Thăm 'Lão Bạch Mai' 300 Tuổi ở đình Phú Tự - Báo Long An Online

Đình Phú Tự

Đình Phú Tự

Từ trung tâm TP.Bến Tre, đi dọc theo Đường tỉnh 885 khoảng 5km về hướng huyện Giồng Trôm, hỏi bất cứ người dân địa phương nào, du khách sẽ dễ dàng được hướng dẫn lối vào đình Phú Tự, bởi cây bạch mai trăm tuổi khá nổi tiếng. Vừa qua khỏi cổng đình, khách đã thấy gốc bạch mai sừng sững với hàng chục thân da xù xì, thân to bằng vòng tay một người ôm, vươn lên trời cao hơn 4m, tán tỏa ra che phủ một góc sân rộng chừng 40m2. Gọi là bạch mai nhưng dường như cây không có nét gì giống với loài mai ở miền Nam, cả về hình dáng lẫn thời gian ra hoa. Nhiều người nhìn vào nụ, bông hoa và lá cho rằng, cây có thể có họ hàng với cây mù u.

Trưởng ban Khánh tiết đình Phú Tự - Đoàn Văn Mười cho biết, trước đây, thân chính cây mai rất lớn, nhiều người ôm không xuể, sau do thân chính chết, gốc mọc lên các nhánh phụ như hiện nay. Thân, gốc cây bên ngoài dáng vẻ xù xì, tưởng như cạn kiệt sức sống, vào tiết trời tháng 2 vẫn đâm những chồi lá xanh mơn mởn.

Chẳng ai rõ tuổi chính xác của “cụ mai”, hậu thế chỉ được kể lại rằng xưa kia khu vực đình Phú Tự là một gò đất cao nhưng lưu dân đầu tiên đến “khẩn hoang, lập ấp”, thấy thế đất tốt lại có loài “kỳ hoa, dị thảo” nên dùng tre lá lập đình thờ, cầu mưa thuận gió hòa. Năm 1918, đình được tu sửa, vua Khải Định phong sắc, cây bạch mai cũng được người dân trong vùng gọi một cách cung kính là “thần mai”.

Nhiều khách phương xa, nhà nghiên cứu khi đến chiêm bái lão bạch mai, cảm khái đã đề thơ, vịnh vẫn còn lưu giữ trên các văn bia cho đến nay.

“Khí thiêng hun đúc bạch mai thần

Phú Tự đình xưa bóng rợp sân

Xuân trổ ngàn hoa đơm trắng phếu

Đông đâm muôn lộc phủ trong ngần”.

Năm 2008, đình Phú Tự cùng với gốc cổ thụ bạch mai được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Tháng 02/2014, cây bạch mai đình Phú Tự được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Quốc gia.

Cây bạch mai ở Đình Phú Tự

Cây bạch mai ở Đình Phú Tự

Do có nhiều du khách viếng thăm, lo ngại cây bị xâm phạm, Ban Quản trị đình đã cho treo các biển cấm “không hái hoa, bẻ cành, xâm phạm đến cây”. Một số thân phụ cành xum xuê cũng được chằng chống lại bằng các trụ bêtông, thép để cây không ngã đổ.

Người dân tin rằng, cổ thụ bạch mai đã sống hàng trăm năm, hoa vì thế hấp thu linh khí đất trời nên mỗi sáng sớm đều đến giúp trải lưới quanh gốc để hứng hoa rụng. Bình quân mỗi mùa cây trổ hoa thu được khoảng 10kg hoa khô. Hoa được dùng để làm lộc biếu người dân trong vùng tại các đợt cúng đình, pha trà, ngâm rượu đều có mùi thơm./.

Nguyệt Nhi

Từ khóa » Cây Bạch Mai Rừng Ninh Thuận