Tháng Giêng Thương Nhớ Bầu đường - Báo Đắk Lắk điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Khu vực nông thôn, miền núi có đến hàng trăm thứ rau hoang dại như: rau má, rau dớn, cải trời, môn thục…
Mỗi loại rau có hương vị khác nhau, có loại dành làm gia vị, loại ăn sống, loại nấu canh, luộc, có loại muối dưa... Nhưng tôi nhớ nhất là loại rau từ đọt dây bầu đường mà mẹ thường chế biến rất thơm ngon đã để lại trong tôi nhiều hương vị tuổi thơ.
Tôi còn nhớ như in, ra Giêng, chỉ cần đi loanh quanh bờ rào một lúc, dưới gốc cây thầu đâu (xoan, sầu đông), mẹ hái được cả rổ đọt bầu đường và không quên hái cho chúng tôi những chùm quả bầu đường ra trái sớm, chín mọng đầu xuân. Dây bầu đường còn gọi là chùm bao, nhãn lồng lạc tiên, hồng tiên... Gọi là chùm bao vì quả được bao bọc bởi một vỏ lưới khá ngộ nghĩnh để bảo vệ trái (quả)… Đó là loại dây leo mảnh, bò khá dài trên các bờ rào, bờ ao; thân dây mềm, dây non có nhiều lông tơ màu trắng. Lá bầu đường mọc so le, lá đơn xẻ thùy chia làm ba phần, có lông mịn. Đầu tua cuống thành lò xo. Chính những tua này giúp dây bám vào cây cỏ để leo cao hoặc bò ngang dọc. Hoa đơn độc năm cánh màu trắng, già chuyển màu tím nhạt. Quả hình trứng, bọc bởi lớp vỏ lưới (áo ngoài), chín có màu vàng cam ăn rất thơm với vị chua, ngọt.
Dây bầu đường |
Người dân quê tôi cho rằng ăn đọt bầu đường có nhiều cái lợi: không mất tiền mua, không độc hại và nhiều dinh dưỡng, nhanh phục hồi sức khỏe, có món ăn lạ miệng, thơm ngon và dễ ngủ. Bởi vậy, họ thường hái đọt non về hấp cơm, nấu canh hoặc xào với tôm, thịt, cá, nấm. Món ăn từ đọt bầu đường giúp ngăn nồng độ cholesterol tăng bất thường trong máu; ăn ngon miệng, ổn định tâm sinh lý hoặc những người khó ngủ thường lấy ngọn non luộc ăn vào buổi chiều hoặc trước khi ngủ để dễ ngủ. Theo kinh nghiệm dân gian, rau bầu đường có tác dụng mát gan, bổ thận, an thần... Đặc biệt, món ăn chế biến từ ngọn (đọt) bầu đường rất thơm ngon như xào tỏi, hấp cơm, luộc, nấu canh…
Lúc sinh thời, mẹ tôi thường làm món bầu đường hấp cơm hay luộc ăn rất thơm, ngon, ngọt. Mẹ bỏ ngọn rau bầu đường đã rửa sạch vào đĩa, đặt trong nồi cơm sau khi đã sôi cạn. Khi cơm chín thì cũng là lúc đĩa bầu đường ngon lành cũng chín theo. Đĩa rau bầu đường hấp cơm chấm với nước mắm ớt, tỏi chanh, ăn với cơm nóng rất ngon, thơm và bùi.
Đọt dây bầu đường hấp cơm. |
Đọt bầu đường còn nấu canh tôm như sau: một mớ ngọn bầu đường rửa sạch, để ráo và hai lạng tôm đất tươi lột vỏ ướp gia vị. Cho dầu ăn vào nồi phi thơm với một củ hành tím đập dập, cho tôm vào xào sơ rồi châm vào khoảng 1,2 lít nước, nêm bột nêm vừa đủ. Khi nước sôi, thả đọt bầu đường vào, đảo đều rau, để sôi qua 2 - 3 phút rồi nêm lại vừa miệng. Gắp một nhúm đọt bầu đường nấu canh đưa vào miệng nhai nhẹ nhàng và cảm nhận vị mềm, bùi, ngọt, thơm của loại rau dân dã này. Rồi chan bát nước canh ngọt mát giúp “giải nhiệt” trong những ngày nắng nóng đầu năm.
Sau này khi đã trưởng thành, được đi khắp nơi, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản vùng miền lạ ngon nhưng tôi không sao quên được hương vị đĩa đọt bầu đường hấp do mẹ tôi chế biến. Xuân về, nhìn sương giăng mờ trên những cây sầu đâu nở hoa trắng xóa tỏa hương thơm nồng nàn khắp chốn quê, bỗng nhiên tôi lại bâng khuâng nhớ mẹ, nhớ những quả bầu đường chín mọng mẹ hái và cả đĩa rau bầu đường hấp thơm ngon trong bữa cơm nghèo thuở hàn vi.
Tiên Sa
Từ khóa » Công Dụng Lá Bầu đường
-
Lạc Tiên Mát Gan An Thần - Báo Đà Nẵng
-
Tác Dụng Của Cây Bầu đường- Thần Dược đối Với Sức Khỏe
-
Cây Lạc Tiên Chữa Mất Ngủ Hiệu Quả Thần Kỳ
-
Cây Lạc Tiên: Tác Dụng Chữa Mất Ngủ Và Cách Dùng Vị Thuốc Quý
-
Công Dụng Chữa Bệnh Của Cây Bầu đất
-
Công Dụng Chữa Bệnh Thần Kỳ Của Cây Rau Bầu đất
-
Lạc Tiên (Chùm Bao): Tác Dụng Và Cách Dùng Cây Thuốc
-
Lá Bầu Có Tác Dụng Gì, Chữa Bệnh Gì đặc Biệt? - 60s
-
Cây Bầu đất điều Trị Tiểu đường, Ung Thư Và Hạ Huyết áp
-
Bầu đất: Thanh Nhiệt Giải độc Và Nhiều Công Dụng Khác - YouMed
-
Bầu đất Và Những Công Dụng Chữa Bệnh - Thầy Thuốc Việt Nam
-
Công Dụng Chữa Bệnh Tuyệt Vời Của Rau Bầu đất
-
TÁC DỤNG CÂY LẠC TIÊN (CÂY CHÙM BAO) - Medinet
-
Rau Bầu đất Chữa Viêm Họng, Thấp Khớp - Báo Sức Khỏe & Đời Sống