Thanh Hóa: Trên Công Trường Thi Công Tuyến đường Bộ Ven Biển

Nạo vét, đắp nền đường dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua huyện Hậu Lộc

Các địa phương có dự án đi qua đã, đang tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đến hết tháng 3-2022, đất nông nghiệp ảnh hưởng bởi dự án, các huyện đã bàn giao được 21,26 km/23,72 km (trong đó, Nga Sơn 6,94 km/7,12 km, Hậu Lộc 9,4 km/11,27 km, Hoằng Hóa 4,92 km/5,33 km); phần đất thổ cư dài 2,46 km, các địa phương đang bố trí tái định cư và lập dự toán bồi thường. Tuy nhiên, việc GPMB dự án hiện vẫn đang còn gặp vướng mắc, đối với huyện Hậu Lộc vướng mắc 10 hộ dân, với chiều dài 556m, liên quan đến đất trang trại, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, xã Đa Lộc 6 hộ, xã Minh Lộc 2 hộ, xã Hòa Lộc 2 hộ và tại nút giao xã Minh Lộc 2 hộ. Xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) vướng mắc 3 hộ và trên địa bàn huyện còn vướng mắc đường điện ngầm, đường ống nước D400 chưa được di dời.

Khi các địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, các nhà thầu huy động nhân lực, xe, máy, thiết bị, vật tư thi công ngay đến đó. Dự án có 2 gói thầu xây lắp (gói thầu số 5, số 6), tổng sản lượng thực hiện từ đầu dự án đến hết tháng 3-2022 được 70 tỷ đồng/1.522 tỷ đồng, đạt 4,6% tổng giá trị xây lắp. Gói thầu số 5 (đoạn Km0+00 – Km7+645), nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, giá trị hợp đồng 588,437 tỷ đồng. Hiện nhà thầu đang triển khai 3 mũi thi công, đào vét hữu cơ, rải vải địa kỹ thuật, đắp nền đường, thi công cầu Mỹ Liên, cầu Lạch Sung. Gói thầu số 6 (đoạn Km7+645 - Km23+723), nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam, giá trị hợp đồng 934,31 tỷ đồng.

Hiện Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung, triển khai 6 mũi thi công đào vét hữu cơ, trải vải địa, đóng cọc tre, đắp đất nền đường, đúc cấu kiện bê tông cốt thép cống thoát nước... Ông Đỗ Văn Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung, chỉ huy trưởng công trường, cho biết: Hiện tập đoàn đang huy động 120 lao động, 16 máy xúc, 15 máy lu, 60 xe ô tô tải, tổ chức 6 mũi thi công trải dài trên tuyến trúng thầu. Hiện tập đoàn đang tranh thủ những này thời tiết thuận lợi, làm tăng thời gian để đẩy nhanh tiến độ thi công và phấn đấu trong năm 2022 sản lượng thi công đạt gần 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mặt bằng thi công của gói thầu qua địa bàn hai huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa vẫn còn vướng mắc khoảng 10 điểm nên tập đoàn rất khó khăn trong việc triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Tập đoàn đề nghị hai huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa bàn giao sớm mặt bằng cho đơn vị thi công, bởi lẽ nhiều đoạn tuyến của dự án có nền đất yếu phải xử lý đắp đất nền và thực hiện gia tải, thời gian khoảng 1 năm. Ngoài ra, trong quá trình thi công gói thầu của dự án, với khối lượng đất đắp nền đường hơn 700.000m3, nhưng rất khan hiếm. Hiện tập đoàn đang lấy đất tại mỏ đồi Phú Nham, xã Hà Ninh (Hà Trung) và tại đây có nhiều đơn vị cùng lấy đất, trong khi năng lực khai thác của chủ mỏ chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, giá đất tại mỏ hiện tăng khoảng 30% so với trước. Đi đôi với đó, giá xăng, dầu (chủ yếu là dầu) tăng gần gấp đôi so với giá dự thầu của đơn vị. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều lao động tại công trường bị F0 phải nghỉ làm, đã ảnh hưởng lớn đến việc bố trí lao động thi công.

Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam thi công cầu Lạch Trường, nằm trên địa bàn 2 xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Yến (Hoằng Hóa) và được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép đúc hẫng; cầu có chiều dài 1.321m, mặt cầu rộng 12m, giá trị xây lắp 416 tỷ đồng. Kỹ sư Phạm Văn Hiền, chỉ huy trưởng công trường, cho biết: Hiện công ty bố trí 70 lao động, 4 dây chuyền khoan cọc nhồi, các thiết bị thi công cầu và đang triển khai 2 mũi thi công đắp đường công vụ, mặt bằng để thi công mố, trụ và khoan cọc nhồi trụ cầu. Tuy nhiên, hiện giá xăng, dầu, sắt thép phục vụ cho thi công cầu tăng từ 25% đến 35% so với giá công ty dự thầu. Trong đó, chỉ tính sắt thép phục vụ cho thi công cầu khoảng 5.000 tấn và hiện công ty đã mua, tập kết tại công trường thi công là 500 tấn, nhưng giá cao hơn giá dự thầu là 1,5 tỷ đồng, nên gặp khá nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết quá trình thực hiện dự án, cho thấy, phần đất nông nghiệp đã cơ bản GPMB xong nhưng vẫn còn vướng mắc cục bộ tại một số vị trí liên quan đến đất trang trại, đất nuôi trồng thủy sản. Một số hộ dân nuôi trồng thủy sản vẫn chưa thu hoạch tài sản để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công. Đối với đất thổ cư, vật kiến trúc, việc bố trí tái định cư của các địa phương còn chậm. Về triển khai thi công, nguồn vật liệu đất đắp khó khăn, tập kết chậm do trữ lượng các mỏ vật liệu hiện tại còn ít, trong khi có nhiều dự án trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công.

Ban quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đề nghị UBND các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, khẩn trương giải quyết dứt điểm các hộ dân còn vướng mắc liên quan đến đất trang trại, đất nuôi trồng thủy sản, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật như đường điện, đường nước, viễn thông..., bố trí tái định cư để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đi đôi với đó, Ban Quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đang chỉ đạo các nhà thầu tập trung huy động tối đa nhân lực, máy móc, vật liệu, thiết bị đồng bộ để triển khai đồng thời tất cả các mũi thi công theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT, để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án và hoàn thành giải ngân vốn theo kế hoạch được duyệt. Ban đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu phương án cấp phép hoặc cho phép mở rộng quy mô khai thác các mỏ vật liệu (đất đắp) để bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ thi công đáp ứng tiến độ dự án.

Từ khóa » đường Ven Biển đi Qua Hậu Lộc