Thanh Hóa: Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Am Tiên - Nơi Giao Thoa Của đất ...

Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được người dân gọi là huyệt khí thiêng từ bao đời nay. Dù bạn là ai, khi đã lên đỉnh núi ngàn Nưa đều có cảm giác đang ở chốn “bồng lai tiên cảnh”, mây mờ giăng lối, những giọt sương long lanh trên những cành cây ngọn lá vào ngày đầu xuân, giúp bạn có một không gian thanh tịnh, êm ả, du dương mà không nơi nào có được.

Hàng cây cổ thụ dẫn vào khu di tíchHàng cây cổ thụ dẫn vào khu di tích

Nơi ghi dấu ấn của lịch sử

Tương truyền, di tích lịch sử núi Nưa - Am Tiên gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Bà Triệu còn có tên là Triệu Thị Trinh, đã cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt đã kêu gọi nhân dân giương cao ngọn cờ đứng lên đánh giặc cứu nước và cuộc khởi nghĩa được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Bà cùng với các nghĩa sĩ, quân dân đã lập nên những chiến công lừng lẫy, khiến giặc Ngô phải khiếp sợ. Bà Triệu với câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” vẫn được lưu danh sử sách muôn đời.

Xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà Triệu như: Gò Đống Thóc, Đồng Kỵ … Trên đỉnh Am Tiên có mạch nước ngầm trong vắt, kỳ lạ thay nước dù ở đỉnh núi nhưng lại không bao giờ cạn, mưa to nước không đầy tràn mà tạo thành một cái giếng rất tự nhiên nên người dân địa phương gọi là Giếng Tiên. Tương truyền Am Tiên từng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực và rèn luyện binh đao. Bởi vậy ngày nay, cứ đến tháng Giêng hàng năm, dòng người dâng hương tưởng niệm lại đổ về đền Nưa - Am Tiên nườm nượp.

Lễ hội Đền Nưa – Am Tiên một trong những lễ hội nổi tiếng của xứ ThanhLễ hội Đền Nưa – Am Tiên một trong những lễ hội nổi tiếng của xứ ThanhSau nhiều lần khai quật, xác định các di chỉ còn lại và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tháng 3/2009, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã công nhận địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm Núi Nưa, Đền Nưa - Am Tiên là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tháng 8/2011 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của nơi đây gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Huyệt đạo Am Tiên - huyệt khí quốc gia

Theo những bậc cao niên trong làng Cổ Định cho biết, từ thuở xưa đã có nhiều người vượt chín ngọn núi trập trùng lau trắng, để lên đỉnh cao nhất của dãy ngàn Nưa đi du xuân. Trước kia, người dân muốn lên nơi đây phải leo bộ, rẽ lối băng đồi từ 1 đến 2 giờ đồng hồ mới tới nơi, thậm chí những hôm trời mưa phùn, đường mòn trơn trợt rất khó đi.

Nằm cách huyệt đạo không xa, có một nguồn nước trong xanh từ trong núi chảy ra, mọi người thường gọi là “giếng tiên” được gọi là long mạch. Người dân ở đây cho hay nước giếng không bao giờ vơi cạn, kể cả mùa hạ, hạn hán kéo dài. Cũng theo lời các cụ cao niên ở làng Cổ Định, thuở trước, lối đi vào “giếng tiên” được phủ kín bởi hàng ngàn cây hoa đào. Dân làng thường gọi là động đào, bởi theo họ tương truyền rằng: “Xưa kia, các tiên nữ thường xuống đây hái đào và tắm nước giếng. Vì thế mới gọi là “giếng tiên”, “động đào”.

Huyệt khí ngàn Nưa nơi giao thoa của đất trờiHuyệt khí ngàn Nưa nơi giao thoa của đất trời

Nằm trên độ cao 538 m so với mực nước biển, quần thể di tích lịch sử Am Tiên được chia làm nhiều khu vực, đặc biệt ở một bãi đất rộng trên đỉnh núi Nưa có một huyệt đạo thiêng gọi là “huyệt khí quốc gia”. Ở Việt Nam có 3 huyệt đạo thiêng: Một là núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội; Hai là núi Bà Đen (Tây Ninh); Ba là huyệt đạo ở đỉnh núi Nưa, tỉnh Thanh Hóa). Đây là nơi giao hòa, đắc địa của trời đất nên cứ vào mùng 9 tháng Giêng hàng năm, hay còn gọi là ngày “mở cổng trời” lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và nhân dân các địa phương thường lên đây thắp hương cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Huyệt đạo thiêng có diện tích khoảng vài chục mét vuông, ở 4 hướng đều có 4 bát hương và ở giữa một bát hương của thổ thần ứng với Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Người dân địa phương truyền tai nhau đi quanh huyệt đạo để cầu sức khỏe và bình an, đối với nam thì 7 vòng, còn nữ thì 9 vòng (còn gọi là đường thiền hành).

Từ khi được công nhận di tích lịch sử quốc gia, thì con đường đã được đầu tư xây dựng khang trang, du khách có thể dễ dàng sử dụng xe máy hoặc ô tô dưới 16 chỗ lên khu di tích. Bãi gửi xe đã được xây dựng bố trí khoa học, an ninh trật tự được đảm bảo, khu di tích được quét dọn, vệ sinh môi trường hàng ngày, ban tổ chức lễ hội đang tích cực thắt chặt công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho du khách.

Với sự quan tâm, đầu tư, quy hoạch của các cấp, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, đến nay lượng khách đến với Đền Nưa - Am Tiên ngày càng tăng cao. Theo bà Vương Thị Hải Yến - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: từ Tết Canh Tý (2020) đến nay có khoảng trên 20.000 lượt khách về với Khu di tích Am Tiên, lượng khách tăng dần theo hàng năm. Đây cũng là động lực lớn để Thị trấn Nưa cố gắng hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thanh Đạt

Từ khóa » Sự Tích đền Am Tiên