Thân Sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh Là Ai? - .vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã được ảnh hưởng rất nhiều từ trí tuệ, ý chí cũng như lòng yêu nước của người cha. Vậy bố – thân sinh ra Bác Hồ là ai? Ông là người như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu.

Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là ai?

Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm Nhâm Tuất 1862. Cụ là con của ông Nguyễn Sinh Nhậm (người Thanh Chương- Nghệ An) và bà Hà Thị Hy làm nghề hát rong. Theo gia phả họ Hà thì Ông tổ của nguyễn Sinh Nhậm là Nguyễn Bá Phổ ở làng Kim Liên (Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An), đến thế hệ thứ tư thì ông tộc trưởng Nguyễn Bá Dân xin đổi chữ lót họ thành Nguyễn Sinh.

Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - bố của Bác Hồ

Ông Nguyễn Sinh Nhậm (tức Nguyễn Sinh Vượng) sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở làng Sen, được học hành, lớn lên lấy vợ, đẻ ra Nguyễn Sinh Trợ (tức Nguyễn Sinh Thuyết), chẳng bao lâu vợ mất. Ông Nhậm lấy vợ lẽ là bà Hà Thị Hy, sinh ra Nguyễn Sinh Sắc. Một năm sau khi sinh ông Nhậm mất. Ít lâu sau, bà Hà Thị Hy cũng qua đời, Nguyễn Sinh Sắc về ở với gia đình anh trai ông là Nguyễn Sinh Thuyết.

Cụ phó bảng được nhà nho Hoàng Xuân Đường nhận làm con nuôi và cho ăn học hành tử tế và gả con gái đầu của mình là Hoàng Thị Loan làm vợ. Lúc này ông 18 tuổi, bà Loan 15 tuổi. Cụ Phó bảng sinh được bốn người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (mất lúc nhỏ).

Bạn có thể tìm hiểu thêm về mẹ Bác Hồ – Bà Hoàng Thị Loan Tại đây.

Quá trình thi cử đỗ đạt, ra làm quan của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc như thế nào?

Năm 1891, ông vào Vinh thi tú tài nhưng không đỗ. Năm 1894, ông tham dự kỳ thi Hương và đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Năm sau (1895), ông Sắc vào Huế thi hội bị hỏng, đã xin đi làm hành tẩu bộ Hộ. Ba năm sau, ông hỏng kỳ thi hội một lần nữa vào năm 1898.

Nhờ sự vận động của ông Hồ Sĩ Tạo với các quan lại đồng liêu quen biết ở triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc được nhận vào học Quốc Tử Giám ở Huế. Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, đem vợ và hai con trai vào Huế và đi học Quốc Tử Giám. Trước khi dự kỳ thi hội năm 1901, với tư cách là một quan chức của triều đình Huế, ông còn tham dự Hội đồng giám khảo chấm thi kỳ thi hương tại Bình Định năm 1897 và Thanh Hóa năm 1900.

Ngày 22 tháng 12 năm Canh Tý (10 tháng 2 năm 1901) bà Hoàng Thị Loan ốm mất ở Huế, sau khi sinh đứa con trai út (đứa con trai này ít ngày sau cũng chết). Ông đem hai con trai về làng Chùa gửi mẹ vợ chăm sóc giùm rồi trở vào Kinh thi Hội. Khoa Tân Sửu (1901) này, ông đậu Phó bảng.

Ông làm thừa biện bộ Lễ từ 1902 đến 1909. Tháng 5 năm 1907, ông bị đổi đi Tri huyện Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Ngày 26 tháng 2 năm 1911, Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, cùng Nguyễn Tất Thành xuống Mỹ Tho gặp Phan Chu Trinh lúc này Phan Chu Trinh đang chuẩn bị sang Pháp. Ông ở lại Sài Gòn một thời gian, dạy chữ Nho cho nhà báo Diệp Văn Kỳ, rồi đi Lộc Ninh làm giám thị đồn điền. Từ thời gian này đến gần cuối đời ông sống lang thang ở miền Nam bằng nghề đông y cứu chữa bệnh cho dân chúng.

Cụ Phó bảng mất khi nào?

Tháng 4 năm 1928, Nguyễn Sinh Sắc đến Cao Lãnh sống giản dị, với tấm lòng thương dân sâu sắc ông thường xem mạch, kê đơn, trị bệnh cho đồng bào Nam Bộ. Cụ tích cực tham gia các phong trào yêu nước của, gieo mầm cách mạng cho các địa phương… Với phong cách giản dị, tấm lòng thương dân của ông Sắc đã sớm chinh phục được tình cảm của bà con quanh vùng.

Mùa nước lũ năm Kỷ Tỵ (1929) vừa hạ, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lâm bệnh. Nhân dân địa phương hết lòng cứu chữa nhưng bệnh không thuyên giảm. Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 10 âm lịch, ông Sắc nhờ người đỡ dậy, nói chuyện đưa số tiền của mình 150 đồng nhờ bà con mua quan tài khâm niệm. Ông chỉ tay ra sân bảo để quan tài ngoài ấy tế liệm rồi đưa đi chôn. Ông hưởng thọ 67 tuổi.

