Tham Vọng Của Trung Quốc Từ Hệ Thống định Vị Bắc Đẩu

Trung Quốc vừa phóng thành công vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị Bắc Đẩu lên quỹ đạo, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Liên minh châu Âu (EU), củng cố vị trí của Bắc Kinh trong số ít các quốc gia sở hữu hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS).

Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B mang theo vệ tinh Bắc Đẩu cuối cùng được phóng lên quỹ đạo hôm 23-6. Ảnh: CNN

Tham vọng cường quốc vũ trụ

Theo tờ Shephard Media, vệ tinh Bắc Ðẩu thứ 35 được tên lửa đẩy Trường Chinh 3B phóng thành công lên quỹ đạo hôm 23-6 tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương (tỉnh Tứ Xuyên). Trong bài bình luận đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo, hệ thống định vị Bắc Ðẩu được mô tả thuộc về “toàn thế giới và toàn nhân loại”. Tuy nhiên, Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh kỳ vọng hệ thống này có thể trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu của GPS - hệ thống định vị phổ biến nhất vốn đang thống lĩnh thị trường thế giới. Các chuyên gia cũng đánh giá động cơ để Trung Quốc thúc đẩy phát triển hệ thống định vị riêng là nhằm giảm sự phụ thuộc vào GPS của Mỹ, đặc biệt trong hoạt động quân sự. Nói theo cách thể hiện tham vọng của Trung Quốc, nhà thiết kế chính của Bắc Ðẩu Yang Changfeng nhấn mạnh hệ thống này sẽ giúp Trung Quốc chuyển từ một quốc gia lớn trong lĩnh vực không gian trở thành cường quốc vũ trụ thực sự.

Mỹ và Nga đã tiên phong xây dựng GNSS riêng trong thời cao điểm Chiến tranh Lạnh. Trong khi GPS lần đầu được Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất vào năm 1973, GLONASS của Nga được khởi động vào năm 1979. Cả hai tuyên bố hệ thống vệ tinh của họ hoạt động đầy đủ năm 1995. Còn Trung Quốc bắt đầu xây dựng Bắc Ðẩu vào năm 1994, Galileo của EU thì được khởi công muộn hơn nhiều nhưng dự kiến sẽ sẵn sàng hoạt động đầy đủ vào cuối năm nay. Ấn Ðộ và Nhật Bản cũng có vệ thống vệ tinh định vị riêng nhưng ở quy mô nhỏ.

Thông thường, các hệ thống định vị như GPS hoạt động bằng cách sử dụng 4 vệ tinh tại một thời điểm để đo khoảng cách cần thiết rồi phát tín hiệu đến một điểm trên mặt đất - ví dụ như điện thoại thông minh - nhằm tính toán chính xác điểm đó trên bản đồ. Với chi phí đầu tư ước tính 10 tỉ USD, hệ thống định vị Bắc Ðẩu gồm 35 vệ tinh giúp Trung Quốc củng cố vị thế số 1 về số vệ tinh định vị so với GPS (hiện có 31 vệ tinh trên quỹ đạo), Galileo (22 vệ tinh) hay GLONASS (24 vệ tinh). Ðáng chú ý là cả GPS, GLONASS và Bắc Ðẩu đều do quân đội sở hữu hoặc điều hành một phần, trong khi Galileo là hệ thống duy nhất đơn thuần do lĩnh vực dân sự quản lý.

Nhiều lợi thế cạnh tranh

Andrew Dempster, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Vũ trụ Úc (ACSER), cho rằng một quốc gia sở hữu hệ thống GNSS riêng sẽ có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là về quân sự, bởi rủi ro là rất lớn khi quân đội một nước sử dụng hệ thống GNSS của kẻ thù mà chính phủ nước đó có thể cho ngừng hoạt động khi cần thiết. Nhà phân tích Kevin McCauley, cựu sĩ quan tình báo cấp cao Mỹ, tiết lộ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong nhiều năm trước đây chủ yếu dựa vào GPS để định vị. “Tuy nhiên, các thiết bị của Bắc Ðẩu hiện dường như được triển khai với lượng lớn hơn trong toàn PLA, giúp cho quân đội Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn” - ông McCauley nói.

Như vậy, khi hệ thống định vị Bắc Ðẩu được hoàn thiện, PLA và Chính phủ Trung Quốc có thể dựa vào nó, giữa lúc căng thẳng với Washington ngày càng tăng trên nhiều mặt trận. Ðặc biệt, Trung Quốc có thể sử dụng hệ thống này như là công cụ quan trọng để Bắc Kinh thay đổi cán cân sức mạnh quân sự tại khu vực, đẩy mạnh việc bán các sản phẩm quân sự hoặc thậm chí thành lập liên minh bán quân sự. “Việc Trung Quốc sở hữu hệ thống định vị quân sự riêng rất có ý nghĩa, bởi trong cuộc xung đột ở Biển Ðông, Bắc Kinh có thể bị từ chối tiếp cận tín hiệu của GPS” - ông Dempster nhận định.

Trong khi đó, theo truyền thông Trung Quốc, các dịch vụ sử dụng hệ thống Bắc Ðẩu đã được cung cấp tại hơn 120 quốc gia tính đến thời điểm này. Tính tới năm 2019, hơn 70% điện thoại di động sử dụng hệ thống định vị Bắc Ðẩu. Hàng triệu taxi, xe buýt, xe tải cũng nhận tín hiệu Bắc Ðẩu. Lĩnh vực định vị vệ tinh Trung Quốc có thể đạt 57 tỉ USD trong năm nay. Ðặc biệt, theo các chuyên gia, quyền truy cập Bắc Ðẩu có thể được trao cho các quốc gia tham gia vào sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo CNN, Shephard Media)

Từ khóa » Hệ Thống Vệ Tinh Bắc đẩu