Thanh Hóa: Độc đáo Tín Ngưỡng Văn Hóa Thờ Mẫu đền Cô Bơ

Tín ngưỡng thờ Mẫu” là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt Nam, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.

Thần tích cô Bơ Bông

Hình ảnh những ông Hoàng, bà Chúa được tái hiện lại trong dân gian qua hoạt động hầu đồng luôn mang đến sự hiếu kỳ, tò mò cho không chỉ “con nhang” mà còn rất nhiều người chiêm ngưỡng. Những nhân vật này được xem là hóa thân của những người có công giúp nước, giúp dân, trừ tà, sát quỷ mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tưởng nhớ công lao to lớn của họ theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nên nhân dân lập đền thờ để lưu danh muôn thuở, cho con cháu ngàn đời sau biết đến mà nhang khói, phụng thờ.

Cô Bơ Bông là một thánh cô nổi tiếng trong Tứ phủ Thánh cô. Người ta cho rằng, Cô Bơ được lệnh cha giáng trần để giúp vua, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung. Sau đó cô hiển linh giúp dân chúng ở vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió vậy nên cô có danh hiệu là Cô Bơ Bông hay Cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi ở nơi quê nhà cô là đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn). Đền chính của Cô hiện nay là Đền Ba Bông tại xã Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa.

Theo cuốn “Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên” được lưu giữ tại Thái Miếu họ Lê có ghi chép về thần tích cô Bơ Bông như sau:

“Vào khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: “Ta là con gái vua Thủy tề đây. Nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả”.

Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ. Ngày xưa, vào những năm đầu khởi nghĩa, Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp cô gái xinh đẹp, đoan trang đang tỉa ngô được cô cứu thoát. Để tỏ lòng biết ơn, nhà vua có nói với cô rằng: “Ta có một cháu trai tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Sau này kháng chiến thành công ta sẽ gả cháu ta cho cô”.

Người mà Lê Lợi nhắc đến chính là tướng quân Lê Khôi, cháu trai của Lê Lợi (Tướng Lê Khôi chính là một trong các hiện thân của Quan Hoàng Mười được thờ tại đền Củi ngày nay). Cô gái ấy chính là hiện thân của Cô Bơ. Tương truyền, sau thắng lợi, vua Lê Lợi có quay lại tìm cô gái nhưng không thấy. Như vậy lời hứa gả cô cho tướng Lê Khôi đã không được thực hiện.

Sau giấc mơ, biết cô gái tỉa ngô nơi xưa chính là con gái vua Thủy tề, hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, Lê Lợi đã phong cô là “Thượng Đằng Thần” và cho xây dựng đền để tưởng nhớ công lao của Cô.”

Đền cô Bơ – Hà Sơn, Thanh Hóa

Nằm bên dòng sông Mã, ở vùng “Đất Thanh kê ngũ huyện”, một tiếng gà gáy 5 huyện đều nghe, nơi đây có đền Hàn (hay còn gọi là đền Mẫu Đệ tam hoặc là Đệ tam thoải phủ), đền Ba Bông (hay còn gọi là Đền Cô Bơ hoặc là Cô Ba thoải phủ) là những di tích lịch sử văn hóa được xây dựng cách đây trên 500 năm, nơi đây đã được Nhà nước công nhận là một quần thể Di tích thắng cảnh với tên gọi Hàn Sơn, thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung. Trải qua biến cố thăng trầm của thời gian, di tích đền Hàn và đền Ba Bông đã có những giai đoạn bị phá bỏ và Lễ rước kiệu, Lễ rước bóng Cô Bơ nơi “Quốc mẫu dân cầu” cũng bị mai một lãng quên. Tuy vậy, mảnh đất “Anh linh” vua ban đã được nhân dân và khách thập phương nhiều lần tôn tạo, trùng tu, sửa đổi. Cùng với thời gian, nhân dân thập phương, các thanh đồng bản hội vẫn nô nức viếng thăm, hương khói cầu nguyện phước lành cho cuộc đời bình an, mùa màng tươi tốt, có thể nói đây là nơi “Quốc mẫu dân cầu” có một không hai (những nơi khác thờ Mẫu thoải, thờ Cô Ba chỉ là phối thờ hoặc chỉ là thờ vọng mà thôi). Cả hai đền này đã được công nhận Di tích cấp tỉnh năm 1992.

