Thành Phần Của đất Trồng? Vai Trò Của Chất Hữu Cơ Trong đất - Sfarm

Đất – là yếu tố mang tính quyết định trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Đất có tốt, thì canh tác mới đạt các tiêu chí năng suất, chất lượng như mong đợi. Để đánh giá về đất canh tác, người ta thường đề cập đến các điểm như: độ phì, chất hữu cơ, mùn, hệ vi sinh,… Vậy các bạn đã biết những thành phần của đất trồng là gì? Chất hữu cơ và mùn trong đất là gì? Có ảnh hưởng đến cây trồng như thế nào? Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu qua bài viết sau.

  1. 1/ Đặc điểm của đất trồng Việt Nam?
  2. 2/ Những thành phần của đất trồng?
    1. 2.1. Phần khí
    2. 2.2. Phần lỏng
    3. 2.3. Phần rắn
  3. 3/ Quá trình biến hóa xác hữu cơ trong đất
  4. 4/ Mùn và quá trình mùn hóa
  5. 5/ Thành phần của mùn
    1. 5.1 Acid Humic
    2. 5.2 Acid Fulvic
    3. 5.3 Hợp chất Humin
  6. 6/ Vai trò của chất hữu cơ và mùn trong đất
    1. 6.1 Ðối với quá trình hình thành và tính chất đất
    2. 6.2 Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và vi sinh vật
    3. 6.3 Duy trì và bảo vệ đất

1/ Đặc điểm của đất trồng Việt Nam?

Đất ở mỗi quốc gia trên thế giới sẽ có đặc trưng riêng khác nhau. Tại Việt Nam, có 31 triệu hecta đất được hình thành từ nhiều loại đá mẹ và mẫu chất. Theo số liệu thống kê, tại nước ta hiện có tổng 22 nhóm đất chính và 66 đơn vị đất. Trong đó, chiếm phần lớn là các nhóm đất phù sa, đất xám, đất đỏ (trên 90%). Đất Việt Nam có các đặc điểm như sau:

  • Đa số diện tích đất là đất chua hoặc rất chua.
  • Tỷ lệ các chất hữu cơ trong đất trồng thấp.
  • Mức độ bão hòa bazơ thấp.
  • Quá trình tích lũy sắt, nhôm xảy ra mạnh.
  • Một nửa diện tích đất có chất lượng xấu cần được cải tạo.

thanh phan cua dat trongThành phần trong đất có những gì?

2/ Những thành phần của đất trồng?

Đất có 3 phần chính là phần khí, phần lỏng và phần rắn. Mỗi phần sẽ đảm nhiệm các chức năng riêng. Việc nắm rõ thông tin về thành phần của đất sẽ giúp các bạn có phương pháp cải tạo đất trở nên chất lượng hơn, làm cho cây mau lớn và khỏe mạnh.

2.1. Phần khí

Phần khí của đất trồng là không khí trong khe hở của đất, cung cấp oxy cần thiết cho cây và làm đất trở nên tơi xốp. Không khí có trong đất trồng cũng chứa các chất nitơ, oxi, cacbonic giống như không khí trong khí quyển. Tuy nhiên, lượng oxy trong đất thấp hơn lượng oxi trong khí quyển nhưng lượng cacbonic lại nhiều hơn lượng oxi trong khí quyển tới hàng trăm lần.

2.2. Phần lỏng

Phần lỏng của đất trồng là nước trong đất. Phần nước này có tác dụng hòa tan các chất dinh dưỡng. Cụ thể, rễ cây hấp thụ nước và muối khoáng nhờ lông mút, lông mút hấp thụ muối khoáng cho cây. Bất cứ một loại cây trồng nào cũng cần được cấp đủ nước mới sinh trưởng tốt. Chỉ cần thiếu nước trong một khoảng thời gian ngắn thì cây cũng có thể bị héo, chết khô.

2.3. Phần rắn

Phần rắn của đất trồng có các thành phần gì tạo thành? Phần rắn gồm các chất vô cơ và chất hữu cơ. Trong đó, đất canh tác khô thường chứa khoảng 5% chất hữu cơ và 95% chất vô cơ. Đất than bùn lại chứa tới 90% chất hữu cơ. Đất xám có chỉ có khoảng 1% chất hữu cơ.

