Tháng 5 Nhớ Bác Hồ - Đảng Bộ Tỉnh Tuyên Quang

Bác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang (3/1961). Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước. Ngày 05/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường sang phương Tây, mang theo mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc.

Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản và nhiều nước thuộc địa. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Tại đại hội Đảng xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929); Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9/1929); An Nam Cộng sản Đảng (11/1929). Năm 1930 được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng, chung sức làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn, mở ra một kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đây toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng nhau đoàn kết trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, đã đi vào lịch sử cách mạng thế giới như là người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trong thế kỷ XX, có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ. Năm 1990, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Người danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua những nội dung như: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Những nội dung chủ yếu của phong cách Hồ Chí Minh bao gồm: Phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt...

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vinh dự và tự hào là Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Thủ đô kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc gần 6 năm trên 20 địa điểm khác nhau. Hướng tới kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Người, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang ra sức thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nguyễn Văn Đức

Từ khóa » Cuộc đời Thân Thế Và Sự Nghiệp Của Bác Hồ