Từ năm 2008 xã Hà Sơn đã đầu tư xây dựng hệ thống đền Cô Bơ gồm nhà chính điện và các công trình phụ trợ khác, trị giá trên 10 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương. Trong những năm qua, xã Hà Sơn tiếp tục kêu gọi, vận động nhân dân, khách thập phương, các tổ chức, cá nhân và ngân sách địa phương đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, với số tiền gần 30 tỷ đồng xây dựng công trình nhà Chính điện, Lầu Cô, Lầu Cậu đền Hàn, cổng Nghinh Môn đền Bông đã hoàn thành trong năm 2015, 2016; từng bước khôi phục lại nguyên trạng cụm di tích Đền hàn Sơn. Đồng thời Hà Sơn cũng đang tăng cường công tác quản lý di tích thắng cảnh, tiếp tục vận động, kêu gọi đóng góp của khách thập để đầu tư xây dựng hoàn thành khuôn viên, bãi trông giữ xe cũng như nơi nghỉ chân cho khách thập phương đến lễ tại Đền ở cả 2 khu di tích.

Dân gian truyền tai nhau rằng, đền Cô Bơ rất linh, ai hữu sự đến kêu van cửa cô chỉ cần nhất tâm, lòng thành lễ bạc đều được như ý nên danh tiếng cô vang lừng khắp nơi nơi. Lại thêm những câu chuyện cô hiển linh lưu truyền trong dân gian càng làm cho ngôi đền trở nên linh ứng, kỳ bí và thiêng liêng, thu hút rất nhiều người đến hành hương xin cô ban lộc, độ cho sức khỏe dồi dào, vạn sự hanh thông.

Lễ hội Hàn Sơn – Cô Bơ nét đẹp văn hóa tâm linh

Lễ hội Hàn Sơn – Cô Bơ được tổ chức chính hội từ 29/06/2022 đến 28/07/2022; nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ ở Đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn, khi thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về, lễ rước được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống. Lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng xứ Thanh, trên bộ dưới sông xe thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời, kẻ Nam người Bắc, dưới ngược trên xuôi, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể.

Cổng đền Cô Bơ hướng Sông Mã
Cổng đền Cô Bơ hướng Sông Mã

Bước vào mùa lễ hội hằng năm, xã Hà Sơn đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày đến dâng hương, vãn cảnh, để đảm bảo về an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, xã Hà Sơn đã huy động lực lượng công an xã, dân quân tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội, đặc biệt là có đội dọn vệ sinh, thu gom rác thải tại Đền, tạo cảnh quan sạch đẹp nơi chốn linh thiêng để du khách thập phương và nhân dân đến lễ hội có càm giác thoải mái, an toàn và bình an.

Một lễ hội đặc sắc mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng dân gian đã và đang thu hút rất đông du khách trong, ngoài tỉnh về tham dự. Lễ hội Đền Hàn Sơn được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ tới những người có công khai thiên, lập địa vùng đất Hà Trung – Thanh Hóa, tưởng nhớ tới các anh hùng dân tộc có công chống giặc ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ngoài ra, tại lễ hội, còn có phần lễ rất tôn nghiêm để tưởng nhớ đến Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” - được tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”. Nơi đây đã và đang trở thành một không gian văn hóa lý tưởng, là một trung tâm du lịch lễ hội hấp dẫn đặc biệt ở Xứ Thanh và trong cả nước.

Qua thời gian, đền Ba Bông dần trở thành một địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng linh thiêng không chỉ với người mưu sinh bằng con đường sông nước. Và sinh hoạt hầu đồng ở đền Ba Bông cũng dần trở nên sôi động bất kể ngày đêm. Giữa mênh mang sông nước, tiếng trống, tiếng phách, nhạc, lời ca và những điệu nhảy, múa đặc trưng như thôi thúc, mời gọi, thúc dục, để chân ta bước, lòng ta chộn rộn hoan ca... một cảm giác giữa thực - ảo thật khó gọi tên.

Hiện nay, khu vực di tích và thắng cảnh Hàn Sơn với sự đa dạng núi non, hang động, sông nước, ruộng đồng, làng xóm xung quanh đã và đang trở thành một không gian văn hóa lý tưởng, biến nơi đây thành một trung tâm du lịch lễ hội hấp dẫn đặc biệt ở xứ Thanh và trong cả nước.