Chất vô cơ

Chất vô cơ là thành phần chủ yếu của đất với các chất hóa học H, C, S, K, P và N cần thiết cho cây trồng. Những nguyên tố này chứa trong đất nhiều hơn trong đá nên đất trồng mới nuôi sống được thực vật. Một trong những sản phẩm cuối cùng của quá trình phong hóa đá mẹ là các hạt keo đất. Chúng có bản chất vô cơ với khả năng hấp phụ các chất độc trong đất, làm giảm độc tính của những chất gây độc cho thực vật.

Chất hữu cơ

Chất hữu cơ là yếu tố cơ bản để phân biệt giữa đất và đá mẹ. Số lượng và tính chất của chất hữu cơ tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành đất, góp phần quyết định nhiều tính chất: lý, hoá, sinh và độ phì nhiêu của đất. Toàn bộ các hợp chất hữu cơ có trong đất được gọi là chất hữu cơ của đất.

Có thể chia chất hữu cơ của đất làm 2 phần:

  • Tàn tích hữu cơ chưa bị phân giải (rễ, thân, lá cây, xác động vật) vẫn giữ nguyên hình thể.
  • Chất hữu cơ đã được phân giải gồm: mùn và các hợp chất ngoài mùn.

thành phần của đất trồng

Nguồn gốc của chất hữu cơ: Trong đất tự nhiên, nguồn hữu cơ cung cấp duy nhất cho đất là tàn tích sinh vật bao gồm xác thực vật, động vật và vi sinh vật. Ðối với đất trồng trọt ngoài tàn tích sinh vật còn có một nguồn hữu cơ bổ sung thường xuyên đó là phân hữu cơ.

3/ Quá trình biến hóa xác hữu cơ trong đất

Sự biến hoá xác hữu cơ trong đất là một quá trình sinh hoá học phức tạp, xảy ra với sự tham gia trực tiếp của vi sinh vật, động vật, oxy không khí và nước.

Xác thực vật tồn tại trên mặt đất hoặc trong các tầng đất, trong quá trình phân giải chúng mất cấu tạo, hình dạng ban đầu và biến thành những hợp chất hoạt tính hơn, dễ hoà tan hơn.

Một phần những hợp chất này được khoáng hoá hoàn toàn, sản phẩm của quá trình này là nước, một số khí và những hợp chất khoáng đơn giản, trong số đó có nhiều chất dinh dưỡng cho thực vật.

Một phần được vi sinh vật dùng để tổng hợp protit, lipit, gluxit và một số hợp chất mới, xây dựng cơ thể chúng và khi chúng chết đi lại được phân huỷ.

Phần thứ ba biến thành những hợp chất hữu cơ cao phân tử có cấu tạo phức tạp – đó là những hợp chất mùn. Những hợp chất mùn này lại có thể bị khoáng hoá.

Như vậy xác hữu cơ trong đất chịu sự tác động của 2 quá trình song song tồn tại, tuỳ theo điều kiện đất, khí hậu, thành phần xác sinh vật mà một trong hai quá trình ấy chiếm ưu thế. Hai quá trình này là: quá trình khoáng hoá xác hữu cơ và quá trình mùn hoá xác hữu cơ.

4/ Mùn và quá trình mùn hóa

Mùn là những hợp chất hữu cơ cao phân tử phức tạp mà phân tử bao gồm nhiều đơn vị cấu tạo khác nhau, chúng được nối với nhau bằng các cầu nối. Mỗi đơn vị cấu tạo bao gồm nhân vòng, mạch nhánh, chúng chứa nhiều nhóm định chức khác nhau và mang tính axit.

Mùn hoá là quá trình tổng hợp những sản phẩm phân giải xác hữu cơ dẫn đến sự hình thành những hợp chất mùn.

5/ Thành phần của mùn

Mùn đất gồm 2 phần:

  • Phần không tan: là các xác hữu cơ chưa phân giải và hợp chất humin,
  • Phần hoà tan: là các axit mùn gồm axit humic và axit fulvic.

5.1 Acid Humic

Acid humic không hoà tan trong nước và axit vô cơ. Thành phần nguyên tố của axit humic chủ yếu bao gồm C, H, O, N. Hàm lượng các nguyên tố này khác nhau phụ thuộc vào loại đất, thành phần hoá học của tàn tích sinh vật, điều kiện mùn hoá và phương pháp tách acid humic khỏi đất.

Về cơ bản acid humic là keo ở dạng gel, nhưng chúng rất dễ bị tán bởi các dung dịch kiềm để tạo thành dung dịch phân tử hoặc dung dịch keo. Vì ở dạng keo nên axit humic có khả năng hấp phụ cao. Tính đệm của acid humic cũng rất cao cho nên ở đất giàu acid humic thì pH đất ổn định hơn.

