Thắng Không Kiêu, Bại Không Nản - Tạp Chí Quốc Phòng Toàn Dân

“Chớ thấy thất bại mà nản, chớ thấy đắc thắng mà kiêu”1. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi đồng bào Khu 3”, ngày 12 tháng 9 năm 1947.

Sau hơn nửa năm kể từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chính thức bùng nổ, quân Pháp đã tạm thời chiếm được nhiều thành phố, thị xã lớn trên cả nước; đồng thời, tích cực chuẩn bị lực lượng đánh ra vùng nông thôn rộng lớn. Tuy nhiên, thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã và đang ngày càng phát triển rộng khắp; vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ; vùng rừng núi Việt Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vẫn là hậu phương an toàn của cuộc kháng chiến. Trước tình hình đó, trong Đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang ta xuất hiện hai luồng tư tưởng: Một bộ phận nhỏ dao động, bi quan, mất niềm tin vào tương lai của cuộc kháng chiến; một bộ phận khác lại tự mãn, chủ quan, khinh địch, cho rằng thực lực của quân Pháp chỉ có vậy, khó có khả năng tiếp tục đánh chiếm các vùng hậu phương chiến lược của ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện và kịp thời chấn chỉnh nhằm khắc phục cả hai luồng tư tưởng trên, động viên đồng bào và chiến sĩ ta đừng vì những thất bại, khó khăn trước mắt của công cuộc kháng chiến mà nản lòng, thoái chí, cam phận trở lại kiếp sống nô lệ; đồng thời, cũng lưu ý toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta không được tự đắc, chủ quan, nóng vội, mà phải tiếp tục tích cực chuẩn bị, sẵn sàng cho những thử thách gian nan hơn nữa ở phía trước. Lời nhắc nhở trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào việc định hướng tư tưởng, củng cố quyết tâm, hướng dẫn hành động cho quân dân cả nước khắc phục mọi khó khăn, phát huy những thành quả đã đạt được tiếp tục xây dựng Quân đội, củng cố hậu phương, từng bước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Khu 3 năm xưa đã ghi sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và đã trở thành một trong những phẩm chất truyền thống tiêu biểu được kết thành 10 Lời thề danh dự của quân nhân; là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không ngừng rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Hơn 70 năm đã trôi qua, những phẩm chất tiêu biểu "...thắng không kiêu, bại không nản...” của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục được tỏa sáng trong mọi hoạt động chiến đấu, công tác, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học... cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. ___________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 244.

Từ khóa » Bại Không Nản