Thành Phần Hữu Cơ Của đất - Phân Bón Lưu Ích

Mặc dù các chất hữu cơ chỉ chiếm 2 – 5 % tổng khối lượng của đất nhưng rất quan trọng đối với thực vật và hệ sinh vật đất nói chung, chúng tham gia vào rất nhiều các quá trình hoá học và hoá sinh học trong môi trường đất.

Các thành phần hữu cơ trong đất thường nằm ở những lớp trên cùng, gồm các khí sinh học, một phần các chất phân huỷ của động thực vật và các chất mùn humin. Thành phần hữu cơ trong đất phụ thuộc vào các yếu tố khí hậu, địa hình và tình trạng cải tạo đất.

Các thành phần hữu cơ trong đất có thể xếp loại theo các chất mùn và các chất  không phải mùn như các cacbuahydro, protein, mỡ… Các axit hữu cơ bậc thấp có trong đất được khoáng hoá nhanh bởi các vi sinh vật, vì vậy tuổi thọ trong đất của chúng rất ngắn. Các chất mùn, ngược lại có cấu trúc phức tạp, có tính axit và thường có màu sẫm, chủ yếu là các chất thơm đa điện ly và một phần là các hợp chất chứa oxi. Chúng là bậc trung gian của quá trình khoáng hoá các chất hữu cơ trong mùn và ảnh hưởng tới khả năng hút nước, khả năng trao đổi ion của đất cũng như khả năng kiên kết các ion kim loại. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về các hợp chất humin, tuy nhiên người ta vẫn chưa xác định được công thức cấu tạo mà chỉ xác định thành phần nguyên tố, khi bị rửa trôi vào môi trường nước thì chúng phân ly thành các nhóm hữu cơ. Trên cơ sở độ hoàn tan, có thể chia chất mùn thành 3 dạng: axit humic, axit fulvic và các humin.

Ngoài ra trong đất còn có các cacbuahydro chiếm 5 – 20% tổng lượng hữu cơ trong đất. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các ion kim loại  từ nguồn khí quyển vào đất và ảnh hưởng tới quá trình sinh học xảy ra trong đất.

Vì các chất hữu cơ trong đất tạo phức với các khoáng đất sét nên đặc tính của các hạt keo là rất quan trọng, chúng có thể là chất hấp phụ đối với các khoáng cũng như có thể liên kết hàng loạt các chất với nhau qua quá trình hấp phụ. Hàm lượng các chất hữu cơ trong đất quy định hiệu quả sản xuất của một loại đất nào đó. Vì nó đảm bảo cho các vi sinh vật hoạt động trong lòng đất, xúc tiến cho quá trình hình thành những hợp chất mà cây cối có thể hấp thu được.

Các hợp chất hữu cơ cung cấp thức ăn cho các vi sinh vật, động vật và thực vật trong đất; tham gia vào các phản ứng hóa học như trao đổi ion, giữ các tính chất vật lý của đất, ngoài ra chúng còn góp phần vào quá trình khoáng hoá các chất vô cơ.

Dưới tác dụng của nhiệt độ, các vi sinh vật, không khí và nước, các chất hữu cơ trong đất bị biến đổi theo hai hướng là vô cơ hoá và mùn hoá. Vô cơ hoá là quá trình phân huỷ các chất hữu cơ thành các loại hợp chất vô cơ như các loại muối khoáng; còn mùn hoá là quá trình biến đổi các chất hữu cơ  cả chất vô cơ thành một chất mùn đen gọi là mùn đã nói ở trên. Mùn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Mùn làm cho đất xốp, giữ được độ ẩm và giữ màu mỡ cho đất. Những chất mùn tạo ra các lớp quan trọng nhất của các hệ phức chất trong đất, chính là các hạt keo đất.

 Theo Phạm Thị Hà (Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng)

Từ khóa » Thành Phần Chất Hữu Cơ Của đất Là Gì