Thẩm Tra đề Xuất Chủ Trương đầu Tư Chương Trình Mục Tiêu Quốc Gia ...

 

Toàn cảnh Phiên họp

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, việc xây dựng Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương này sẽ tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia: Tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa hoàn thành; Giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, thực hiện yêu cầu Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu là “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”. Chủ trương đầu Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm xác định các mục tiêu cụ thể và các giải pháp đột phá để góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày Tờ trình

Bên cạnh đó, việc xây dựng Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng thời, góp phần tích cực để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội đã được chỉ ra tại Báo cáo số 472/BC-CP ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về kết quả 06 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của   Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Về nội dung chủ yếu của chương trình, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, tên Chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Cơ quan chủ trì quản lý Chương trình: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cơ quan, đơn vị phối hợp, thực hiện Chương trình: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội; người cai nghiện; Người học nghề, người lao động; giáo viên, cán bộ quản lý; Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện; Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan.

Địa điểm thực hiện chương trình: Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách, cơ chế giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban thẩm tra cho ý kiến

Cho ý kiến thẩm tra nội dung này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Chương trình. Đồng thời đánh giá Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cơ bản cần đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư công; nội dung cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

Về tên gọi của Chương trình, một số thành viên Ủy ban đề nghị xem xét sửa đổi tên gọi như đề xuất của Chính phủ thành tên gọi: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Các nội dung không thuộc Chương trình giảm nghèo thì Chính phủ sẽ trao đổi thêm để cân nhắc sẽ đưa vào một ô mục nào đó như đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm…

Một số ý kiến thành viên Ủy ban đánh giá rằng Chính phủ đã quan tâm, bảo đảm Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 không có sự trùng lặp với nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nội dung Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đề nghị rà soát, xác định rõ việc một số dự án, tiểu dự án có nội dung gần tương đồng nhau của 3 Chương trình.

Cụ thể hơn, một số thành viên Ủy ban đề nghị thống kê chính xác đối tượng, địa bàn thụ hưởng của Chương trình, xác định vào các vùng lõi nghèo, nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, tạo sinh kế, các hộ nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo...Do đó, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát vấn đề này sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Kết luận một số nội dung làm việc, thay mặt Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp rà soát, phân đánh giá, làm rõ các nội dung hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót giữa 3 Chương trình để đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp các nội dung hoạt động, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra chính thức để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 58 và trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất./.

Từ khóa » Chiến Lược An Sinh Xã Hội đến Năm 2020