Thanh đồng Trần Thị Huệ: Hầu đồng Mong Manh Ranh Giới Tín - Mê

Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam không chỉ có lên đồng, mà còn bao gồm nhiều hình thức khác. Trong cuộc gặp gỡ đầu xuân mới Đinh Dậu, PV Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Thanh đồng Trần Thị Huệ (Nghệ nhân Ưu Tú Kim Huệ) thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương, là thành viên duy nhất đại diện cho Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy tham dự Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể đã họp tại Adis Abebas, Ethiopia từ ngày 28/11 – 3/12/2016.

Thanh đồng Trần Thị Huệ

Thanh đồng Trần Thị Huệ thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương (Phủ Dầy Nam Định)

Hầu đồng ở không gian thiêng mới đúng tinh thần di sản

PV: Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể, bà nhận thấy hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu diễn ra tại Phủ Dầy trong dịp Tháng Giêng này thế nào?

Thanh đồng Trần Thị Huệ : Trước đây, ở Phủ Dầy, những hoạt động tín ngưỡng này đều được diễn ra thường xuyên nhưng đã có thời gian do bị hiểu sai nên dẫn đến việc bị quy chụp là “mê tín dị đoan”. Bởi vậy, từ khi có Luật Tự do tín ngưỡng và đặc biệt là sự kiện Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được thế giới vinh danh vào ngày 1/12/2016, hoạt động này đã được coi trọng và trở về đúng với vai trò và vị trí trong đời sống tâm linh của nhân dân.

Ngay từ đầu xuân Đinh Dậu, du khách thập phương về Phủ Dầy đông hơn mọi năm. Họ tham gia chợ Viềng – phiên chợ độc đáo của tỉnh Nam Định để lễ Mẫu cầu may, nhất là được khám phá và tìm hiểu nghi lễ hát văn hầu đồng – thành tố cốt lõi của di sản.

PV: Theo bà, làm cách nào để các hình thức thực hành tín ngưỡng này không bị trục lợi và biến tướng?

Thanh đồng Trần Thị Huệ : Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam không chỉ có lên đồng, mà còn bao gồm nhiều hình thức như: Lễ hội, kiến trúc, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ… Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận không chỉ có lên đồng và hát văn mà còn bao gồm nhiều hoạt động như: Rước Mẫu thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội và còn một số nghi lễ khác nữa.

Nghi lễ hát văn hầu đồng với những giá trị văn hóa dân gian truyền thống được thể hiện ở sự kết hợp nhuần nhuyễn và đặc sắc của vũ điệu, lời ca, trang phục và thế giới tâm linh mang tính cộng đồng gắn kết được trao truyền qua nhiều thế hệ thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt chính là thành tố cốt lõi của di sản.

Đặc biệt, nghi lễ hầu đồng và hát văn không thể tách rời vì người hầu thánh là thực hành các phép thánh, còn cung văn mang những lời ca tiếng hát kết hợp với đàn, sáo, trống, phách, nhằm ca ngợi công lao của các vị thánh giúp dân cứu nước. Và cũng để chúng ta hiểu thêm về giá trị đặc sắc của tín ngưỡng thờ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Thủ nhang Trần Thị Huệ Thanh đồng Trần Thị Huệ cùng bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Thế nhưng, việc hiểu thế nào cho đúng và tránh bị lợi dụng, làm biến tướng di sản đang là nỗi lo không của riêng các cấp quản lý, các nhà nghiên cứu, mà còn là những trăn trở của những người thường xuyên tham gia thực hành nghi lễ hầu đồng như tôi.

Cũng chính vì còn có nhiều hiểu biết chưa đúng về hầu đồng nên từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc thực hành tín ngưỡng đang có nhiều thách thức. Nhất là trong thời điểm vì lợi ích kinh tế, rất nhiều biến tướng đã xảy ra. Một số cá nhân đã lạm dụng điều này để tổ chức thực hành tín ngưỡng với các thanh đồng ở những nơi ngoài không gian thiêng nhằm mang tính vụ lợi cá nhân.

>>> Xem thêm: Thủ nhang Phủ Tiên Hương: Gìn giữ lối cổ trong nghi lễ hầu đồng

>>> Xem thêm: Lễ nhập tự thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương

Sân khấu dành cho văn công – diễn viên, không cho thanh đồng

PV: Theo quan điểm của cá nhân bà, việc thực hành nghi lễ tín ngưỡng này phải ở đâu mới đúng với truyền thống?

Thanh đồng Trần Thị Huệ : Tín ngưỡng thờ Mẫu không phân biệt dân tộc, nam nữ, già trẻ, không phân biệt sang hèn. Một khi đã trùm chiếc khăn đỏ lên đầu là hầu Mẫu, hầu 5 quan lớn, hầu các giá chầu…và đan xen giữa các giá hầu là thể hiện khát vọng của người xưa về quyền tự do bình đẳng giới. Tuy nhiên, những người trực tiếp lên đồng tại những nơi thờ tự phải là người có “căn quả” và phải tuân thủ các điều kiện của tín ngưỡng chứ không được tùy tiện, có sáng tạo nhưng là sự sáng tạo trên cơ sở văn hóa truyền thống mà không nên tự do pha trò trong lúc thực hành nghi lễ.