5.2 Acid Fulvic

Là acid mùn có màu vàng, dễ tan trong nước, axit hoặc kiềm loãng. gần giống với acid humic, thành phần nguyên tố của acid fulvic khác nhau ở những đất khác nhau. Một phần acid fulvic được hình thành do kết quả của quá trình mùn hoá xác hữu cơ, phần khác được hình thành do sự biến đổi axit humic thành axit fulvic.

5.3 Hợp chất Humin

Humin là phần không hoà tan của hợp chất mùn, nó bao gồm các axit mùn liên kết chặt chẽ với phần vô cơ của đất. Humin là nhóm các hợp chất hữu cơ khác nhau, chúng phân biệt với các nhóm khác chủ yếu bởi tính chất không hoà tan trong môi trường axit lẫn môi trường kiềm.

thành phần của đất trồng

6/ Vai trò của chất hữu cơ và mùn trong đất

Có thể nói chất hữu cơ và mùn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả quá trình xảy ra trong đất và hầu hết các tính chất lý, hoá, sinh của đất. Vai trò của chúng được thể hiện ở những điểm chính sau:

6.1 Ðối với quá trình hình thành và tính chất đất

  • Là dấu hiệu cơ bản phân biệt đất với đá mẹ. Sự tích luỹ của chất hữu cơ và mùn trong đất gắn liền với sự phát sinh đất.
  • Là dấu hiệu hình thái quan trọng biểu thị độ phì nhiêu của đất.
  • Với lý tính đất: chất hữu cơ và mùn có tác dụng cải thiện trạng thái kết cấu đất, ảnh hưởng đến toàn bộ lý tính đất như tính thấm và giữ nước tốt hơn, chế độ khí, sự hấp thu nhiệt và giữ nhiệt tốt hơn. Giúp việc trồng trọt thuận lợi cho cây trồng phát triển cũng như dễ dàng làm đất hơn.
  • Với hoá tính đất: chất hữu cơ xúc tiến các phản ứng hoá học, cải thiện điều kiện oxy hoá, gắn liền với sự di động và kết tủa của các nguyên tố vô cơ trong đất. Chất hữu cơ nói chung làm tăng khả năng hấp phụ của đất, giữ được các chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất.

6.2 Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và vi sinh vật

  • Chất hữu cơ đất đều chứa các nguyên tố dinh dưỡng: N, P, K, S, Ca, Mg và các nguyên tố vi lượng, trong đó đặc biệt là N. Vì vậy chất hữu cơ đất vừa cung cấp thức ăn thường xuyên vừa là kho dự trữ dinh dưỡng lâu dài của cây trồng cũng như vi sinh vật đất.
  • Là nguồn lớn cung cấp CO2 cho thực vật quang hợp.
  • Chứa một số chất có hoạt tính sinh học (chất sinh trưởng tự nhiên, men, vitamin…) kích thích sự phát sinh và phát triển của bộ rễ, làm nâng cao tính thẩm thấu của màng tế bào, huy động dinh dưỡng…

6.3 Duy trì và bảo vệ đất

  • Chất hữu cơ chứa các hợp chất kháng sinh cho thực vật chống lại sự phát sinh sâu bệnh và là môi trường rất tốt làm tăng hoạt tính của hầu hết vi sinh vật đất.
  • Tăng cường sự phân giải của vi sinh vật hoặc xúc tác cho sự phân giải các thuốc bảo vệ thực vật trong đất.
  • Cố định các chất gây ô nhiễm trong đất, làm giảm mức độ dễ tiêu của các chất độc cho thực vật.

Từ đó, có thể thấy vai trò của chất hữu cơ và mùn trong đất là hết sức quan trọng. Để bắt đầu canh tác nông nghiệp hữu cơ tốt nhất, nên chọn đất làm trung tâm, chất hữu cơ và mùn trong đất là hai yếu tố cần được bảo vệ và tăng cường.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

  • Hiểu về phân bón hữu cơ
  • Thực phẩm bẩn – nguồn gốc của những căn bệnh ung thư hiểm nghèo
  • Con đường cho sản phẩm hữu cơ bước vào siêu thị
  • Lợi ích trăm bề từ phát triển nông nghiệp hữu cơ
=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé! 5/5 - (11 bình chọn)

Từ khóa » Chất Hữu Cơ Của đất Là Gì