ uống nước biển và chết vì ngộ độc muối.
Từ khóa » Thuyền Trưởng Tàu Indianapolis
-
Charles Butler McVay III – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chiến Hạm USS Indianapolis Và Sự Tàn Bạo Của Cá Mập
-
Mỹ: Giải Oan Cho Thuyền Trưởng Tàu Chiến Indianapolis - VnExpress
-
Vụ Tàu Ngầm Nhật đánh đắm Chiến Hạm Mỹ Gây Chấn động Nửa Thế ...
-
Thảm Họa Indianapolis - Vết Nhơ Của Ngành Hải Quân Mỹ
-
Số Phận Bi Thảm Của Tàu Chở Bom Hạt Nhân Mỹ 74 Năm Trước
-
Bi Kịch Trên Chiến Hạm USS Indianapolis: Hơn 500 Thủy Thủ Bị Cá ...
-
Số Phận Bi Thảm Của Chiến Hạm Mỹ: Bí Mật Vận Chuyển Quả Bom ...
-
Chuyện Kỳ Bí Về 25 Thủy Thủ Mỹ Trở Về Sau 46 Năm Mất Tích Qua Lỗ ...
-
Số Phận Bi Thảm Của Tàu Tuần Dương Mỹ - Báo Thanh Niên
-
Nicolas Cage Và 'vai Diễn Trong Mơ' Trong 'Chiến Hạm Indianapolis
-
Vụ Tàu Ngầm Nhật đánh đắm Chiến Hạm Mỹ Gây Chấn động ... - WIKI
-
USS Indianapolis (CA-35) - USS Moccasin - Wikipedia
-
Thảm Kịch Nơi Hàm Cá Mập Của Chiến Hạm Mỹ Chở ... - VietNamNet