Đặc biệt, với các thanh đồng chân truyền thì nơi hầu đồng phải là không gian linh thiêng, là nơi thờ Mẫu, việc dễ dãi bắc ghế hầu thánh ở sân khấu, sân đền sân phủ là không hợp lý, đi ngược lại giá trị của di sản.

Trong hầu đồng có 5 màu áo thể hiện, giá quan lớn đệ nhất, thượng tiên là màu đỏ, giá chầu trên thượng ngàn là màu xanh, màu trắng hợp màu sông nước, màu vàng ở nơi địa đất và màu xanh lam giá quan lớn chầu lục. Khi thanh đồng khoác lên mình những bộ trang phục của giá nào thì phải thể hiện đúng khí chất, tinh thần và động tác của người ấy.

Thanh đồng Trần Thị Huệ hầu giá quan Hoàng Mười

Hiện nay, còn có một số người thực hành tín ngưỡng tự cải biến, sắm may những bộ trang phục, phụ kiện phản cảm, không đúng với hình tượng nhân. Thậm chí, có những giá đồng không nằm trong đạo tam phủ, tứ phủ mà cũng đưa vào hầu. Những người thường xuyên tham gia thực hành tín ngưỡng chúng tôi thường có câu “Đồng khôn bóng ngoan, đồng sang bóng lịch sự” là để nhắc nhau tìm hiểu về nguồn gốc, sự tích các vị thánh. Các ngài phải như thế nào mới được phong thánh, vậy mà một số người tự nhận “thanh đồng” chân chuyền lại sẵn sàng nhảy đồng ở bất cứ nơi đâu, động tác chân tay không theo một lề lối hay thể thức nào, thậm chí có nhiều người còn có thêm phụ kiện quá hiện đại… như thế là làm mất đi uy linh của thánh.

“Với các thanh đồng chân truyền thì nơi hầu đồng phải là không gian linh thiêng, là nơi thờ Mẫu, việc dễ dãi bắc ghế hầu thánh ở sân khấu, sân đền sân phủ là không hợp lý, là đi ngược lại giá trị của di sản.”

— Thanh đồng Trần Thị Huệ

PV: Gần đây, tác phẩm “Tứ Phủ” hay “Ngũ biến” là chương trình hầu đồng được đưa lên sân khấu, thậm chí có tác phẩm đã xuất ngoại được công chúng yêu thích. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ngay tại các không gian thờ tự chính danh?

Thanh đồng Trần Thị Huệ :  Việc truyền bá theo hướng sân khấu hóa cả về hầu đồng, âm nhạc chầu văn, nghi thức, trang phục là điều đáng khích lệ. Qua đây, sức phổ biến, lan tỏa của tín ngưỡng sẽ được thể hiện rộng rãi và để lại dấu ấn lớn đối với nghệ thuật trình diễn và là tiếng nói chung của văn hóa trình diễn Việt trên bản đồ thế giới. Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng gốc của tín ngưỡng hầu đồng là tâm linh, vì vậy những thanh đồng chân truyền căn quả chỉ được phép đến nơi có không gian linh thiêng hành lễ. Sân khấu thì chỉ nên dành cho văn công, diễn viên. Thanh đồng không thuộc về sân khấu, show diễn.

Thanh đồng Trần Thị Huệ hầu giá Cô Bơ Thoải

Vậy thực hành hầu đồng có cần đào tạo để tránh có những hành vi phản cảm tự phát?

Thanh đồng Trần Thị Huệ : Biểu diễn sân khấu thì có thể học hỏi, rèn luyện và bắt chước nhưng với nghi thức tín ngưỡng hầu đồng tại các phủ, đền là hoạt động tâm linh không thể dạy. Mỗi ông đồng, bà đồng phải tự hành lễ theo đúng giá đồng và được mẫu ban danh, ban diện. Vì vậy, mỗi thanh đồng hầu mỗi giá đồng đều mang một thần thái khác nhau, dung nhan, diện mạo đổi diện theo từng giá hầu đồng. Đây là điều đã được các nhà nghiên cứu và các nhà ngoại giao đánh giá rất cao.

Khi thực hành nghi lễ tín ngưỡng đã được vinh danh và để loại bỏ những biến tướng trong hầu đồng thì rất cần những giáo sư, các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hoá và những ông đồng, bà đồng các tỉnh cùng ngồi lại với nhau để tham luận, đưa ra 1 cuốn sách thống nhất theo lối cổ truyền ngày xưa của ông cha ta để lại.

Cảm ơn bà!

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official

Từ khóa » Hầu đồng ở Huế