Gìn giữ văn hóa tâm linh tại đền cô Bơ – Hà Sơn

Nếu yêu thích tín ngưỡng thờ Mẫu, không ít người hẳn nhiên đã hơn một lần hòa mình vào không gian thiêng của nghi lễ hầu đồng. Hoặc ngược lại, có người vì vô tình bước vào không gian của buổi lễ hầu đồng nào đó mà nảy sinh niềm yêu mến, thôi thúc sự tìm hiểu về sự tâm linh, huyền hoặc của một tín ngưỡng. Tuy nhiên, dù đã tham gia hay chưa thì có lẽ, không hẳn ai cũng biết về những yếu tố liên quan tới nghi lễ hầu đồng. Trước hết, đó phải là không gian thiêng, nơi thờ Mẫu (các vị quan hoàng, cô, cậu...), cùng với cung văn (người đàn, hát) và hầu dâng (khăn áo, đăng đuốc) thì thanh đồng chính là trung tâm của mỗi giá đồng. Chỉ cần nhìn trang phục (xanh; đỏ; trắng; vàng), vũ điệu, thần khí, đạo cụ... trên người thanh đồng, người ta cũng đoán định được đấy là vị “thánh” nào. Điều đó giống như quy ước mà bất kì một thanh đồng nào khi đã vào hầu cũng phải tuân thủ nghiêm cẩn.

Hầu đồng tại đền Cô Bơ
Hầu đồng tại đền Cô Bơ

Có một điều đặc biệt, trong khi các tôn giáo (Phật Giáo; Thiên Chúa giáo...) đều có kinh, sách thì tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt lại tồn tại dưới những “bản văn” hát được lưu truyền trong dân gian. Theo đó, mỗi giá đồng lại ứng với những bản nhạc văn khác nhau: “Gió đưa thoang thoảng mùi nhang, thỉnh mời cô Chín giáng đàn chưng đây, Mẫu cửu trùng ngự chín tầng mây, cô thời mắc võng ngự thời cây sung (cô Chín); Ai về tới tỉnh Thanh Hóa, hỏi đền cô Thoải ngã ba thác Hàn, long lâu chính ngự tòa vàng, non xanh nước biếc cảnh càng tối linh (cô Ba Bông)... Và 36 giá đồng là 36 bản nhạc văn khác biệt. Lắng nghe những bản nhạc văn trong những lễ hầu đồng, đó là nguồn gốc, công trạng, đặc điểm, sở thích... của từng vị thánh giáng đồng.

Một ngày đẹp trời, dịu êm trong nắng vàng, tôi có dịp về đền Cô Bơ xã Hà sơn – huyện Hà trung – tỉnh Thanh Hóa. Với chất giọng trầm ấm, vẻ ngoài rạng rỡ là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp nghệ nhân dân gian, thanh đồng cung văn Nguyễn Văn Chung, thủ nhang đền Cô Bơ. Nghệ nhân tâm sự ngay từ còn nhỏ, tôi đã được tiếp xúc, bén duyên với truyền thống thờ Mẫu, dòng tộc cũng như những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương. Tôi tâm niệm rằng, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới như một chìa khóa mở cửa cho loại hình nghệ thuật hát chầu văn, diễn xướng, hầu đồng đến gần hơn với người dân và bạn bè quốc tế. Việc thực hành đúng chính là cách để quảng bá tín ngưỡng thờ Mẫu đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Là người làm con của Mẫu, trước hết phải có chữ Tâm, giữ gìn được đạo đức. Khoảng 10 năm qua, bên cạnh việc tích cực góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Cô Bơ – Hàn Sơn, nghệ nhân Nguyễn Văn Chung còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội cùng các sự kiện nghi lễ tại các đền thờ lớn bằng trách nhiệm và lòng tâm huyết nhiệt thành với cộng đồng, thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, đóng góp thường xuyên cho việc tôn tạo, tu bổ đền Hàn Sơn – Cô Bơ và nhiều nơi khác.

Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo di tích, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ trong thờ cúng, nghi thức trong các lễ hội tại đền Hàn Sơn – Cô Bơ cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền UBND xã Hà Sơn quan tâm, khôi phục và phát huy. Bên cạnh đó lễ hội tại các di tích thờ Mẫu trong địa bàn huyện Hà Trung thường được tổ chức linh đình, thu hút người dân địa phương và du khách.

Ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích có chỗ đứng đặc biệt trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, có sức lan tỏa lớn trong xã hội đương đại. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện khả năng tích hợp văn hóa với đạo Phật, đạo Giáo, đạo Nho để hướng đến cuộc sống thực tại của người dân lao động với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tích hợp nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật như hầu đồng, những điệu múa thiêng, là môi trường để dung dưỡng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Vì lẽ đó, các đền thờ Mẫu luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Thanh nói riêng, và người dân cả nước nói chung

Văn Hiếu

Từ khóa » đền Thờ Cô Bơ ở Thanh Hoá