Thắng Lợi Trong Quan Hệ Ngoại Giao Và Chính Trị Của Việt Nam Về ...

Hội nghị Pari về Việt Nam (ảnh tư liệu)

Hiệp định do 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ký kết, nhưng việc đàm phán để đạt được nội dung Hiệp định chủ yếu được quyết định bởi các phiên họp giữa 2 phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ. Lập trường bốn bên, mà thực chất là hai bên, Việt Nam và Mỹ, giai đoạn đầu rất xa nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Trong thời gian này, cả hai bên đều tìm mọi cách giành thắng lợi quyết định để thay đổi cục diện, lấy đó làm áp lực cho đối phương trên bàn đàm phán của Hội nghị Paris. Cả ta và đối phương đều đến Hội nghị Pari với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Ta muốn Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của Nhân dân miền Nam. Mỹ cũng khẳng định muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Tức là tiếp tục thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, điều Mỹ đã không làm được trên chiến trường.

Bối cảnh của “mặt trận không tiếng súng” này kéo dài suốt 5 năm đàm phán, từ đầu năm 1967 tới 1973, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp Thế giới. Theo đánh giá của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường và là cơ sở cho thắng lợi của đấu tranh ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần chỉ là phản ánh của tình hình chiến trường, mà trong bối cảnh quốc tế và do tính chất của cuộc chiến tranh, đấu tranh ngoại giao còn đóng một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động.

Mỹ ký “Hiệp định ở Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27-1-1973. Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận. Trong các phiên họp chung, công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân Mỹ và quân 5 nước đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ra khỏi Miền Nam, đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của Nhân dân Miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ, trước sau vẫn nêu quan điểm “có đi có lại”, đòi hai bên “cùng rút quân” [1].

Hiệp định Pari ngày 27-1-1973 đã phản ánh ở mức độ cao thắng lợi về xu thế cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có thuận lợi nhưng cũng phức tạp. Việt Nam đã tranh thủ được mối quan hệ ngoại giao với cả Liên Xô, Trung Quốc, các Nước Xã hội Chủ nghĩa, các Nước không liên kết, Nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế. Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của Nhân dân ta ở cả hai miền đất nước. Đây là thắng lợi về ngoại giao và chính trị, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Cuộc đấu tranh này phản ánh sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

[ 1]. Thượng tướng Trần Đơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Hội nghị Paris - Một thắng lợi về quân sự và chính trị của Việt Nam, Tạp chí Lý luận Chính trị 2018.

Đỗ Hồng Thanh

Từ khóa » Bạn được Sử Dụng Trong đàm Phán Tại Hội Nghị Paris Có Hình Gì