Cụ phó bảng đã ảnh hưởng đến chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?

Có thể thấy người – cha cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có những ảnh hưởng lớn nhất đến chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Sinh Sắc lúc lên ba tuổi thì bố mất và sau đó ba năm thì mẹ cũng qua đời và đến tuổi ba mươi bảy thì vợ tạ thế. Cuộc đời ông chịu nhiều cô đơn. Từ đó sống cảnh gà trống nuôi con, đi đâu ông cũng mang cậu Nguyễn Sinh Cung theo cùng.

Cậu bé Nguyễn Tất Thành cũng gặp khó khăn vất vả ngay từ lúc nhỏ 3 tuổi thì ông ngoại mất, 10 tuổi thì mẹ qua đời, và bố là người có nhiều ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với cuộc sống và sự nghiệp của cậu. Cách dạy của cụ Phó bảng với các con là dạy lòng nhân ái, đức tín nghĩa và sức trí dũng, lấy bản thân làm chủ, nhân quân làm gốc. Cụ chăm lo bồi đắp cho con cái về đạo làm người, lấy cơ sở làm nền tảng luân lý truyền thống Việt Nam làm nền tảng.

Và khi đã vào học ở trường Pháp – Việt rồi vào học Quốc Học (1905- 1909), cậu học sinh tân học Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) vẫn không bỏ phí hoàn cảnh thuận lợi của mình là tranh thủ sự dạy bảo của bố, của người thầy về Hán học. Những điều người cha truyền dạy đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta có thể thấy chính phong độ thanh thản, tư tưởng trong sáng của người cha đã ảnh hưởng nhiều đến con trai. Sau này, Bác Hồ cũng dùng những khái niệm đạo đức cơ bản của nhân loại, trong đó có phần của đạo Nho. Những cách thể hiện, truyền đạt của Bác, ta thấy cái cốt lõi vẫn là tư tưởng đạo đức truyền thống của dân tộc. Bác đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của cả loài người nhưng phần ảnh hưởng Bác vẫn tiếp từ buổi ban đầu, từ người cha và cũng là người thầy học thân yêu là rất quan trọng.

Năm 1943, Hồ Chí Minh viết “Ngục Trung Nhật Ký” tại nhà lao Tĩnh Tây (Trung Quốc). Tác phẩm viết bằng chữ Hán, thứ ngôn ngữ do chính người cha dạy từ hồi còn nhỏ này là tác phẩm văn học nổi tiếng trong kho tàng văn thơ cách mạng Việt Nam. Đó là những mối quan hệ lại tuyệt đẹp mang tính thừa kế giàu sức chiến đấu, là phát huy sáng tạo vốn văn hoá nghệ thuật mà chỉ giữa ông Nguyễn Sinh Sắc và lãnh tụ Hồ Chí Minh mới có được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hoá, trước hết là truyền thống đấu tranh cách mạng và nền văn hoá của dân tộc Việt Nam vốn được chung đúc bởi những gia đình, những con người cụ thể. Điều may mắn đối với Người là ngay từ bé, Người đã được sống trong một gia đình mà mỗi con người có nét đẹp riêng. Trong đó Người cha, ông Nguyễn Sinh Sắc là người có học thức cao, có phong độ quảng bá và có tư tưởng trong sáng đã ảnh hưởng rõ nét đối với Bác.

Di tích phần mộ của cụ phó bảng nằm ở đâu?

Dưới thời thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm chiếm miền Nam, biết cụ Phó Bảng là người yêu nước, thương dân và là thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, bọn chúng và bè lũ tay sai đã làm đủ trò để phá ngôi mộ của ông. Nhưng nhân dân vùng Cao Lãnh đã quyết tâm và khôn khéo bảo vệ được chu toàn.

Sau khi đất nước đã sạch bóng quân thù, Tổ quốc thống nhất, để giữ trọn tình nghĩa sâu nặng với cụ Phó bảng, người đã có công lớn sinh ra chủ tịch Hồ Chí Minh, người gieo mầm cách mạng cho vùng đất Cửu Long, ngôi mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng lại trên vị trí cũ khang trang đẹp đẽ, công trình được khánh thành vào ngày 31/12/1977.

Khu di tích phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở số 123/1 đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh. Với diện tích 3,6 ha, khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ và Ao sen.

Ngôi mộ cụ Phó bảng quay về hướng đông, có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống; trên mái đắp nổi tượng chín con rồng, tượng trưng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.

Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền mộ bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Phía trước mộ là ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa dựng một đài sen trắng cách điệu cao gần 7m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp.

Có thể khẳng định chính sự giáo dục của Nguyễn Sinh Sắc không chỉ truyền cho các con trí tuệ, học vấn, mà còn truyền lòng nhiệt huyết, chí khí mạnh mẽ và động lực vượt qua mọi gian nan để vươn tới sự nghiệp lớn cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Tính cách, ý chí của người dân xứ Nghệ, lòng yêu nước, thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng sâu sắc và theo suốt cuộc đời Hồ Chí Minh sau này.

5/5 - (2 bình chọn)

Từ khóa » Nguyễn Bá Phổ