Thẩm Quyền Của Văn Phòng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra

Thẩm quyền của Văn phòng cơ quan cảnh sát Điều tra.

1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, lời khai của người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt trong trường hợp đang có quyết định truy nã (trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân giải đến), các trường hợp phạm tội quả tang; tiếp nhận hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, hồ sơ vụ án hình sự do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến; phân loại, báo cáo, đề xuất Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phân công giải quyết hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

2. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác điều tra hình sự theo quy định của pháp luật; giúp Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thống kê, báo cáo về công tác điều tra hình sự.

3. Điều tra vụ án hình sự đã rõ cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội (sau đây gọi chung là người thực hiện hành vi phạm tội) thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về những tội phạm quy định tại các chương XIV, XV, XVI, XVII, XXI, XXII và XXIV của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan An ninh điều tra và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) trong các trường hợp sau đây:

a) Do trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, phạm tội quả tang;

c) Do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến.

4. Tiến hành điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

5. Tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về các tội phạm khác theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

6. Theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự do Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh xin ý kiến.

7. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định vụ án hình sự theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

8. Tham mưu, giúp thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện;

c) Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra đối với các cơ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác giữ người, bắt người, tạm giam, tạm giữ, điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân;

đ) Giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng hoặc kết luận nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

9. Theo dõi, đề xuất, trực tiếp thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ đối với những trường hợp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

10. Quản lý con dấu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

- Theo VBHN số 07/2018/VBHN-BCA -

Từ khóa » địa Chỉ Cơ Quan điều Tra Bộ Công An